Người lặng thầm tìm con chữ Việt cổ
Có thể khẳng định rằng, người suốt đời đi tìm chữ Việt Cổ như ông Đỗ Văn Xuyền, quả thật cho đến phút này là độc nhất vô nhị.

Nhờ những người như ông Đỗ Văn Xuyền mà chữ Việt cổ của dân tộc ta có cơ hội được phục sinh, góp phần làm nên sức sống bất diệt của dân tộc.

 
Ông Đỗ Văn Xuyền bên trang chữ Việt cổ. Ảnh: Trần Vân Hạc


Nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền (phường Tân Dân, TP. Việt Trì, Phú Thọ), là người từ bao năm nay đã lặng lẽ bỏ bao công sức đi tìm và giải mã chữ Việt cổ. Ông Đỗ Văn Xuyền khẳng định: “Buổi lập nước, triều đại Vua Hùng, chúng ta có một nền giáo dục rực rỡ. Người Việt ta đã có chữ viết trước cả người Hán”.                       
 
Tôi lên Việt Trì theo lời mời của ông trước ngày khánh thành Thần Qui cổ (ngày 29.3.2009, tức ngày 4.3 âm lịch, tại Thiên cổ miếu, thôn Hương Lan, xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì - nơi thờ hai vợ chồng thầy giáo Vũ Thê Lang, đời Hùng Vương thứ 18, dạy hai công chúa của Hùng Duệ Vương là Tiên Dung và Ngọc Hoa), vì biết ông là người đầu tiên cho đến nay giải mã thành công bộ chữ Bách Việt cổ.
 
Thấy tôi có ý muốn hỏi nhưng còn ngần ngại trong buổi gặp đầu tiên, ông vui vẻ:
 
- Hơn 50 năm trước, về với Đất Tổ, tôi mới chỉ là một giáo viên tuổi 20 đầy nhiệt huyết. Không biết có phải do duyên tiền định hay sao mà trong một lần đưa học sinh đi lao động, đã đào được rất nhiều đồ đá, đồ đồng cổ có những hoa văn lạ giống như chữ viết. Vốn tò mò, tôi phát hiện thấy ở nhiều nơi nhân dân cũng đào được nhiều di chỉ tương tự. Thế là tôi bắt đầu lặng thầm trên con đường tìm tòi, khám phá. Tôi cứ tự hỏi: Dân tộc ta từ 3.000 năm trước đã chế tác được hàng loạt những trống đồng vô cùng tinh xảo, đạt tới đỉnh cao về nghệ thuật, cũng như tinh hoa của một nền văn minh rực rỡ, làm kinh ngạc cả thế giới văn minh hiện đại. Vậy dân tộc ta thời ấy có chữ viết hay không?
 
Tôi tìm thấy bộ chữ Thái thổ tự của Phạm Thận Duật phát hiện năm 1855 cũng ở vùng Tây Bắc. Rồi đọc sách Thông giám cương mục của Chu Hi đời Tống nói: “Đời Đường Nghiêu thứ 5 (2352 trước công nguyên) người Nam Di Việt đến chầu, hiến con rùa lớn…”. Theo cổ sử Trung Quốc “vào thời Vua Nghiêu (năm 2357 trước Công nguyên) có sứ giả Việt Thường đến kinh đô tại Bình Dương (phía bắc sông Hoàng Hà - tỉnh Sơn Tây ngày nay) để dâng một con thần quy, vuông hơn ba thước, trên lưng có khắc chữ Khoa Đẩu ghi việc từ khi trời đất mới mở trở về sau”. Vua Nghiêu sai chép lấy gọi là Quy Lịch. Sách Lĩnh Nam Chích Quái của ta cũng ghi rõ điều này.
 
Thứ chữ Khoa đẩu mà Hùng Quốc Vương tặng Vua Nghiêu, thứ chữ mà các thầy cô giáo thời Hùng Vương giảng dạy rộng khắp là thứ chữ gì? Trong một bản Ngọc phả từ thời vua Trần Thái Tông cũng ghi: “Nghiêu thế, Việt Thường thị kiến thiên tuế thần qui, bối hữu Khoa đẩu” nghĩa là thời vua Nghiêu, nước Việt Thường tặng rùa thần nghìn tuổi, lưng có chữ Khoa đẩu. Nhà nghiên cứu Lê Trọng Khánh cũng nhắc đến chữ khoa đẩu thời tiền sử của dân ta. Duyên may tôi tìm thấy bộ chữ 17 ký tự gọi là hoả tự (nhìn giống ngọn lửa cháy) của Vương Duy Trinh (năm 1903 Tổng đốc Thanh Hóa)  viết trong “Thanh Hoá quan phong” in năm 1903 đã cho rằng đây là chữ Việt cổ còn sót lại ở Tây Bắc. Vương Duy Trinh viết: “Vì thập châu (vùng Tây Bắc) là nơi biên viễn (biên giới xa) nên dân ta còn lưu giữ được thứ chữ ấy. Các nơi khác, Sĩ Nhiếp (186) bắt bỏ hết để học Hán tự”.  Nhìn những con chữ bập bùng như ngọn lửa, tôi không sao cầm lòng được. Trong tôi như có lời mách bảo về ý thức trách nhiệm trước sự nghiệp của tiền nhân.
 
- Thưa ông, theo tôi được biết: Theo báo cáo mới nhất của Đại học Ar Kan san, Mỹ thì “có tới 6.000 ngôn ngữ khác đang chết dần và một nửa trong số đó có nguy cơ tiêu vong trong thế kỷ 22. Trong thời cổ đại, loài người sử dụng từ 10.000 đến 15.000 ngôn ngữ khác nhau. Bây giờ còn khoảng 6.000 ngôn ngữ và đang giảm dần. Theo dự đoán của trường Đại học này, đến năm 2.100 chỉ còn chừng 600 ngôn ngữ tồn tại. Vậy chữ Việt cổ của ta có rơi vào những trường hợp như vậy không? Nếu chỉ căn cứ vào bộ chữ Hỏa tự thì có đủ căn cứ chứng minh cho sự tồn tại của chữ Việt cổ không?
 
- Tôi đã tìm trong lời tựa cuốn tự điển Việt -  Bồ - La xuất bản năm 1651 ở Rôma mà tác giả Alexandre de Rodes đã viết: “Đối với tôi, người dạy tài tình nhất là một thiếu niên bản xứ. Trong vòng ba tuần, anh ta đã hướng dẫn cho tôi tất cả các thanh của ngôn ngữ ấy và cách đọc các từ”, theo tôi ngôn ngữ ấy chính là chữ Việt cổ.
 
Theo những chuyến điền dã nghiên cứu của tôi, cùng các công trình nghiên cứu của các học giả trong và ngoài nước thì: Một trong những thành tựu rực rỡ nhất mà ông cha ta xây dựng nên từ thời tiền sử là thành tựu giáo dục. Thời Hùng Vương chúng ta đã có một hệ thống giáo dục với các trường học, các thầy cô giáo và các em học sinh. Cha ông ta đã phát minh ra giấy viết. Tôi đã dầy công tìm hiểu và dịch được tên tuổi 18 thầy giáo từ thời Hùng Vương từ thời Hùng Vương thứ 6 và nhiều tên tuổi các học trò nổi danh trong lịch sử.
 
Trong tập: “Sự hình thành và phát triển chữ Việt cổ”, do Viện Văn hoá in năm 1986, Giáo sư Lê Trọng Khánh đã dẫn chứng: “Nhiều dân tộc trong Bách Việt đã dùng chữ Khoa đẩu từ thời Phục Hy - Thần Nông để ghi tiếng dân tộc mình. Như vậy, dân tộc Kinh - Lạc Việt lại không còn văn bản hay sao? Riêng ở Việt Nam, chữ khoa đẩu được dùng lâu hơn. Mãi đến đời Sĩ Nhiếp vẫn còn, tuy Sĩ Nhiếp cấm đoán nhưng nhân dân ta vẫn dùng”. Nhiều nhà nghiên cứu: từ Hà Văn Tấn, Lê Trọng Khánh, Bùi Văn Nguyên, Trần Ngọc Thêm... cho đến Vương Duy Trinh, Trương Vĩnh Ký, cả những nhà nghiên cứu nước ngoài ở Anh, Tiệp Khắc, Mỹ, Pháp, nhất là Trung Quốc: Từ Lục Lưu, đến Hứa Thận, Trịnh Tiểu... đều khẳng định: Việt Nam xưa đã có chữ viết riêng…
 
Thực lòng tôi vô cùng cảm phục, vì qua nhiều nguồn thông tin, tôi biết ông không phải là nhà khoa học, không có lương chuyên môn, trong người mang nhiều bệnh trọng, vậy mà nghe thấy ở đâu có thứ chữ lạ là ông không quản tuổi cao, sức yếu, lập tức đi ngay với sự say mê, ý thức trách nhiệm và phương pháp làm việc khoa học rất cao. Ông từng đặt chân đến các vùng núi hoang vu của tỉnh Quảng Bình, nghiên cứu thứ chữ cổ trên lá của dân tộc Cọi, đến Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình, Sơn La… Nghiên cứu chữ Thái, Lào, Thái Lan, Nê Pan, Căm Pu  Chia… Nhiều chuyến đi, ông phải thế chấp cả sổ lương hưu ít ỏi của mình. Năm 2003 sau chuyến đi Sa Pa nghiên cứu chữ cổ trên đá về ông ốm liệt giường bốn tháng liền, có lúc tưởng chừng không qua khỏi. Có lẽ cái tài, cái tâm của một nhà giáo, một nhà nghiên cứu chân chính và trọng trách với tiền nhân, với đất nước, niềm tin vào văn hóa của một dân tộc có nghìn năm văn hiến đã tiếp sức cho ông.
 
Ông tặng tôi bộ sách: “Thông báo tóm tắt kết quả bước đầu về quá trình đi tìm chữ Việt cổ” và: “Về sự phỏng đoán và chứng minh cho sự tồn tại của chữ Việt cổ”, bởi ông biết tôi từng sống và dạy học ở Tây Bắc 30 năm, có hiểu chút ít về chứ Thái cổ.
 
Trong ánh mắt ông như sáng lên ngọn lửa:

- Điều làm tôi cùng các nhà nghiên cứu thêm tin tưởng, bởi vì thứ chữ chúng ta tìm được có hình dáng và cấu trúc đồng dạng với các ký tự tìm thấy trên đá, trên đồ gốm, trên trống đồng… Những hiện vật đặc trưng, đặc hữu của người Lạc Việt trong suốt chiều dài mấy nghìn năm lịch sử. Điều đó khẳng định rằng: Chúng xuất phát chung một nguồn gốc, từ một thời điểm rất xa xưa. Chúng ta tin như vậy, bởi vì thứ chữ chúng ta tìm được có lối cấu trúc độc đáo, chỉ có thể được sáng tạo bởi những con người mang truyền thống đạo đức và bản sắc Việt Nam. Dấu vết thứ chữ này còn lưu lại đầy đủ trong ngôn ngữ người Việt, đó là điều kiện quan trọng nhất cho việc khẳng định nguồn gốc một ký tự.
 
Chúng ta tin tưởng, bởi trên con đường dò tìm loại ký tự này trên bước đường lưu lạc từ năm 187 đến năm 1621, chúng ta bất ngờ nhìn thấy bóng dáng chữ từ thời Vua Hùng hiện diện trong cấu trúc chữ Quốc ngữ buổi đầu ở thư viện Tòa Thánh La Mã, ở thủ đô Lis bon và vài nơi khác để có thể bước đầu kết luận rằng: Thứ chữ của Vua Hùng chưa mất. Chỉ có điều, để tránh họa diệt vong vì âm mưu thâm hiểm của ngoại bang, thứ ký tự đặc biệt này đã tận dụng tối đa cơ hội, khi nền văn minh phương Tây ồ ạt tràn vào Việt Nam thế kỷ 16 - 17, đã nhanh chóng mượn vỏ La tinh để ngụy trang, hòa nhập vào hàng ngũ  ký tự văn minh nhất nhân loại. 
 

 
Tác giả bài viết cùng ông Đỗ Văn Xuyền.

Những tác giả người Việt uyên bác ấy đã cố tình lưu lại dấu vết một cách kín đáo, với hy vọng một ngày nào đó, người con lưu lạc này xuất hiện, chứng minh cho nguồn gốc Hồng Bàng của mình và cái ngày trọng đại ấy đã đến, dù phải qua chặng đường gần 400 năm nay. Các nhà khoa học thống nhất với tôi rằng văn tự này có thể là một biến thể của chữ “Khoa đẩu” hay “Hoả tự” đã ghi trong cổ sử. Thứ chữ đã tồn tại trong nền văn hoá tiền Việt - Mường. Do không được sử dụng phổ biến, bộ chữ này bị đóng băng, không phát triển theo kịp những biến âm trong tiếng nói người Việt hiện đại. Đến thế kỷ 16 khi đạo thiên chúa truyền vào nước ta, một nhóm trí thức người Việt đã cùng các giáo sĩ phương tây La Tinh hoá bộ chữ này thành chữ Quốc ngữ mà ta đang dùng ngày nay. 
 
Ông khẳng định:

- Việt Nam là nước duy nhất của Châu Á đã La Tinh hóa được văn tự, vì Việt Nam có sẵn chữ Việt cổ, loại chữ theo dòng Alphabet, giống chữ La Tinh. Chính cha André Palmeiro trước cả A.de Rhdes, ngay từ năm 1632 khi đến Việt Nam, trong bài viết ngắn của mình đã sử dụng 4 chữ Việt cổ. Linh mục Iginio Văn Tín, trong tập sách viết tay của mình về lịch sử dân tộc từ năm 1659, đã kiên trì tập chuyển đổi từ chữ Việt cổ sang chữ La Tinh. Ngay cha cả Filíp Bỉnh, người sinh cùng thời với Vua Quang Trung ở Hải Dương. Trong suốt 30 năm cuối đời bị lưu đầy ở thủ đô Lisbon - Bồ Đào Nha, đức cha Bỉnh đã ngày đêm tập trung vào viết trên 20 cuốn sách, trang nào cũng cố tình xen vào chữ Việt cổ, không chỉ có cấu trúc, mà ngay cả những chữ còn nguyên dạng: “Khi nào tôi chết ở đây, thì nhờ người gửi những cuốn sách này về nước cho anh em dùng”! 200 năm trôi qua, hôm nay chúng ta mới hiểu được thâm ý của ông: Muốn lưu lại dấu vết chữ Việt Cổ trong chữ Quốc ngữ, để con cháu tới một ngày có cơ sở tìm ra tài sản vô giá của Tổ Tiên mà tình hình chính trị lúc ấy không cho phép nói thẳng.  
 
Năm 2005, nhân dịp lên thăm và làm việc tại tỉnh Phú Thọ, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã trao đổi với ông Xuyền về chữ Việt cổ và động viên ông tiếp tục nghiên cứu. Gần đây, ông Xuyền cũng đã có buổi báo cáo lên Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân về vấn đề này. Cuối năm 2007, tại Trung tâm Văn hóa Người cao tuổi, hơn 40 nhà khoa học đã nghe ông báo cáo về những phát hiện mới của chữ Việt cổ. Giáo sư Trần Phương, nguyên phó Thủ tướng Chính phủ đã đánh giá cao những phát hiện của ông.
 
Tôi được biết trong những ngày tới, Trung tâm văn hóa Người cao tuổi Việt Nam sẽ tổ chức một cuộc Hội thảo về chữ Việt cổ, với sự tham gia của các chuyên gia ngôn ngữ hàng đầu Việt Nam.

Nhờ những người như ông Đỗ Văn Xuyền cùng các nhà nghiên cứu mà chữ Việt cổ của dân tộc ta có cơ hội được phục sinh. Những người con của đất nước con Rồng cháu Tiên, trong nghĩa đồng bào với hàng ngàn năm văn hiến có thêm một cứ liệu đáng tin cậy về truyền thống văn hóa, góp phần làm nên sức sống bất diệt của dân tộc.
 
Tôi cứ ao ước rằng: Nếu như công trình của ông Xuyền cùng nhóm nghiên cứu được đưa vào danh mục công trình trọng điểm quốc gia và có một nguồn kinh phí của Nhà nước cùng các nhà tài trợ thì tốt biết bao !
 
Xin lưu ý rằng quỹ thời gian của ông Xuyền không còn nhiều nữa, dẫu nhiệt huyết là vô hạn ! 

Trần Vân Hạc - Baonghean

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh