Trong khi nhiều địa phương trong cả nước áp lực số trẻ sinh năm “heo vàng” (2007) vào lớp 1 tăng, buộc phải tăng chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường, thì ở Nghệ An chỉ tiêu tuyển sinh lớp 1 năm nay không còn căng thẳng, cơ bản thỏa mãn nhu cầu đi học của trẻ em 6 tuổi.
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Nghệ An, cả tỉnh hiện có 49.655 trẻ em sinh năm 2007, năm học 2013-2014, ngành giáo dục sẽ tuyển 49.372 học sinh vào lớp 1. Như vậy, kế hoạch tuyển sinh cơ bản đã bảo đảm thỏa mãn nhu cầu đi học của trẻ em 6 tuổi.
Riêng thành phố Vinh, kế hoạch sẽ tuyển 4.929 học sinh lớp 1, trong khi trẻ 6 tuổi của Vinh cũng chỉ ở con số 5.073 em.
|
(Ảnh minh hoạ) |
Lê Lợi là một trong những phường được dự đoán về sự căng thẳng trong mùa tuyển sinh năm nay bởi số trẻ sinh năm 2007, năm “con heo Vàng” tăng trên 50 em so với các năm trước.
Dự đoán trước điều này, từ cuối tháng 5, Trường Tiểu học Lê Lợi đã thành lập Hội đồng tuyển sinh, phân công giáo viên kiểm tra lại số liệu điều tra phổ cập tận hộ gia đình, dựa trên cơ sở đó lập kế hoạch tuyển sinh sát với thực tế đã biến động kể từ sau khi kế hoạch được phê duyệt để trình cấp trên điều chỉnh.
Theo kế hoạch được phê duyệt, năm học 2013-2014, Trường Tiểu học Lê Lợi sẽ tuyển 285 học sinh vào lớp 1, trong đó, có 01 lớp học tiếng Pháp được phép tuyển sinh trên địa bàn toàn thành phố Vinh. Nhà trường vẫn tuyển sinh 7 lớp 1 như năm ngoái nhưng thay vì sỹ số 35 em/ lớp theo quy định năm nay tăng lên 38-40 em/ lớp để đảm bảo các cháu được học tại địa bàn.
Để tránh sự căng thẳng và tạo tâm lý thoải mái cho các bậc phụ huynh, trước khi tuyển sinh, nhà trường đã thông báo cụ thể đến tận các khối, đến tận các hộ dân về chỉ tiêu tuyển sinh; đối tượng tuyển sinh; thời gian làm thủ tục đăng ký nhập học và thời gian nhận hồ sơ để cha mẹ học sinh biết. Vì vậy, trong những ngày tiếp nhận hồ sơ tại trường diễn ra từ ngày 20 đến 27/7 không có cảnh phụ huynh chen lấn, chờ đợi.
So với năm ngoái, năm nay, số học sinh vào lớp 1 ở phường Hồng Sơn có tăng nhẹ, số hồ sơ đăng ký nhập học của học sinh là 170/140 chỉ tiêu tuyển sinh. Với chỉ tiêu đó, cơ bản trường tiểu học Hồng Sơn đáp ứng đủ chỗ học cho học sinh đúng tuyến. Riêng những học sinh trái tuyến có nhu cầu học tập tại địa phương nhà trường sẽ báo báo trình với phòng giáo dục đào tạo để xử lý.
Trường tiểu học Lê Mao, tiểu học Hà Huy Tập 2 (TP Vinh), những năm qua, luôn là tâm điểm để các phụ huynh lựa chọn gửi con vào học. Thế nhưng, năm nay, tình hình đã khác.
Theo số liệu điều tra phổ cập, số trẻ em 6 tuổi trong phạm vi tuyển sinh của trường tiểu học Hà Huy Tập 2 là 269 em và số học sinh được tuyển theo kế hoạch phê duyệt là 267 em; Số hồ sơ trái tuyến nạp tại trường là 85. Đối với số hồ sơ trái tuyến, nhà trường sẽ xin ý kiến chỉ đạo của Phòng giáo dục đào tạo điều chỉnh kế hoạch, cho phép tuyển sinh thêm. Nếu được nhà trường sẽ tiếp nhận các em, bởi hiện tại trường vẫn còn dư hai phòng học.
Năm học 2013-2014, số trẻ vào lớp 1 trên địa bàn thành phố Vinh là 4.929 em, tăng 406 em so với năm 2012-2013. Xác định số trẻ sinh trong năm 2007 tăng nhẹ, trước đó, Phòng giáo dục thành phố Vinh đã chỉ đạo các trường điều tra phổ cập chặt chẽ, trên cơ sở đó lập kế hoạch tuyển sinh sát đúng và có phương án chuẩn bị cơ sở vật chất, giáo viên, đồng thời có phương án đề xuất cấp có thẩm quyền chấp nhận tăng số học sinh/lớp cho một số trường. Để đảm đảo điều kiện dạy và học cho năm học tới , phòng giáo dục đào tạo thành phố Vinh sẽ xây dựng các biện pháp để chỉ đạo các trường thực hiện đảm bảo tốt yêu cầu về chất lượng.
Những năm qua, các trường học trên địa bàn TP Vinh đều được đầu tư về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và thực tế, chất lượng giáo dục của các trường tiểu học hiện khá đồng đều. Việc giao chỉ tiêu và tuyến tuyển sinh cũng như phân tuyến tuyển sinh là nhằm giảm sĩ số học sinh mỗi lớp học, từ đó, giáo viên có điều kiện quan tâm hơn đến học sinh của mình. Vì vậy, không ai khác chính phụ huynh không nên làm khó cho các nhà trường trong công tác tuyển sinh, tạo nên áp lực chạy trường, chạy hộ khẩu gây sức ép tuyển sinh cho phường và trường học, làm phá vỡ quy mô trường lớp mà chính mỗi học sinh lại là người gánh chịu.
Tác giả bài viết: Thanh Hà
Nguồn tin: Truyền hình Nghệ An