|
Mộ Trương Hiền Ảnh: Quang Long |
Anh cũng là người lặn lội từ Quảng Trị ra thành phố Vinh đưa hài cốt Toọng về quê.
Trên đường đi, tôi nhớ lại cuộc trò chuyện với Chánh án TAND Tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Trí Tuệ.
“Nếu tôi nhớ không nhầm thì Trương Hiền (Toọng) quê ở Đông Hà, chứ không phải Vĩnh Linh!” - ông Tuệ nói.
Năm 1980, TAND Nghệ Tĩnh xét xử bị cáo Trương Hiền, không có tội phạm nào tên Lạng. Hơn nữa, theo tường thuật của Chánh án Nguyễn Trí Tuệ, trước khi bị tử hình, Toọng có ước nguyện muốn gặp mẹ. Trong thực tế, Lạng ở Vĩnh Hoà, mẹ đã bỏ đi, mất tích khi anh còn nhỏ. Lạng mồ côi cả cha lẫn mẹ.
Đó là những căn cứ xác đáng để chúng tôi khẳng định tướng cướp Trương Sỏi trong Người không mang họ và bộ phim cùng tên không phải là người thanh niên tên Lạng quê ở Vĩnh Hoà, Vĩnh Linh.
Lai lịch của Hoàng Lạng trong tiểu thuyết Người không mang họ, gần như trùng hợp với quãng đời niên thiếu của Hồ Xuân Lạng, điều đó gây nên nhầm lẫn.
Trong sáng tác, nhà văn có quyền hư cấu nhưng, đôi khi, sát sườn cuộc sống quá lại mang đến những hệ luỵ khôn lường, dù rằng, những hệ luỵ đó nằm ngoài mong muốn của người cầm bút!
“Mộ tướng cướp Toọng đã đưa về Đông Hà - Quảng Trị cách đây khá lâu!”, nhà văn Xuân Đức cho biết. Nếu đó là Lạng, tại sao hài cốt không về cố hương, không về Vĩnh Linh, lại cát táng ở Đông Hà?
Sự thật
|
Anh Đông, người nuôi mẹ Trương Hiền |
Tìm người thân của Toọng ở đâu giữa Đông Hà bé nhỏ nhưng đầy ngõ ngách lạ lẫm này? Phần mộ Người không mang họ nay yên vị nơi đâu?
Chúng tôi lân la quanh chợ Đông Hà, sà vào từng quán nước, gõ cửa từng kiosk bán hàng dò hỏi. Chỉ nhận được những cái lắc đầu.
Càng về trưa, trời càng oi nồng. Nắng tháng Năm đổ xuống góc phố, khiến Đông Hà hầm hập như chảo lửa. Chúng tôi tạt vào một tiệm cà phê cạnh khu chợ và tiếp tục hành trình tìm thông tin về Toọng.
“Trước đây, vợ chồng anh Đông, chị Thân (tên thường họi là Bé) ở phường 1 nuôi mẹ Toọng, đi qua đường tàu hỏi, khắc biết” - một nam thanh niên chỉ đường. Ba mươi phút sau, chúng tôi có mặt tại số nhà 63, đường Nguyễn Thái Học.
Anh Võ Văn Đông xác nhận: “Tôi và Toọng sống cạnh nhà nhau từ khi con nít, ngay trên mảnh đất Đông Hà này”. Tên thật của Toọng là Trương Hiền, sinh năm 1957. Trương Hiền có anh cùng mẹ khác cha là Nguyễn Huệ, chị gái Trương Thị Nhàn (tên thường gọi là Gái). Hai anh chị đã mất.
Cụ Hoàng Thị Nuôi (mẹ) quê Vĩnh Linh, Quảng Trị. Nhà nghèo, cụ Nuôi đi ở cho một địa chủ giàu có trong vùng và mang bầu với địa chủ, sinh ra Nguyễn Huệ. Sau khi sinh con, cụ bị đuổi đi.
Sống lang thang với gánh hàng rong trên vai, cụ Hoàng Thị Nuôi chắt góp từng đồng nuôi con. Hai mẹ con phiêu dạt rày đây mai đó, quanh quẩn ở các khu chợ, gặp cụ Trương Hé (quê ở làng Tráng Lực, Phong Điền, Thừa Thiên - Huế), người chuyên mang mẹt đi bán kim chỉ, dầu gió, long não. Sau một thời gian gần gũi, họ thành vợ chồng, sinh ra Trương Thị Nhàn, Trương Hiền.
Gánh hàng rong đắp đổi qua ngày, cuộc sống của Trương Hiền thuở ấu thơ lấm lem cát bụi. Nhà nghèo, cậu học đến lớp năm Trường cấp một, phường 1, thị xã Đông Hà, phải bỏ học nửa chừng.
“Dáng Toọng thâm thấp, chỉ cao độ 1,6m, nhưng nhanh nhẹn, ham võ thuật” - anh Đông kể. Tuổi thanh niên, Trương Hiền đi học nghề mộc, anh biết đóng bàn ghế, giường tủ. Nhưng món Hiền khoái nhất là đánh lộn.
Năm 1972, chiến sự liên miên. Vợ chồng anh Võ Văn Đông, Hoàng Thị Thân cùng gia đình Trương Hiền tản cư vào Đà Nẵng, tránh bom rơi đạn lạc. 1974, họ lại kéo nhau về Km03 Phong Điền, Thừa Thiên - Huế.
“Tính tình Toọng ngang ngạnh, chẳng sợ gì ai. Tôi nhớ, năm đó, Toọng xông vào đồn cảnh sát, đánh tên đồn trưởng hộc máu mồm. Đêm, nó xua quân bao vây nhà Trương Hiền, bắt vào trại. Nhưng hôm sau lại thả về” - anh Đông kể.
Năm 1975, đất nước thống nhất. Gia đình ông Hé, anh Đông trở về tiểu khu I thị xã Đông Hà định cư. Chính quyền sở tại cho vợ chồng người bán hàng rong giữ xe đạp, kiếm tiền nuôi con.
Bọn du đãng, tàn dư chế độ cũ từ miền Nam dạt ra chợ Đông Hà, cướp bóc hoành hành. Trương Hiền ngứa mắt, “xung trận”, đánh mấy tên đầu gấu chạy re kèn. Hiền đắc chí, tự xưng là Đại ca!
Máu giang hồ nổi lên từ đó, Trương Hiền dần dần thay đổi trở thành một tay anh chị. Có lần, Trương Hiền bị Cảnh sát bắt đi cải tạo tại cây số 3 Đông Hà. Vào trại, Trương Hiền trổ tài nghề cũ, làm mộc. Thỉnh thoảng, quản giáo trại giao đi chợ mua thức ăn cho trại viên.
Ra trại một thời gian, năm 1976, Trương Hiền rời đất Đông Hà đi xe đò ra Nghệ Tĩnh. Toọng ra tay thu phục đệ tử, lập băng đảng, thống lĩnh giới giang hồ thành Vinh.
Mộ trên đồi thông
Từ Đông Hà, tôi nhấc máy gọi điện về Vĩnh Linh, báo với gia đình anh Hồ Xuân Năm sự thật vừa sáng tỏ. Đầu dây bên kia, anh Năm lặng đi như trút được gánh nặng tâm tư từ 30 năm qua. |
Cụ Trương Hé bị bệnh hen suyễn, mất năm 1978. Con gái Trương Thị Nhàn lấy chồng ở Đà Nẵng. Chồng ngư phủ, vợ bán hàng ăn, họ sinh được năm đứa con. Năm 2007, chị Nhàn lâm bệnh, qua đời.
Chồng mất. Con trai cả chết trận. Con gái đi về phương xa. Con út Trương Hiền thành kẻ trọng tội, bị tử hình, người mẹ neo đơn sống những ngày bóng xế trong sự cưu mang, đùm bọc của gia đình anh Võ Văn Đông. Phận đời người bán hàng rong nghèo khổ ấy, toàn chuốc lấy bất hạnh, đắng cay.
Vợ chồng anh Đông coi cụ Nuôi như người thân trong gia đình. Lo bữa ăn hàng ngày, thuốc thang lúc cụ ốm đau.
Năm 1995, cụ Nuôi tạ thế, vợ chồng anh đứng ra lo liệu việc tang gia. Người dân Đông Hà, những người biết chuyện vợ chồng anh Đông nuôi mẹ Toọng đều cảm kích trước tấm lòng bao dung, nhân ái của láng giềng.
Anh Võ Văn Đông dẫn chúng tôi lên đồi thông, nơi cụ Nuôi và hai con trai yên nghỉ. “Năm 1993, cụ Nuôi và tôi tàu xe ra Vinh, đưa hài cốt của Toọng về quê” - anh Đông kể.
Mộ Toọng nằm cạnh mộ mẹ. Trên tấm bia đá khắc rõ dòng chữ: “Trương Hiền, sinh năm 1957. Chánh quán: Tráng Lực, Khuôn Phò, Phong Điền, Thừa Thiên. Mất ngày 17/5 (AL)”.
Quang Long