Những ngày tháng Bảy linh thiêng, chúng tôi được ông Nguyễn Hồng Kỳ, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Nghệ An dẫn đến thăm bà Trần Thị Thông, người may mắn sống sót trong trận bom hủy diệt trước một ngày giặc Mỹ ngừng ném bom bắn phá miền Bắc.
Căn nhà cấp 4 giản dị của vợ chồng bà Thông ở cuối con đường mang tên nhà thơ Hoàng Trung Thông thuộc khối Yên Duệ, phường Đông Vĩnh, TP Vinh, tỉnh Nghệ An dịp này luôn đông khách. Câu chuyện về sự hi sinh của 13 TNXP cách đây gần 45 năm ở Truông Bồn được bà Thông kể lại với giọng đầy xúc động: “Hôm đó, chúng tôi dậy từ mờ sáng và nhận mì luộc ăn từ nhà mẹ Thởm rồi vác cuốc ra mặt đường. Đến 6 giờ 10 phút, công việc san lấp hố bom giải phóng cho đoàn xe quân sự sắp hoàn thành thì máy bay Mỹ ào tới giội bom. Mọi người nhảy xuống hầm, bị đất đá vùi lấp bốn phía. Tôi ngất đi không biết gì. Sau này nghe kể rằng, khi dân quân đi tìm xác phát hiện một nòng súng nhô lên mặt đất bèn bới lên thấy mái tóc vàng hoe và nhận ra tôi, ai cũng tưởng tôi đã chết. May sao có đoàn xe quân sự hành quân qua, chỉ huy đơn vị đã cử một cán bộ quân y ở lại sơ cứu. Tôi được cứu sống, đưa về nhà mẹ Thởm chăm sóc, chữa trị. Khi tỉnh dậy, tôi thấy có mảnh giấy để lại, viết: “Em gái TNXP, đừng lo lắng nhé, cố gắng ăn nhiều, giữ gìn sức khỏe. Chúc em hạnh phúc! Các anh hành quân tiếp ra mặt trận. Hẹn gặp lại ngày chiến thắng"…
Hơn 40 năm qua, tôi ngóng chờ mong được gặp lại các anh để nói lời cảm ơn và tri ân"... Bà Thông kể mà nước mắt lưng tròng, rồi lặng lẽ lên cầu thang nơi đặt bàn thờ 13 liệt sĩ của đại đội TNXP 317 anh hùng thắp hương. Hằng tháng vào ngày Rằm, mùng Một, gia đình bà đều hương khói cho các liệt sĩ, bà mua cả gương, lược, bồ kết để lên bàn thờ... Cách đây mấy hôm, bà cùng chồng về thăm Truông Bồn với đoàn làm phim Quân đội và ghé thăm nhà mẹ Thởm. Mẹ Thởm đã 92 tuổi, vẫn khỏe và minh mẫn. Mẹ ôm bà vào lòng vỗ nhẹ nhàng như đứa con thương yêu. Bà Thông nói với mẹ Thởm: “Mảnh đất Mỹ Sơn đã sinh con lần thứ hai, con mang nặng nghĩa tình đó”.
|
Vợ chồng bà Trần Thị Thông. |
Bà Thông đã có mối tình duyên rất đẹp và nên nghĩa vợ chồng với ông Diên, thương binh, từng là bộ đội chiến đấu ở Quảng Trị. Năm 1970, họ cưới nhau, đã có hơn 30 năm hạnh phúc.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Khối trưởng khối Yên Duệ, nơi gia đình bà Thông sinh sống cho biết, bà con trong khu phố tự hào bởi có một nhân chứng của cuộc chiến tranh giữ nước đã đi vào huyền thoại. Gia đình bà Thông sống rất có trách nhiệm với tổ dân phố, luôn tích cực tham gia các phong trào ở địa phương và các hoạt động của Hội CCB, Hội NCT. Ông bà có 4 người con đều chăm chỉ làm ăn, phát huy tốt truyền thống gia đình.