Sau gần 4 tháng triển khai Nghị định 94/2012/NĐ-CP quy định về sản xuất, kinh doanh rượu thủ công phải được cấp giấy phép, người dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn chưa hay biết gì về Nghị định này, hàng ngày họ vẫn vô tư cho ra lò hàng ngàn lít rượu “cuốc lủi” mà không hề biết đó là phạm luật.
Người dân thờ ơ
Chị Hoàng Thị Tân – xóm 12, xã Nghi Phú vừa chỉ tay vào can rượu khoảng 15 lít đang bốc khói ở góc bếp vừa khoe với tôi: Can rượu này chị vừa nấu xong để chiều giao cho khách hàng. Rượu chị nấu được rất nhiều anh em, bạn bè trong xóm đặt mua vì chất lượng thơm ngon, uống không bị đau đầu như các loại rượu “rởm” trên thị trường. Mỗi ngày chị nấu hai nồi được khoảng 15 lít rượu. Thời điểm này chị phải tranh thủ nấu để cất dự trữ bán trong dịp hè, vì vào mùa hè thời tiết nắng nóng, men ủ không cẩn thận sẽ bị chua, nấu rượu không ngon. Khi được hỏi chị đã đăng ký giấy phép sản xuất rượu theo Nghị định 94 chưa thì chị Tân nói: Chị không biết gì về Nghị định 94 và cũng chưa được chính quyền địa phương triển khai việc đăng ký giấy phép sản xuất rượu, với lại chị chỉ nấu để bán cho người quen trong xóm nên cũng không cần đăng ký giấy phép sản xuất.
Chị Tân đang ủ men để chuẩn bị cho những mẻ rượu lần sau
Qua quan sát của chúng tôi thì căn bếp nhà chị Tân nhỏ, hẹp nhưng có đến hàng chục chiếc thùng nhựa loại 70 lít đựng cơm rượu ủ men, ngay bên cạnh những chiếc thùng này là than tổ ong, tro bếp, thùng đựng rác để ngổn ngang trông rất bừa bãi, bẩn thỉu, mùi chua của men rượu bốc lên nồng nặc.
Thùng đựng rác bên cạnh thùng đựng men rượu
Trên địa bàn xã Nghi Phú hiện có hơn 100 hộ sản xuất rượu, trung bình mỗi ngày các hộ dân này sản xuất ra khoảng 150 lít rượu bằng phương pháp thủ công. Rượu nấu xong được đóng vào can hoặc chai và bán ra thị trường mà không cần biết đến chất lượng rượu cũng như vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất rượu có đảm bảo hay không. Để kiếm được lợi nhuận cao hơn, một số “đầu nậu” thu gom rượu của các hộ dân sau đó về “sản xuất” lại theo công thức: khoảng một thùng phi nước lã + cồn 45o + một can rượu “xịn” cho có mùi là đã cho ra lò một thùng rượu hàng trăm lít mà giá thành chỉ từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng. Loại rượu này người tiêu dùng thường ví von gọi là rượu “vừa đi vừa nấu”, sau khi pha chế xong các “đầu nậu” nhập cho các quán nhậu bình dân, quán ăn vỉa hè, quầy hàng tạp hóa nhỏ lẻ để bán cho người tiêu dùng.
Anh Hùng, chủ một quán ăn bình dân cho biết: Loại rượu “vừa đi vừa nấu” chỉ bán cho giới xe ôm, xe lai, bốc vác, thợ xây, phụ hồ và những người thu nhập thấp nhưng nghiện rượu bởi vì giá thành rẻ, chỉ từ 15.000đ – 20.000đ/lít; còn rượu “cuốc lủi xịn” thì có giá đắt gấp đôi, từ 30.000đ – 35.000đ/lít chỉ dành cho những người sành rượu bởi vì nếu bán rượu “đểu” cho họ thì lần sau họ sẽ không đến quán nữa, do đó chúng tôi cũng phải nhìn khách mà bán. Theo anh Hùng thì với 25kg nếp có giá gần 400.000 đồng cộng thêm vài chục ngàn men rượu, củi, than, công nấu hết hơn 400.000 đồng, chỉ nấu được 15 lít rượu, nếu bán với giá 30.000 đồng/lít thì sẽ không có lãi, do đó, những hộ gia đình nấu rượu “xịn” chỉ để tự cung tự cấp, bán cho người quen và chủ yếu là lấy “hèm” nuôi lợn. Còn để kinh doanh có lãi thì các “đầu nậu” phải pha chế lại và bán sỉ cho các cửa hàng với giá rẻ hơn nhiều lần. Cũng như chị Tân, anh Hùng vẫn chưa được tuyên truyền gì về Nghị định 94 nên vẫn vô tư bán rượu cho người tiêu dùng mà chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh rượu.
Loại rượu “vừa đi vừa nấu” tồn tại từ rất lâu trong đời sống của người dân bởi vì nó đem lại lợi nhuận cao cho người bán và đánh vào tâm lý ham giá rẻ nhưng giải quyết được cơn nghiện cho những “ma men” mà không cần biết đến loại rượu này có thể gây ngộ độc cho người uống cũng như có hại cho sức khỏe về lâu dài. Đặc biệt, ở vùng Hưng Châu, Hưng Thịnh (Hưng Nguyên) và Nghi Phú (TP Vinh) có thời kỳ cả làng đổ xô đi buôn rượu, vì không kịp pha chế rượu để nhập lại cho các hàng quán nên họ vừa gánh gồng hàng đi rong để bán vừa kết hợp pha chế rượu ngay dọc đường đi, về sau mới có tên gọi rượu “vừa đi vừa nấu”. Trong năm 2012, cả nước có 170 ca ngộ độc thực phẩm làm 33 người tử vong, trong đó số người tử vong do ngộ độc rượu chiếm 26%.
Trước thực trạng này, Chính phủ đã ban hành Nghị định 94/2012/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/1/2013 nhằm thắt chặt các hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu thủ công để hạn chế rượu “đểu” tràn lan trên thị trường. Nghị định đã có hiệu lực được gần 4 tháng nhưng qua khảo sát của chúng tôi, các hộ gia đình thì vẫn vô tư nấu và các cửa hàng, quán nhậu thì vẫn vô tư bán mà không cần có giấy phép sản xuất cũng như giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh rượu.
Giải thích về vấn đề này, chị Trần Thị Mỹ Hà – Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công thương cho biết: Sở Công thương đã triển khai Nghị định 94 xuống phòng công thương các huyện, thành phố, thị xã và có văn bản đôn đốc các huyện thực hiện nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có số liệu báo cáo từ các huyện về việc cấp giấy phép sản xuất, kinh doanh rượu thủ công. Hiện nay, việc triển khai Nghị định 94 gặp phải một số vướng mắc trong vấn đề thực hiện, nhất là ý thức chấp hành của người dân. Bởi vì người dân cho rằng họ chỉ sản xuất nhỏ lẻ, tự cung tự cấp là chính chứ không phải sản xuất rượu hàng hóa nên không cần thiết đăng ký giấy phép sản xuất.
Chính quyền loay hoay
Theo số liệu thống kê của phòng Công Thương huyện Hưng Nguyên, trên địa bàn huyện có 62 hộ nấu rượu, trong đó làng nghề rượu Hưng Châu 43 hộ, Hưng Thịnh 14 hộ. Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Lan – Phó trưởng phòng Công thương huyện Hưng Nguyên thì số liệu này chưa phản ánh đúng thực trạng số hộ nấu rượu trên địa bàn vì có rất nhiều hộ nấu rượu nhưng không tự giác khai báo. Đến thời điểm này, trên địa bàn huyện chưa có hộ dân nào đăng ký giấy phép sản xuất kinh doanh rượu thủ công.
Ông Lan cho biết việc triển khai Nghị định 94 gặp một số khó khăn như: ý thức chấp hành của người dân chưa cao, họ cho rằng chỉ sản xuất nhỏ lẻ, lời lãi không bao nhiêu nên việc đăng ký giấy phép sản xuất sẽ mất nhiều thời gian, thủ tục và gây rất nhiều phiền hà. Bên cạnh đó, tại Nghị định 94, điều 18, mục 1, khoản C quy định giấy phép kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu trên địa bàn một quận, huyện, thành phố, thị xã được xác định theo nguyên tắc không quá một giấy phép kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu trên 1000 dân và phù hợp theo quy hoạch hệ thống kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu. Theo quy định này thì trong vòng mật độ 1000 dân chỉ được cấp 1 giấy phép kinh doanh bán lẻ rượu. Thế nhưng, trên thực tế tại địa bàn xã Hưng Châu, cả xã có 4.100 dân nhưng có đến 43 hộ sản xuất kinh doanh rượu. Như vậy, chỉ cấp được 4 giấy phép sản xuất, kinh doanh rượu cho địa bàn xã Hưng Châu thì sẽ giới hạn nhu cầu của người dân.
Cùng chung tình trạng trên, tại địa bàn TP Vinh có hàng trăm hộ sản xuất, kinh doanh rượu thủ công. Đến thời điểm này, phòng Kinh tế UBND thành phố Vinh cũng chưa cấp được giấy phép sản xuất rượu thủ công nào cho người dân. Anh Hà Thái Sơn –Chuyên viên phòng Kinh tế UBND TP Vinh chia sẻ: Để người dân chấp hành theo Nghị định 94 là rất khó, bởi quan niệm của người dân từ xưa đến nay là họ chỉ sản xuất rượu nhỏ lẻ, manh mún trong dân nên họ không cần thiết phải xin giấy phép sản xuất, kinh doanh.
Năm 2010, TP Vinh xây dựng làng nghề rượu nếp cổ truyền xã Nghi Phú do Doanh nghiệp TN Toàn Tâm làm đại diện với mục đích huy động các hộ dân trên địa bàn xã bán lại rượu cho Doanh nghiệp TN Toàn Tâm để đóng chai, dán nhãn mác sau đó mới bán ra thị trường. Thế nhưng, do tập quán sản xuất nhỏ lẻ từ xưa đến nay nên không có hộ dân nào tham gia vào làng nghề, vì vậy hoạt động được hơn 1 năm không có hiệu quả, DNTN Toàn Tâm phải “đóng cửa” làng nghề.
Thực tế cho thấy việc chấp hành xin giấy phép sản xuất, kinh doanh sẽ còn nhiều trở ngại. Để được cấp phép thì phải qua kiểm nghiệm chất lượng, trong khi đó đội ngũ cán bộ, thiết bị để kiểm nghiệm ở tỉnh ta gần như chưa có. Còn nếu đi kiểm tra và xử phạt theo quy định thì chắc chắn tất cả các hộ gia đình nấu rượu thủ công đều vi phạm. Nghị định 94 đã có hiệu lực nhưng các cơ quan chức năng xử phạt như thế nào sẽ là vấn đề được quan tâm. Vì nếu thực hiện nghiêm thì cả làng, cả xã bị phạt, bị đình chỉ, rồi họ sẽ làm gì khi không ít hộ coi nấu rượu là nghề chính. Trong khi đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện Nghị định 94 cũng chưa quyết liệt nên rất khó để người dân hiểu và chấp hành.
Làng nghề rượu nếp cổ truyền xã Nghi Phú do không có hộ
dân nào tham gia nên phải đóng cửa
Việc quản lý sản xuất và kinh doanh rượu là chủ trương đúng đắn của Chính phủ, tuy nhiên để Nghị định 94 đi vào cuộc sống còn rất nhiều việc mà các cấp ngành chức năng cần phải làm ngay. Trước mắt, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền Nghị định tới các đối tượng sản xuất, kinh doanh rượu; hướng dẫn chi tiết các thủ tục hành chính cần thiết theo quy định mới để các hộ sản xuất, kinh doanh thực hiện. Sau đó mới tiến hành kiểm nghiệm an toàn thực phẩm và cấp phép cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh rượu có các sản phẩm đạt chất lượng. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát rượu trong vận chuyển, trong tiêu dùng ở các nhà hàng, quán ăn, xây dựng các chế tài cụ thể để xử lý nghiêm các vi phạm. Có như vậy, mới có thể từng bước đưa sản xuất, kinh doanh rượu đi vào trật tự, nề nếp, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng.
Võ Huyền
Chú thích ảnh:
|