Phác thảo vùng di tích lịch sử văn hóa Trường Thi - Bến Thủy

Kỳ I: Về Vinh         
Bút ký lịch sử của nhà văn Đào Thắng


Lời Toà soạn:

Đại tá, Nhà văn Đào Thắng, nguyên chiến sĩ pháo cao xạ những năm tháng chiến tranh ác liệt ở tuyến lửa khu 4, là người có hơn 10 năm sống và chiến đấu ở mảnh đất Nghệ An giàu truyền thống lịch sử văn hoá và cách mạng. Ông đã viết nhiều tác phẩm văn học, báo chí về Nghệ An, trong đó Báo Nghệ An là nơi ông gửi gắm để giới thiệu những bài bút ký có giá trị. BBT Báo Nghệ An trân trọng cảm ơn sự cộng tác của nhà văn và xin giới thiệu Bút ký lịch sử "Phác thảo vùng di tích lịch sử, văn hoá đặc biệt Trường Thi - Bến Thuỷ". Bài ký gồm 7 phần, sẽ đăng lần lượt trên báo Nghệ An điện tử, bắt đầu từ hôm nay.

 

...Tôi có một kỷ niệm trên cái gạch nối dằng dặc từ Vinh ra Hà Nội rồi lại từ Hà Nội về Vinh với khu biệt thự 65 Nguyễn Du, một kỷ niệm rất hồn nhiên kiểu lính... Xin bạn đọc đừng sốt ruột, gượm rồi tôi sẽ kể. Ga Hà Nội khi ấy còn được gọi bằng cái tên quen thuộc, gốc gác của nó là ga Hàng Cỏ và biệt thự 65 Nguyễn Du khi ấy còn là trụ sở danh tiếng của Hội Nhà văn cách nhau trên một cây số...


Tôi ở chung với anh Nguyễn Chí Bốn một tác giả làm thơ, chuyên gia viết tấu thơ cho đội Tuyên văn Trung đoàn. Tấu thơ nổi tiếng nhất của Bốn là "Ngọn cờ anh hùng Nguyễn Huy Hồng". Hồi đó là mùa Xuân năm 1973, cơ quan chính trị Đoàn Pháo binh Phòng không Đống Đa (Trung đoàn 233) sau những lần rải bom cuối cùng của máy bay B52 Mỹ vào khu phà Mượu ngay sát sở chỉ huy Trung đoàn, cơ quan chính trị Trung đoàn đã rời về cái nôi ấm áp thôn Phong Xuân (chúng tôi gọi là Phong mít, Phong Chè bởi vì bà con trồng nhiều chè xanh và cây mít quả rất ngon). Tôi với Nguyễn Chí Bốn (bút danh Bồn Thắng) ở chung một nhà, nằm chung trên chiếc giường một gia đình nhường cho. Ở Phong Xuân - làng Đỏ chúng tôi đã được chứng kiến giờ phút huy hoàng của dân tộc Hiệp định Paris được ký kết ngày 26 tháng 01 năm 1973. Đêm hôm ấy cả làng Đỏ, cả Vinh - thành phố thân yêu của chúng tôi sau những gian khổ, hi sinh mất mát và những kỳ tích mà cả thế kỷ sau nữa những cây bút tâm huyết nhất vẫn chưa viết hết được những lớn lao còn chìm khuất đã bật dậy thăng hoa, như vỡ tung với tiếng reo hò, tiếng súng đủ các loại: súng trường, súng tiểu liên, rồi pháo, pháo tép cả bánh, pháo đùng, pháo cối. Đạn vạch đường bắn lên trời thành dòng đỏ, dòng xanh, tiếng hò reo, súng bắn pháo hiệu kéo dài cả tiếng đồng hồ. Tiếng hát vang lên cả trên loa đài buộc trên ngọn cây và cả dưới mặt đất, giọng hát cao vút của ca sỹ trẻ Doãn Tần. Nhiều giọng nữ rất hay của làng Đỏ hoà vào nhau đầy tự hào bài "Việt Nam trên đường chúng ta đi" của nhạc sỹ Huy Du, lời thơ Xuân Sách.


Sáng sớm, tôi và Bồn Thắng (Nguyễn Chí Bốn) từ Phong Xuân qua Phong Văn, Phong Đồng cuốc vội về phía khu trận địa trung đoàn chúng tôi. Cả hai đứng lại dưới hàng phi lao già bị phạt hết ngọn trước cửa Nhà máy nước đã bị bom, pháo phá hỏng. Đứng ở Phong Đồng trên con đường ra kho xăng Hưng Hoà, nhìn về phía khu Trường Thi, kéo xuống tận Hưng Thuỷ, Vinh Tân, cả khu trung tâm thành phố, qua cầu Thông xuống khu phố 5, cả một vùng rộng lớn, cả một đô thị Vinh trống trơ, nát vụn. Sườn phía đông và phía bắc núi Quyết, trên các đỉnh núi, các yên ngựa bị cày lên đỏ lòm. Sau cuộc chiến tranh tàn khốc mới thấy Vinh - Trường Thi - Bến Thuỷ bị huỷ diệt ghê gớm quá. Cái giá của máu, của công sức, tiền của, cái khuyết tật của đất và người phải cần đến bao đời mới đắp đền được. Tôi thấy lòng mình đầy xúc cảm, sự xúc động cuộn lên không sao nén nổi. Như bị nghẹt thở tôi ôm vùi Nguyễn Chí Bốn và bật khóc như trẻ thơ. Bốn cũng đứng im cho tôi tựa. Tôi vốn là lính của đại đội 8, năm 1968 Mỹ ném bom hạn chế, ôm bến phà, rồi lại đi Sông Gianh, Quảng Bình, rồi lại vác súng máy cao xạ 12,7 ly vào Bắc Quảng Trị. Rồi lại được gọi về núi Quyết. Đến cuộc chiến năm 1972, đại đội tôi cơ động dọc miền Hà Tĩnh rồi về chốt tại phà Linh Cảm. Đôi lần các thủ trưởng gọi lên trung đoàn làm thành viên tổ sáng tác, lần về Vinh mới rồi thủ trưởng Nhâm tâm sự với các anh Thanh Đồng, Đậu Kỷ Luật : "Là lính chiến thì chỗ của nó phải ở trận địa nhưng thú thật chỉ lo nó chết. Thế mà cao số sống được. Thỉnh thoảng gọi lên tổ sáng tác cho giải lao". Tôi rời vai Bốn nuốt nước mắt nói : "Mình viết một bài thơ". Bốn đưa cho tôi tờ giấy rơm, tôi có cây bút máy cũ viết luôn bài thơ "Thành phố của chúng tôi" gửi báo Nghệ An. Sau này tôi được biết báo Nghệ An đã đăng bài thơ này. Tôi còn nhớ hai câu thơ :


        "Thành phố của chúng ta

          Công sự pháo nhiều hơn những mái nhà ngói đỏ"


 
Cả thành phố im ắng lạ thường. Sau một đêm tất cả mọi người dân từ các hầm, các ngõ ngách ăn mừng chiến thắng bằng đủ các thứ tiếng động của chiến tranh rồi bây giờ ngủ yên. Chúng tôi đi về phía trung tâm thành phố. Ngôi nhà đầu tiên hai chúng tôi đến là nhà anh Huỳnh Ngọc Dung, Trưởng phòng Văn hoá thành phố. Anh là người thương binh cụt một tay thời chín năm đánh Pháp. Anh có biệt tài bắn súng săn chim bằng tay còn lại. Đám le le, sâm cầm, vịt trời từ phương Bắc về trú đông ở các hồ nước quanh kho xăng Hưng Hoà đã giúp anh cải thiện bữa cơm gia đình thành buổi liên hoan. Tôi có mặt tại gia đình anh vào một buổi liên hoan như thế. Một gia đình văn hoá của Vinh, vừa lịch thiệp, vừa đầm ấm. Anh chị ngồi bên nhau. Cô con gái lớn Huỳnh Ngọc Lan sinh viên Khoa Hoá Trường đại học Tổng hợp Hà Nội mới về, lãng mạn, kiêu sa, am hiểu nghệ thuật múa am hiểu thơ và có tài về thơ; cô xa vời đối với hai chúng tôi, mấy chàng lính mới tốt nghiệp phổ thông. Bốn người con còn lại : Lâm con trai đã tốt nghiệp cấp III, chờ vào đại học. Sơn học lớp mười cuối cấp, Hà học lớp chín và Hảo bé con đang học cấp một. Tôi ngồi rón rén, mặt đỏ bừng khi anh hỏi đến thơ và văn được đăng báo. Bữa cơm không bao giờ có thể quên ấy vào cuối năm 1971 khi đơn vị tôi từ đường số 9 Quảng Trị nhận lệnh về Vinh. Tình hình Mỹ đánh trở lại Vinh đã rõ, máy bay trinh sát bay hàng ngày, và Vinh thầm kêu gọi những đứa con lính phòng thành như chúng tôi trở về. Ngày 31 tháng 12 năm 1971, ngày cuối cùng của năm, máy bay Mỹ bất ngờ đánh ga Vinh, tên lửa, pháo cao xạ phối hợp bắn rơi tại chỗ hai chiếc. Dân Vinh, dân Cửa Lò, Nghi Lộc reo hò. Đây là trận đánh báo hiệu năm 1972 lịch sử với trung đoàn pháo cao xạ 233 (Đoàn Đống Đa) chúng tôi. Hai chúng tôi đứng trước ngôi nhà bỏ không. Tôi đã có mặt ở ngôi nhà này hồi cuối năm 1972. Khi nhận được tin cái tang lớn của gia đình anh Dung. Tôi đứng chôn chân ở giữa sân đầu cúi xuống, nước mắt tuôn ra thành giọt lớn. Anh lúng túng ngồi dậy, đắp tấm dù cho cô con gái lớn đang nằm thiêm thiếp, thỉnh thoảng lại nấc khan. Mặt anh tái nhợt, chân bước nặng nề bước về phía tôi, nặng nề giơ cánh tay lành nắm lấy vai tôi giọng yếu ớt ngắt quãng : "Con ơi, nhà ba chỉ còn có thế này". Sau tôi mới được biết, khi máy bay ném bom, pháo biển bắn vào thành phố, anh phải đội mũ sắt đến nơi tập trung tự vệ. Nhà có hai cái hầm lớn, bố mẹ một hầm, các con một hầm, để nếu có sao thì còn người. Pháo hạng nặng có tăng tốc từ tầu Mỹ bắn vào Vinh chầm chậm từng quả một, nổ gần, mẹ lo sợ cho các con quá chạy sang với mấy đứa. Một quả pháo lớn rơi trúng hầm xuyên qua nổ bên trong không ai có thể sống sót bởi một quả pháo nặng ngang một quả bom như vậy !...


Ngôi nhà thứ hai chúng tôi đến là nhà cậu mợ Tuất. Nhà thấp tè bám vào một bên ngã tư Cửa Bắc đối diện với chùa Diệc phía bên kia đường. Tôi biết gia đình cậu mợ Tuất là do tổ trưởng tổ sáng tác trung đoàn Tưởng Duy Hùng giới thiệu. Gọi cậu mợ là gọi theo kiểu Hà Nội, kiểu dân phố cổ 74 Cầu Gỗ Tưởng Duy Hùng. Bà gốc dân Ứng Hoà, Hà Tây gần quê nội Duy Hùng, còn ông dân Nghệ chính hiệu, ông quê Chín Nam (chín xã phía nam sông Lam của huyện Nam Đàn) người cao gầy lao động nặng nhọc. Sau này tôi mới được biết ông là lính tuyên huấn của Trường Sỹ quan Lục quân Trung Bộ. Bà là nhân viên cửa hàng lương thực Cửa Bắc. Cả một đàn con đông đúc hơn nhau nửa mái đầu : Hưng, Quang, Thịnh, Vượng, Hùng, Cường, Dũng. Sáu trai một gái. Cả tổ sáng tác trở thành con của hai ông bà, đứa gọi bố mẹ, đứa gọi cha mẹ, chỉ mình Duy Hùng gọi là cậu mợ Tuất.


Tôi chưa giải thích được vì sao ông bà bám trụ ở ngã tư trơ trụi này trong suốt cuộc chiến tranh mà nhà không mất một ai. Chúng tôi thức thâu đêm trong ngôi nhà tạm của ông bà, bàn chuyện sáng tác những tiết mục ngợi ca sức sống mãnh liệt của thành phố Đỏ, chuẩn bị cho hội diễn 10 năm chiến đấu và chiến thắng của Quân khu Bốn. Chín mười thằng con văn nghệ uống trà, hút thuốc lá thâu đêm : Duy Hùng, Phùng Chiến, Nguyễn Chí Bốn, Đào Thắng, Lê Danh Ca, Nguyễn Ngọc Lợi, Nguyễn Thế Sự, Văn Trung, Văn Kha, Kim Anh Lợi...


Anh bạn trẻ ngồi ở ghế bên cạnh tôi bỗng giục :


- Chú đi tầu tốc hành NA I (Nghệ An I) hả chú ? Nhà ga mở cửa rồi đấy. Chú vô đi, tầu NA I ở đường sắt số 5, phải vòng xa chú ạ. Đồ của chú có nặng không ? Cháu có thể mang giúp.

Tôi chỉ chiếc ba lô lính và chiếc cặp nhỏ. Ba lô để đựng quần áo, cặp để giấy sách. Giấy, sách, bút, cho lẫn vào quần áo sợ không thanh sạch, đi xa kiểu dã chiến sợ nhầu nát chữ.


Vẫn giọng Vinh chuẩn và ấm, anh bạn lại hỏi :

- Chú xuống ga mô ?

- Chú về Vinh !


- cháu cũng về Vinh chú ạ. Bố cháu quê Thái Bình, ngày chiến tranh chiến đấu ở Vinh. Hết chiến tranh chỉ huy đơn vị làm đường mắc lỗi gì đó bị giáng cấp giáng chức. Bố cháu bảo là chỉ Vinh mới chứng minh được sự trong sạch, trong sáng của tôi. Thế là bố cháu xây dựng với mẹ cháu người Vinh rồi ở lại Vinh luôn. Cháu là người Vinh thế hệ thứ hai đấy chú ạ.


- Ừ chú biết Vinh có nhiều gia đình mang nghề khéo từ Nam Định vô như thợ xây, thợ mộc, thợ làm gương kính. Còn công nhân công nghiệp ở Nhà máy xe lửa Trường Thi, Nhà máy gỗ, Nhà máy diêm Bến Thuỷ trước đây thì từ Đức Thọ sang, Hưng Nguyên, Đô Lương xuống. Vinh chứa đựng những đặc tính văn hoá tiêu biểu của xứ Nghệ và Vinh cũng mở lòng đón những tinh hoa của nhiều miền đất nước. Tôi nhìn chàng trai trẻ náo nức về với gia đình nhỏ ở Vinh. Còn tôi, tôi gắn bó với một tình yêu rộng lớn. Tôi có một chút cô đơn, bởi tôi chưa từng có một sự gắn bó riêng tư nào đúng nghĩa ở nơi thân yêu đáng kính trọng này. Các bạn tôi phần đông là dân Nghệ và cả dân "Bắc Kỳ" đã lầm tưởng tôi phải có một cái gì đấy ruột rà, cái gì đấy bí mật để hễ hở ra một chút, một ngày là "nó" tìm cách về Vinh. Có một cái gì đó thật bí ẩn chứ không phải bí mật ở trong tôi đã gắn chặt với vùng đất thiêng liêng nhiều mất mát đau khổ này. Lần về Vinh này tôi không có Bồn Thắng đi cùng. Cái kỷ niệm tôi nói lúc đầu ấy là một lần hai đứa tôi ra Hà Nội, tôi vừa có một cái ký sự dài "Hướng Phụ" đăng ở Văn nghệ Quân đội, lại được tin cái ký ấy được tặng thưởng giải thưởng văn xuôi năm 1973. Nguyễn Chí Bốn thì về thăm báo Phòng không - Không quân, anh đã là phóng viên của tờ báo này trong hai năm. Tôi gặp Bốn lần đầu khi từ trận địa "cây dừa" đi lấy lá nguỵ trang. Tôi vung dao chặt cành một cây phi lao lớn đã cụt ngọn có người từ dưới nói vọng lên :


- Này ! Sao lại chặt cây ấy, nó ở đầu C1 của tôi đấy !

Tôi choáng người nhận ra đại đội 1 vừa bị nặng ở Truông Bồn còn mỗi một khẩu vươn nòng, các khẩu khác bị thương đang trùm bạt, phủ lá cây. Tôi hấp tấp :

- Xin lỗi ! Trời còn tối nên tôi không nhận ra.

Một giọng lịch sự hơi điệu

- Anh ở "xê" nào ?

- "Xê tám" !

- À ! Thế có biết Đ.T không. Đ.T làm thơ ấy mà

- Tôi đây !

Một cái bắt tay. Bốn ôm lấy tôi với những ngón tay nhỏ, dài ươn ướt.

- Mình là Bồn Thắng phóng viên báo Phòng không - Không quân tình nguyện về đơn vị vào bảo vệ thành phố Đỏ !


Tôi đọc luôn mấy bài thơ cho Bốn nghe, Bốn gật đầu khen : Có giọng riêng, nhiều xúc cảm. Còn thô, cần chuốt lại câu và mới hơn.


Chúng tôi thân nhau từ lần gặp bất ngờ bên trận địa và thường cặp kè ở tổ sáng tác Trung đoàn mỗi khi chuẩn bị có hội diễn, ra Hà Nội rồi lại cùng về Vinh. Lần lấy nhuận bút ấy chúng tôi đãi nhau cốc sen dừa phố Phan Bội Châu và mời cả mẹ Duy Hùng thứ nước giải khát dân tộc đang được chuộng ở Hà Nội thời còn nghèo khó. Ra ga rồi sờ ba lô mới nhớ anh Đậu Kỷ Luật nhờ chuyển một phần tiểu thuyết "Vùng Mẹo" tới nhà văn Bùi Bình Thi ở Tạp chí Tác phẩm mới Hội Nhà văn Việt Nam. Sắp đến giờ tầu chạy. Hai đứa khoác ba lô chạy ngược đường Nam Bộ (nay là đường Lê Duẩn) đến 65 Nguyễn Du. Thở cả ra đằng mũi, mang tai. Đến toà soạn Tác phẩm mới danh tiếng bậc nhất lúc đó, anh Bùi Bình Thi lại đi vắng - chết người đây ! anh Luật - Phó tổng biên tập Báo Quân khu ưu ái đặc biệt anh em viết trẻ. Anh tin tôi nên gửi cái phần quan trọng của đứa con "Vùng Mẹo" quý giá nhất của anh. Một người phụ nữ trẻ, xinh đẹp khuyên nên gửi lại rồi chị sẽ chuyển đến anh Thi. Tôi đã dũng cảm gửi lại rồi kéo Bốn chạy thục mạng như để tránh pháo kích. Cả hai lao qua hai người gác cửa đã tránh sang một bên. Tàu chuyển bánh, hai thằng lính chiến khi ấy ngổ ngáo nhảy phốc lên bậc mất hút sau bậc lên xuống kịp chuyến tàu về Vinh.


Kỳ II:
Những người tâm huyết

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh