Nhiều người cùng kiến nghị một vụ việc thì người đứng đầu càng phải xuất hiện, chứ không thể cử cán bộ khác.
Đề cao trách nhiệm người đứng đầu
Tiếp tục phiên họp thứ 21, sáng nay (16/9), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật tiếp công dân.
Báo cáo do Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày cho biết, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội yêu cầu quy định rõ trách nhiệm tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; cần phân biệt giứa trách nhiệm của người đứng đầu với trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc tiếp công dân.
Tiếp thu ý kiến trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng tiếp công dân là trách nhiệm thường xuyên của các cơ quan, tổ chức; trong đó đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức trong việc chỉ đạo, tổ chức và quản lý hoạt động tiếp công dân của cơ quan, tổ chức, đồng thời trực tiếp thực hiện việc tiếp công dân trong những trường hợp do Luật quy định (gắn với trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo).
Dự thảo luật cũng có sự phân biệt giữa trách nhiệm của các cơ quan hoạt động theo nguyên tắc hành chính với các cơ quan hoạt động theo nguyên tắc tập thể; quy định thống nhất thời gian tiếp định kỳ của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phù hợp với thực tiễn và quy định hiện hành của Luật Khiếu nại.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: Phải đề cao trách nhiệm người đứng đầu
Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc, người đứng đầu phải tiếp và trực tiếp giải quyết, còn nếu cử cán bộ khác thì chỉ tiếp cho xong. Dự thảo luật quy định về trách nhiệm người đứng đầu còn nhẹ, chung chung, không cụ thể, thiếu chế tài.
“Một năm ông có tiếp không hay cứ cử văn phòng tiếp? Ông cố tình né tránh thì trách nhiệm đến đâu, cơ quan nào giải quyết? Khi có nhiều người cùng kiến nghị về một vụ việc thì lại càng phải có người đứng đầu xuất hiện, chứ không thể cử cán bộ khác tiếp thay”, ông Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh.
Phải gắn trách nhiệm đến cùng
Dự thảo luật Tiếp Công dân sau khi tiếp thu, chỉnh lý có bổ sung vào một điều quy định về trách nhiệm công khai lịch tiếp công dân, thành phần tiếp công dân, phạm vi, lĩnh vực được tập trung xử lý trong mỗi buổi tiếp công dân định kỳ.
Luật cũng quy định trách nhiệm của người tiếp công dân trong việc thông báo cho người đã đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh biết về kết quả xử lý, thụ lý bước đầu đối với các khiếu nại, tố cáo nhận được và cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh của người dân.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh Nguyễn Kim Khoa cũng nhấn mạnh, trụ sở tiếp công dân không phải là nơi giải quyết, nhưng phải là nơi trả lời, nơi có kết quả kiến nghị để người dân đỡ phải đi lòng vòng.
Cũng tại buổi thảo luận, vẫn còn ý kiến chưa thật sự thống nhất về quy định liên quan Trụ sở tiếp công dân. Trong đó có vấn đề không xây dựng theo hướng như một cơ quan nhưng lại cần có con dấu để ghi nhận về mặt pháp lý đã tiếp nhận hay trả lời cho người dân.
Ở góc độ khác, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn băn khoăn về tính khả thi của luật. Bởi lẽ, các trụ sở tiếp công dân, kể cả ở cấp Trung ương cũng không có quyền giải quyết những kiến nghị, thắc mắc của người dân. Điều đó phần nào ảnh hưởng đến việc người dân có chủ động đến trụ sở để nêu kiến nghị hay không.
“Lập nhiều trụ sở rồi dân có tới để anh tiếp hay không, vì theo luật, nơi này cũng chỉ nhận đơn thư, tiếp dân rồi trả kết quả, chứ đâu có thẩm quyền giải quyết. Quy mô lớn nhưng chỉ đến ngồi nghe thì hiệu quả không là bao, đơn giản vì người trả lời không phải là người tiếp”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu ý kiến./.
Theo vov.vn - L.T