Có những bản án tử hình, có những kẻ phải vào tù, có những người chết vì HIV/AIDS, có những gia đình tan nát, vợ mất chồng, chồng mất vợ, những đứa trẻ bỗng mồ côi phải sống bơ vơ, thất học…Tất cả thảm cảnh đau lòng đó đều mang một cái tên chung, đó là: nỗi đau vì ma tuý !
Ảnh minh hoạ: Nguồn Internet | Hàng ngày, những đứa trẻ trong lứa tuổi mẫu giáo ở xóm 11, xã Phúc Thành, huyện Yên Thành lại được ông bà, cha mẹ dắt tay tới trường, để rồi sau đó trường Mầm non Phúc Thành lại vang lên những tiếng hát ngây thơ, trong sáng nhưng tràn đầy niềm vui hạnh phúc…
Hàng ngày, có một đứa trẻ trong lứa tuổi mẫu giáo ở xóm 11, xã Phúc Thành, huyện Yên Thành lại đòi ông bà dắt tay tới trường, để rồi sau đó đôi mắt em lại đầm đìa nước, em khóc vì không được tới trường, em khóc vì phải nhìn thấy niềm vui sướng tới trường của chúng bạn, em khóc vì sự ngây thơ trong trắng khi em không thể hiểu rằng… Vâng! Em không thể hiểu rằng em không được tới trường, em không được cất lên tiếng hát ngây thơ, trong sáng nhưng tràn đầy niềm vui hạnh phúc cùng chúng bạn chỉ vì một lý do mang tính kỳ thị, đó là trong cơ thể bé bỏng của em mang một thứ vi rút chết người, vi rút HIV! Người ta từ chối không cho em tới trường chỉ vì người ta sợ con cái họ lây căn bệnh thế kỷ từ em (!?).
Nhưng người ta không hiểu rằng họ đã tước bỏ quyền được tới trường của em chỉ vì chính họ mang trong mình một quan niệm sai lầm cũ kỹ trong thế kỷ văn minh, thế kỷ của lòng nhân ái. Nhẽ ra họ phải thương em, phải giang rộng vòng tay chở che cho em khi chính họ thảy đều biết rằng em phải mang trong mình căn bệnh đó vì lây chính từ cha mẹ em, hay nói đúng hơn là từ cha em. Đứa trẻ tội nghiệp đó tên là Phạm Thị Thơm.
Cha em: anh Phạm Văn Dũng (1968) trước đây là một người lương thiện và lành lặn như bao nhiêu người khác. Sau khi rời quân ngũ, anh về địa phương và xây dựng gia đình với chị Trần Thị Lợi (1971).
Từ đó hai vợ chồng chí thú làm ăn, và bốn đứa con lần lượt ra đời, Phạm Thị Thơm là con út. Không biết từ bao giờ Phạm Văn Dũng bị bọn xấu rủ rê và trở nên nghiện ngập và cũng không biết từ bao giờ anh bị nhiễm HIV, chỉ biết rằng mãi cho tới khi cơ thể anh ngày càng héo mòn, suy kiệt anh được đưa tới bệnh viện khám và kết quả như tiếng sét: Dũng bị HIV ! Vợ anh cũng được làm xét nghiệm và cũng mang kết quả tương tự. Một thời gian sau anh Dũng chết, cầm cự chỉ được một thời gian chị Lợi cũng trút hơi thở cuối cùng để lại 4 đứa con thơ dại.
Chúng được ông bà đem về nuôi. Để biết chắc chắn sức khoẻ của các cháu, ông bà đã đưa chúng đi xét nghiệm, kết quả ba đứa đầu không bị gì, chỉ riêng đứa út bị nhiễm HIV từ cha mẹ chúng. Và sau đó niềm vui của em đã tắt như những gì chúng tôi đã nói ở trên. Ở xã Nghĩa Tân (huyện Nghĩa Đàn) cách đây hơn chục năm, khái niệm về ma tuý còn rất xa lạ đối với gần 2.500 nhân khẩu của 639 hộ dân ở đây, bà con các dân tộc Mường, Thổ, Thái, Khơ Mú sống thân ái, đoàn kết và cần cù lao động sản xuất.
Thế nhưng, kể từ năm 1996, khi người ta phát hiện ra trường hợp nghiện ma tuý đầu tiên là Trần Sỹ Phương (1966) trú ở xóm Tân Thành; đến nay xã Nghĩa Tân đã có hàng chục trường hợp nghiện ma tuý, trong đó có tới 16 trường hợp bị nhiễm HIV. Ma tuý đã làm cho cuộc sống của nhân dân ở đây trở nên bất ổn, HIV đã và đang dần cướp đi sinh mạng của những thanh niên trai tráng mà lẽ ra giờ này họ đang là trụ cột vững chắc của gia đình về kinh tế, là điểm tựa tinh thần của vợ con. Trên đây là chỉ hai trong số hàng nghìn trường hợp đã, đang và sẽ bị ma tuý cướp đi tài sản, sức khoẻ và sinh mạng. Bởi lẽ phía sau bóng đen của ma tuý chính là HIV/AIDS.
Theo số liệu mới nhất mà chúng tôi có được, hiện nay toàn tỉnh Nghệ An có 4.528 trường hợp nhiễm HIV/AIDS; và chắc chắn khi bài báo này đến với bạn đọc, con số vừa dẫn đã có thể thay đổi hoặc là đã giảm xuống (do một số người đã chết) hoặc sẽ tăng lên do có thêm những người mắc phải căn bệnh thế kỷ, vì theo thống kê của cơ quan chức năng cho thấy bình quân mỗi năm trên địa bàn tỉnh Nghệ An có thêm 500-600 trường hợp nhiễm mới được phát hiện. Trong tổng số người nêu trên, số người chuyển sang giai đoạn AIDS là 2.206 người và 1.428 người tử vong. Qua phân tích cho thấy 88% số lây nhiễm là qua đường tiêm chích ma tuý. Có tới trên 2/3 số người nhiễm HIV/AIDS là nam giới. Tuy nhiên con số cơ học sau đây mới thực sự nói lên sự tàn phá ghê gớm của ma tuý, trong số trên 3.900 người nhiễm HIV/AIDS là nam giới, phần lớn đều nằm trong độ tuổi từ 13 đến 49; trong đó có gần 68% nằm trong độ tuổi trưởng thành, là trụ cột chính của gia đình và nguồn lao động dồi dào của xã hội. Điều đáng ngại là hiện nay nếu như ở các khu vực đô thị tình hình nghiện ma tuý và nhiễm HIV/AIDS phần nào có giảm, thì ở khu vực nông thôn, biên giới, ven biển, vùng sâu vùng xa và những vùng dân tộc ít người tình hình nghiện ma tuý và nhiễm HIV/AIDS đang có chiều hướng gia tăng ở cấp số cộng. Huyện Quế Phong số người nhiễm mới được phát hiện là 120 người, Tương Dương là 105 trường hợp, Quỳ Châu 49 trường hợp, Nghĩa Đàn 39 trường hợp, Đô Lương 44 trường hợp. Đứng đầu toàn tỉnh vẫn là thành phố Vinh với gần 1.600 trường hợp nhiễm HIV/AIDS được phát hiện, tiếp đó là Tương Dương có 1.195 người nghiện, trên 500 người nhiễm HIV; với 215 người đã chuyển sang giai đoạn AIDS, 180 trường hợp đã tử vong. Đó chỉ là những con số được quản lý, là phần nổi của tảng băng chìm, còn trên thực tế số người nhiễm HIV/AIDS có thể sẽ còn cao hơn vì ở Nghệ An có 478 xã, phường thì đã có tới 357 phường xã có người bị nhiễm HIV/AIDS. Đặc biệt ở một số địa phương được xem là điểm “nóng” về ma tuý thì đồng thời cũng là điểm “nóng” của căn bệnh thế kỷ, như ở thành phố Vinh 25/25 phường xã có người nhiễm HIV/AIDS, Tương Dương 21/21 xã, thị trấn, Quế Phong 12/13 xã, thị trấn và Quỳ Châu 11/12 xã, thị trấn. (còn nữa)
Nguyễn Ngọc Đức - Baonghean |