Say nắng, say nóng- Xử trí thế nào?

Nếu không được cấp cứu kịp thời, nạn nhân say nắng hoặc say nóng có thể rơi vào mê sảng, co giật, hôn mê và rất dễ tử vong.  

Say nắng xảy ra do nhiễm nắng lâu


Say nắng thường xảy ra khi cơ thể bị phơi nhiễm quá lâu dưới ánh nắng mặt trời. Say nắng là một thể của say nóng, là bệnh do tăng thân nhiệt. Say nóng là một phản ứng viêm toàn thể khi thân nhiệt trên 40,6oC, làm biến đổi tri giác và sự rối loạn các chức năng sống. Say nóng thường xảy ra trong những đợt nắng nóng hoặc ở nơi có nhiệt độ cao như trong hầm lò, lò nung gạch, đám cháy... 
 
Đối tượng dễ bị say nóng là: người già, những người lao động, luyện tập với cường độ cao, ở ngoài trời nắng lâu.
 
Sở dĩ người cao tuổi dễ bị say nắng do đã mắc nhiều bệnh, mất cơ chế điều hòa nhiệt độ hoặc đang sử dụng nhiều loại thuốc... Người trẻ phải làm việc ngoài trời nắng như nông dân lao động nông nghiệp, người làm việc ở lò gạch, lò vôi, lò luyện thép.
 
Người mắc các bệnh: tim mạch, bệnh phổi mạn tính, hen phế quản, 
đái tháo đường, phụ nữ có thai, tiêu chảy mất nước, uống rượu, vẩy nến, chàm, bỏng, cường tuyến giáp... Những người đang dùng các loại thuốc: kháng cholinergiques, cocaine, amphetamines, phenothiazine...



Thao tác hà hơi thổi ngạt và ép tim ngoài lồng ngực

Dấu hiệu say nắng, say nóng

Say nắng chỉ xảy ra với người hoạt động ngoài trời nắng. Một người bị say nắng thường có biểu hiện: sốt cao trên 39,8oC, lúc đầu thở sâu, mạch nhanh, sau đó là thở nông và mạch yếu, đồng tử giãn, lú lẫn, mê sảng, co giật, ngất. Say nắng thường thấy da nóng và khô, mệt lả, đau đầu, khó ở, đỏ mặt, nôn mửa và tiêu chảy.
Say nóng: da bệnh nhân bị lạnh và ẩm ướt (do gắng sức, da thường ẩm), tái mét, vã mồ hôi; miệng khô, yếu sức, choáng váng, nhức đầu, buồn nôn hoặc nôn, bị chuột rút (vọp bẻ); mạch nhanh và yếu; loạn nhịp tim, hạ huyết áp; hội chứng suy hô hấp cấp ở người lớn; rối loạn thần kinh trung ương: động kinh và hôn mê; suy gan và thận, rối loạn đông máu...

Khi gặp một người say nóng, cần chú ý phân biệt với các bệnh: ngộ độc thuốc, hội chứng thần kinh ác tính của các thuốc hướng thần, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn thần kinh trung ương...

Dấu hiệu trẻ em bị say nắng: trẻ mệt mỏi, mắt lờ đờ; cơ thể nóng ran, mặt đỏ gay, thân nhiệt có thể lên đến 40-41oC; nhịp thở nhanh nông; mạch yếu, khó bắt hoặc không bắt được. Nếu trẻ say nắng nặng, trẻ có biểu hiện: cơn co giật, hôn mê.

Cấp cứu người say nắng, say nóng

Khi gặp một người bị say nắng hay say nóng, cần nhanh chóng thực hiện việc sơ cấp cứu như sau: làm giảm thân nhiệt cho nạn nhân bằng cách đưa ngay vào chỗ thoáng mát, dùng quạt mát, đặt nạn nhân nằm ngửa, gác chân lên cao. Cởi bỏ bớt quần áo, cho uống nước lạnh có pha muối, tốt nhất là cho uống dung dịch oresol hoặc các loại nước trái cây như nước chanh, nước cam, nước chè tươi, cà phê, nước rau muống luộc... Dùng khăn hay quần áo thấm nước đá chườm lạnh khắp người cho nạn nhân, nhất là ở cổ, nách, háng. 
 
Nếu nạn nhân bị ngừng tim (bắt mạch quay không thấy, sờ không thấy tim đập), cần tiến hành ép tim ngoài lồng ngực và hà hơi thổi ngạt. Cách ép tim ngoài lồng ngực: dùng 2 tay chồng lên nhau ép lên lồng ngực ngoài tim, tần số ép khoảng 90-100 lần/1 phút.
 
Nếu chỉ có 1 người cấp cứu thì thổi ngạt 2 - 3 hơi lại ép tim ngoài lồng ngực 10 - 15 nhịp. Khi có 2 người cấp cứu thì 1 người thổi ngạt, 1 người ép tim ngoài lồng ngực, làm liên tục và kiên trì cho đến khi tim nạn nhân đập trở lại và thở được. Nhanh chóng chuyển nạn nhân đến bệnh viện nếu nạn nhân không uống được nước, bị nôn liên tục, sốt tăng liên tục, đau ngực, khó thở, đau bụng, bất tỉnh.

Điều trị

Truyền dịch để bồi phụ nước và điện giải cho bệnh nhân. Tiếp tục hạ thân nhiệt cho bệnh nhân bằng các phương pháp: cho uống nước mát, đặt những bọc nước đá trên những vùng có mạch máu lớn, nông đi qua như ở cổ, hõm nách, hõm bẹn... Chú ý khi làm lạnh ngoài da có thể gây run lạnh cho bệnh nhân. Nếu bệnh nhân ổn định có thể ngâm toàn thân hoặc từng phần cơ thể vào nước lạnh thường có hiệu quả tốt. 

Nhưng lưu ý rằng: đối với những bệnh nhân ở trong tình trạng nặng thì không dùng phương pháp ngâm người vào nước lạnh. Ở cơ sở y tế có điều kiện thì sử dụng các kỹ thuật làm lạnh hiện đại như: kỹ thuật hạ thân nhiệt điều trị sau khi ngừng tim; dùng nước lạnh rửa dạ dày, rửa xoang phúc mạc, xoang phế mạc hay bàng quang. Có thể dùng dịch lạnh truyền tĩnh mạch, cathéter làm lạnh trong mạch máu... Nên nhớ rằng: không có một loại thuốc đặc hiệu nào làm giảm thân nhiệt trong say nóng và say nắng.

Biện pháp phòng tránh say nắng, say nóng:

Khi lao động, tập luyện hay đi lại ngoài trời nắng, phải đội mũ nón rộng vành, tránh không cho ánh nắng mặt trời chiếu vào người, nhất là phải tránh nắng chiếu vào gáy. Thường xuyên uống nước dù chưa khát. Nên uống nhiều nước có pha muối hoặc tốt nhất là uống dung dịch oresol, nước trái cây. 

Nên định kỳ sau khoảng 45 phút hay 1 tiếng làm việc thì nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát từ 15 - 20 phút. Không làm việc lâu, quá sức trong môi trường nắng nóng. Các đối tượng là trẻ em, người cao tuổi, người bị bệnh mạn tính, người uống rượu bia không nên ra ngoài khi trời nắng gắt từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Nên mặc quần áo rộng, thấm mồ hôi bằng chất liệu vải cotton. Mặc áo chống nắng khi đi ngoài trời nắng.

Theo Sức khỏe & Đời sống - NT

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh