Để xảy ra lãng phí, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm
Tiết kiệm là quốc sách, ai cũng phải tiết kiệm. Nếu không tiết kiệm sẽ có tội với con cháu vì tội xa hoa lãng phí.
 
Phải điều chỉnh cả trong sản xuất, kinh doanh và cả tiêu dùng cá nhân, tạo ra cho xã hội một ý thức có lối sống văn minh, ý thức tích lũy của cải cho gia đình và xã hội. Phải có chế tài cụ thể, phải bồi thường hậu quả và quy trách nhiệm cho người đứng đầu…
 
Tại buổi thảo luận ngày 4/11 về dự luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, các đại biểu đã rất lo lắng về tình trạng lãng phí hiện nay.
 
Lãng phí đồng hành cùng tham nhũng
 
Nhiều ý kiến cho rằng, vừa qua có những dự án hàng chục tỉ đồng không thực hiện được thì có tội với xã hội. Phải có chế tài cụ thể, phải bồi thường thiệt hại… Lãng phí là đồng hành với tham nhũng. Nếu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sẽ chống được tham nhũng.
 
Hiện nay thực hành tiết kiệm chống lãng phí mới chỉ chạm được phần ngọn, chưa phù hợp với thực tiễn. Vì thực tế lãng phí nhiều dự án như mía đường, sân bay, cảng biển... Dù biết tàu không thể cập bến mà vẫn làm cảng… Nếu chống tham nhũng mà để hổng lãng phí lớn thì nỗ lực của ta chỉ là… số 0. Phải quy trách nhiệm cho người đưa ra quyết định mà để lãng phí.
 
Phải kiên quyết loại bỏ, không đánh trống bỏ dùi. Trước mắt là loại bỏ 400 dự án thủy điện. Nhiều đại biểu lo lắng vì tình hình lãng phí tài sản Nhà nước hiện nay ở một số lĩnh vực, dự án dở dang, kém hiệu quả.
 
“Lãng phí còn nặng nề hơn tham nhũng. Có trụ sở cơ quan còn tốt vẫn cứ phá đi làm lại. Cần phải xem xét xử lý chứ không thể làm ngơ”, đại biểu nói. Cần quy định trách nhiệm của các bộ, ngành. Dự luật mới chỉ quy định rõ các dự án của các bộ, ngành khi xét về tổng thể, nhưng khi tính riêng thì rất lãng phí. Như chuyện đào vỉa hè đường phố, cứ đào đi đào lại gây tốn biết bao nhiêu tiền mà hiệu quả thấp. Điều đó cho thấy các bộ, ngành không có sự phối hợp với nhau, thiếu sự kết nối thông tin đã gây lãng phí tiền của, gây cản trở sự phát triển của xã hội…
 
“Tình trạng đầu tư dàn trải thời gian qua, nhiều dự án bất động sản phơi nắng phơi mưa không đưa vào sử dụng. Vẫn biết là Đảng lãnh đạo, cá nhân phụ trách nhưng không vì thế mà không quy trách nhiệm khi gây lãng phí lớn…”, đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) phân tích. Bây giờ, tình trạng trường công, trường tư cứ mở tràn lan, không bám theo quy hoạch, quy mô dân số, không cập nhật kiến thức cần thiết. Bà Minh đặt câu hỏi, những cán bộ được giao trách nhiệm cấp phép không hiểu vì lợi ích cá nhân hay “dốt” mà gây lãng phí tài sản Nhà nước như vậy. Lãng phí cả trong khai thác khoáng sản.
 
“Nên quy định về công tác nghiên cứu, cải tiến công nghệ, chế biến sâu khoáng sản chứ không thể xuất thô”, đại biểu Triệu Là Phan (Hà Giang) nói. Một số đại biểu đề nghị, cũng nên quy định về khai thác tài nguyên cát, nguyên vật liệu xây dựng. Nếu làm hỏng công trình giao thông, xây dựng thì phải bồi thường. Đây là vấn đề nhức nhối, vừa làm thất thoát tài nguyên vừa gây mất an ninh trật tự trên địa bàn. Đã có vụ bọn “cát tặc” chống lại người thi hành công vụ làm cán bộ, chiến sĩ Công an hy sinh. Việc khai thác tài nguyên còn thiếu quy hoạch, để giữ gìn tính sinh học, cần khai thác hợp lý và hiệu quả, tránh khai thác cạn kiệt tài nguyên biển.
 
Có đại biểu cho rằng, một số hành vi là tội tham ô, tham nhũng, chứ không phải lãng phí, phải xử lý bằng tội phạm hình sự. Dự luật sẽ tạo ra hành lang pháp lý, vì nạn lãng phí không kém gì tham nhũng. Nếu sử dụng đúng mục đích, tiêu chuẩn nhưng không mang lại hiệu quả cũng là lãng phí.
 
“Có những công chức vẫn thực hiện đúng quy định, chế độ nhưng cứ “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” đó cũng là một sự lãng phí lớn về thời gian”, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) phân tích về góc độ một số công chức yếu kém đang tồn tại trong một số cơ quan hành chính hiện nay.
 
Các đại biểu Quốc hội trao đổi trong giờ nghỉ giải lao
 
Quy trách nhiệm người đứng đầu
 
Đại biểu Quốc hội đề nghị quy định tập trung thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở khu vực tài sản công, còn sản xuất kinh doanh chỉ có tính nguyên tắc. Có như vậy thì luật sẽ sớm đi vào cuộc sống, nếu không thành luật “chết”, đại biểu Siu Hương (Gia Lai) nói. Bà Hương cho rằng, nếu can thiệp vào hoạt động kinh doanh của cá nhân thì hạn chế người ta, sẽ “rất thừa”. Mà nên để tự cơ chế cạnh tranh, nếu cá nhân nào không biết làm gây lãng phí thì tự đào thải. Điều này đưa vào luật là không khả thi, vì Nhà nước còn khuyến khích tiêu dùng để sản xuất phát triển.
 
Nhiều đại biểu cho rằng phạm vi điều chỉnh của dự luật là quá rộng (Cơ quan, tổ chức, cá nhân) sẽ thiếu tính khả thi. Nên sửa chống sử dụng lãng phí trong sử dụng ngân sách Nhà nước, các nguồn tài nguyên, nên bỏ “các tài sản cá nhân”. “Tại các doanh nghiệp tư nhân họ căn cơ và trách nhiệm cao, họ điều chỉnh phù hợp với Luật dân sự. Cần tập trung vào lĩnh vực dễ xảy ra lãng phí, nhằm tạo lối sống văn minh…”, đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) nói.
 
Về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, khi nhận được thông tin có trách nhiệm kiểm tra đôn đốc, gửi bằng văn bản cho người phát hiện. Luật phải quy định thời gian trả lời. Nếu không sẽ mất niềm tin với người có tâm huyết chống lãng phí.
 
“Cần quy định trách nhiệm người đứng đầu về hành vi lãng phí. Phải quy trách nhiệm cho người đưa ra quyết định”, đa số các đại biểu đồng tình quy trách nhiệm cho người đứng đầu khi để hành vi gây lãng phí xảy ra tại cơ quan, tổ chức đó (điều 7). Và cả khi người đó không xử lý thông tin, khi nhận được thông tin về hành vi gây lãng phí. Người đứng đầu phải có trách nhiệm thực hiện công khai việc xử lý hành vi. Và, nếu để hành vi lãng phí xảy ra phải bồi thường thiệt hại, không đổ cho tổ chức được.
 
Có đại biểu cho rằng, người đứng đầu có trách nhiệm ban hành quy chế chi tiêu nội bộ, nếu để vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật. Chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã điều chỉnh các hành vi của đời sống xã hội. Có ý kiến nêu, về quy định trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí còn chưa rõ ràng (điều 7, điều 8). Chế tài xử lý người đứng đầu chưa rõ.
 
“Thường là lãng phí trong cơ quan nhà nước do người đứng đầu. Liệu có nhân viên nào dám đứng lên tố cáo, khi họ cũng đang được hưởng lợi từ hành vi lãng phí ấy”, đại biểu Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) trăn trở. Bà Yến Linh đề nghị, cần ban hành định mức, tiêu chuẩn chế độ. Bởi, nếu ban hành định mức về ngành, lĩnh vực của mình chứng minh thu chi hợp lý không phải là việc khó. Hằng năm có nhiều tỉ đồng bị chi tiêu lãng phí. Và, cần có sự phối hợp tốt hơn các cơ quan, đơn vị không chỉ là việc riêng từng cơ quan, đơn vị mà là việc chung. Xử lý rõ trách nhiệm vi phạm.
 
Có đại biểu đề nghị, việc quy trách nhiệm người đứng đầu gây lãng phí còn “có mặt” ở một số lĩnh vực, nhất là nguồn lực con người, kỷ cương, kỷ luật hành chính, kỷ luật lao động thấp đã làm tiêu hao thời gian mà hiệu quả lao động thấp. Khi ngân sách Nhà nước còn eo hẹp, nhiều người ý thức tiết kiệm không cao, vì thế, cần đề cao trách nhiệm người đứng đầu để thực hiện trong đời sống xã hội một cách hiệu quả.
“Để tránh lãng phí, dự án trước khi đầu tư phải chứng minh nguồn vốn để đảm bảo đúng tiến độ”, đại biểu Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) lo lắng khi nhiều dự án dang dở hiện nay.
 
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội): Sử dụng tái chế là tiết kiệm
 
Sử dụng tái chế và năng lượng tái tạo là rất quan trọng, có một môi trường trong sạch và bền vững của đất nước. Ở các nước, rác thải được coi là trung tâm tài nguyên. Ở nước ta, một số tỉnh đã triển khai mô hình này. Lãng phí là sử dụng lãng phí tài sản, thời gian và tài nguyên không hiệu quả (trong đó có cả tài nguyên tái chế). Quy định này sẽ có tác dụng hơn khi các cơ quan sử dụng nguồn tái chế.
 
Thực tế nhiều dự án triển khai, nhưng gặp nhiều cơ quan, tổ chức cản trở. Cần bổ sung trong luật cho thống nhất…
 
Đại biểu Siu Hương (Gia Lai): Lễ động thổ tràn lan, công trình nào cũng ghi “quan trọng”
 
Vai trò giám sát của cộng đồng tại các dự án không phù hợp. Cung cầu khai thác khoáng sản, các trường đại học, cao đẳng, các dự án bất động sản… là không cân đối. Chính phủ phải yêu cầu các ngành chức năng rà soát lại các dự án gây lãng phí tiền bạc của nhân dân. Dự thảo luật cần đưa vào quy hoạch vùng miền và tổng thể, nguồn lực chất lượng cao và cần quy trách nhiệm cụ thể.
 
Việc tổ chức lễ động thổ đang diễn ra tràn lan nên cần xem lại cụm từ “quan trọng”. Vì công trình nào cũng quan trọng, cần quy định giá trị công trình để phù hợp. Cần quy định chế tài và hậu quả pháp lý mà cá phân phải gánh chịu, không thể chung chung, tùy theo mức độ mà xử lý.
 
Đại biểu Quốc hội cho ý kiến về dự án đường Hồ Chí Minh
 
Đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh): Lãng phí lớn nếu chúng ta chỉ đầu tư xây dựng mà không khai thác cho hiệu quả
 
Tôi vừa về Hà Tĩnh tặng quà cho bà con bão lụt, khi đi chọn QL1A và khi về đi đường Hồ Chí Minh vì biết hôm nay chúng ta sẽ thảo luận về việc xây dựng đường này. QL1A dù đang mở rộng, nhưng rất ngổn ngang còn đường Hồ Chí Minh thì rất thông thoáng. Nền đường chất lượng cũng rất tốt. Có thể nói chủ trương làm đường Hồ Chí Minh là đúng đắn. Vấn đề là làm sao khai thác con đường này. Hiện nay xe cộ đi lại rất vắng.
 
Chúng tôi đã thử đếm trong 1 tiếng đồng hồ xem có bao nhiêu ôtô đỗ trên đường, thấy hầu như không có xe tải trọng lớn, chỉ loáng thoáng vài ba cái xe con. Hằng năm chúng ta phải duy tu bảo dưỡng con đường này bao nhiêu? Tối thiểu khoảng 300 tỷ đồng. Vấn đề trăn trở là đầu tư một con đường lớn như thế, chi phí nhiều như thế, làm thế nào khai thác, sử dụng có hiệu quả.
 
Tôi đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải khóa trước và nhiều lần trao đổi với Bộ trưởng khóa này. Tôi biết Bộ GTVT đã có một đề án phân luồng để giảm tải cho QL1A, nhưng hầu như phương án đó không khả thi. Khi hỏi anh em lái xe, anh em bảo là nếu đi trên đường đó hỏng hóc không biết làm thế nào? Tôi bảo đó không phải lý do chính. Nếu có xe đi sẽ có đầu tư, sẽ có các dịch vụ đi kèm. Phải làm cách nào để sử dụng đường Hồ Chí Minh thôi, chứ đầu tư như thế mà không sử dụng thì mới được một nửa mục đích, và rất lãng phí.
 
Đặc biệt, tới đây chúng ta sẽ phát triển 4 con đường: đường Hồ Chí Minh, QL1A mở rộng, cao tốc Bắc Nam, đường ven biển, chưa kể đường sắt… Người ta sẽ càng ít đi đường Hồ Chí Minh. Như vậy khai thác thế nào? Cái này phải có bàn tay điều tiết của Nhà nước.
 
Đại biểu Thạch Dư (Trà Vinh): Tính toán kỹ để tiết kiệm tối đa chi phí
 
Đây là chủ trương lớn và đúng đắn của Đảng, Nhà nước, có ý nghĩa về kinh tế, chính trị, văn hóa, an ninh quốc phòng... Một số tỉnh hiện nay có tiềm năng lớn có thể thu hút đầu tư, nhưng do hạ tầng giao thông khó khăn nên khó thu hút. Việc xây dựng con đường này sẽ tạo điều kiện cho thông thương, thu hút đầu tư, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông… Tuy nhiên, tôi thấy có băn khoăn là công trình này có quy mô rất lớn của quốc gia nhưng lại không có ban chỉ đạo.
 
Tôi đề xuất nên có ban chỉ đạo để thường xuyên kiểm tra, giải quyết kịp thời các vướng mắc. Thêm nữa, việc xây dựng cũng phải làm sao đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm. Chúng ta đã bàn nhiều về tiết kiệm chống lãng phí, nhưng trong xây dựng cơ bản ít nhiều đều xảy ra tiêu cực, lãng phí hoặc tham nhũng. Nếu chúng ta kiểm tra kỹ thì lãng phí có khi còn lớn hơn tham nhũng. Làm sao phải kiểm tra để tiết kiệm tối đa.
 
Tôi có băn khoăn ở chỗ nói về chiều dài của đoạn tuyến trùng với một số công trình khác, rồi trùng vào các di tích lịch sử, văn hóa… Chúng ta cần tính kỹ các đoạn trùng để đảm bảo chính xác, tiết kiệm kinh phí.
 
 
 
CAND                      
 
             
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh