Đài PT-TH thành phố Vinh - chặng đường xây dựng và phát triển.

(PT-TH_Vinh) Thấm thoắt đã hơn 40 năm trôi qua đối với sự nghiệp truyền thanh truyền hình của những người làm công tác báo nói báo hình trên địa bàn thành phố. Trong quá trình hình thành và phát triển ấy Đài TT -TH TP Vinh đã vượt lên khó khăn về vật chất kỹ thuật để vừa xây dựng, vừa củng cố phát triển.

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, biết bao thăng trầm và đổi thay đã diễn ra trên thành phố đỏ, Đài TT -TH thành phố đã để lại những dấu ấn lịch sử, những kỷ niệm khó quên với những thành tích đáng trân trọng đã khắc ghi dấu ấn trên 2 sóng điện tử phát thanh và truyền hình Thành phố là cả một quá trình cống hiến không biết mệt mỏi của nhiều thế hệ để có được những trang sử vàng truyền thống trao truyền đến thế hệ hôm nay.

Ngày 3/9/1966, Đài TT -TH TP Vinh được tách ra từ Đài Truyền thanh Nghệ An. Đây được xem là mốc thành lập của đài TT-TH Vinh. Lúc bấy giờ Đài được tiếp quản cơ sở vật chất của đài Truyền thanh Nghệ An gồm một máy tăng âm TY 600 W, sau này được tăng cường thêm 2 máy tăng âm 600 W, đưa tổng công suất lên 1800 W, một máy ghi âm băng cối, 2 máy rađiô tiếp sóng Đài tiếng nói Việt Nam, 2 máy nổ công suất 10KVA. Tất cả máy móc đều do Liên Xô tài trợ. Thời điểm này, đế quốc Mỹ mang bom bắn phá miền Bắc nước ta. Thành phố Vinh là một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ. Các cơ quan , xí nghiệp , nhân dân đi sơ tán hết, chỉ có những người có trách nhiệm  ở lại làm nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu. Đài truyền thanh TP Vinh ở lại bám trụ thành phố, làm nhiệm vụ tuyên truyền.
 
Ông Nguyễn Việt - Trưởng đài TT TP.Vinh thời kỳ đó kể lại: máy bay Mỹ suốt ngày gầm rú trên bầu trời thành phố, bắn phá các trọng điểm như phà Bến Thuỷ, nhà máy điện Vinh, kho xăng dầu Hưng Hoà. Ngày nào chúng cũng ném bom, có ngày 2 đến 3 trận. Làm vịêc trong thời chiến nên đài cũng hoạt động theo phương thức dã chiến. Mặc dù thiết bị cồng kềnh, nhân lực mỏng, song để đảm bảo an toàn máy móc thiết bị, đài thường xuyên phải di chuyển nơi đóng quân. Đài di chuyển đến đâu, đường dây điện kéo theo đến đó để thường xuyên có đủ nguồn điện cho đài hoạt động. Sau nhiều lần di chuyển, năm 1968, đài chuyển về hoạt động  ngay giữa vùng trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ. Lúc bấy giờ phạm vi hoạt động của đài rát rộng. Đường dây kéo lên tận Kim Liên - quê Bác, kéo xuống cửa hôị và ra tận Quán Hành. ở vị trí cao nhất của thành phố lúc bấy giờ là chòi cứa hoả, đài mắc 1 loa công suất 200W, bố trí riêng hệ thống đường dây và máy tăng âm. Sau một đợt bắn phá của máy bay Mỹ, công nhân đường dây lập tức lên đường để nối lại những đoạn dây bị máy bay Mỹ đánh phá làm hư hỏng. Suốt những năm chiến tranh, tiếng nói của đài tiếng nói Việt Nam và đài TT TP.Vinh không bao giờ tắt trên địa bàn thành phố. Đội ngũ phóng viên của đài lúc bấy giờ do phòng thông tin quản lý chỉ có hai đồng chí nữ là chị Nguyễn Thị Hạnh và chị Phan Thị Quỳnh Anh đã không quản hiểm nguy xông đến các trận địa pháo, đến những nơi máy bay Mỹ vừa đánh phá để kịp thời biểu dương tinh thần chiến đậu phục vụ chiến đấu của  quân dân thành phố. Hễ ở đâu có máy bay Mỹ đánh phá, công nhân, phóng viên của Đài có mặt kịp thời. Trong khi làm nhiệm vụ, đồng chí Đinh Văn Minh - công nhân đường dây đã bị thương. Có thể nói đó là thời kỳ hào hùng nhất của đài TT TP.Vinh. Tiếng nói của Đài là nguồn động viên rất lớn, khích lệ tinh thần chiến đấu và phục vụ chiến đấu của bộ đội, dân quân thành phố trong những năm chiến tranh ác liệt và gian khó. Đài đã góp một phần không nhỏ vào cuộc chiến đấu bảo vệ thành phố anh hùng.

Chiến tranh kết thúc, năm 1976 là thời điểm nhập hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Sau 10 năm làm việc dưới hầm, đài được đầu tư xây dựng trụ sở làm việc mới. Hai bộ phận kỹ thuật và phóng viên được sáp nhập  dưới sự quản lý của đài. Do chiến tranh nên máy móc thiết bị hỏng hóc, cũ kỹ, không đồng bộ. Tuy vậy, đài vẫn phát huy tốt nhiệm vụ chính trị được giao, truyền tiếng nói 3 cấp đến tận người dân. Hệ thống loa truyền thanh phủ khắp thành phố, hệ thống loa kim kéo đến mỗi cơ quan và từng gia đình. Đài đã tổ chức tường thuật trực tiếp thành công các kỹ đại hội công đoàn Tỉnh, tường thuật trực tiếp lễ khởi công xây dựng cầu Bến Thuỷ, phiên toà xét xử các vụ án trọng điểm của tỉnh và thành phố.

Năm 1990, sau khi chuyển giao phân cấp về thành phố quản lý, đài được đầu tư máy phát sóng FM công suất 30W. Năm 1992, được UBND thành phố Vinh trang bị một máy camera M7 và hai đầu dựng video. Trang truyền hình thành phố Vinh ra đời. Mỗi tháng, đài xây dựng 2 trang truyền hình, phản ánh các hoạt động của TP phát trên sóng đài PT TH tỉnh Nghệ An. Năm 1995, sau khi chuyển giao về đài PT-TH tỉnh quản lý, đài được đầu tư nâng cấp hệ thống truyền thanh,trang thiết bị máy móc phát sóng FM công xuất 100W. Trang truyền hình được đầu tư thêm 3 máy camera và đầu dựng video.

Để thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, đài TT-TH TP.Vinh đã luôn chú trọng công tác đầu tư phát triển cơ sở vật chất. Từ chỗ dựng chương trình truyền hình bằng đầu video, đến nay đài đã trang bị bộ dựng bằng phi tuyến. Máy qua được trang bị bằng máy kỹ thuật số.

Về chương trình truyền thanh, từ chỗ ghi chương trình bằng băng cối, băng catset, đến nay đài cũng đã có chương trình phát thanh hàng ngày bằng bộ dựng phi tuyến, là đơn vị đài cấp huyện đầu tiên trong toàn tỉnh ghi chương trình phát thanh bằng công nghệ kỹ thuật số. Chất lượng hình ảnh, âm thanh được nâng lên rõ rệt.

Về nội dung, từ chỗ 2 tuần có một trang truyền hình, đến nay đài đã sản xuất mỗi tuần 2 trang tuyền hình, mỗi năm 6 chuyên đề, chuyên mục "Đồng hồ đếm ngược" hướng tới 220 năm Phượng Hoàng Trung Đô - Vinh... phát trên sóng đài PT-TH Nghệ An.

Chương trình truyền thanh thành phố từ 5 buổi / tuần nay nâng lên 7 buổi / tuần. Để cải tiến chương trình, đài đã xây dựng các chuyên mục như xây dựng đảng, sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, Giáo dục và nhà trường, trong nhà ngoài phố, thông tin thị trường, an toàn giao thông, môi trường và cuộc sống, thầy thuốc gia đình, các vấn đề đô thị, nông dân đô thị, văn hoá đô thị...

Một nhiệm vụ quan trọng khác là trong những năm thực hiện chương trình quốc gia về phát triển hệ thống truyền thanh không dây trên địa bàn thành phố, đài đã tham mưu cho cấp uỷ và chính quyền thanh phố xây dựng các trạm truyền thanh cơ sở. Hiện nay 20/20 phường xã có trạm truyền thanh trong đó 11 xã phường có máy phát sóng FM gồm 500 bộ loa. Đài thường xuyên phối hợp với các phường xã để tiếp sóng các chương trình đài tiếng nói Việt Nam, Đài PT Nghệ an, Đài TT Thành phố đưa tiếng nói 4 cấp đến mọi người dân.

Hơn 40 năm qua, đài TT-TH TP.Vinh đã vượt khó đi lên bằng nội lực của mình và đã nhận được nhiều bằng khen của Chính Phủ, Bộ văn hoá - thông tin, ngành PT-TH Việt Nam, uỷ ban nhân dân tỉnh trao tặng. Tiếp nối những truyền thống vẻ vang mà thế biết bao thế hệ đã dày công vun đắp, đội ngũ cán bộ, phóng viên hôm nay đang từng ngày, từng giờ bám sát hơi thở của cuộc sống để nâng cao chất lượng chương trình, mở rộng diện phủ sóng và đặc biệt là phán đấu để mỗi ngày khi đến giờ phát sóng của trang truyền hình và phát thanh của Đài TT-TH Nghệ An âm vang của đài hiệu "Đây là đài truyền thanh Thành phố Vinh " hay nhạc hiệu trang truyền hình thành phố Vinh sẽ được công chúng xem là "bạn của mọi nhà". Thành phố đang tiếp tục phát triển và hướng đến đô thị loại 1, một cơ hội mới để những người làm báo trên địa bàn thành phố được vươn cao vươn xa và phân đấu để nâng tầm cánh sóng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của cong chúng trên thành ghố đỏ anh hùng. 

  • Lê Chung
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh