Truyền thống của một dòng họ

Cây có cội, nước có nguồn
Người có quê hương dòng tộc


Quê hương là thôn ấp, xã làng, nơi mà Tổ Tiên ta đã dày công khai hoang vỡ hóa, tạo nên ruộng nên vườn.
Cách đây gần 500 năm dòng tộc Lê Khắc xưa và Lê Trọng bây giờ đã trải qua biết bao thăng trầm biến đổi để có được sự ổn định và phát triển như ngày hôm nay. Đó là cả một quá trình phấn đấu hy sinh bảo tồn và gìn giữ những giá trị văn hoá tâm linh vật thể của tổ tiên dòng tộc. Người đã phò vua giúp nước khai sáng ra dòng họ Lê Khắc ngày xưa và họ Lê Trọng bây giờ là Ngài Lê Khắc Khoan. Đương thời Ngài đã từng giữ chức Đô Đốc Tham Tứ Vệ Quân tước Kỳ  Quận Công. Sau này xét công trạng của ngài có nhiều công lao với đất nước vua trang tông tiếp tục truy phong cho Ngài là “Kiệt Tiết Tuyên Lực Công Thần Thượng Tướng Quân, anh uy hùng chấn hộ vận an dân, tuyên uy địch tiết Lê  Công Đại Vương” Phong cho Thân sinh của ngài Tước Thái Bảo, cho quê Ngài được  mang tên Báo Ân, cho dân làng lập đền thờ tại bãi cây Thị thường gọi là Miếu nhà Rài.

                                          

            Theo gia phả Họ Lê, ngài Thái Bảo Quận Công ngụ trên một vùng đất phong thuỷ hữu tình. Sinh thời Ngài đã trồng ở đây một cây Đại Muỗm rất linh thiêng. Sau này dân làng gọi là Cố Viên. Ở Đồng Bang cho xây đình chợ Kỳ. Dưới chân núi Côn Bằng cho lập Trại Nhà Lao. Đến triều nhà Nguyễn lập thêm miếu thờ tại Cồn Chà Mô, thường gọi là Miếu Nhà  Vua.

            Mộ của Ngài Thái Bảo Quận Công được an táng trên vùng đất hữu linh. Sau trước núi non hùng vỹ quanh năm nước chảy ngày đêm và nét độc đáo riêng có thể hiện tính đặc trưng cho hậu duệ đời sau dể nhận biết đó là: Tất cả dòng mộ từ phụ mẩu, phu thê, huynh đệ, tử tức của ngài đều được thiết kế, xây dựng duy nhất một kiểu thuyền rồng và đều được khắc ghi bia đá tráng lệ uy linh. Có thể nói rằng những địa danh xưa như: Cố Viên, đình Chợ Kỳ, miếu Nhà Vua, miếu nhà Rài, trại nhà Lao và các phần mộ của Thái Bảo Quận Công ngày nay nếu như được quy hoạch, tôn tạo sẽ trở thành một quần thể di tích và là một vùng đất có tiềm năng du lịch của huyện Lộc Hà.

            Ngót một thế kỷ ngụ trên thôn Báo Ân, gia tộc Thái Bảo Quận Công đã thành danh gia vọng tộc. Con cháu đều được phong tước Công Hầu, Đại Phu. Con gái Ngài Lê Khắc Khoan là phu nhân của Hoàng Giáp Đô Đại Ngự Sử Lục Bộ Thượng Thư Nguyễn Văn  Giai.

            Đến đời vua Thuần Tông niên hiệu Dương Hoà (1635-1643), cụ Lê Khắc Thuận, đích tôn của Ngài Lê Khắc Khoan lập chúc thư: Dời về đất  Vĩnh Bảo  xã Phúc Toàn xưa và nay là xã Bình Lộc ngày nay. Đến đời thứ 8, tộc trưởng Lê Khắc Lầu cho dựng nhà thờ Thái Bảo Quận Công trên địa phận xóm 11 xã Bình Lộc.

Năm 1864 vào thời tộc trưởng Lê Khắc Thuỵ, họ Lê Khắc đã tổ chức đại lễ “Kỷ niệm nguyên Tổ” quyết định đổi họ Lê Khắc thành họ Lê Trọng, mở ra một kỷ nguyên mới cho con cháu các đời hậu duệ của Thái  Bảo Quận Công. Đây là thời kỳ rất thành đạt và thịnh vượng của con cháu họ Lê Trọng. Nhiều người đổ đạt được vua ban lệnh chỉ. Vào những năm 1890 đến năm 1894 Vua Thành Thái ban hai sắc phong cho  Thái Bảo Quận Công 23 năm sau dòng tộc Lê Trọng lại được vua Khải Định ban thêm hai sắc phong nữa. Trong thời gian 34 năm từ (1890 -1924) con cháu Thái Bảo Quận Công được ban tặng 5 sắc phong. Đây là thời kỳ hoàng kim của dòng tộc Lê Trọng, Thái Bảo Quận công được tôn vinh, con cháu dòng tộc Lê Trọng nói riêng, nhân dân làng Vĩnh Hòa và các làng phụ cận nói chung được được sống trong bầu không khí tràn đầy niềm vinh dự tự hào và phấn khởi, Có thể khẳng định rằng mỗi chặng đường đi qua là mỗi mốc son lịch sử huy hoàng chói lọi của dòng tộc Lê Trọng.

 Nhờ linh khí của quê cha, nhờ danh thơm của dòng họ, nên bất cứ ở nơi nào, chế độ nào, hoàn cảnh nào cũng luôn luôn có cháu con chăm lo xây đắp ý thức thường hằng vun bồi tộc họ.

    Dù sống nơi quê tổ hay phải ly tán vì biến động can qua, họ cũng tìm cách liên hệ với nhau, thư từ, đi lại viếng thăm nhau. Cái gì đã ràng buộc họ? Cái gì đã làm cho họ phải lưu tâm đến thế? Đó là sợi dây huyết thống thiêng liêng, là tình tương thân, nghĩa gia tộc đã liên kết họ, cột chặt họ thành một khối bất khả phân, dù cho không gian xa cách dịu vợi, dù cho thế thứ nhiều đời trên dưới khác nhau. Biểu hiện cho cái tinh thần keo sơn đẹp đẽ ấy là các thế hệ đời sau đã phấn đấu không ngừng giữ nhiều trọng trách cao trong Đảng, chính quyền nhà nước các cấp góp phần to lớn trong kháng chiến và xây dựng đất nước đó là: Năm 1930, Đảng CSĐD  ra đời, mở ra một trang sử mới cho cả dân tộc. Một lần nữa các hậu duệ Thái Bảo Quận Công lại nối gót cha ông đi theo Đảng, theo Bác Hồ làm cách mạng giải phóng dân tộc. Trong thời kỳ này có một số người trong họ tộc bên ngoài thì mang các chức danh: bát phẩm, Cửu phẩm, chánh tổng, hàn lâm, hương đoàn nhưng thực chất là những nhà nho yêu nước. Trước cách mạng Tháng Tám toàn họ có 9 đảng viên trong đó cụ Lê Thúc Cơ là xứ ủy Trung Kỳ, cụ Lê Trọng Mân là bí thư Tỉnh ủy Gia Định. Sau cách mạng có trên 200 người là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam. Trong đó có 4 Tỉnh ủy viên, 3 huyện ủy viên và hàng chục cán bộ đảng cấp tỉnh, cấp huyện như cụ Lê Bá Tuân, cụ Lê Trọng Định là cán bộ Ty Thông tin tuyên truyền tỉnh Hà Tĩnh. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ dòng họ Lê Trọng có trên 300 người là quân nhân trong đó có 1 thiếu tướng, 9 đại tá, hàng chục sĩ quan trung sơ cấp, 7 liệt sĩ và nhiều thương  - bệnh binh.

Trong thời kỳ xây dựng đất nước con cháu dòng họ Lê Trọng có hàng trăm người là CBCNVC nhà nước, hàng ngàn lao động chân chính, 9 tiến sĩ, hàng chục cử nhân, hàng trăm tú tài...trong đó có 1 anh hùng lao động là ông Lê Trọng Cừ. Có những người tên tuổi đã trở nên nổi tiếng như tiến sĩ, nhà thơ Lê Thanh Nghị, tiến sĩ y khoa, nhà báo Lê Trọng Bổng. Không những con cháu trong dòng tộc mà con cháu ngoại dòng tộc Lê Trọng cũng đã góp phần làm rạng danh thêm cho dòng họ như giáo sư sử học Phan Huy Lê, đại tá Nguyễn Đức Sao, đại tá Hoàng Minh Phương.Vv...

Để ghi ơn công đức của Ngài Thái Bảo Quận Công năm 1920 vào thời tộc trưởng Lê trọng Diệm, ý tưởng có một nhà thờ để thờ Ngài đàng hoàng, to đẹp xứng đáng với công lao và báo đền ơn đức của Ngài đã trở thành hiện thực, chính người bằng trí tuệ và tâm huyết, uy tín và nội lực của bản thân, gia đình cùng với sự đồng tâm hiệp lực của cháu con, Tộc trưởng Lê Trọng Diệm đã trực tiếp thiết kế, chỉ đạo thi công,  Chỉ với vật liệu cổ xưa và kỹ thuật xây dựng thủ công trong  thời gian ngắn, một nhà thờ hai tầng được dựng lên trên vùng đất "Nương sa Hạ Tệ", phong thủy hữu tình (Nay thuộc địa phận xóm 9 xã Bình Lộc). Đây là nhà thờ có lối kiến trúc độc dáo, cổ kim á âu kết hợp hài hòa. Tầng trên là thượng điện, tầng dưới là hạ điện. Thượng điện được bài trí theo phong cách nhà thờ tổ truyền thống, có đầy đủ các đồ tế tự cổ kính. Đặc biệt 3 bức hoành phi và 6 cặp câu đối được khắc trên gỗ quí và sơn son thiếp vàng. Các văn bản khắc trên hoành phi và câu đối có giá trị văn hóa, nghệ thuật khá cao và có xuất xứ lâu đời. 89 năm qua dãi dầu mưa nắng biết bao nhiêu biến đổi phong trần, nhà thờ dòng họ Lê Trọng được sự bảo tồn và giữ gìn của các đời hậu duệ vẫn giữ nguyên dáng vẻ uy linh báo đền ơn tổ.

Để ghi ơn công đức và giá trị văn hoá vật thể của dòng tộc Lê Trọng. Ngày 30/12/2008 UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định số 3822/QĐ-UBND công nhận nhà thờ Lê Khắc Khoan là di tích lịch sử văn hóa. Đây chính là niềm vinh dự tự hào và phấn khởi lớn lao của dòng tộc họ Đại Tôn Lê Trọng nói riêng và nhân dân xã nhà nói chung.

                                           

Với tấm lòng thành kính, tất cả cháu con dòng họ đều đồng tâm nguyện khắc ghi công đức cao dày của Tổ Tiên, quyết ra công xây đắp và giữ gìn nền đạo đức sáng ngời, sống trong tình đoàn kết yêu thương, sau trước một lòng giữ tròn đạo nghĩa để muôn đời xứng đáng là cháu con của dòng Lê Tộc.

 

Lê Trọng Khanh

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh