Trạm giao liên ngày ấy giữa Thành phố Đỏ
 Trạm giao liên ấy ra đời từ những năm đầu thập kỷ thứ 7, thế kỷ thứ XX. Đến bây giờ, nhiều người vẫn chưa biết?! Những nhân chứng lịch sử dần thưa đi. Chúng tôi cố tìm nhưng vẫn trong tình trạng chắp nối.

 

 Chùa Diệc                                    Ảnh: K.H

Trong một dịp chuyện trò với Đại tá Lê Mạnh Kế, quê Đức Hoá - Tuyên Hoá (Quảng Bình) về nghỉ hưu tham gia công tác ở Trường Thi, TP. Vinh, được biết là ông đã từng vào nghỉ tại đó, trên đường đi B. Sau khi có Nghị quyết 15 của BCH Trung ương Đảng khoá III, nhất là khi Bộ chính trị có Chỉ thị 31-1-1961, công tác chi viện cán bộ cho cách mạng miền Nam được triển khai với nhịp độ ngày càng tăng. Đại tá Lê Mạnh Kế cho biết: "Hồi đó, tôi là đại uý, được đi trong đoàn cán bộ bổ sung cho B2, vào tăng cường để lập các bộ tư lệnh Quân khu, các cơ quan Bộ Tư lệnh Miền.

Riêng tôi là cán bộ chính trị được bố trí về trong đợt lập trường quân sự của miền. Xe chúng tôi xuất phát từ Sơn Tây, vào đến Vinh thì trời đã sắp tối. Xe bịt kín. Người đi trên xe đều được trang bị theo tiêu chuẩn đi B. Khi xe chạy qua đoạn bến xe Vinh, qua khe hở tôi liếc mắt về phía mảnh đất nằm giáp múi giữa 3 con đường Lê Hồng Phong - Nguyễn Thị Minh Khai và Quang Trung. Nơi đó là khu tập thể Công ty ăn uống Vinh, có vợ và hai con gái Hằng, Huyền đang ở. Tôi hy vọng có thể loáng thoáng thấy được hình bóng thương thương của căn phòng đã từng là tổ ấm chật chội nhưng tràn đầy hạnh phúc mà chúng tôi sinh sống chứ chẳng mong gì thấy vợ con. Kỷ luật giữ bí mật nghiêm minh.

Lơ mơ mà lộ ra thì nguyện vọng cháy bỏng ấp ủ bao lâu được vào Nam chiến đấu sẽ tan thành mây khói. Cho nên không ai biết và tôi cũng không để lộ là vợ cơn mình đang ở đây. Bỗng nhiên, tôi thấy cháu Hằng mới hơn 2 tuổi đang lon ton chạy ra nhìn xe. Xe ô tô hồi đó còn hiếm. Đằng sau là mẹ Thuyên của cháu đang tất tả chạy theo bế con vào. Hình ảnh vợ đang bụng mang dạ chửa sắp đến ngày "vượt cạn" và hai con còn tay bồng, tay dắt, lòng dạ tôi trào lên những niềm nỗi khó tả. Vừa thương, vừa nhớ, vừa nghĩ đến những thử thách mà người đảng viên - người bạn trăm năm sẽ thầm lặng vượt lên trong những năm tháng đằng đΩng bặt tin sắp tới. Tôi cũng không ngờ, xe chạy chầm chậm thêm một quãng rồi rẽ phải vào Chùa Diệc. Lại một thoáng phân vân. Xe rẽ vào đây làm gì lúc này? Lại một thoáng hy vọng. Biết đâu trong những dòng trích ngang mà trưởng đoàn, trưởng toán quản sẽ dành cho tôi một "đặc ân" nào đó, dù chỉ mấy phút ưu tiên?

Nghĩ là nghĩ vậy thôi, chứ mọi thứ đều tự xác định từ đầu, khi bước vào nơi rèn luyện hành quân xa mang vác nặng. Người bạn đời tôi, Nguyễn Thị Kim Thuyên cũng như bao vợ con đồng chí tôi cũng đều một lòng, một dạ hiểu sâu, hiểu rõ vinh dự và trách nhiệm của người ở lại hậu phương. Ra đi hẹn ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng gặp lại. Cũng sΩn sàng đón điều không mong muốn xảy ra là người thân mãi mãi không về. Đêm đó, tôi và đoàn nghỉ lại ở khuôn viên Chùa Diệc.

Cơm nước, nơi ăn chốn nghỉ đều có người lo. Nội bất xuất, ngoại bất nhập. Cách nhau chỉ vài trăm mét, phía tây và phía đông mặt đường mà chẳng một tin tức nào. Hơn nữa, cũng không một ai tọc mạch. Biền biệt 15 năm, khi trở về tôi mới kể lại cho vợ con cái chiều tối và đêm đặc biệt trong đời ấy. Bấy giờ, vợ tôi đã là phó Ty Thương nghiệp tỉnh. Vậy mà, vợ tôi cũng chẳng hay biết gì về nơi tôi và đồng đội dừng chân hôm đó. Cũng chẳng ai nghĩ đó là một trạm giao liên đã đón - đưa bao đoàn cán bộ trung cấp, cao cấp quân đội vào Nam. Tiếc thay, khi trở về thì nơi đó đã bị bom Mỹ tàn phá chỉ còn lại cái cổng nham nhở và ba chữ "Cổ Diệc Tự". Tôi mong muốn giá như nơi đây được coi là một chứng tích lịch sử thì giá trị văn hoá lâu bền sẽ được bồi đắp biết bao lần..."!

Bây giờ, đại tá Lê Mạnh Kế và nhiều đồng chí đã đi xa nhưng ý tưởng ấy, nguyện vọng sâu xa ấy hẳn cần được quan tâm sưu tập nếu không muốn phí phạm mất một di sản vô giá khi TP. Vinh đang là điểm đến hẫp dẫn của du khách gần xa.

Đại tá Phan Xuyến Thanh Đồng - Baonghean

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh