Rau an toàn - Người tiêu dùng ít cơ may tiếp cận

(PT-TH_Vinh) Dân gian ta vẫn thường nói: “cơm không rau như đau không thuốc”. Nhưng hiện nay người tiêu dùng không có cơ hội lựa chọn thứ dược phẩm xanh cho gia đình mình. Nhất là trong điều kiện nhiều bệnh dịch liêu quan đến rau không an toàn như hiện nay.

"Cơm không rau như đau không thuốc"

Chỉ cần bước vào đến cổng chợ là bất cứ ai cũng bắt gặp cảnh người người mua rau, nhà nhà mua rau. Trong chợ có thể có những quầy hàng vắng khách nhưng hàng rau quả thì không. Phần đông khách hàng là phụ nữ. Thật dễ hiểu: thông thường phụ nữ có trọng trách chợ búa, chăm lo bữa ăn cho gia đình. Vì vậy ngoài công việc hàng ngày, thêm một gánh nặng đặt lên đôi vai của họ. Mỗi một lần ra chợ là mỗi lần người ta phải suy tính. Đó không chỉ là những thực phẩm giàu đạm, tinh bột, vitamin, hay khoáng chất, canxi mà còn là loại rau gì, củ nào để đáp ứng tốt khẩu phần, khẩu vị cho các thành viên trong gia đình. Còn làm thế nào để chọn được loại rau an toàn. Mỗi người có một cách khác nhau. Và chỉ có thời buổi này người ta mới từ chối bỏ rau nhìn tươi non để chọn những loại cằn cỗi, sâu bệnh. Tuy nhiên sức khoẻ của con người phụ thuộc rất ít vào những cân đong đo đếm hay những suy đoán đầy cảm tính như thế. Một người tiêu dùng cho biết: "Tôi không phân biệt được rau sạch hay rau bẩn, bởi vì tôi chỉ là người mua tôi không biết họ trồng như thế nào . Em chọn loại nào tươi". Lại có người cho rằng: "Chọn rau thì nói chung rau phải mới,  không được tốt lắm, hơi cằn một tý và phải có sâu". Và cũng rất cảm tính: "Chọn rau thì nói thật chỉ cần tươi tươi là được. Chọn không có chất độc thì cùng không biết đằng nào mà chọn. Trồng thì không trồng được nghe người ta nói cũng sợ nhưng không biết làm sao" - một người nữa cho biết.


Cánh đồng rau sạch huyện Diễn Châu - Ảnh: Thanh Hải

Bất cứ một ngôi chợ nào ở thành phố Vinh đều có một khu vực riêng gọi là “chợ quê”. Tại đây tập trung những người buôn rau, quả từ các vùng quê, các huyện lân cận vào bán tại thành phố. Có rất nhiều người mua rau xanh tại những khu vực này. Người ta tin rằng rau quê với việc sản xuất nhỏ lẻ, thủ công thì ít khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hay các loại hoá chất kích thích, bảo quản. Trên thực tế người tiêu dùng không biết làm cách nào để có được cơ may tiếp cận với rau an toàn. Sự mất thăng bằng của họ vô tình đã tạo cơ hội cho các loại thực phẩm rau xanh không rõ nguồn gốc tràn vào thành phố theo kiểu chợ quê. "Rau bán đây tôi lấy ở quê tôi Quỳnh Lưu. Tôi bán đây được 2 năm rồi. Nhu cầu bà con rất nhiều. Nhà tôi bán mạnh lắm", một người bán rau vui vẻ cho biết.  

Rau siêu thị có "sạch"?

Hiện đại và qui mô nhất trong hệ thống siêu thị ở Nghệ An, siêu thị Intimex có rất hàng trăm gian hàng với hàng ngàn chủng loại khác nhau. Tất nhiên không thể thiếu mặt hàng rau xanh. Và theo như cách suy luận thông thường thì khi thực phẩm, rau, củ ở các chợ không đủ điều kiện, yếu tố tin cậy thì người tiêu dùng sẽ tìm đến với siêu thị. Nhưng thực tế đang chứng minh điều ngược lại. Giữa cơ man hàng hoá, quầy rau- củ - quả ở siêu thị Intimex chỉ chiếm một khoảng không gian rất khiêm tốn. Thậm chí nó còn không nhận được sự quan tâm của nhiều khách hàng. Thói quen mua rau xanh ở chợ với sở thích mặc cả cao thấp đã đẩy rau xanh siêu thị vào cảnh heo hút vắng người. Bên cạnh đó rau xanh bán tại siêu thị một mặt rất đơn điệu về chủng loại, mặt khác chưa tạo được độ tin cậy đối với người tiêu dùng. Vì vậy việc người tiêu dùng không mặn mà với rau siêu thị cũng là điều dễ hiểu.

Trao đổi với chúng tôi ông Ông Trần Quốc Hoàn – GĐ Chi nhánh Intimex Nghệ An cho biết: "Hiện nay chúng tôi đã có hợp đồng với một số cơ sở sản xuất rau sạch ở Hưng Đông, Hưng Lợi, Viện giống cây trồng Bắc Trung bộ. Tuy vậy các đơn vị cung cấp chưa đều đặn, chưa có một cơ cấu rau theo mùa vụ để đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Tôi cho rằng đây là những bước đệm ban đầu khi khi các đơn vị này chưa có đầu ra đích thực. Hiện nay chúng tôi đã có những cam kết rằng chúng tôi là đầu ra đầy đủ và sẵn sàng bao tiêu sản phẩm cho các đơn vị này."

Có thể nói TP Vinh là thị trường tiêu thụ rau xanh trọng điểm của Nghệ An. Thị hiếu và nhu cầu của người tiêu dùng ở TP Vinh là rất lớn. Thực tế đó đã buộc nhiều người phải đặt câu hỏi: Tại sao không thấy doanh nghiệp, cửa hàng, siêu thị nào đứng ra kinh doanh mặt hàng này. Tất nhiên là trên cơ sở rau phải thực sự đảm bảo an toàn khi đến với người tiêu dùng. Các doanh nghiệp không phải họ không nhìn thấy nguồn lợi từ việc kinh doanh rau an toàn mang lại. Nhưng vấn đề ở chỗ họ không thể tìm được đầu vào tin cậy cho sản phẩm rau xanh trước khi phục vụ rau đến tay người tiêu dùng. Nhiều siêu thị rau xanh từng là mặt hàng chủ lực nhưng nay không gian dành cho rau xanh đã dành cho các loại hàng khác không ăn được nhưng đem lại hiệu quả khả dĩ hơn.

Không thể cạnh tranh. Đó là nhận định chung và đúng nhất đối với rau xanh bán trong siêu thị so với rau quả trôi nổi ở các chợ trên địa bàn TP Vinh. Vì thế sẽ không có gì khó hiểu khi rau xanh bán trong tất cả các siêu thị lớn nhỏ ở Vinh cộng lại chỉ chiếm dưới 0.1% so với trên 99,9% nguồn rau có mặt trên thị trường thành phố. Quầy rau xanh trước đây của siêu thị Maximax được thay bằng các loại thực phẩm khác. Trong đó có loại rau cấp đông. Theo như những người quản lý siêu thị này thì bán rau cấp đông chẳng qua cũng chỉ là phương án cực chẳng đã.

Vấn đề rau hiện nay là vấn đề nhạy cảm. Hàng rau hiện nay phải nói là chưa tìm ra những địa chỉ tin cậy Maximax chưa dám đặt rau vào vì chưa thực sự đảm bảo an toàn. Tất cả các chủ đề về rau an toàn đang nằm trên dự án. Nếu như tới đây triển khai được ở Nam Đàn  - Như vừa rồi chúng tôi chúng tôi có đi tham dự Hội nghị về một số dự án chuẩn bị triển khai rau sạch thì khi đấy mới có địa chỉ tin cậy, chúng tôi mới dám bán. Còn hiện nay trene thị trường rau trôi nổi, rau khôgn rõ nguồn gốc và thực sự để đảm bảo uy tín cho khách hành chúng tôi không dám Bà Bùi Cảnh Thu – GĐ Siêu thị Maximac cho hay.

Rau "sạch"  + nước tưới  "bẩn", môi trường không sạch = rau "bẩn"

Nói đến rau xanh ở Tp Vinh không thể không nói đến làng rau Đông Vinh – xã Hưng Đông. Năm 1975 với chủ trương thiết lập vành đai cung cấp rau xanh cho TP Vinh, HTX rau Đông Vinh đã được thành lập. Chủ trương đó đã được cụ thể hoá bằng việc Tỉnh Nghệ An và TP Vinh đã huy động 15 hộ từ huyện Quỳnh Lưu, gần 50 hộ từ xã Diễn Xuân – huyện Diễn Châu vào Vinh để thực hiện chuyên canh sản xuất rau xanh phục vụ việc phân phối trong thời kỳ bao cấp. Giai đoạn chuyển đổi cơ chế kinh tế cũng chính là thời điểm HTX rau Đông Vinh hướng vào chuyên canh sản xuất rau xanh mang tính hàng hoá. Chính vì thế vào năm 2005, HTX rau Đông Vinh khai trương cửa hàng của mình trên thành phố Vinh ( Chợ Quán Lau - phường Trường Thi hiện nay). Đối với bà con nông dân trực tiếp sản xuất rau thì đây đã từng là một sự kiện quan trọng, là sự khẳng định sản phẩm, chất lượng của rau Đông Vinh trong tương quan với các nguồn rau không rõ xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tràn ngập trên thị trường. Nhưng dù cố gắng đến mấy cửa hàng rau an toàn duy nhất của HTX Đông Vinh cũng như của toàn thành phố Vinh chỉ tồn tại được trong một thời gian rất ngắn. Mong ước hàng bao nhiêu năm trời của người trồng rau Đông Vinh về một sản phẩm rau sạch đến với người tiêu dùng bỗng chốc tan biến. Bản thân HTX Đông Vinh từ xưa đến nay hoạt động thuần tuý là phối hợp chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn qui trình sản xuất, canh tác chứ không phải là kinh doanh nên sự thất bại khi đưa rau ra thị trường là điều dễ hiểu. Bên cạnh đó các cơ quan chức năng không có hoạt động nào để quản lý, giám sát chặt chẽ nguồn rau trôi nổi trên địa bàn thành phố Vinh, đồng thời cũng không đưa ra được sự khuyến cáo, cảnh báo hiệu quả  cho người dân về những nguy cơ có thể gặp phải khi dùng thực phẩm rau xanh không rõ nguồn gốc. Chính vì xét một cách toàn diện, bao gồm cả yếu tố cơ chế chính sách rau an toàn đã không thể có chỗ đứng khi cạnh tranh.

Để xây dựng được vùng chuyên canh rau an toàn tại xã Hưng Đông người ta đã phải tìm mọi cách. Nhưng tại sao cho đến bây giờ 3 chữ : “ rau Đông Vinh” chưa bao giờ đủ sức thuyết phục để đi kèm với 1 “tấm vé thương hiệu” trong thời kỳ mà bệnh tiêu chảy và các loại bệnh dịch khác đang có chiều hướng phát sinh tràn lan chưa được khống chế triệt để. Nguồn nước mà bà con xã viên ở HTX rau Đông Vinh đang tưới cho rau có thành phần của các các loại nước thải từ khu công nghiệp Bắc Vinh và nước sinh hoạt của những cụm dân cư trong vùng. Cho dù người sản xuất rau đã hạn chế đến mức tối đa việc sử dụng các hoá chất và các loại thuốc kích thích, thuốc bảo vệ thực vật dùng cho rau, nhưng tất cả các qui trình sản xuất rau xanh hướng đến mục tiêu an toàn đều không thể đạt được khi mà nguồn nước tưới nằm ngoài khả năng quyết định của người sản xuất. 22 ha rau của HTX Đông Vinh đều phải canh tác bằng nguồn nước tưới này nếu không muốn trở thành cỏ khô. Và nếu được chứng kiến tận mắt thì người tiêu dùng khó có thể chấp nhận ăn những loại rau được sản xuất tại đây .
Nhưng đối với 230 hộ dân sản xuất rau ở HTX Đông Vinh nguồn nước tưới chưa phải là trở ngại cuối cùng. Ngay tại vùng rau là sự hiện diện của bãi rác thành phố Vinh. Mỗi ngày tại đây có thêm khoảng trên 100 tấn rác thải từ thành phố dồn về so với khoảng 2 tấn rau của HTX sản xuất được. Và trong khi chờ địa điểm mới được qui hoạch xây dựng, bãi rác ở Hưng Đông tiếp tục được mở rộng. Những yếu tố khách quan không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến trên 1000 nhân khẩu của xóm Đông Vinh mà còn tiềm ẩn những nguy cơ đối với hàng ngàn người tiêu dùng khác ở thành phố. "Thực trạng hiện nay bãi rác thành phố thì đang còn vận động bà con tạm thời chấp nhận. Đối với người dân ở đây chúng tôi chấp hành chủ trương của nhà nước về mở rộng bãi rác tạm thời. Chứ về lâu dài không ai chấp nhận bãi rác trong vùng rau", ông Ngô Hữu Nghi – Chủ nhiệm HTX Rau Đông Vinh cho biết.

Hiện nay  chưa có cơ quan nào thống kê được mỗi ngày địa bàn thành phố Vinh tiêu thụ hết bao nhiêu kg rau xanh, càng không thể biết được có bao nhiêu người buôn bán rau. Còn người tiêu dùng chỉ có thể biết một cách đơn giản là ăn loại rau gì sẽ bổ sung vitamin gì cho cơ thể. Cái mà người tiêu dùng không biết là ăn rau không an toàn họ sẽ vô tình đưa độc tố gì vào cơ thể. Thực tế đã chứng minh đã có rất nhiều người ngộ độc do ăn rau không đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhẹ thì tiêu chảy, lâu dài là tích tụ, phát sinh các loại bệnh liên quan đến ung thư. Và theo thống kê của tổ chức Lao động quốc tế ILO, trong tổng số 2 triệu người ngộ độc rau hằng năm có 40.000 người đã bị tử vong.

Không có cơ hội để tiếp cận và sử dụng rau an toàn, trong khi mỗi bữa ăn không thể thiếu rau xanh, nhiều người đã tìm mọi cách để bảo vệ gia đình mình. Đó có thể là rửa rau qua nước muối, nước gạo. Cẩn thận hơn là “vô trùng” bằng máy sục khí ôzôn. Nhưng những phương pháp đó xét cho cùng cũng chỉ là liệu pháp tâm lý đầy cảm tính.

Những tác hại do rau không an toàn gây ra cho con người đã ở mức báo động đỏ. Mỗi một gánh gánh rau chợ vơi đi cũng là lúc các nguy cơ của người tiêu dùng đầy thêm. Ngay cả người tiêu dùng thông thái nhất cũng khó chọn lựa cho mình những loại rau đảm bảo an toàn cho bữa ăn và sức khỏe gia đình.

  • Đào Tuấn
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh