Kỷ niệm 50 năm Thành lập Thành phố Vinh và đón nhận Huân chương độc lập hạng Ba: “Rất xưa và rất trẻ”
Năm 1788, Vua Quang Trung - Nguyễn Huệ đã chọn Vinh làm nơi đóng đô, lịch sử phát triển của thành Vinh bước sang một trang mới. Sau nửa thế kỷ xây dựng và trưởng thành, Vinh đã trở thành đô thị loại 1 nhưng những dấu ấn lịch sử văn hóa của Thành Vinh xưa vẫn còn lưu giữ đến hôm nay.

Lưu giữ nét xưa

Trong dòng người hối hả ngược xuôi, chúng tôi đã đi không biết bao nhiêu lần trên những con phố quen thuộc Quang Trung, Phan Bội Châu, Trần Phú, Nguyễn Du, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thái Học, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai… mỗi tên đường, tên phố của Thành Vinh đều được gắn với một danh nhân của quê hương Xô Viết. Có người bạn học cũ, sau hơn 10 năm hôm nay mới có dịp trở lại Vinh, đã phải thốt lên rằng: “Vinh thay đổi nhiều quá: đó là đường phố rộng, dài, sạch; đó là nhiều siêu thị, cửa hàng sầm uất; đó là nhiều chung cư, nhà cao tầng có kiến trúc đẹp… và con người Thành Vinh đã năng động hơn nhưng vẫn tình cảm, chân thành”.
Vinh đẹp, cổ kính vì Vinh vẫn giữ được những nét xưa với nhiều di tích lịch sử gắn với sự hình thành và phát triển. Đền Quang Trung trên núi Dũng Quyết – ngôi đền được xây dựng trên chính vị trí mà Vua Quang Trung chọn đóng đô xây Thành Phượng Hoàng Trung Đô năm 1788. Để ghi nhớ công lao của người anh hùng "áo vải”, ngày 23/7/2004, UBND tỉnh Nghệ An đã ra quyết định xây dựng đền thờ Vua Quang Trung tọa lạc trên đỉnh thứ hai của núi Dũng Quyết có độ cao 97m so với mực nước biển.

Toàn bộ ngôi đền được làm bằng gỗ lim, lối đi, bờ vỉa, sân đền tạo nên vẻ uy nghi, hiện đại nhưng không kém phần cổ kính. Công trình được khánh thành vào ngày 7/5/2008. Hàng năm, tại đền thờ Vua Quang Trung có các ngày lễ trọng như giỗ Vua Quang Trung (29/7 ÂL); kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (5/1 AL); kỷ niệm ngày Vua Quang Trung ban chiếu chỉ xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô (1/10 DL).

Nơi đây không chỉ  trở thành địa chỉ văn hóa du lịch tâm linh hấp dẫn mà còn là nơi để người dân Thành Vinh gửi gắm tình cảm, lòng thành kính của mình đối với Nguyễn Huệ - Quang Trung, trở thành nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người Vinh hôm nay. Chị Võ Thị Lam – khối 13, phường Bến Thủy cho rằng: “Cùng với các hoạt động văn hóa khác trên địa bàn phường, khối, thì việc ngày Rằm, mồng Một, Tết Nguyên đán, ngày đại lễ lên đền Quang Trung dâng hương tưởng niệm Vua đã trở thành một thói quen không thể thiếu của bản thân chị và những người trong gia đình”. Với chị, cuộc sống vốn dĩ đã rất hối hả, quá nhiều lo toan, mỗi lần lên đền là một lần chị thấy tâm hồn mình tĩnh lại, thanh thản hơn và thấy yêu cuộc sống này hơn.



Cổng thành cổ Vinh.    Ảnh: S.M

Cùng với đền Quang Trung, cổng Thành cổ ở phía Tây thành phố trầm mặc, uy nghi còn mãi với thời gian như một nhân chứng quan trọng trong lịch sử phát triển của thành phố. Năm 1803, vua Gia Long ra Bắc, chọn làng Vĩnh Yên nằm phía Tây Bắc núi Dũng Quyết (khu vực thành cổ bây giờ) xây trấn sở. Năm 1884 chính thức dời trấn từ Dũng Quyết về Vĩnh Yên, cho xây Thành Nghệ An bằng đất. Mãi đến năm 1831 vua Minh Mạng mới cho xây lại thành bằng đá o­ng. Đến thời Tự Đức, khi nâng cấp phải lấy 8.599 phiến đá sò từ Diễn Châu và đá o­ng từ Nam Đàn, 4.848 cân vôi, 155 cân mật mía, với tổng kinh phí là 3.688 quan tiền.

Thành cổ có 3 cửa ra vào. Cửa tiền là cửa chính hướng về phía Nam, cửa để vua ngự giá, các quan trong lục bộ triều đình và tổng đốc ra vào. Cửa Tả hướng về phía Đông, Cửa Hữu hướng về phía Tây. Trải qua nhiều biến cố của lịch sử và sự tàn phá của chiến tranh, di tích Thành cổ chỉ còn lại 3 cổng thành và khu hồ bao quanh. Để gìn giữ di tích cho muôn đời sau, thời gian qua tỉnh và thành phố đã có quy hoạch khôi phục lại di tích và cải tạo thành một công viên văn hoá lớn. Xung quanh khu vực Thành cổ là các bảo tàng: Xô viết Nghệ Tĩnh, Bảo tàng tổng hợp…

Cách đó không xa là di tích văn hóa chùa Diệc - một trong những ngôi chùa đẹp của thành phố. Theo các tài liệu ghi lại, chùa có từ thời nhà Trần, mái chùa lợp tranh, đầu thế kỷ 19 mới được lợp ngói. Qua nhiều biến cố của lịch sử và sự tàn phá của chiến tranh, chùa Diệc cổ chỉ còn lại cổng tam quan rêu phong. Thấy được giá trị của chùa, tỉnh và thành phố đã có kế hoạch khôi phục trong nay mai, tạo nên điểm sinh hoạt văn hoá tâm linh, trả lại vẻ đẹp kiến trúc xưa cho Thành Vinh.

Đền Hồng Sơn được người dân Thành Vinh thường xuyên tới dâng hương, bởi nơi đây hợp tự thờ Vua Hùng Vương, Thánh Mẫu và Trần Hưng Đạo. Đền được xây dựng từ xưa và được trùng tu, hoàn thiện nhiều lần dưới triều Nguyễn. Công trình gồm: cổng đền, hồ bán nguyệt, tiền sảnh, tháp chuông, hạ điện, trung điện, thượng điện, tả vu, hữu vu. Trao đổi với bác Dương Phong Ba – Ban Quản lý đền được biết:  Hàng năm đền Hồng Sơn có 3 lễ hội lớn diễn ra vào các dịp: Giỗ Đức Thánh Mẫu (2 và 3 tháng Ba âm lịch), giỗ Đức Hùng Vương (9 và 10 tháng Ba âm lịch) và giỗ Trần Hưng Đạo (19 và 20 tháng Tám âm lịch).

Đến với di tích đền Hồng Sơn, ngoài việc tìm hiểu  giá trị của  công trình, du khách còn được tìm hiểu về đặc trưng văn hoá của vùng này thông qua các hiện vật còn lưu giữ tại đền: đó là chiếc chuông đồng của Văn miếu trấn Nghệ An được lưu giữ tại đây, chuông  nặng 522kg, đường kính đáy 0,77m, thân chuông cao 1m, chu vi 1,28m, chuông có đúc nổi chữ Hán với bài ký trong đó ghi rõ: "Chuông được phép đúc và tấu nhạc ngày mùng 7 tháng 7 năm Quý Dậu (1813)".

Bà Hoàng Thị Thu Hằng – Phó Chủ tịch UBND phường Hồng Sơn cho biết: Đền Hồng Sơn là một di tích quý hiếm của tỉnh, không chỉ ở quy mô đồ sộ, có đầy đủ công trình kiến trúc hoàn hảo của một ngôi đền cổ kính, mà còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý hiếm (383 hiện vật) với nhiều loại hình, chất liệu phong phú, có giá trị khoa học, lịch sử văn hoá và tâm linh. Để góp phần gìn giữ giá trị di tích, thời gian qua, được sự quan tâm của thành phố, sự đóng góp của nhân dân, đền Hồng Sơn đã được trùng tu, tôn tạo lại khang trang, mở rộng khuôn viên vừa đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của nhân dân, trở thành điểm đến hấp dẫn của khách du lịch khi tới tham quan Thành phố Vinh.

Cùng với di tích lịch sử văn hóa, Vinh còn có một hệ thống di tích cách mạng ghi lại dấu ấn lịch sử của những năm 30–31, đó là cụm Di tích làng Đỏ (Hưng Dũng), Tượng đài công - nông - binh Bến Thủy, Di tích Bác Hồ về thăm quê…Theo thời gian, các di tích lịch sử này đã được Đảng bộ, nhân dân Thành phố Vinh trùng tu, tôn tạo lại, là nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, góp phần quan trọng trong dòng chảy phát triển của văn hóa đô thị Vinh hôm nay.

Hướng đi mới

Để xây dựng văn hóa đô thị Vinh, thời gian qua, Thành ủy Vinh đã ban hành Nghị quyết 06, tập trung xây dựng “nhiều người tốt ngàn việc tốt”, “các điển hình tiên tiến gắn với xây dựng con người Vinh đậm đà bản sắc xứ Nghệ” như tổ chức tôn vinh công dân gương mẫu hàng năm; xây dựng ngõ phố văn minh; gia đình văn hóa, làng, khối văn hóa… ông Phan Hữu Thế - cán bộ văn hóa phường Trung Đô cho biết: “Một trong những hoạt động nổi bật của phường hướng tới kỷ niệm 50 năm thành lập Thành phố Vinh đó là tổ chức cuộc thi tìm hiểu về Phượng Hoàng – Trung Đô thu hút hơn 500 người tham gia, nhiều bài dự thi được trình bày công phu, tâm huyết như bài của bác Bùi Sỹ Khâm (sinh năm 1943 ở khối 3), bác Lê Huy Vinh (sinh năm 1947 ở khối 5), bác Nguyễn Tất Triển (65 tuổi ở khối 7)… đều hoàn toàn viết bằng tay trên giấy A4.  Ngoài ra, phường còn tổ chức thi Nhà Văn hóa khối sạch, đẹp, tổ chức giao lưu bóng chuyền, văn nghệ… giữa các khối tại Nhà Văn hóa phường”. Cùng với phường Trung Đô, các phường ở trung tâm thành phố như Lê Lợi, Quang Trung, Lê Mao… và các xã vùng ven như Nghi Liên, Nghi Phú, Hưng Hòa… cũng có rất nhiều sự đổi thay.

Trao đổi với Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Hưng Hòa - Lê Văn Thương được biết: Là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, truyền thống cách mạng gắn với phong trào Văn Thân, cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh, gắn với tên tuổi Đại tướng Chu Huy Mân - người con ưu tú của quê hương, đã có công lớn xây dựng chi bộ Yên Lưu - Chi bộ Đảng đầu tiên của mảnh đất này. Thời gian qua, Hưng Hòa đã phát huy nội lực để đưa xã nhà ngày càng phát triển. Xã có rất nhiều điển hình hay được nhiều phường, xã trong và ngoài thành phố đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.

Điển hình như xây kênh chắn lũ, huy động nội lực xây dựng cơ sở hạ tầng, bê tông hóa đường giao thông liên thôn, liên xã; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa xuất khẩu; Bảo vệ môi trường gắn với trồng mới hàng trăm ha rừng bần để đón hàng chục loài chim về xây tổ... Với lợi thế trên địa bàn xã có tuyến đường du lịch ven sông Lam, thuận lợi cho rừng bần kết nối với những điểm du lịch hấp dẫn khác trên địa bàn thành phố như núi Quyết - Bến Thuỷ - Công viên Trung tâm, Khu vui chơi giải trí hồ Cửa Nam - Công viên Thành cổ - Công viên Nguyễn Tất Thành và những cụm di tích lịch sử, văn hoá khác, tạo điều kiện để Hưng Hòa phát triển du lịch.

Phát huy lợi thế này, hiện trên địa bàn xã có một số dịch vụ được người nông dân đầu tư phát triển như: dịch vụ cà phê vườn với câu cá, hoặc câu cá, câu tôm trên các đầm tôm của gia đình. Nhờ vậy, những năm gần đây đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 88%, 5/9 xóm đạt danh hiệu Làng Văn hóa.

Xác định phát triển văn hóa đô thị gắn với tiềm năng du lịch là một trong những hướng đi quan trọng để Vinh tiến tới trở thành trung tâm kinh tế - văn hoá của vùng Bắc Trung bộ. Với những thuận lợi sẵn có: nằm trên tuyến đường giao thông xuyên Việt và xuyên Á, hệ thống giao thông đa dạng: nhà ga, bến cảng, sân bay… đáp ứng nhu cầu của du khách đến tới các tỉnh, thành phố trong cả nước và một số nước bạn như: Lào, Thái Lan, Myanma…

Trong bản đồ du lịch của quốc gia, Vinh được biết đến là thành phố trung tâm của quê hương Bác Hồ, với nhiều di tích, danh thắng có giá trị như: đền Hồng Sơn, chùa Cần Linh, đền thờ Vua Quang Trung, lâm viên núi Quyết, Công viên Thành cổ, Công viên Trung tâm, Công viên Nguyễn Tất Thành, rừng bần, tràm chim tại xã Hưng Hoà và các di sản văn hoá phi vật thể như: hát phường vải, ví dặm, hát dân ca Nghệ Tĩnh, các làng nghề truyền thống… Đến với Vinh, du khách còn được thưởng thức các món ăn đặc sản như cháo lươn, thịt me Nam Nghĩa, tương Nam Đàn, nhút Thanh Chương, rươi Hưng Nguyên…

Từ nay đến 2020, Vinh xác định tập trung xây dựng, quy hoạch các vùng, điểm du lịch trọng điểm: Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ; Công viên Trung tâm Thành phố;  Công viên Thành cổ; hồ cá Cửa Nam; Khu du lịch sinh thái lâm viên núi Quyết;  du lịch đường ven sông Lam; Khu du lịch sinh thái Trung tâm thành phố; du lịch lâm viên sông Cấm gắn với kênh nhà Lê; du lịch văn hoá tâm linh gắn với nghiên cứu lịch sử… Trong tương lai không xa, khi tuyến đường sắt cao tốc và đường cao tốc Vinh – Hà Nội hoàn thành thì Vinh có điều kiện để phát triển thành một trung tâm du lịch của vùng Bắc Trung bộ.

Thanh Thủy-Báo Nghệ an

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh