Trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã hiến dâng tuổi thanh xuân của mình cho độc lập, thống nhất của đất nước.
Thành phố Vinh nói chung, xã Nghi Liên nói riêng là địa phương có truyền thống cách mạng kiên cường, anh dũng, đồng thời là nơi chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh nên số lượng đối tượng chính sách rất lớn. Theo số liệu của cán bộ chính sách xã Nghi Liên: Xã Nghi Liên hiện có có 390 người là thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ và người có công, có trên 1.200 người là bộ đội, thanh niên xung phong, cán bộ, nhân dân trực tiếp tham gia kháng chiến được tặng thưởng, huân huy chương. Có 62 người và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc da cam đioxin để lại di chứng nặng nề không những cho bản thân mà đến cả thế hệ con cháu của họ vẫn còn vật vã đau thương.
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Thương binh tàn nhưng không phế”, địa phương luôn quan tâm và tạo điều kiện cho anh em thương binh phát triển sản xuất và kinh doanh; tham gia các hoạt động, công tác của xã hội. Và để đáp lại sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự đùm bọc giúp đỡ của nhân dân, nhiều thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ đã không ngừng phấn đấu vươn lên, tiếp nối truyền thống anh hùng trong học tập, công tác và lao động sản xuất. Nhiều tấm gương thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ đã vượt lên mọi khó khăn, lao động quên mình để thoát nghèo, làm kinh tế giỏi và trở thành những tấm gương mẫu mực trong các phong trào hoạt động của địa phương. Kỷ niệm 66 năm ngày thương binh liệt sỹ 27/7/1947 – 27/7/2013, xin giới thiệu những tấm gương thương binh tiêu biểu và những kết quả trong công tác đền ơn đáp nghĩa của xã Nghi Liên.
Bệnh binh Nguyễn Văn Hoà với mức thương tật 2/3 – xóm 8 cũng là một tấm gưuơng tiêu biểu về lòng nhiệt tình, tâm huyết với công việc – hiện nay ông là xóm trưởng xóm 8. Cuối năm 1971 đầu năm 1972, cũng như bao thanh niên yêu nước khác, ông Nguyễn Văn Hoà lên đường tham gia bảo vệ tổ quốc. Ông đã từng tham gia chiến đấu ở nhiều chiến trường trong nước và quốc tế như chiến trường miền Tây Nam Bộ, chiến trường Lào, Cam pu chia. Năm 1987 ông xuất ngũ trở về địa phương với thương tật hạng 2/3. L:úc đầu cuộc sống gia đình ông gặp muôn vàn khó khăn: không vốn liếng, không nghề nghiệp. Nhưng với ý chí và nghị lực của một cựu chiến binh, ông đã động viên vợ con đầu tư công sức vào phát triển kinh tế hộ, nhờ đó đời sống của gia đình từng bước được nâng lên.
Ngoài chăm lo cuộc sống gia đình, ông còn nhiệt tình, tâm huyết trong công tác xã hội, quan tâm tới cuộc sống của bà con lối xóm. Với uy tín của mình trong cộng đồng dân cư từ năm 1991 ông được bầu làm thanh tra nhân dân xã Nghi Liên, xóm phó xóm 8 và suốt 16 năm qua, ông được bà cón xóm 8 tín nhiệm bầu vào chức vụ xóm trưởng của xóm.
Xóm 8 có địa bàn rộng, dân số đông, công việc nhiều, đòi hỏi người đứng đầu nơi đây phải bố trí công việc một cách khoa hoc, hợp lý. Mặc dù công việc nhiều nhưng ông luôn cố gắng làm việc không quản thời gian, kịp thời động viên anh em trong ban chi uỷ xóm, các tổ chức đoàn thể hoàn thành tốt nhiệm vụ mà nhân dân gia phó. Thực hiện chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới, sau khi chi bộ ra nghị quyết, ông đã cùng với ban chi uỷ xóm triển khai thực hiện mô hình nông thôn mới tại cơ sở. Ngay từ đầu năm, ông đã đưa ra quyết tâm hoàn thành từng bước các tieu chí của mô hình, vận động nhân dân phát huy nội lực để xây dựng đường giao thông nông thôn.
Không riêng gì ông Nguyễn Văn Hoà, ở Nghi Liên còn rất nhiều những tấm gương điển hình khác như thương binh Nguyễn Đình Định làm kinh tế giỏi, thương binh 4/4 Võ Quốc Dũng nhiều năm liền là xóm trưởng xóm 6,thương binh 4/4 Lê Xuân Tùng vừa làm kinh tế giỏi vừa làm tốt công tác xã hội, là đại biểu HĐND xã Nghi Liên khoá 17 và khoá 18.
Phát huy truyền thống vẻ vang của bộ đội Cụ Hồ, trong những năm qua, hầu hết các thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách xã Nghi Liên đều không ngừng vươn lên vừa làm kinh tế giỏi và gương mẫu thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Vào dịp kỷ niệm ngày thương binh, liệt sỹ 27/7, toàn đảng, toàn quân, toàn dân ta lại đẩy mạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa: động viên, chăm sóc, bày tỏ tình cảm và sự tri ân sâu sắc đối với những đóng góp, cống hiến và hy sinh to lớn trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc . Nhiều năm qua, xã Nghi Liên đều được đánh giá là địa phương làm tốt công tác thương binh liệt sỹ. Điểm nổi bật nhất đối với công tác thương binh liệt sỹ của xã là những năm qua là: Tất cả các chính sách đối với người có công được triển khai một cách cụ thể, đồng bộ đảm bảo đúng, đủ và kịp thời. 100% gia đình chính sách đều có kinh tế ổn định, có mức sống bằng, hoặc thậm chí nhiều gia đình chính sách có mức thu nhập cao, trở thành những tấm gương làm kinh tế giỏi. Nhà bia tưởng niệm liệt sỹ đã được xây dựng, tu bổ sạch sẽ, đáp ứng được nhu cầu tổ chức các hoạt động tri ấn, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Đặc biệt là hàng năm, xã đều luân phiên tổ chức các hoạt động đưa đón đối tượng chính sách đi điều dưỡng, tại các trung tâm phục hồi sức khỏe người có công.
Năm nay, kỷ niệm 66 ngày thương binh liệt sỹ 27/7/1947 – 27/7/2013, bên cạnh việc tổ chức các đoàn tới thăm và tặng quà gia đình chính sách, các tổ chức đoàn thể xã Nghi Liên tiếp tục tổ chức hoạt động dọn vệ sinh nghĩa trang, tổ chức lễ thắp nến tri ân và tuyên truyền truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây