Sai phạm trong lĩnh vực dạy thêm có thể bị phạt tới 30 triệu đồng; hành vi cắt giảm chương trình chính khóa để đưa vào dạy thêm, ép buộc học sinh học thêm có thể bị phạt tới 5 triệu đồng.
Đó là thông tin được nêu trong dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố lấy ý kiến nhân dân.
Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất phạt tiền từ 3 – 5 triệu đồng đối với hành vi cắt giảm chương trình chính khóa để đưa vào dạy thêm, ép buộc học sinh học thêm.
Nếu có hành vi dạy thêm tại địa điểm không đảm bảo quy định; hoặc quản lý thu, chi tiền dạy thêm học thêm không đúng quy định, hồ sơ không đầy đủ có thể bị phạt từ 5 - 10 triệu đồng.
Đặc biệt, hành vi dạy thêm không có giấy phép hoặc giấy phép đã hết hạn sử dụng có thể bị phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng. Nếu cấp giấy phép dạy thêm, học thêm không đúng thẩm quyền có thể bị phạt đến 30 triệu đồng.
Mở lớp trái phép có thể bị phạt đến 40 triệu
Cũng trong dự thảo này, Bộ đề xuất phạt tiền từ 5 – 40 triệu đồng đối với hành vi mở lớp để giảng dạy chương trình giáo dục mầm non, phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, thạc sĩ và tiến sĩ chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Dự thảo cũng đề xuất phạt tiền từ 10 – 60 triệu đối với hành vi cho phép mở lớp giảng dạy chương trình giáo dục mầm non, phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, thạc sĩ và tiến sĩ sai thẩm quyền.
Thành lập cơ sở đào tạo trái quy định có thể bị phạt tới 100 triệu đồng
Ngoài ra, dự thảo đề xuất phạt nặng hành vi thành lập cơ sở giáo dục không đúng quy định. Cụ thể, hành vi thành lập các trung tâm ôn luyện văn hóa, cơ sở giáo dục mầm non; cơ sở giáo dục phổ thông, trường trung cấp chuyên nghiệp; trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm ngoại ngữ, trung tâm tin học, trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp; trường cao đẳng; trường đại học không đúng quy định có thể bị phạt từ 10 – 100 triệu đồng.
Đồng thời, cơ sở giáo dục này buộc phải giải thể cơ sở giáo dục, chấm dứt hoạt động giáo dục, trả lại cho người học số tiền đã thu và chịu mọi chi phí tổ chức hoàn trả đối với hành vi sai phạm này.
Nếu cơ sở giáo dục không chấp hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc đình chỉ hoạt động hoặc giải thể; hoạt động ngoài thời hạn quy định của giấy phép; tự ngừng hoạt động khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép tùy theo đối tượng và mức độ vi phạm có thể bị phạt tiền từ 5 – 100 triệu đồng.
Theo (Chinhphu.vn) - L.T
|