Dự thảo sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 11 chương, 120 điều (giảm 4 điều so với Dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5) – ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, Trưởng ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cho biết. Sáng ngày 22/10, Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, Uỷ viên Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Trưởng ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý đã trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và ý kiến của nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Theo ông Phan Trung Lý, sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 13, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp (Dự thảo sửa đổi Hiến pháp) đã chỉ đạo Ban biên tập nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội; tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm, làm việc với cấp ủy, chính quyền một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, xin ý kiến của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, trình xin ý kiến Bộ Chính trị, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 (khóa XI). Đồng thời, tiếp tục tiếp nhận, tổng hợp và nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của nhân dân để chỉnh lý Dự thảo. Dự thảo sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 11 chương, 120 điều (giảm 4 điều so với Dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5).
|
Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, Uỷ viên Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Trưởng ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và ý kiến của nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. | Quy định chặt chẽ điều khoản thu hồi đất Về một số điều cụ thể, trong bản giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên cơ sở tiếp thu ý kiến của nhân dân và của các vị đại biểu Quốc hội do ông Phan Trung Lý trinh bày sáng nay cho thấy, khoản thu hồi đất (khoản 3 Điều 54) đã được quy định chặt chẽ hơn. “Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp thấy rằng, quyền sử dụng đất là quyền quan trọng của người dân nên Hiến pháp cần phải quy định chặt chẽ những trường hợp thu hồi. Đây sẽ là cơ sở quan trọng cho Luật đất đai quy định nhằm tránh việc lạm dụng để thu hồi đất tràn lan, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Trong điều kiện phát triển của nước ta hiện nay, vẫn cần thiết phải thu hồi đất vì lý do quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và để thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, việc thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội gắn trực tiếp với lợi ích của người sử dụng đất và doanh nghiệp nên cần phải quy định chặt chẽ, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch và có bồi thường. Do đó, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đề nghị Quốc hội cho phép chỉnh lý khoản 3 Điều 54 như sau: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; vì lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế - xã hội. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật.” – ông Phan Trung Lý nêu rõ. Về điều khoản trưng dụng đất (khoản 4 Điều 54), có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về việc Nhà nước trưng dụng đất để đáp ứng yêu cầu trưng dụng đất có thời hạn trong một số trường hợp đặc biệt như chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, an ninh, trường hợp phải đối phó với nguy cơ hoặc khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh. Để thống nhất với quy định tại Điều 32 của Dự thảo Hiến pháp, đồng thời làm cơ sở cho việc cụ thể hóa các quy định về trưng dụng đất trong Luật đất đai và các luật có liên quan, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đề nghị Quốc hội cho tiếp thu ý kiến nêu trên và bổ sung quy định: “Việc Nhà nước trưng dụng đất trong trường hợp đặc biệt do luật định” vào khoản 4 Điều 54 của Dự thảo. Giữ thẩm quyền phong, thăng quân hàm cấp tướng của Chủ tịch nước
Về thẩm quyền của Chủ tịch nước (Điều 86), ông Phan Trung Lý cho biết, có ý kiến đề nghị cần quy định rõ hơn thẩm quyền của Chủ tịch nước; nghiên cứu để quy định rõ đầy đủ, phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch nước về mối quan hệ của Chủ tịch nước đối với hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp. “Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp nhận thấy, theo quy định tại Điều 86 thì Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt Nhà nước về đối nội và đối ngoại; các nhiệm vụ, quyền hạn thể hiện vị trí, vai trò của Chủ tịch nước đã được quy định tại các điều 88, 89, 90 và 91 của Dự thảo. Các quy định này nhằm bảo đảm để Chủ tịch nước thực hiện được nhiệm vụ, quyền hạn của mình, qua đó, phản ánh mối quan hệ của Chủ tịch nước với các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.” – ông Phan Trung Lý giải thích. Về thẩm quyền phong, thăng quân hàm cấp tướng (Điều 88), có ý kiến đề nghị giữ thẩm quyền phong, thăng quân hàm cấp tướng như hiện hành, tuy nhiên, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp nhận thấy, việc quy định thẩm quyền phong, thăng quân hàm cấp tướng và tương đương gắn với vai trò thống lĩnh lực lượng vũ trang của Chủ tịch nước. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định này như Dự thảo. Giải trình trước Quốc hội, Trưởng ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý cũng nêu ra một số ý kiến của nhân dân như có ý kiến đề nghị bổ sung quyền được chết khi có quyết định của Hội đồng pháp y (quyết định về bệnh tật), Hội đồng gia tộc (Quyết định chấp nhận), Hội đồng Nhà nước (quyết định cho thực hiện). Tuy nhiên, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp nhận thấy đây là một vấn đề mới, còn nhiều ý kiến tranh luận khác nhau không chỉ ở nước ta mà ở nhiều nước trên thế giới, do vậy, đề nghị Quốc hội cho tiếp tục nghiên cứu và chưa thể hiện trong Dự thảo Hiến pháp. Về ý kiến đề nghị thay cụm từ “người lao động” tại khoản 2 Điều 35 bằng cụm từ “người làm công ăn lương”; Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp nhận thấy, “người lao động” là một khái niệm rộng và sử dụng thuật ngữ “người làm công ăn lương” sẽ mang tính xác định và rõ ràng hơn. Vì vậy, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đề nghị Quốc hội cho tiếp thu ý kiến nêu trên và thay cụm từ “người lao động” tại khoản 2 Điều 35 bằng cụm từ “người làm công ăn lương”.
Xuân Hưng-VN Media |