Trao đổi với báo chí bên hành lang QH chiều 23/10 về vụ bác sĩ thẩm mỹ viện Cát Tường, Hà Nội vứt xác bệnh nhân xuống sông, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội khuyến nghị Bộ Y tế phải mạnh tay hơn:
Bộ Y tế phải kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy chuẩn liên quan đến y đức. Các địa phương cũng phải thắt chặt hơn việc kiểm tra các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Không làm được thường xuyên thì cứ 1-2 tháng lại rộ lên một việc như thế này, dư luận sẽ thiếu niềm tin.
|
Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội QH Trương Thị Mai: Sự việc xảy ra như thế mà cơ quan quản lý bảo không biết thì không đúng. Ảnh: Lê Anh Dũng |
UB trong quá trình làm việc với Bộ trưởng Y tế về việc thực hiện lời hứa khi chất vấn tại QH cũng đã yêu cầu Bộ trưởng phải làm mạnh mẽ hơn, phải có hoạt động thanh kiểm tra sát sao, mạnh mẽ hơn, phải tạo nên sự thống nhất quan điểm chứ cứ để lâu lâu lại nổi lên một vụ việc như thế này thì thực sự, dù là ít nhưng không thể chấp nhận được.
Tôi cũng đã nói với lãnh đạo ngành nhiều lần là rất chia sẻ việc ngành có nhiều nỗ lực. Hàng trăm ngàn y bác sĩ, cán bộ y tế, hàng trăm triệu ca bệnh mỗi năm rất vất vả, phức tạp, phải nói ngành đã có một số tiến bộ tích cực, cứu sống được rất nhiều bệnh nhân.
Nhưng chỉ cần để xảy ra một số vụ việc nghiêm trọng như thế này, hình ảnh ngành y tế đã bị ảnh hưởng, giảm lòng tin của người dân.
Bệnh viện phải quản bác sĩ
Các trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ, phòng khám tư nằm dọc cả dãy gần các bệnh viện lớn. Liên quan trách nhiệm quản lý, lãnh đạo bệnh viện không thể nói là không biết cán bộ nhân viên của mình mở phòng khám ở đó. Ý kiến của bà?
Qua sự việc này phải tăng cường công tác quản lý. Các sở Y tế phải thẩm tra các phòng khám tư, bệnh viện tư. Anh nào không có phép thì phải đình ngay hoạt động, thậm chí có phép rồi nhưng vi phạm, gây ra sự cố cũng phải dừng ngay.
|
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời chất vấn của QH tháng 11/2012. Ảnh: Minh Thăng |
Các bệnh viện phải quản lý nhân viên chặt chẽ hơn, theo tôi phải có quy định anh nào ra làm ngoài, làm tư thì bệnh viện, cơ quan chủ quản phải biết được là ngoài công việc chính, ngoài giờ hành chính anh đó có 1 phòng khám tư bên ngoài để tránh việc như dư luận vẫn nói là bác sĩ câu kết đưa bệnh nhân trong bệnh viện ra phòng khám của mình.
Người dân có quyền nghi ngờ không phải thanh tra không biết vì thẩm mỹ viện Cát Tường còn lập trang web, quảng cáo trên báo hoạt động của mình. Bà nghĩ sao?
Giờ sự việc xảy ra như thế mà các cơ quan quản lý nhà nước bảo không biết thì không đúng vì những thứ trên địa bàn của mình mình phải quản lý. Nếu cơ sở nào không được cấp phép mà vẫn hoạt động thì dù biết hay không biết rõ ràng vẫn thuộc về trách nhiệm quản lý nhà nước.
Chưa nói đến quy định trách nhiệm nhưng về góc độ quản lý nhà nước, một cơ sở trên địa bàn của mình hoạt động rành rành mà không được cấp phép thì rõ ràng có vấn đề.
Đau lòng
Bác sĩ trong trường hợp này là bác sĩ chấn thương chỉnh hình nhưng lại đi làm phẫu thuật thẩm mỹ?
Người ta cấp phép theo tiêu chuẩn, quy chuẩn mà Bộ Y tế đã hướng dẫn. Còn bây giờ phải rà soát, nếu không có hướng dẫn, vượt quá chuyên môn thì cần khoanh vùng lại.
Y đức có những vấn đề quy định trong luật được nhưng cũng có những vấn đề thuộc về đạo đức, phải giáo dục, vận động, xây dựng dần chứ không thể bằng chế tài, biện pháp. Cũng phải tăng cường đào tạo để tăng thêm danh dự, ý thức về nhiệm vụ của ngành cứu người.
Thực ra vừa rồi Bộ trưởng Y tế cũng nỗ lực nhiều nhưng tôi thấy chưa đủ sự mạnh mẽ nên cứ 1-2 tháng lại xảy ra một vụ việc, ngành y tế cũng đau lòng.
Ở bệnh viện Bạch Mai, các cán bộ nhân viên cũng nói họ cảm thấy như một nỗi nhục, đau xót.
Báo chí, người dân đã phản ánh rất nhiều vụ việc. Ngành y tế phải đồng tâm hiệp lực, nâng cao danh dự của mình.
A.Thư - VNN ghi