Có những bản án tử hình, có những kẻ phải vào tù, có những người chết vì HIV/AIDS, có những gia đình tan nát, vợ mất chồng, chồng mất vợ, những đứa trẻ bỗng mồ côi phải sống bơ vơ, thất học…Tất cả thảm cảnh đau lòng đó đều mang một cái tên chung, đó là: nỗi đau vì ma tuý !
Số liệu cũ: Trong sổ tay phóng viên cách đây 7 năm tôi còn ghi rõ “ngày 14/10/2002 UBND tỉnh tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 06/CP, một năm thực hiện Nghị quyết 07/TV của BTV Tỉnh uỷ về phòng chống tội phạm và phòng chống ma tuý”. Cũng theo số liệu ghi nội dung buổi tổng kết này thì tính từ khi Nghị quyết 06/CP của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 29/01/1993 cho tới khi UBND tỉnh tổ chức Hội nghị, toàn tỉnh đã phát hiện, bắt giữ gần 2.370 vụ, với 3.146 đối tượng, thu giữ 3000 kg thuốc phiện, trên 30 kg hêrôin, gần 4.500 viên ma tuý tổng hợp.
Số liệu mới: Tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện chương trình quốc gia phòng chống tội phạm và ma tuý (1998-2008), một con số thống kê khiến người ta không khỏi giật mình, trong thời gian này có tới 5.234 vụ bị phát hiện, các lực lượng bắt trên 6.500 đối tượng, thu 89,7 kg hêrôin, 726,3 kg thuốc phiện, 470 kg cần sa, trên 27.000 viên ma tuý tổng hợp. Sở dĩ tôi lục lại số liệu cũ là nhằm muốn đối chiếu với số liệu mới để khẳng định rằng trong suốt thời gian dài vừa qua, tình hình buôn bán, vận chuyển, tàng trữ ma tuý ở tỉnh Nghệ An chưa hề hạ nhiệt, hay nói theo cách đánh giá của các ban ngành Trung ương và địa phương thì “Nghệ An vẫn là điểm nóng về ma tuý của cả nước”. Điều gì khiến Nghệ An phải mang cái tiếng không mấy vui vẻ này? Cũng theo đánh giá của các cơ quan chức năng thì Nghệ An hội đủ bốn yếu tố cho tội phạm ma tuý lợi dụng, đó là: tình trạng ma tuý thẩm lậu qua biên giới, là địa phương vẫn còn tình trạng sản xuất ma tuý, là địa bàn trung chuyển ma tuý đi các nơi khác và cuối cùng là địa bàn tiêu thụ ma tuý tương đối nhiều. Đối chiếu với thực tế mới thấy những nhận định đó quả không sai. Về tình trạng ma tuý thẩm lậu qua biên giới thì quá rõ, với tuyến bên giới kéo dài 419,5 km tiếp giáp với 3 tỉnh của nước bạn Lào. Trên dải đường biên đó có 52 bản, thuộc 26 xã của 6 huyện biên giới có đồng bào các dân tộc sinh sống, nhưng dân cư lại sống thưa thớt và chủ yếu là dân tộc ít người, bao gồm các dân tộc như Mông, Thái, Đan Lai, Tày Poọng, Khơ Mú...Điều khó khăn nhất là do có quan hệ họ hàng, dòng tộc lâu đời, nên bà con các dân tộc ở hai nước Việt – Lào thường qua lại thăm nhau. Bọn tội phạm đã lợi dụng vấn đề này để tuồn ma tuý vào nước ta, chủ yếu nguồn ma tuý được chúng khai thác sản xuất tại chỗ, hoặc từ Uđômxay tập kết về các tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bôlykhămxay của Lào tiếp giáp với Nghệ An, qua các đường tiểu mạch và nhiều khe suối, hang lèn từ đó ma tuý vào sâu trong nội địa nước ta. Những khu vực đường biên thường bị bọn tội phạm lợi dụng để vận chuyển ma tuý thường ở 3 huyện vùng cao của Việt Nam là Kỳ Sơn, Tương Dương và Quế Phong. Gọi Nghệ An là địa bàn có sản xuất ma tuý cũng không có gì là quá đáng, vụ án trùm sản xuất và buôn bán ma tuý Nguyễn Đức Lượng ở Diễn Châu cách đây 10 năm là ví dụ điển hình. Trong một thời gian dài, nấp dưới cái mác của một doanh nghiệp lương thiện, Nguyễn Đức Lượng đã cùng 22 tên đồng bọn tự sản xuất 197 kg thuốc phiện và 104 bánh hêrôin. Nhưng điều đáng lo ngại nhất là mặc dù đã được giáo dục, thậm chí răn đe, nhưng một số hộ dân ở các huyện vùng cao như Quế Phong, Kỳ Sơn, Tương Dương vẫn lén lút trồng cây thuốc phiện để sử dụng và buôn bán. Hàng năm các lực lượng đã kiểm soát và triệt phá hàng chục ha thuốc phiện ở các địa phương này. Riêng năm 2008 có hơn 30 ha thuốc phiện được các cơ quan chức năng phát hiện và triệt phá. Do vị trí địa lý rất thuận lợi cho việc vận chuyển ma tuý cả về đường thuỷ, đường bộ, đường sắt và có thể cả đường không, đặc biệt là có hai tuyến đường bộ nối sang Lào là Quốc lộ 7 và Quốc lộ 48, đó là chưa kể Quốc lộ 8 từ Hà Tĩnh sang, do vậy nhận định Nghệ An là địa bàn trung chuyển ma tuý đi các địa phương khác trong nước là hoàn toàn chính xác. Có thể nói hầu như bất kỳ các vụ án vận chuyển ma tuý lớn nào trong cả nước cũng đều có người của Nghệ An tham gia, thậm chí có gia đình 8 người tham gia buôn bán ma tuý và đều bị mang án tử hình. Nhiều đối tượng còn bị Interpon truy nã và đã bị công an Nghệ An bắt giữ như Trần Văn Hợi, Nguyễn Văn Cẩn, Nguyễn Chiến Thắng…đây là những tên đầu sỏ cầm đầu những đường dây vận chuyển, buôn bán hàng trăm bánh hêrôin. Gần đây nhất, rạng sáng ngày 29/4/2009, trên đỉnh Bù Kẻm Phẳng thuộc huyện Quế Phong, Công an Nghệ An đã thực hiện thành công chuyên án 304T bắt giữ tên Thò Bá Dìa (sinh 1982, ở bản Khốm, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong) thu 5 bánh hêrôin. Tiếp đó, 2 giờ sáng ngày 6/5/2009 Công an Nghệ An đã xác lập và đấu tranh thắng lợi chuyên án 705D, bắt giữ hai anh em ruột là Xồng Bá Dềnh (1984) và Xồng Bá Hờ (1983) trú tại bản Tông Hốc, xã Hữu Khuông, Tương Dương đang vận chuyển 6 bánh hêrôin. Cũng hoàn toàn không có gì sai khi nói rằng Nghệ An là tỉnh có tỷ lệ người nghiện cao. Sau 10 năm thực hiện “Chương trình phòng chống tội phạm, phòng chống ma tuý” và sau hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết 06/CP của Chính phủ, theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng thì hiện nay toàn tỉnh có trên 6.000 người nghiện. Tuy con số này chưa hẳn đã sát với thực tế, nhưng chỉ cần chừng đó cũng đủ khiến cho mỗi năm có tới hàng chục tỷ đồng tan theo ảo giác…
(Còn nữa)
Nguyễn Ngọc Đức - Baonghean |