Máy bay quân sự rơi ở Thanh Hóa đã hết hạn sử dụng
Sáng nay, Bộ trưởng Quốc phòng - Đại tướng Phùng Quang Thanh cho biết đã tìm thấy thi thể phi công chiếc máy bay Su-22M4 gặp tai nạn khi bay huấn luyện sáng 9/6 trên bầu trời tỉnh Thanh Hoá. Đó là Đại uý Trần Thanh Nghị, quê ở Gia Lâm, Hà Nội.

 
Đại tướng Phùng Quang Thanh

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho biết, đây là một chuyến huấn luyện bay ở khu vực huấn luyện bình thường trên vùng trời huyện Cẩm Thuỷ, tỉnh Thanh Hoá. Máy bay gặp nạn là SU-22M4 do Liên Xô cũ sản xuất. Chiếc máy bay này đã hết hạn sử dụng khá lâu nhưng được tăng hạn sử dụng để phục vụ cho huấn luyện và bảo đảm sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. 
 

Máy bay gặp nạn đã sử dụng từ khi nào, thưa Bộ trưởng?

 

Chiếc máy bay đó đã được đưa vào sử dụng hơn 20 năm, từ năm 1989. Theo quy định chỉ sử dụng 10 năm nhưng chúng ta đã nhiều lần tiến hành đại tu và tăng hạn sử dụng.

 

Hiện số phận phi công chiếc máy bay gặp nạn đã được làm rõ?

 

Phi công hi sinh và đã tìm được thi thể. Đó là Đại uý Trần Thanh Nghị, quê Gia Lâm, Hà Nội. Đại uý Nghị là Biên đội trưởng, phi công cấp 3 và có nhiều kinh nghiệm với trên 500 giờ bay.

 

Tuy nhiên, có những phi công rất kinh nghiệm như phi công vũ trụ Bùi Thanh Liêm nhưng vẫn không loại trừ hết rủi ro khi bay các bài bay phức tạp, độ khó cao. Rủi ro trong vụ tai nạn ngày 9/6 tại Thanh Hoá là rất đáng tiếc.
 
Hiện trường vụ cháy chỉ còn lại những mảnh vỡ cháy đen (Ảnh: Duy Tuyên)

 

Máy bay Su-22M4 do Liên Xô cũ sản xuất cuối thập niên 1960 và đưa vào sử dụng từ những năm đầu 1970.

 

Loại máy bay Su-22M4 chiến đấu có thể mang được 5 tấn vũ khí gồm: tên lửa đối không, bom, chùm rocket, các loại tên lửa dẫn đường điện tử/quang học hay bom điều khiển laser... để tấn công trên mặt đất, trên biển hoặc huấn luyện.

Máy bay gặp nạn khi đang thực hiện bài bay huấn luyện bình thường hay phức tạp?

 

Phi công gặp nạn đang thực hiện bài bay phức tạp là bay khoan, lộn theo dòng xoáy. Chỉ có phi công có nhiều kinh nghiệm mới thực hiện được bài bay này. Phi công gặp nạn từng thực hiện bài bay này nhiều lần rồi.

 

Trước thời điểm xảy ra tai nạn phi công có thông báo gì về Sở chỉ huy?

 

Hiện chúng tôi đang điều tra. Vấn đề là phải tìm thấy hộp đen, mở băng ghi âm giữa phi công với Sở chỉ huy cũng như các dữ liệu bay khác để tìm nguyên nhân vụ tai nạn.

 

Chúng ta có thể làm rõ nguyên nhân tai nạn hay cần tới chuyên gia Nga, nước sản xuất máy bay Su-22M4?

 

Chúng ta hoàn toàn có đủ năng lực điều tra. Vấn đề lúc này phải tìm thấy hộp đen. Chúng tôi đang khẩn trương tìm kiếm hộp đen và sẽ làm sáng tỏ nguyên nhân tai nạn sau khoảng 1-2 tuần sau khi tìm thấy hộp đen.

 

Công tác cứu hộ được triển khai như thế nào, thưa Bộ trưởng?

 

Vụ tai nạn không gây thiệt hại gì cho tính mạng và tài sản của người dân trên mặt đất. Hiện thi thể phi công đang được bảo quản, chờ điều tra nguyên nhân tai nạn và làm các thủ tục truy điệu theo quy định của quân đội.

 

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

 

Theo Phạm Dương
Người Lao Động

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh