Người lưu giữ ký ức

(PT-TH_Vinh) Chiến tranh đã lùi xa 33 năm, nhưng những câu chuyện, những ký ức và những mốc son về một thời cả dân tộc sục sôi ra trận chưa bao giờ hết tính nóng hổi . Thế hệ trẻ hôm nay cỏ thể hiểu về lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng của cha anh qua sách, báo hoặc trong học đường và lịch sử sẽ sinh động và gần gũi hơn khi các em được đọc những trang nhật ký chiến trường của những chiến sỹ đã trực tiếp chiến đấu trên mặt trận.
 
Trong sự ồn ào, vội vã của cuộc sống, thật ít người có thể có được sự tĩnh lăng tuyệt đối. Kể cả những lúc lặng im thì dường như ai cũng dằn vặt, cũng suy tính cho mình , cho mái ấm gia đình và cả những người xung quanh. Đó không chỉ là chìa khóa để mở ra các phương kế sinh nhai mà còn mở ra sự muôn màu của cuộc sống. Không ai nhận thấy người đàn ông này có sự có sự khác biệt nào so với những người cùng hành nghề xe lai khác . Ông hòa lẫn vào mọi người, vào thanh âm của cuộc sống như dòng chảy vội vã.


Bộ đội pháo phòng không TP.Vinh

Không phải là chuyến đi bình thường, đó là một cuộc hành trình thăm lại chiến trường xưa. Tất cả cùng hát vang những bài ca cách mạng, nào là những câu hát "Đường ra trận mùa này đẹp lắm...", và những bài như "Bình Trị Thiên khói lửa"... Những người đi trong đoàn là những cán bộ,cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu tại mặt trân Quảng Trị trong những năm tháng đất nước sục sôi kháng chiến.  Ông Đặng Sỹ Ngọc - Khối Trung Đông- P.Hưng Bình - thành phố Vinh  là một trong số đó. Cùng với các đồng chí, đồng đội  ông Ngọc được thăm lại những nơi mà ông đã xem như một phần máu thịt của mình. Những cái tên như: Cồn Tiên- Dốc Miếu, Bến Hải, Hiền Lương, Mỹ Chánh, Ái Tử đã gắn bó với ông Ngọc khi ông mới  ngoài 20 tuổi. Đó là lứa tuổi mà mỗi người dân Việt Nam đề khát khao cống hiến cho Tổ quốc, cho độc lập tự do của dân tộc. Điều này làm nên sức sống mãnh liệt của một  thế hệ  thanh  niên trong thời kỷ "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước"

Thành Cổ Quảng Trị là một trong những địa điểm mà ông Ngọc và đồng đội đến và dừng chân,  là địa bàn chiến lược của cả ta và địch trong 81 ngày đêm, từ 28/6 đến 16/9/1972, là sự lựa chọn của lịch sử. Cuộc chiến đấu ở Thành Cổ là cuộc đọ sức giữa một bên là vũ khí tối tân hiện đại - một bên là ý chí, quyết tâm và với tất cả những gì mình có. Trong thời gian đầu của 81 ngày đêm, ông Đặng Sỹ Ngọc đã chiến đấu bảo vệ, hỗ trợ Thành Cổ từ vòng ngoài. Hôm nay trên chính ảnh đất một thời máu lửa ấy, ông Ngọc cùng với nhiều cựu chiến binh khác đã được về với Thành Cổ Quảng Trị. Rất nhiều, rât nhiều cực chiến binh không cầm nổi nước mắt khi biết rằng tại đây đã có trên 10.000 đồng đội đã hy sinh.  Ông Đặng Sỹ Ngọc nghẹn ngào, tâm sự. Giọt nước mắt như là nỗi đau, nỗi xót xa đến tận cùng với các đồng đội đã hy sinh ở đây: Tôi vô cùng xúc động khi đến đây, và rất xót xa khi biết hàng ngàn động đội đã ngã xuống. Và tôi cũng rất tự hào khi được tham gia chiến dịch Quảng Trị, bảo vệ thành cổ từ vòng ngoài.


Dân quân khu phố 1 bắn trả máy bay Mỹ

Những đôi dép cao su, mũ tai bèo, những tấm áo chiến sĩ còn loang lổ vết máu, những mảnh bom, khẩu súng, chiếc gậy  và rất nhiều những hiện vật khác... trong bảo tàng Thành Cổ đã phản ánh sinh động những trận chiến đấu anh dũng, ngoan cường của người chiến sĩ trong thời điểm mà từng phút giây đã đi vào lịch sử. Còn đối với chàng trai Đặng Sỹ Ngọc trong những năm tháng ấy, anh cũng có cách để khắc hoạ lại các trận đánh, những kỷ niệm của mình và đồng đội khi cùng chứng kiến hoặc tham gia. Mỗi khi chiến trường tạm ngưng tiếng súng Ngọc lại tìm đến với sổ và bút, tranh thủ thời gian để viết nên những trang nhật ký chiến trường. Đó có thể là ngày hay đêm, trên cát trắng hay dưới hầm hào, những khoảnh khắc bi tráng của cuộc chiến, những tình cảm dành cho người dân vùng đất thép Vĩnh Linh được chàng thanh niên Đặng Sỹ Ngọc quê Đức Thọ - Hà Tĩnh ghi chép lại bằng những cảm nhận sôi nổi của mình. Anh Ngọc đã từng tự  bút: "Đất Quảng Trị như thân tôi thương tật. Bom cắm vào chân đạn xuyên cánh tay. Có những viên cắm ngay trong gan ruột…Nơi ấy bây giờ đất đã nở hoa” Những bông hoa đã nở trên xương máu của biết bao anh hùng. Phải yêu mảnh đất ấy lắm, có niềm tin vững vàng lắm thì mới viết được những dòng như vậy khi mà chiến tranh: sự sống và cái chết chỉ là ranh giới mong manh. Điều này đã lý giải vì sao một người 7 lần bị thương nặng, mất trên 80% sức lực vẫn kiên cường trên trận địa, vững vàng tay súng đánh đuổi giặc thù. 19 cuốn nhật ký Đặng Sỹ Ngọc đã viết trong chiến tranh  đã giúp anh vượt qua tất cả.

33 năm sau ngày đất nước thống nhất, nhưng vẫn còn đó những nỗi đau dai dẳng. Hàng triệu người con đất Việt đã không trở về. Nỗi đau đó được ông Ngọc sẻ chia qua từng dòng  nhật ký. Trong ngôi nhà của mình ông Ngọc có một không gian riêng. Đó là nơi ông được sống lại quãng thời gian mà ông đã từng gắn bó suốt những năm tháng tham gia khángchiến. Một chiếc bàn nhỏ, bừa bộn giấy bút và ngọn đèn chỉ đủ cho ông quay về với quá khứ. Và ông miệt mài viết. Viết không chỉ là thói quen hay niềm say mê, đó còn là cách để ông Ngọc thông tin liên lạc với đồng chí, đồng đội và người thân của họ bằng những sự kiện và con số biết nói. Ông Ngọc cũng xem đây là trách nhiệm của mình. Điều đáng mừng nhất là nhật ký của ông đã được Nhà xuất bản Công an nhân dân lựa chọn ấn hành, xuất bản vào năm 2006. Cuốn nhật ký có tựa đề: “Trời xanh không biên giới”, là một trong những cuốn của tủ sách “Mãi mãi tuổi 20”. Cùng với những cuốn sách cùng loại khác, tập: “Trời xanh không biên giới” không chỉ có ý nghĩa ghi lại sự suy tưởng của một cá nhân trong những thời điểm cụ thể mà nó trở thành cuốn lịch sử sinh động phản ánh những mốc son, chặng đường đấu tranh cách mạng tài trí, can trường của thế hệ bộ đội cụ Hồ. Tôi đã rất may mắn khi gặp được bà Bà Trần Thị Diệp – Triệu Phong – Quảng Trị.Là người con gái  người con gái mà ông đã nặng lòng tình cảm trong thời gian tham gia chiến dịch Quảng Trị năm 1972. Chính ông Ngọc cũng không ngờ rằng sau khi cuốn nhật ký phát hành ông đã biết được tin tức. Bà Ngọc nức nở trong hạnh phúc: Tôi biết anh Ngọc qua cuốn nhật ký này. Trong cuốn sách anh Ngọc có nói đến chị Trần Thị Diệp từng là du kích giao liên tại Thành cổ quảng trị. Tôi cũng trùng tên họ với chị Diệp và cũng là du kích tham gia bảo vệ Thành cổ trong 81 ngày đêm. Tôi khâm phục tình cảm chân thành của anh Ngọc nên tôi đã tìm gặp anh và giúp anh tìm chị Diệp. Chị Diệp đã hy sinh. Cũng từ cuốn nhật ký chúng tôi đã trở thành những người bạn tốt.

Chiến tranh đã gây ra biết bao nhiêu mất mát, bom đạn của kẻ thù đã lấy đi rất nhiều thứ trong đó có cả những gì mà người ta hằng yêu thương, chắt chiu, chờ đợi. Nhưng chiến tranh cũng chứng minh sự trường tồn của những giá trị đạo đức, nhân văn trong cuộc sống. Người con gái tên Diệp mà ông Ngọc từng nhiều lần kiếm tìm đã hy sinh nhưng từ câu chuyện này người ta đã biết thêm về tình bạn chân thực của những người một thời mang mùa xuân ra trận.

  Trở về với áo cơm thường nhật, ông Đặng Sỹ Ngọc cũng thuần phác như bao nhiêu người một thời mang áo lính. Ông Ngọc nói rằng một trong những may mắn lớn nhất của cuộc đời ông là có người vợ tần tảo sớm hôm vì chồng, vì con. Bà Nguyễn Thị Vân – vợ ông Ngọc hiểu rõ hơn ai hết điều chồng mình đã nghĩ và đang làm. Bởi thế mà 23 tuổi bà đã dám kết hôn với một thương binh, người mà cuộc sống gắn liền với trại điều đưỡng và nỗi đau dai dẳng mỗi khi trở trời. Nghị lực của bà đã giúp ông vượt lên tất cả. Và hạnh phúc hơn là khi cả 3 người con của ông bà đều tốt nghiệp các trường đại học. Các con của ông bà đã trưởng thành bằng nghị lực âm thầm của mẹ và cả những dòng nhật ký thắm thiết của cha.

Ngoài những cuốn nhật ký mà ông Ngọc viết nên bằng nhiệt huyết của tuổi thanh xuân, hiện nay ông vẫn lưu giữ nhiều hiện vật của một thời bom đạn, trong những mảnh bom đó có một phần máu thịt của ông. Và có cả những thứ được ông xem như hành trang giúp ông vững vàng hơn khi trở lại cuộc sống đời thường. Nhưng những dòng nhật ký của ngày hôm qua mãi là niềm tin cho ngày hôm nay vì được dệt bằng máu và nước mắt của rất nhiều thế hệ chiến sĩ và của cả chính ông. Ông thổ lộ: Tôi đã viết với tất cả niềm tin.Có những lúc viết trong tiếng bom đạn của kẻ thù,Có những lúc viết run tay, tôi tự hỏi mình sợ à! Quyết không sợ phải lao lên đánh thù...Sau này những trang viết đó trở thành kỷ niệm cho tôi và cho rất nhiều đồng đội.

Đã có rất nhiều tờ báo viết về ông. Mỗi một bài viết người ta có một sự cảm nhận riêng về người thương binh, cựu chiến binh tưởng chừng như ông là người rất đặc biệt này. Nhưng tất cả đều chung một nhận định: ông là người quá đỗi mộc mạc, bình dị như bản chất của biết bao nhiêu người lính đã từng kinh qua chiến tranh. Ông vẫn thế! hằng ngày vẫn cùng với các thành viên khác trong gia đình bươn chải vì cuộc sống. Nhất là khi với ông Ngọc chạy xe máy lai không chỉ là lao động để mưu sinh mà trên hết là giúp ông cóp nhăt, kiếm tìm thêm chất liệu cho những trang viết mà ông thấy mình có trách nhiệm phải hoàn thành.

  • Đào Tuấn
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh