Đền Trung nằm ở phía Tây Bắc ngôi mộ Trần Quý Khoáng, tọa lạc trên vùng đất 2.500m2 tại xứ Đình Bồ, làng Biện Thịnh, nay là xóm Đức Thịnh, xã Hưng Lộc, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Do sự tàn phá của thiên nhiên, chiến tranh và cả con người, đền Trung đã bị hư hỏng, hoang tàn… không còn là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân như trước đây, mà chỉ còn lại trong tâm tưởng.
Năm 1975, UBND xã Hưng Lộc đã cho HTX tháo dỡ về làm nhà kho đội sản xuất để sản vật và làm nơi sinh hoạt xã viên đội 9, xóm Đức Thịnh.
Thể theo nguyện vọng của Hội đồng gia tộc họ Trần (Đức Thịnh), ngày 29/12/2002, UBND xã đã bàn giao lại ngôi nhà kho này cho họ Trần bảo quản, nhưng do công tác bảo vệ, quản lý lỏng lẻo, kẻ xấu lợi dụng sơ hở đã phóng hỏa gây cháy và thiêu trụi ngôi nhà này, nhờ lực lượng Cảnh sát PCCC giúp đỡ dập tắt, nên vẫn giữ được bộ khung 3 gian, 2 tường đốc (nguyên nơi nhà kho HTX). Các loại như cột, hạ, xà, kèo bị đốt cháy đen xịt, nham nhở, nhìn kỹ trên các mẫu kèo, khung xà cháy dở còn những nét hoa văn tinh tế được khắc chạm hoàn mỹ và tất thảy đã bị cây cối, cỏ dại mọc um tùm trông rất hoang tàn…
Tết Quý Tỵ năm 2013 này bất cứ ai du Xuân qua xóm Đức Thịnh đều cảm thấy nhói lòng.
Đền Trung gắn liền với nhân vật lịch sử Trần Quý Khoáng. Theo PGS - PTS Trần Đức Cường, Viện trưởng Viện Sử học: “Bộ chính sử nước ta, do sử gia Ngô Sỹ Liên biên soạn năm 1479 chép về Trần Quý Khoáng như sau: Trùng Quang Đế, vua húy là Quý Khoáng, con thứ của Mẫu Vương Ngạc, cháu của Nghệ Tôn, cháu gọi Giản Định đế bằng chú, ở ngôi 5 năm. Vua gặp thời loạn lạc, gắng chí mưu việc khôi phục, nhưng vì trời không giúp nhà Trần, nuốt hận mà chết (Đại việt sử ký toàn thư - tập 2, H.1971,Tr.263)…
Đền Trung sau 10 năm bị thiêu
Tháng 3 năm Kỷ Sửu (1409), Đặng Dung (con Đặng Tất), Nguyễn Cảnh Dị (con Nguyễn Cảnh Chân) kéo quân về Nghệ An lập Trần Quý Khoáng lên làm vua, đổi niên hiệu làm Trùng Quang, tiếp tục công cuộc kháng chiến cứu nước… Tháng 2 năm Giáp Ngọ (1414), Trương Phụ bắt được Nguyễn Cảnh Dị và Đặng Dung, Trần Quý Khoáng chạy qua nước Lão Qua (tức Lào), Trương Phụ giết Nguyễn Cảnh Dị, Đặng Dung, còn ông thì chúng giải về Trung Quốc cùng với tướng Nguyễn Súy. Trên chiến thuyền giải đi, dọc đường Trần Quý Khoáng nhảy xuống sông tự tử. Nhân dân địa phương thương xót, đem thi hài của ông táng tại làng Biện Thịnh, nay là làng Đức Thịnh, xã Hưng Lộc, thành phố Vinh.
Đền Trung sau 10 năm bị thiêu
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An, tại Thông báo số 1984/TB - SVHTT&DL, ngày 17/9/2010: “UBND xã Hưng Lộc chủ trì, phối hợp với dòng họ Trần, Ban quản lý di tích - danh thắng tỉnh triển khai làm quy hoạch, cấp đất cho đền Trung; đồng thời phải tạo được khuôn viên của nhà thờ họ Trần để cán bộ chuyên môn của Ban quản lý di tích - danh thắng tỉnh có điều kiện thuận lợi thực hiện các hoạt động chuyên ngành trong việc xây dựng hồ sơ di tích.
Việc phục hồi đền Trung nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của nhân dân xã Hưng Lộc nói riêng, trong vùng nói chung là nguyện vọng chính đáng. UBND xã Hưng Lộc cần lấy ý kiến của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và cơ sở, tạo sự đồng thuận, để Sở VHTT&DL có căn cứ xem xét, đề nghị cấp có thẩm quyền”. Sự chỉ đạo của Sở VHTT&DL đã hai năm rõ mười là vậy, song cũng chỉ trên giấy tờ mà thôi, còn kết quả việc phục hồi đền Trung như thế nào vẫn còn là chuyện xa vời chưa có câu trả lời thỏa đáng.
Chúng tôi tìm gặp Chủ tịch UBND xã Hưng Lộc, ông Nguyễn Văn Hà cho biết: Đất đền Trung, mộ Trần Quý Khoáng xã đã quy hoạch dành hơn 2.000m2 và giữ nguyên hiện trạng như trước đây, năm 2010 xã làm tờ trình đề nghị UBND thành phố Vinh xem xét quyết định cấp đất đền Trung, đồng thời lập dự án phục dựng lại đền Trung và cũng đã có kiến nghị Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An giúp đỡ, song chưa được sự đồng thuận của các ngành cấp trên thành phố và sở… xã có muốn vẫn phải chờ cấp trên”.
Tác giả bài viết: Hoàng Thái Hữu
Nguồn tin: Báo Công An Nghệ An
Nguồn tin: Báo Công An Nghệ An