Trong xây dựng hình ảnh, chất lượng Đô thị loại 1, rác thải luôn là vấn đề nổi cộm của Thành phố Vinh. Những năm gần đây, thành phố đã từng phải đối diện với tình trạng ứ đọng rác thải cục bộ, những vi phạm về thải rác sinh hoạt trong dân cư mà nguyên nhân có từ nhiều phía…
Theo thống kê sơ bộ, mỗi ngày riêng khu vực trung tâm của Thành phố Vinh thải ra khoảng 250 tấn rác. Việc thu gom, vận chuyển số rác thải này được phó thác trách nhiệm cho 300 công nhân của Công ty TNHH một thành viên môi trường đô thị Nghệ An thực hiện. Chia trung bình theo cách thuần túy, thì mỗi công nhân phải giải quyết khoảng 8 tạ rác mỗi ngày. Sẽ là đơn giản hơn rất nhiều, nếu rác thải được thải ra, gom vào đúng nơi quy định, quá trình thu gom được tiến hành cơ bản bằng cơ giới trình độ cao.
Thế nhưng, chỉ riêng việc ý thức của người dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh, công sở trong việc thải rác sản xuất và sinh hoạt ở Thành phố Vinh đã là một thách thức lớn. Mổ xẻ vấn đề này, đã có nhiều ý kiến cho rằng do thiếu dụng cụ chứa rác, việc bố trí các điểm đổ rác ở các khối phố chưa hợp lý; công tác tuyên truyền, khuyến cáo, xử lý trong việc đổ rác theo quy định chưa được tập trung làm tốt… Thực tế hiện nay, trên những con đường rất đẹp, có vỉa hè rộng thoáng dành cho người đi bộ, như các đường Hồ Tùng Mậu, Trường Thi, Lê Mao, Quang Trung… đều không có thùng rác đặt đúng chỗ để khuyến khích người dân bỏ rác vào thùng. Rác thải tại các chợ trên địa bàn thành phố thực sự “khủng khiếp” thải tự do và chỉ được thu gom khi chợ đã họp xong, các lao công phải làm việc rất vất vả; trong khi, mỗi phường đều có một chợ hoạt động, chưa kể các chợ cóc.
Một người dân đổ rác dưới chân cột đèn giao thông. Ảnh: T.S
Tại các khu vực đông dân cư ở trung tâm thành phố, chưa có các bồn chứa rác được quy hoạch và tính toán phù hợp với điều kiện tại chỗ một cách khoa học, thuận lợi. Người dân cứ thế vứt rác xuống bất cứ nơi nào họ cho là “tiện”. Chiều chiều, trên đường Lê Hồng Phong, đôi khi chỉ một đoạn ngắn có tới hai bãi rác tự phát. Những túi rác bị súc vật xé ra, rác vương vãi khắp nơi. Trên đường Đinh Công Tráng, đường Đào Tấn… cũng thường như vậy. 91 tuyến đường chính trên địa bàn thành phố, việc quét dọn, thu gom rác chỉ được tiến hành vào buổi tối, nên nhìn chung các con đường trong thành phố đều … rác! Chưa nói, khi lao công vừa dọn xong, lát sau quay lại, lại thấy ngay ở đó một đống rác mới. Người dân chưa có thói quen đổ rác vào giờ quy định. Nên, mới có tình trạng vừa tinh mơ sáng, đã thấy rác bừa bãi ở một số tuyến phố. Vấn đề này, nên chăng cần có sự tham gia trách nhiệm của tổ dân phố; nếu phát hiện hộ nào vi phạm đề xuất lên phường, cơ quan chức năng xử phạt.
Cũng chính vì không có quy hoạch cụ thể các điểm tập kết rác một cách khoa học và thuận tiện, gây rất nhiều khó khăn cho chính những công nhân thu gom, vận chuyển rác thải. Mặt khác, việc thu gom rác tại Vinh từ những khu dân cư và các tuyến đường, chủ yếu dựa vào 1.000 chiếc xe đẩy thủ công. Nhưng điều bất hợp lý là lại chưa có điểm bãi tập kết cho hơn một ngàn chiếc xe đẩy này khi xong việc. Chính vì vậy, những chiếc xe đẩy rác bẩn thỉu, hôi hám này được xếp hàng dãy trên vỉa hè các con đường như: Lê Hồng Phong, Đào Tấn, Ngư Hải… tạo hình ảnh nhếch nhác. Rồi việc đặt các thùng thu gom rác di động, thật bi hài như lời kể của một lái xe thu gom rác: “Bọn tôi bị dọa đánh, chửi bới rất nhiều lần. Nguyên nhân thì xích gần nhà này, thì nhà này chửi bới, xích gần nhà khác, nhà khác lại đòi đánh. Không biết phải làm sao để vừa lòng nhà này mà không mất lòng nhà kia!”.
Trước mắt, để khắc phục tình trạng rác thải như hiện nay ở Thành phố Vinh, cần phải sớm đầu tư lắp đặt các thùng rác công cộng ở vỉa hè các con đường, giúp người dân bỏ rác đúng nơi quy định, tuyên truyền người dân thực hiện phân loại rác thải tại nhà trước khi đem đi bỏ vào thùng rác công cộng. Đối với rác của khu vực dân cư, các chợ, cần đầu tư trang thiết bị: bồn chứa rác có nắp đậy, “téc” đựng rác di động lớn đặt tại những nơi cần thiết, được quy hoạch cụ thể. Những chiếc “téc” này sẽ được xử lý sạch sẽ trước khi xe vận chuyển đưa đến bỏ xuống chỗ quy định, và chở đi khi rác đã đầy. Đây là những thiết bị cần thiết, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh tại Thành phố Vinh hiện nay. Xe đẩy thô sơ chỉ phục vụ ở trong các ngõ nhỏ, đưa rác từ các khu dân cư ra các “téc” rác lớn. Tuyệt đối không được tập kết các xe đẩy rác ở vỉa hè, đường phố. Có như vậy, mới không phát sinh ra “rác của rác”. Tiết kiệm được nhân công, do bỏ qua công đoạn quét, hốt vào xe nhỏ, rồi mới chuyển đến xe lớn đưa đi.
Rác trên đường Lê Hồng Phong (ảnh chụp lúc 20h30 ngày 18/5/2013)
Ảnh: Cảnh Nam
Tất nhiên, chỉ có sự cố gắng của Công ty TNHH MTV môi trường đô thị Nghệ An thôi chưa đủ; mà cần sự ủng hộ chung tay vào cuộc của các cơ quan chức năng. Và đặc biệt là ý thức và sự đồng hành, ủng hộ của người dân thành phố. Các cấp chính quyền, các đoàn thể và tổ chức trong cộng đồng dân cư phải vào cuộc trong tuyên truyền và đề ra các hình thức giám sát, xử phạt đối với các hành vi vi phạm về rác thải đô thị; vận động người dân đóng góp mua các thùng rác di động các loại để gom rác, luân phiên trong nhóm hộ, tổ dân cư tự giác chuyển rác đến các điểm tập kết chính, tạo điều kiện cho công nhân công ty môi trường đô thị “giải phóng” rác nhanh hơn.
Thế Sơn-Báo Nghệ An