Tại Hội thảo định hướng phát triển giao thông vận tải (GTVT) đường sắt trên trục Bắc - Nam được tổ chức mới đây, ông Đỗ Văn Hạt- Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư xây dựng GTVT (đơn vị tư vấn Chiến lược phát triển GTVT đường sắt) đưa ra dự báo nhu cầu vận chuyển hàng hóa trên trục Bắc - Nam đến năm 2020 khoảng 22.000 tấn/ngày; đến năm 2040 sẽ là 80.000 tấn/ngày và 2050 là 105.000 tấn/ngày.
Nhu cầu vận chuyển hành khách đến năm 2020 là 27.000 hành khách/ngày; đến năm 2040 là hơn 79.000 hành khách/ngày và năm 2050 là hơn 100.000 hành khách/ngày. Như vậy, đường sắt phải phát triển để đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng là điều tất yếu.
4 phương án phát triển đường sắt hiện tại
Lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) cho biết, đường sắt có sức cạnh tranh thấp do năng suất lao động thấp, giá cước cao gấp đôi đường bộ và gần bằng vé máy bay. Đường sắt cần phải được cơ cấu lại và thay đổi cách thức quản lý, khai thác triệt để lợi thế tỷ trọng tiêu hao năng lượng thấp, chuyển dần từ sức kéo diezel sang điện.
Về cơ sở hạ tầng, hiện toàn tuyến đường sắt Bắc - Nam có hơn 1.400 cầu, thì hơn một nửa chưa được đầu tư, đã xuống cấp. Phần lớn các hầm đường sắt cũng đã xuống cấp, không đảm bảo tĩnh không. Các ga phân bố không đều. Đường ngang dân sinh quá nhiều và hệ thống thông tin tín hiệu lạc hậu đã hạn chế tốc độ chạy tàu, năng lực thông qua.
Bởi vậy, tại Hội thảo này, có 4 phương án phát triển đường sắt Bắc - Nam được đưa ra bàn luận, gồm: Nâng cấp, cải tạo tuyến đường sắt hiện tại chuyển sang khổ 1.435mm; nâng cấp, cải tạo tuyến đường sắt hiện có phù hợp điều kiện thực tế; nâng cấp, cải tạo tuyến đường sắt hiện tại đạt tiêu chuẩn kỹ thuật đường sắt cấp 1 và phương án thứ 4 là nâng cấp, cải tạo toàn tuyến thành đường đôi khổ 1m.
Cải tạo đường sắt hiện có và xây dựng thêm 1 đường sắt tốc độ cao là các phương án đang được bàn thảo nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải trong tương lai
Trong 4 phương án nói trên, người đứng đầu đơn vị tư vấn Chiến lược phát triển GTVT đường sắt cho rằng phương án 2 khả thi hơn cả khi có thể tận dụng được kết quả của các dự án đã và đang triển khai nên có kinh phí đầu tư thấp chỉ khoảng hơn 4.200 triệu USD và năng lực có thể đảm bảo đáp ứng nhu cầu đến năm 2020. Vận tốc khai thác tàu khách có thể đạt từ 80 - 100km/h, một số đoạn có thể lên tới 120km/h; đối với tàu hàng có thể đạt 60km/h. Dự kiến đến năm 2020, chậm nhất là năm 2025 sẽ hoàn thành.
“Toàn bộ 900 đường cong có bán kính nhỏ hơn 600m sẽ được cải tạo mở rộng, điều chỉnh hướng tuyến đèo Khe Nét, Hải Vân, đèo Cả và khu gian Hòa Duyệt - Thanh Luyện. Các cầu và hầm sẽ được sửa chữa, bổ sung thêm đường đón gửi các ga, hiện đại hóa trung tâm điều hành vận tải, đóng toàn bộ đường ngang dân sinh trái phép, xây dựng nút giao khác mức tại những điểm giao cắt giữa đường sắt và quốc lộ, tỉnh lộ… Cùng với đó, sẽ đầu tư 67 đầu máy D19E và hơn 1.000 toa xe mới phù hợp.” - ông Hạt phân tích.
Cần thiết xây dựng thêm tuyến đường sắt mới
Ông Nguyễn Đạt Tường - Tổng Giám đốc Tổng Công ty ĐSVN cho hay, từ nay đến năm 2020 nên nâng cấp đường sắt hiện có, đáp ứng 25 đôi tàu/ngày đêm so với 18 đôi tàu hiện nay. Những đoạn nào thuận lợi có thể nâng cấp lên cấp 1, đoạn nào khó sẽ nâng lên cấp 2 để đảm bảo tốc độ bình quân tốc độ tàu đạt 80 - 90km/h.
Cũng theo ông Tường, ngoài việc nâng cấp tuyến đường sắt hiện có, trong chiến lược phát triển đường sắt báo cáo Bộ GTVT, trên trục Bắc - Nam cần thiết phải xây dựng tuyến đường sắt mới. Trên cơ sở này trong tương lai, nếu cần thiết sẽ nghiên cứu mở rộng như đường đôi để nâng cao hiệu quả vận tải; xây dựng tuyến đường sắt đôi mới khổ 1.435mm, tốc độ thiết kế phải từ 200km/h trở lên, vận tốc khai thác đạt 175km/h.
Giai đoạn sau, khi nền công nghiệp trình độ khoa học công nghệ đất nước phát triển đảm bảo tự chủ và nguồn nhân lực đã nắm bắt được kỹ thuật sẽ nâng cấp lên tốc độ thiết kế 350 km/h, khai thác với tốc độ bình quân 300 - 320 km/h.
Với tình hình đường sắt Bắc-Nam hiện tại, ông Nguyễn Ngọc Đông - Thứ trưởng Bộ GTVT nhìn nhận, hiện nay hạ tầng giao thông thiếu, kết nối kém, phân bổ các phương thức vận tải mất cân đối nghiêm trọng…Vì vậy, Bộ GTVT nhất trí phương án khai thác hiệu quả tuyến đường sắt hiện có và xây dựng tuyến đường sắt mới .
Thứ trưởng Đông cũng nói rõ, cần phải có những nghiên cứu kỹ lưỡng và làm rõ việc đối xử với hệ thống đường sắt hiện có như thế nào, lộ trình ưu tiên trên tuyến. Đối với tuyến đường sắt mới cũng phải nêu rõ được sự cần thiết, quy mô, tính kỹ thuật, công nghệ…
Theo Thứ trưởng Đông, trong phương án xây dựng tuyến đường sắt mới cần nghiên cứu lộ trình thứ tự ưu tiên xây dựng các đoạn tuyến mới. Trong đó, giai đoạn I có thể xây dựng các đoạn Hà Nội - Vinh, TP.HCM - Nha Trang; Giai đọan II tiếp tục xây dựng tiếp đoạn Vinh - Đà Nẵng…
Phía các chuyên gia ngành GTVT cũng đồng tình với phương án phát triển đường sắt hiện tại và việc xây dựng thêm 1 tuyến đường sắt mới, tuy nhiên theo các chuyên gia khi xây dựng tuyến đường sắt mới phải xác định rõ chức năng nhiệm vụ của đường sắt hiện có sau khi đã được nâng cấp, phải xác định rõ khi tuyến đường sắt mới được xây dựng thì tuyến đường sắt hiện tại phải được tính toán làm sao để sử dụng có hiệu quả.
Châu Như Quỳnh
(Dân trí)