Cội rễ của dân ca Nghệ Tĩnh là từ nhân dân. Những làn điệu dân ca bắt nguồn từ những người nông dân chân lấm tay bùn quanh năm trên đồng ruộng; từ các mẹ, các chị quay tơ, dệt vải … Do đó, dân ca mang những tình cảm, cốt cách và linh hồn của người Nghệ.
Tìm về làng Sen quê Bác, những câu ca ví dặm như níu chân người ở lại. Ở đó có những nghệ nhân tuy tuổi đã cao vẫn mặn mà với từng câu hát mang đậm ân tình và cốt cách của con người xứ Nghệ bao đời nay… Để bây giờ, mỗi khi ngồi lại với nhau, những nghệ nhân già như cụ Hán, cụ Sửu hay cụ Tư, cụ Em đều nhắc về những ngày cách đây đã ngót 70 năm. “Ngày nớ phường vải ở đất ni nổi tiếng lắm vì có nhiều người ví hay. Tối mô cũng hát, trai thì khăn đóng áo dài, nữ thì yếm đào tứ thân, cứ như thế những làn điệu ngấm vào người lúc mô không biết”, nghệ nhân Nguyễn Thị Em nhớ lại.
Xưa, làng Hoàng Trù hay làng Phổ Đông, Nam Kim thuộc huyện Nam Đàn có nghề dệt vải nổi tiếng nên cứ tối đến, nam thanh niên trong vùng và cả các vùng lân cận thường đến chơi, vừa ngắm các cô gái ngồi quay tơ dệt vải khung cửi, vừa hát đối đáp để chọn ra cô gái khéo léo và thông minh, người ta gọi hát ví ở những vùng này là ví phường vải là vì thế.
Hát phường vải ở xã Kim Liên, Nam Đàn. Ảnh: Xuân Tám
Những câu ví xuất phát từ chính đời sống lao động của người dân xứ Nghệ nên nghe tên làn điệu, người ta có thể đoán được đặc điểm sản xuất của vùng đó. Nhiều ý kiến cho rằng, những điệu ví xứ Nghệ xuất phát từ vùng quê Đô Lương, nơi đã từng là thủ phủ của Châu Hoan, trung tâm chính trị và văn hóa xứ Nghệ. Ban đầu chỉ là những lời đối đáp qua lại giữa những người lái đò trên sông nước, dần điệu ví “lan xuống” dọc bờ sông Lam đến các vùng như hát ghẹo ở Thanh Chương, hát phường vải ở Nam Đàn, hát phường nón, phường củi… Còn hát dặm lại là những lời hát mang âm hưởng chắc khỏe mà trầm ấm, lời hát mộc mạc được hát lên trong những khi lao động nặng nhọc như giã gạo, xẻ gỗ, leo núi... Sau này, những điệu hát ví hay hát dặm được hát thường xuyên, một số nhà nho, người học cao cũng sáng tác lời hát làm cho những câu ví dặm trở nên lắng đọng, uyên thâm hơn dù cho đến nay, hầu hết những lời hát ví, dặm đều khuyết danh tác giả.
Cũng chính vì gắn với đời sống lao động của người dân nên dân ca ví dặm mang những nét đặc trưng hồn người xứ Nghệ. Lời hát khi nhẹ nhàng, mộc mạc, khi khỏe khoắn, sôi nổi, lúc lại tha thiết, chân tình. Ngoài ra, theo nhiều nghiên cứu lịch sử, những chí sĩ yêu nước như Phan Bội Châu, Vương Thúc Quý… hay Chủ tịch Hồ Chí Minh đều đã từng gắn bó với câu hát ví dặm từ thuở ấu thơ. Ngoài mang những nét ân tình của người dân xứ Nghệ thì những câu hát ví dặm còn khơi gợi tấm lòng yêu nước son sắt và tình yêu quê hương sâu đậm, đó cũng là đặc trưng đã gắn với người dân ở hai tỉnh miền Trung này suốt bao đời nay.
Buổi tập của CLB Dân ca xã Diễn Thái, Diễn Châu. Ảnh: X.T
Hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 8 người đã được công nhận là nghệ nhân Dân ca ví dặm thì tại Nam Đàn đã có 7 nghệ nhân, đều sinh hoạt trong CLB Dân ca xã Kim Liên. Ở một số huyện khác, phong trào phát triển dân ca cũng diễn ra sôi nổi với việc thành lập nhiều câu lạc bộ đàn hát dân ca. Tiêu biểu có huyện Nam Đàn đang hoạt động 5 CLB, các huyện Thanh Chương, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghĩa Đàn, Anh Sơn đều có ít nhất 2 CLB được thành lập. Hiện nay tại Nghệ An có khoảng 52 CLB đàn hát dân ca được thành lập với khoảng 2.000 thành viên đang duy trì sinh hoạt thường xuyên.
Thời gian qua, các hoạt động nhằm bảo tồn và phát triển Di sản Dân ca ví dặm xứ Nghệ đã được quan tâm. Từ năm 2000, Trung tâm Bảo tồn và phát huy Di sản Dân ca xứ Nghệ đã được thành lập với lực lượng nòng cốt là Nhà hát Dân ca Nghệ An (cũ), đã tổ chức được nhiều chuyến lưu diễn ở các vùng sâu, vùng xa nhằm đưa dân ca xứ Nghệ đến với đông đảo người dân khắp tỉnh. Việc đào tạo, truyền dạy dân ca cũng được chú trọng như công tác đưa dân ca vào trường học, tổ chức dạy hát dân ca trên truyền hình từ năm 1995. Gần đây, nhiều hội thảo về bảo tồn và phát huy Di sản Dân ca xứ Nghệ đã được tổ chức. Tháng 9/2011, Liên hoan các CLB đàn và hát dân ca đã được tổ chức với sự tham gia của 20 CLB ở các địa phương trong toàn tỉnh. Đặc biệt, Festival Dân ca ví dặm xứ Nghệ lần thứ nhất đã được tổ chức thành công vào tháng 6/2012, với sự tham gia tranh tài của 22 CLB, trong đó có 17 CLB dân ca tỉnh Nghệ An. Có tất cả gần 700 diễn viên, nghệ nhân, nhạc công tham gia liên hoan. Nghệ nhân nhiều tuổi nhất trên 80 tuổi, nghệ nhân ít tuổi nhất còn chưa đến 10 tuổi.
Tiêu biểu trong Festival Dân ca xứ Nghệ lần thứ nhất có em Nguyễn Thị Hiền (14 tuổi), đến từ xã Nghĩa Hội, huyện Nghĩa Đàn. Với giọng hát trong trẻo, kỹ thuật luyến láy điêu luyện, Hiền đã được trao giải Nghệ nhân nhỏ tuổi trình diễn xuất sắc nhất của liên hoan. Nguyễn Thị Hiền cho biết: “Em biết đến dân ca từ năm 9 tuổi nhờ theo mẹ đến xem các buổi tập ở CLB, rồi em thích học các làn điệu dân ca từ đó, ở trường em cũng tham gia vào CLB Dân ca và về nhà em lại học hát theo chương trình phát trên TV. Em mong muốn sẽ được tìm hiểu và học hát thêm nhiều làn điệu dân ca xứ Nghệ”.
Với những nghệ nhân như cụ Trần Văn Tư hay nghệ nhân “nhí” Nguyễn Thị Hiền, có thể khẳng định rằng, dân ca ví dặm vẫn đang sống và được ươm mầm trong cuộc sống hiện đại vốn xô bồ mà những giá trị văn hóa nhiều khi bị đánh mất, khó có thể tìm lại.
Ngày 31/3/2013 vừa qua, hồ sơ Dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh đã được Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia thống nhất đệ trình UNESSCO xem xét công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tuy nhiên, sau sự kiện này, chúng ta cần có những giải pháp, cách làm nào để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa mang đậm bản sắc xứ Nghệ. |
Tác giả bài viết: Thái Anh
Nguồn tin: Báo Nghệ An