TP - Sự trùng hợp giữa nhân vật Lạng (tướng cướp Trương Sỏi trong Người không mang họ, và nguyên mẫu Lạng ngoài đời (xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) vô tình gây xót xa cho một gia đình suốt 30 năm qua.
|
Xã Vĩnh Hòa, Vĩnh Linh, Quảng Trị |
"Hồi nhỏ, tôi từng đi chăn trâu với Lạng"
Nhà văn Xuân Đức, tác giả tiểu thuyết Người không mang họ, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Quảng Trị. Ông Đức đang sinh sống tại thị xã Đông Hà, Quảng Trị.
Ông Đức kể: “Đầu năm 1981, ông Thắm, một người quen ở Hồ Xá - Vĩnh Linh tìm gặp tôi, nói: “Cậu có nhớ Lạng ở Vĩnh Hòa không? Nó vượt biên vào Đông Hà rồi ra Vinh, thành tướng cướp, bị bắt, sắp đưa đi xử tử hình”.
Sau mấy giây lặng đi vì bất ngờ, ông Xuân Đức chợt nhớ đến gương mặt bạn cũ. Cha của Lạng tên Bơ, một thanh niên nghèo chăn trâu thuê cho một địa chủ giàu có nổi tiếng trong vùng. Người thanh niên này tằng tịu với vợ của địa chủ sinh ra Lạng.
Thuở nhỏ, trên đồng làng, Xuân Đức và Lạng từng vắt vẻo lưng trâu. “Ngày đó, tôi học lớp 9, ông Đức bồi hồi - Lũ chúng tôi từng được xem bộ phim thần thoại Chàng SaKô đi tìm hạnh phúc. Một hôm, hai đứa ra đồng chăn trâu, Lạng buột miệng thở dài: “Tao cũng phải đi tìm hạnh phúc”.
Tưởng bạn đùa, Xuân Đức không để ý. Đột nhiên, vài ngày sau, Lạng bỏ nhà ra đi. Bặt tin từ đó!
Nhà văn Xuân Đức không thể im lặng trước thông tin ông vừa nhận được. Kỷ niệm về bạn cũ, cuộc sống phiêu bạt giang hồ của một tên tội phạm, hình ảnh về cuốn tiểu thuyết trinh thám dần dần xuất hiện trong đầu ông.
“Thời đó, sách báo chỉ viết chuyện vụ án lặt vặt, trong nước chưa có tiểu thuyết hình sự ra tấm ra món. Tôi nung nấu viết về thể loại này từ lâu” - nhà văn Xuân Đức cho biết.
Tiếp cận hồ sơ
Từ Quảng Trị, Nguyễn Xuân Đức đi xe đò ra Nghệ Tĩnh. Sau ngày giải phóng, ông từng nhiều lần đi qua Vinh, chứng kiến cảnh lộn xộn trên các khu phố.
“Trấn cướp liên miên, bọn xã hội đen lộng hành, thành phố như có loạn” - ông Đức kể. Đó là những tư liệu để ông đưa vào tiểu thuyết “Người không mang họ”. Lần này trở lại, không khí đã khác. Phố xá yên bình, thành Vinh trỗi dậy.
Việc tiếp cận với hồ sơ gặp khó khăn. Cảnh sát nói, tài liệu vụ án đang được bảo mật, muốn xem phải có giấy giới thiệu của Bộ Nội vụ. Trong lúc chưa xin được lệnh từ Bộ Nội vụ, nhà văn lùng sục khắp mọi ngõ ngách thành Vinh, xem địa hình, địa vật, tiếp xúc với công an và khai thác vụ việc qua lời kể của những người trong cuộc.
“Điều khiến tôi đau đáu không yên là liệu tướng cướp Toọng có phải Lạng, thằng bạn chăn trâu cắt cỏ ở Vĩnh Hòa - Vĩnh Linh thuở nhỏ không” - Xuân Đức muốn tận mắt nhìn thấy ảnh chân dung tướng cướp để nhận diện.
Ông nghĩ đến việc hợp đồng với Nhà xuất bản Công an Nhân dân. Có thể, bằng con đường này, ông mới đọc được hồ sơ vụ án, thu thập tư liệu để viết. Tàu xe ra Hà Nội, ông gõ cửa phòng làm việc của đại tá Văn Phan, Giám đốc Nhà xuất bản, đề xuất ý kiến.
“Văn Phan với tôi là chỗ quen biết. Nghe tôi trình bày ý tưởng, anh tỏ ra phấn chấn. Liền sau đó, một hợp đồng được ký kết” - ông Đức nhớ lại.
Cầm bản hợp đồng của Nhà xuất bản Công an Nhân dân và giấy giới thiệu của Bộ Nội vụ, Xuân Đức lên đường về Vinh. Theo chỉ đạo của thượng cấp, tài liệu lưu trữ được mở ra.
Sợ bị cuốn hút vào các chi tiết đánh án, nhà văn Xuân Đức không dám đọc kỹ hồ sơ, ông chỉ đọc lướt. “Nếu đọc kỹ quá, sẽ sa đà vào vụ việc, lúc phóng bút mất đi sự sáng tạo” - ông Đức nói.
Riêng bức ảnh chân dung của tướng cướp Toọng, ông không thể nhận ra dấu vết gương mặt người bạn cũ. “Nó bặt tin vào cuối 1963 hoặc đầu năm 1964. Hai mươi năm, thời gian đã quá lâu”.
Không tìm được dấu tích của Lạng “thằng bạn nối khố, chăn trâu cắt cỏ” trong bức ảnh tướng cướp, nhưng cảm hứng viết vẫn bùng lên. Trở về Thành cổ Quảng Trị, ông bắt tay vào việc sáng tác. Trong vòng hai tháng, tiểu thuyết Người không mang họ hoàn thành.
Vượt tuyến và mất tích. Bụi thời gian phủ mờ kỷ niệm. Nhưng trong thẳm sâu tiềm thức, hình ảnh Lạng vẫn thấp thoảng ẩn hiện, như một ám ảnh. Vì thế, chương mở đầu tiểu thuyết Người không mang họ, hình ảnh Lạng xuất hiện.
Hoàng Lạng - người con của đất Vĩnh Linh - Quảng Trị, không đứng vững trước sóng gió cuộc đời, sa ngã và trở thành tướng cướp Trương Sỏi khét tiếng.
Và Trương Sỏi chính là hiện thân Toọng, tướng cướp từng gây sóng gió tại thành Vinh.
Kỳ thực, tướng cướp Trương Sỏi có phải từ nguyên mẫu Lạng quê ở Vĩnh Linh hay không? Đó chính là điểm nhầm lẫn 30 năm qua, sự nhầm lẫn ngoài đời thực khiến cho một gia đình phải chịu hàm oan suốt ba thập kỷ.
Đón xem kỳ bảy trên nhật báo Tiền Phong: Bi kịch của nhầm lẫn. |
Quang Long