Kỳ IV: Vinh đánh Mỹ

Có một chi tiết vui trong buổi trao đổi “Chiến đấu bảo vệ Vinh - Bến Thuỷ và xây dựng Trường Thi - Bến Thuỷ thành vùng di tích văn hóa quốc gia”. Khi tôi mời anh Bùi Thúc Nhâm lên nói chuyện, anh trở nên rụt rè.

Con người đánh giặc như thần, đứng ở sở chỉ huy trung đoàn giọng trầm vang, khi vào trận đánh lần nào cũng động viên anh em chúng tôi ở trận địa : “Bình tĩnh, theo dõi tốp máy bay đầu. Bám chặt chiếc bay đầu. Đại đội trưởng chủ động cho đánh”. Bao giờ tôi cũng có cảm giác sau lời nói cuối cùng khuôn miệng đẹp của anh cũng tươi cười. Ấy thế mà hôm nay anh lại run, lạ chưa. Run run cả cổ tay áo. Tôi cẩn thận đưa anh cái micro nhắc khẽ : “Anh run đấy, anh cứ nói dõng dạc lên”. Anh cười giọng run run rồi nói to :

- Ấy đánh nhau trước mặt mình là thằng thù nên mình không sợ. Còn hôm nay trước mặt mình toàn những tay giỏi. Sợ nói không ra gì họ cười cho vào mũi !
Các bậc lão thành học giả, ký giả ngồi trên nghe anh nói vậy bật cười, anh Nhâm cũng bật cười thành tiếng.

Sau cái giây cùng cười ấy, sự lạ nữa lại xảy ra, anh Nhâm không hề run nữa, anh xin phép cử toạ được ngồi để nói, bộ não điện tử, trí nhớ siêu việt giúp anh ở tuổi bát tuần tư duy mạch lạc, nhôn ngữ “lính” cụ thể và sống động, anh dẫn chúng tôi vào những khó khăn, những gian nan thử thách của những năm đầu Vinh đánh Mỹ.

Anh em chúng tôi là quân của anh, hoặc chỉ là người biết anh đều coi anh là vị “Trùm” cao xạ (pháo phòng không) còn lại của phòng không tuyến lửa khu Bốn.

- … Mình vốn là lính được đào tạo chính quy ngoài Bộ. Từ năm 1960 được điều về quê khu Bốn. Những năm 1959 - 1960 của thế kỷ XX Mỹ cùng với chính quyền bên kia không chịu hiệp thương thống nhất. Họ hô lấp sông Bến Hải. Bắc tiến, nghĩ là tiến ngay sang Vĩnh Linh, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An tức là khu Bốn. Họ dùng máy bay vận tải C47 thả biệt kích được huấn luyện rất bài bản, có nghệ thuật giết người và phá hoại tinh vi. Họ đụng vào dân khu Bốn cách mạng với truyền thống “Bình - Trị - Thiên khói lửa” rồi “Xô viết Nghệ - Tĩnh”. Biệt kích thả khi đêm sáng ra đã bị dân quân tóm gọn. Hồi đó nóc nhà khu Bốn (bầu trời) đang còn trống. Bọn C47 bay đêm còn bật đèn tín hiệu như đi dạo. Ngoài khu Ba bắn rơi một chiếc C47 tại Rịa (Ninh Bình). Khu Bốn kêu xin. Bộ điều vào trung đoàn pháo cao xạ 280, anh chàng pháo trung cao cổ lỗ 90 ly do ông Đức (nước Đức) sản xuất từ thế chiến lầ thứ hai. Tài liệu binh khí kỹ thuật không có phải ra chợ Giời Hà Nội lùng mua được tập tài liệu kỹ thuật về loại canon phòng không này.

Đơn vị pháo bảo vệ Vinh - Bến thuỷ đầu tiên là nó, cái thằng 280 pháo to cục kịch, loại “voi béo”. Sau này nó được gọi là đoàn phòng không Hồng Lĩnh. Trên giao nhiệm vụ những ông voi này phải đánh được phản lực Mỹ. Ngoài Bộ tư lệnh Phòng không - Không quân đưa vào một đoàn chuyên gia liên xô giúp trung đoàn tìm hiểu tính năng kỹ thuật và chiến thuật đánh máy bay.

Anh Nhâm ngừng một lát nhìn khắp lượt cử toạ giọng nhỏ lại nhưng vẫn ẩn chứa những bí mật :

- Phòng không khu Bốn đánh máy bay Mỹ năm 1962 - 1963. Sau hiệp ước Giơ Ne Vơ 1962 về Lào. Ta giúp bạn đánh máy bay trên đất Lào gọi là rơi trên đất Tây Quảng Bình. Nguyễn Viết Xuân - Chính trị viên đại đội chết trên đất Lào, gói lại trong túi ni lông đưa về Cha Lo. Ta nói hi sinh phía Tây Quảng Bình. Rồi sau đó ta xây dựng Anh hùng Nguyễn Viết Xuân như thế nào, cái câu bất hủ “Nhằm thẳng quân thù mà bắn” xuất hiện từ khi nào thì ông Thanh Đồng, ông Đậu Kỷ Luật, ông Trần Hợi phóng viên kỳ cựu báo Quân khu Bốn đều rõ.

Anh cúi xuống một quyển sổ nhỏ, giấy ố vàng. Tôi chợt nghĩ có lẽ là anh phải nhờ ghi chép trợ giúp trí nhớ cho anh nhưng không phải : Đó là quyển sổ ghi lại trận đánh Mỹ đầu tiên ở Vinh - Bến Thuỷ chiến sỹ tặng anh:

- … 12 giờ 25 ngày 15 tháng 8 năm 1964 máy bay Mỹ từng tốp 02 chiếc, 04 chiếc bay thấp theo Cửa Hội dọc sông Lam vào đánh Vinh - Bến Thuỷ. Kho xăng Hưng Hoà cháy ngút trời, những chiếc A4D của Hải quân Mỹ trông như những chiếc thuyền cao tốc bay, liên tục cơ động, bay sát sông bắn phá tầu hải quân của ta. Tầu tuần tiễu hải quân chạy ngược về phía ngã ba sông La để dạt vào sông Lam ở bờ sông phía núi Thành nhằm đánh trả nhưng có vẻ như không đương sức với bọn A4D bắn rocket 70 ly, đạn đại liên 20 ly và bom, tên lửa Bunpớp của chúng. Pháo 90 ly đánh chúng ở trên cao, chúng vẫn tác oai tác quái ở tầm thấp ở giữa sông giữa một bên là núi Quyết, một bên là núi Cơm, núi Mồng Gà, núi Mâm Xôi của dãy Ngàn Hống (núi Hồng Lĩnh). Khi ấy trung đội súng máy cao xạ 14,5 ly bố trí ở mỏm thấp cực nam núi Dũng Quyết xổ đạn về phía bon cướp trời. Khẩu 14,5 ly hai nòng xối đạn đón đầu và trên lưng tốp máy bay A4D. Chúng hốt hoảng bốc lên cao, khi ấy pháo 90 ly mới đĩnh đạc nổ súng.

 

 Bộ đội pháo phòng không Thành phố Vinh
đánh trả máy bay Mỹ.


Máy bay Mỹ xông vào mỏm núi bố trí trung đội súng máy cao xạ 14,5 ly, bị ăn đạn bốc khói chuồn ra biển. Các tốp khác quây lại đánh vào các trận địa pháo 90 ly khu vực Trường Thi - Bến Thuỷ và ở Xuân An, Hà Tĩnh. Bên Xuân An có trận địa pháo cao xạ 90 ly của Phan Đăng Cát. Từ trận địa ấy ta mới có được sự tích Phan Đăng Cát trên đường về phép, thấy máy bay Mỹ đánh thành phố Vinh - Bến Thuỷ vội khoác ba lô chạy quay trở lại, bơi qua sông, về trận địa chiến đấu, ba lần bị thương kiên quyết không rời lá cờ chỉ huy khẩu đội cho đến hơi thở cuối cùng tựa vào giường pháo hi sinh anh dũng. Trận người Vinh đánh Mỹ đầy tiên ấy ta có điển hình Phan đăng Cát, Võ Sỹ Dũng đem nguỵ trang ra trận địa hi sinh trong sách của anh Thanh Đồng. Nhưng còn dấu tích trận địa súng máy cao xạ 14,5 ly đặt ở mỏm núi sát phà Bến Thuỷ cần phải tôn tạo như sau này ta tôn tạo trận địa đại đội 6, trung đoàn 214 trên đỉnh 102 núi Quyết !

… Lịch sử tỉnh Nghệ An và Lịch sử chiến đấu Thành phố Vinh đã ghi lại những trang hào hùng. Ngày 02 tháng 03 năm 1964, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Nghệ An ra chỉ thị khẩn cấp về công tác phòng không nhân dân và thủ đoạn biệt kích tập kích của địch. Tiếp theo, ngày 27 tháng 02 năm 1965 Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Nghệ An đã ra nghị quyết số 05 về “Tăng cường công tác tư tưởng và tổ chức chuẩn bị chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống”. Thực hiện chỉ thị 05 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Nghệ An, Thành uỷ Vinh đã thông qua phương án hiệp đồng chiến đấu giữa các lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn. Lúc này ông Lê Vân - Bí thư Thành uỷ được Trung ương điều về công tác tại Hà Nội. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Nghệ An đã cử ông Nguyễn Sỹ Hoà, Uỷ viên thường vụ Tỉnh uỷ về trực tiếp làm Bí thư Thành Uỷ Vinh. Bước vào cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ thành phố đã xây dựng 16 đài quan sát máy bay, 23 điểm báo động, 92 trận địa pháo các loại, đào đắp hàng vạn mét khối đất đá, xây dựng công sự, ụ pháo, 23.272 hầm trú ẩn, thành lập 20 đội rà phá bom mìn, 18 đội ứng cứu giao thông, 173 đội cấp cứu, tải thương, các tổ bảo vệ trật tự an ninh ở khu phố và thôn xóm.

Trận đánh máy bay Mỹ đầu tiên giữa trưa ngày 05 tháng 08 năm 1964 nắng nóng, ngay từ phút đấu tiên máy bay Mỹ ném bom kho xăng Hưng Hoà. Tất cả các lực lượng đã được chuẩn bị được lệnh huy động mọi phương tiện chữa cháy. Công nhân viên chức lao vào kho xăng cùng với dân quân Hưng Dũng, Hưng Thuỷ cùng với công nhân nhà máy điện Vinh, nhà máy ép dầu, công ty vận tải ô tô hàng hoá, đội cơ giới xe cấn cẩu, trường công nhân kỹ thuật 3, sinh viên Trường Đại học Vinh v.v. đã di chuyển 1.200 tấn xăng ở các bồn chứa lớn, 6.000 phuy xăng dầu các loại, 50 bể chứa nhỏ và 1.000 tấn thiết bị kỹ thuật hàng hoá các loại ra khỏi thành phố.

Có một kết luận có tính chất lịch sử về đặc điểm của bốn năm chống trả cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ trên địa bàn thành phố Vinh là: Địch ngày càng leo thang đánh phá với mục tiêu ngày càng rộng, khối lượng bom đạn ngày càng lớn. Năm 1968 là năm chiến tranh diễn ra rất ác liệt. quân và dân thành phố Vinh được sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ, có sự lãnh đạo sát sao của Tỉnh uỷ, Uỷ ban Hành chính tỉnh và Bộ Tư lệnh Quân khu Bốn, càng đánh càng có kinh nghiệm, quyết tâm ngày càng cao, chiến thắng ngày càng lớn.

Ngày 15 tháng 03 năm 1965, 22 lần chiếc máy bay đánh vào cảng Bến Thuỷ. Ngày 30 tháng 03 năm 1965, 250 lần chiếc đánh phá sân bay Vinh. Ngày 20 tháng 04 năm 1965 lúc 20 giờ 15 phút trung đoàn 280 (đoàn Hồng Lĩnh) bắn rơi tại chỗ một chiếc A4D, bắt sống giặc lại.

Vào các ngày 01, 04, 07, 08, 09, 16, 17, 21, 25, 27, 28 tháng 05 năm 1965 địch dồn dập đánh Thành phố Vinh. Ngày 17 tháng 05 năm 1965 vào lúc 11 giờ 52 phút địch bắt đầu dùng tên lửa Sraiđơ (Rắn đuôi kêu) đánh vào thành phố Vinh.

Ngày 10 tháng 05 năm 1965 Tỉnh uỷ lập ban chỉ đạo sơ tán và ngày 12 tháng 05 năm 1965 Uỷ ban Hành chính phát lệnh sơ tán những điểm tập trung kinh tế, văn hoá, xã hội trên địa bàn cả tỉnh và Thành phố Vinh là trọng điểm quan trọng nhất.

Trong hai tháng 05 và 06 năm 1965 đã sơ tán ra khỏi thành phố 60.000 tấn hàng hoá, phương tiện, máy móc, thiết bị kỹ thuật, trên 5.012 hộ gia đình công nhân viên chức gồm 30.000 người được tổ chức sơ tán khỏi thành phố. Các cơ quan đầu não của tỉnh cũng rời khỏi Vinh. Cơ quan Thành uỷ tiếp nhận cơ sở của Uỷ ban Giám sát quốc tế, xây dựng hầm bếp, điện đài và làm việc tại đây.

Quân dân thành phố Vinh đã dũng cảm đánh trả máy bay địch. Trong tháng 05 năm 1965 đã hạ 17 máy bay Mỹ. Ngày 01 tháng 05 năm 1965, tự vệ nhà máy ép dầu bắn rơi một máy bay. Ngày 27 tháng 05 và ngày 01 tháng 06 năm 1965 tự vệ nhà máy xay, các khu phố và dân quân các xã phối hợp với bộ đội phòng không bắn rơi 07 chiếc. Đặc biệt vào lúc 07 giờ 10 phút ngày 27 tháng 05 năm 1965 đại đội 5 pháo 57 ly trung đoàn 214 bắn rơi tại chỗ chiếc F8U. Máy bay cắm đầu xuống cách ga vinh không quá 300m. Tên trung tá Dớc Lin bị chết. Đây là chiếc máy bay Mỹ thứ 300 bị bắn rơi trên miền Bắc kể từ trận đầu ngày 05 tháng 08 năm 1964. Máy bay Mỹ tiếp tục đánh phá Vinh bằng những thủ đoạn dã man, tàn bạo. Đêm ngày 04 tháng 04 năm 1965 máy bay địch ập vào đánh bom, bắn và bổ nhào từ ba hướng trút bom vào khu nhà chính Nhà máy điện Vinh. Nhà máy chính đã được che chắn bởi các bức tường bảo vệ do công nhân xây dựng nhưng trong bão lửa bom đạn, các bức tường bị phá hỏng. Dù vậy anh chị em công nhân đã dũng cảm, bình tĩnh, thao tác chính xác ngừng các lò máy an toàn như phương án đã luyện tập. Máy bay địch tiếp tục đánh nhà máy lần thứ hai với nhiều loại bom đạn sát thương, bom bi, bom phá nhằm giết chết công nhân và huỷ hoại nhà máy. Nhiều công nhân nhà máy điện Vinh đã hi sinh trong trận bom đạn huỷ diệt này : Trần Văn Qua, Nguyễn Văn Tý, Lê Thị Hoà, Đỗ Ngọc Sinh, Nguyễn Khánh Toàn, Phan Văn Duyệt, Trần Văn Dân, Bửu Quang v.v. Vượt qua hi sinh, ác liệt, nêu cao ý chí kiên cường bám trụ, sau 25 tiếng đồng hồ sửa chữa máy, nối lại đường dây nhà máy điện Vinh lại vận hành. Sau thời gian một ngày dòng điện bị ngắt, điện thành phố lại bật sáng, còi báo động lại vang lên.

09 giờ sáng ngày 07 tháng 06 năm 1965 máy bay địch đánh vào các trung tâm thành phố với 42 lần chiếc, ném 431 quả bom, bắn 37 loạt rocket vào khu phố 4 (khu phố Lê Mao hiện nay) phá hỏng trường cấp I, cấp II và 87 ngôi nhà, giết chết 37 người dân, chúng đánh vào cơ quan Thành uỷ.

Trong ngày 07 tháng 06 năm 1965 đau thương đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng về tinh thần chiến đấu, hi sinh của người Vinh. Hai em Võ Sỹ Dũng và Phan Văn Thời mang nguỵ trang ra trận địa, ở lại lau đạn, tiếp đạn cho bộ đội phòng không Võ Sỹ Dũng bị trúng đạn hi sinh tại chỗ, Phan Văn Thời giập nát đôi chân, được đưa ra viện cấp cứu em đã kiên cường chịu đựng, không hề kêu rên vì đau, vết thương quá nặng nên Thời đã hi sinh. Trong ngày này đã có tấm gương chị Nguyễn Thị Lý đã đưa được bốn pháo thủ bị thương ra khỏi trận địa. Anh Trần Hữu Trương đưa được ba liệt sĩ ra khỏi trận địa dưới làn bom đạn địch sau đó hi sinh vì bom Mỹ.

Công nhân Nhà máy điện Vinh thành lập tiểu đoàn cảm tử bảo vệ núi Quyết. Hàng trăm công nhân Nhà máy điện, Nhà máy gỗ, dân quân Khu phố 5 (nay là phường Trung Đô) kề vai sát cánh cùng bộ đội pháo cao xạ kéo pháo lên đỉnh cao núi Quyết. Một lực lượng công binh, công nhân do Quân khu và tỉnh chỉ đạo đã ngày đêm đào núi khoét hầm biến núi Quyết thành luỹ thép. Vừa là bệ đỡ cho các trân địa pháo trên núi vừa che chắn các tuyến … phát điện, kho chứa vũ khí đạn dược để có thể đánh Mỹ 5 năm, 10 năm.

12 giờ đêm ngày 07 tháng 06 năm 1965 đau thương không bao giờ quên, Thành uỷ và một số ban ngành của thnàh phố chuyển về thôn Phong Toàn (nay là phía đông phường Hà Huy Tập) - một địa điểm đã được chuẩn bị trước. Từ đây Phong Toàn, Yên Mỹ sẽ là căn cứ kháng chiến chống Mỹ suốt 8 năm (1965 – 1973)

Từ căn cứ địa Phong Toàn, Yên Mỹ, Thành uỷ và Uỷ ban Hành chính Thành phố đã lãnh đạo quân và dân bám trụ, chiến đấu, phục vụ chiến đấu, bảo vệ và bảo đảm an toàn giao thông vận tải, đẩy mạnh sản xuất bảo đám cho đời sống của nhân dân.

Phát huy kỳ tích chiến đấu tháng 5, từ ngày 30 tháng 07 đến ngày 09 tháng 08 năm 1965 quân và dân thành phố Vinh đã hạ được 11 máy bay Mỹ. Trung đoàn 214 bắn rơi chiếc máy bay tròn 100 máy bay Mỹ bị bắn rơi tại thành phố Vinh. Với chiến công là địa phương đầu tiên trên miền Bắc bắn rơi 100 máy bay Mỹ ngày 14 tháng 09 năm 1965 quân dân thành phố Vinh vui mừng đón thư khen của Bác Hồ. Bác khen : “Vinh là thành phố đầu tiên đã bắn rơi 100 máy bay Mỹ. Đó là một thắng lợi quang vinh” “Quân dân thành phố Vinh còn làm tốt công tác phòng không nhân dân, ra sức khắc phục khó khăn, thi đua sản xuất”. Bác căn dặn : “ Cần luôn luôn phát huy truyền thống Xô xiết Nghệ - Tĩnh anh hùng, nêu cao quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, hăng hái thi đua chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi, lập nhiều thành tích to lớn  hơn nữa”

Thực hiện lời căn dặn trong thư của chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân thành phố Vinh tập trung xây dựng lực lượng, củng cố các đoàn thể mặt trận tổ quốc, phụ nữ, đoàn thanh niên. Từ năm 1965 đến năm 1967 kết nạp 650 đảng viên trong đó 73% là lực lượng trẻ, đảng viên nữ chiếm 20%. Dựa và sức sáng tạo của quần chúng nhân dân đánh bại các thủ đoạn thâm độc của của kẻ thù : chia cắt từng tốp nhỏ lẻ, đánh ban đêm, dùng pháo tầm xa cỡ lớn bắn từ biển vào khống chế giao thông, bến phà Bến Thuỷ gây hoang mang trong nhân dân.

Bước vào năm 1968 sau cuộc tập kích chiến lược của quân dân chiến trường miền Nam. Ngày 31 tháng 03 năm 1968 Mỹ tuyên bố ném bom hạn chế miền Bắc. Sự thực thì Mỹ tập trung toàn bộ máy bay, tầu chiến bắn phá miền Bắc và đánh huỷ diệt miền Trung (Chúng gọi là vùng cán soong) nhằm cắt đứt sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam trên dải đất hẹp xung yếu nhất là tuyến lửa khu Bốn.

Ở thành phố Vinh chúng đánh phá có tính chất huỷ diệt từng vùng, đánh dứt điểm, từng mục tiêu, từng đoạn đường, khúc sông với âm mưu đánh diệt giao thông, vận tải, kết hợp quét sạch chân hàng, dân cư thành khu vực trắng.

Số lượng bom đạn Mỹ dội xuống thành phố trong năm 1968 gấp 2,2 lần năm 1967, bằng cả khối lượng bom đạn trong ba năm trước cộng lại. Máy bay địch đã bay và vào đánh phá thành phố 1.649 lần tốp với 15.400 lần chiếc. Tăng 2,5 lần so với năm 1967. Máy bay địch đánh 301 trận vào ban đêm. Ba lần dùng pháo hạm siêu nặng 406.7 ly từ tàu Niu Ghơ Đi - một con tầu tuần dương ngoại cỡ do Mỹ sản xuất và sử dụng ít lần trong chiến tranh thế giới lần thứ hai. Tháng 08 năm 1968 máy bay Mỹ đánh suốt 29 ngày đêm. Có ngày đánh tới 17 trận, có đêm 27 trận.

Máy bay Mỹ đã ném xuống thành phố Vinh hàng chục nghìn quả bom các loại. Theo tính toán trung bình người dân ở lại thành phố Vinh phải gánh chịu hai tấn bom đạn. Bom đạn ngày đêm nổ chát chúa, rung rền át đi tất cả các tiếng động khác, ngỡ như không khi nào ngừng, không biết bao giờ tắt. Đêm đêm ánh pháo sáng gắt gao không cho thành phố một phút ngủ yên. Tất cả các đường phố, các thôn xóm đều bị mảnh bom, pháo băm vằn. Ác liệt nhất là vùng Bến Thuỷ. Từ đầu tháng 04 đến tháng 10 năm 1968 chúng đánh Bến thuỷ 257 trận (chưa kể những chiếc đánh lẻ ban ngày và ban đêm).

Trong năm 1968 địch đã gây ra những thiệt hại to lớn : 249 người chết, , 409 người bị thương (chưa kể quân số thương vong của lực lượng vũ trang). 749 ngôi nhà cửa bị cháy sập ( tăng gấp ba lần năm 1967), giết chết 106 trâu bò, 75 mẫu ruộng có lúa hoa mầu, bom trúng đê sông Lam 13 lần.

    Để hạn chế thương vong, đầu năm 1968 đã diễn ra một cuộc sơ tán lớn chưa từng có, tất cả những người không trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu đều phải đi sơ tán. Chỉ có học sinh cấp II ở lại. Học sinh cấp III và cấp I sơ tán lên vùng núi Nghĩa Đàn và Thanh Chương. Hàng ngàn con em xa gia đình, vượt hàng trăm cây số lên vùng núi xa xôi đặt ra biết bao khó khăn nhưng do tích luỹ được kinh nghiệm từ những năm trước nên đã bảo đảm an toàn cho các em, các cháu, bảo đảm được học hành và những yêu cầu thiết yếu nhất của đời sống. có thể nói người Vinh đã đưa cuộc sống vào trong hầm. Làm hầm nới sơ tán, người ở lại thành phố sống chết từng giờ, từng khắc với căn hầm chữ A hay còn gọi là hầm Triều Tiên, hầm hai mái. Dỡ cả những ngôi nhà được tổ tiên để lại từ nhiều đời để làm hầm. Hầm nằm ngủ, hầm học cho con cái, hầm cất giữ tài sản, hầm bảo vệ máy móc, đào hầm kín lưng cho trâu bò đứng nằm ngủ.

Tính bình quân mỗi hộ có 2,2 hầm chữ A, cả thành phố trong năm 1968 làm thêm 5.147 hầm chữ A. Hệ thống hào giao thông được xây dựng chằng chịt từ nhà này sang nhà khác, nối các xóm lại với nhau. Trên các trục đường xung yếu dọc các giao thông hào cứ cách 30 đến 40 mét lại có một căn hầm chữ A.

Trải qua những năm tháng chiến tranh vô cùng gian khổ, ác liệt, thành phố đổ nát hoàn toàn. Một nhà văn đã gọi Vinh là thành phố “Trụi”. Một đống đổ nát không lồ nhưng con người Vinh vẫn hiên ngang đứng vững, có ngã xuống lại vùng đứng dậy, nhất quyết không để đạn bom kẻ thù đè nát. Chúng ta sẽ còn gặp lại phí phách của người Vinh trong những lúc cận kề cái chết trong khi bắt tay xây dựng thời bình.
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh