Xung quanh chủ đề đổi mới giáo dục, gần đây có nhiều bài viết về chất lượng sách dùng trong nhà trường. Sách nói đến ở đây chủ yếu là sách về khoa học tự nhiên và công nghệ, nhằm vào đối tượng trong nhà trường, có tác động đến kiến thức của học sinh, chất lượng nguồn nhân lực, nói chung. Hãy coi sách đó là "hàng hoá đặc biệt", nó cần được đánh giá kiểm định chất lượng trước khi xuất bản.
Một số ý kiến chuyên gia nêu lên những cách tiếp cận tiến bộ, phần lớn là những ý tưởng, những mong đợi, trong khi một số ý kiến từ các cơ quan Bộ thì tỏ ra lúng túng quanh nếp tư duy theo lối mòn, kết quả là tình trạng chất lượng sách yếu kém vẫn kéo dài như nhiều bài báo đã nêu. Bài viết này góp phần thảo luận nguyên nhân và một cách giải quyết tình trạng đó.
Một ví dụ dưới đây về tình trạng chất lượng sách mới xuất bản là cuốn “Sổ tay tra cứu các đơn vị đo lường – Chuyển đổi giữa các đơn vị đo”, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, tái bản lần thứ hai, năm 2012 của tác giả N.V.H.
Tác giả cho rằng cuốn sách này là tài liệu tham khảo, bổ sung kiến thức và rất bổ ích cho các giáo viên vật lí và học sinh các trường phổ thông, các trường dạy nghề và nghiệp vụ cũng như cho các cán bộ nhân viên các phòng thí nghiệm của các trường học và cho nhiều đối tượng khác.
Tuy nhiên, cuốn sách đã mắc khá nhiều lỗi, sau đây là vài ví dụ:
Dùng từ ngữ xa lạ: bội và ước của đơn vị đo được gọi là đa bội và đa bội con; nhất quán thành liên thông; thang nhiệt độ thành nhiệt giai, vv!
Định nghĩa sai: tác giả đưa ra các định nghĩa về mét và candela đã lỗi thời. Hơn 30 năm nay các định nghĩa này đã được thay thế!
Xếp radian và steradian vào loại đơn vị bổ sung là lạc hậu. Sự phân loại này đã thay đổi từ năm 1995!
Chuyển đổi sai đơn vị: 1 công Nam Bộ = 1000 mét vuông; 1 sào = 1/15 mẫu!
Tác giả phân chia thành các loại đơn vị: hợp pháp, tạm hợp pháp và không hợp pháp là căn cứ vào văn bản tài liệu nào? Chẳng lẽ trong giao dịch thương mại và khoa học công nghệ của nhiều ngành ở nước ta hiện nay vẫn đang sử dụng các đơn vị như mã lực, thùng, aoxơ, inch, Btu, vv đều là không hợp pháp (bất hợp pháp, phạm pháp)?
Ngoài ra tiêu đề Bảng 3 còn viết “Những đơn vị đo hợp pháp của hệ SI”! Hợp pháp là đối với một quốc gia, sao lại của hệ SI?; viết hệ SI cũng là không chuẩn, bởi trong chữ viết tắt SI đã có từ hệ rồi.
Dùng sai kí hiệu đơn vị: vòng trên giây kí hiệu là cycl/s; torr kí hiệu là Tr; phon là fon; ampe giây viết là đơn vị của diện tích, lại viết liền thành ampegiây, vv!
Trình bày không theo quy định: giữa trị số và đơn vị không có dấu cách, các trị số và kí hiệu đơn vị viết tuỳ tiện, lúc đứng, nhiều lúc nghiêng, đặc biệt kí hiệu lít thường xuyên bị viết nghiêng, trong khi chính tác giả nêu quy tắc trong cuốn sách này rằng, các kí hiệu đơn vị luôn được viết đứng!, vv
Toàn bộ cuốn sách không có một viện dẫn nào, bởi cũng không có một tài liệu tham khảo nào.
Điều đáng ngạc nhiên là ở chỗ, chắc hẳn cuốn sách đã được đánh giá theo một hình thức hiện thời nào đó trước khi in; và muốn biết đúng hay sai để tránh được các lỗi trên, chỉ cần đọc Nghị định 86/2012/NĐ-CP đang có hiệu lực, và nếu cần, cả các Nghị định trước đó đã hết hiệu lực. Các Nghị định này có thể dễ dàng tìm thấy trên mạng. Ngoài ra còn có các trang mạng của Viện Đo lường Việt Nam hoặc của Viện Cân Đo quốc tế (BIPM) và Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7870-1:2010.
Đây là lần tái bản thứ hai, cuốn sách được in 1500 cuốn. Như vậy ta có thể hình dung được bao nhiêu người đã và sẽ chịu tác động trực tiếp và tác động gián tiếp của những “kiến thức” này, nó sẽ còn được tái bản bao nhiêu lần nữa và ai là người chịu trách nhiệm. Điều đó khiến phải đặt ra câu hỏi: Ai kiểm định chất lượng sách giáo dục?
Việc kiểm định chất lượng sách phải do các tổ chức độc lập, bên thứ ba, không phải là cơ quan của Bộ, thực hiện. Tổ chức đánh giá đó là những công ty kiểm định sách có tư cách pháp nhân, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Trong đó có nhiều nhà chuyên môn trong những lĩnh vực khác nhau. Rất nhiều nhà giáo, nhà khoa học có trình độ và kinh nghiệm có thể làm việc cho các công ty này.
Quan hệ giữa công ty kiểm định với nhà xuất bản là hợp đồng kinh tế. Một cuốn sách giáo dục phải có dấu hiệu chứng nhận của một công ty kiểm định, khi đưa ra thị trường. Uy tín thương hiệu của công ty đánh giá và kiểm định sẽ là một tiêu chí quan trọng để giáo viên, học sinh và người đọc nói chung chọn mua sách, mà không ai có thể chọn thay cho họ.
Người mua sẵn lòng mua với giá cao hơn, vì có thêm phí kiểm định, nhưng họ không bị rơi vào tình trạng hiện nay: không biết chọn sách nào và nhiều khi mất tiền mua những cuốn sách chất lượng kém. Thậm chí có hại cho kiến thức, mà không biết ai là người đền bù thiệt hại cho họ. Nhà nước thì có thêm tiền thu thuế từ các công ty kiểm định sách. Xã hội thì có thêm nhiều việc làm, tận dụng được hiểu biết của những người có trình độ và kinh nghiệm.
Các Bộ là cơ quan quản lí nhà nước có trách nhiệm đảm bảo cho những cuốn sách in ra phải tuân theo các quy định của các văn bản pháp luật nhà nước, mà không có chức năng đánh giá chất lượng sách. Quản lí nhà nước trong vấn đề này là làm chính sách về chất lượng sách giáo dục.
Sau đó căn cứ vào luật pháp, chính sách mà nghiên cứu biên soạn và ban hành các văn bản pháp quy, đặc biệt là Quy chuẩn kĩ thuật quốc gia (Regulation) và thẩm định Tiêu chuẩn quốc gia (Standard) về sách giáo dục. Chức năng quản lí nhà nước còn là thực hiện các cuộc kiểm tra nhà nước đối với các công ty kiểm định sách và các nhà xuất bản xem họ có tuân thủ các quy chuẩn và tiêu chuẩn đó hay không.
Nếu họ vi phạm thì có các quy định xử lí theo pháp luật như đối với doanh nghiệp và công bố cho công chúng biết. Hiện nay, ta chưa có các Quy chuẩn và Tiêu chuẩn này, trong khi các Bộ lại dành nỗ lực của mình vào việc đánh giá chất lượng sách.
Khi làm đúng chức năng của mình, các Bộ sẽ không còn phàn nàn thiếu nhân lực và phương tiện. Nhà nước không phải chi rất nhiều tiền ngân sách cho việc biên soạn sách giáo dục, mà chất lượng yếu kém như hiện nay, đó là chưa kể những tiêu cực kèm theo xung quanh việc phân bổ dự án biên soạn, các hội đồng, các nhóm lợi ích. Kinh phí nhà nước hỗ trợ cho sách giáo dục sẽ chi theo cách trực tiếp đến tay người dùng ở các khu vực còn nhiều khó khăn, chứ không phải phân chia cho Bộ.
Ý định xem xét cho một số nhà xuất bản “đủ điều kiện” được phép in sách giáo dục, trong khi chưa có tiêu chuẩn hay quy chuẩn, vẫn là lối “xin - cho”, sẽ dẫn đến tiêu cực. Chỉ sau khi các công ty kiểm định đã hoạt động một thời gian nhất định mới biết công ty nào có uy tín và đủ điều kiện.
Khi đó Bộ có cơ sở để chỉ định một số công ty tốt nhất làm tổ chức đánh giá sách giáo dục, chứ không phải chọn nhà xuất bản - một tổ chức kinh doanh, dù có hội đồng hay ban biên tập và các cộng tác viên thì cũng không có tính chất độc lập, khó có thể đánh giá chất lượng sách theo tiêu chí kiến thức đang nói đến. Thêm nữa, không minh bạch về trách nhiệm khi làm ra những cuốn sách chất lượng kém gây tổn hại quyền lợi của người tiêu dùng.
Sau đó, công ty kiểm định phải biên soạn một tài liệu Quy phạm (Rule) của mình để hướng dẫn thủ tục chi tiết cho tác giả sách, nhà xuất bản và bản thân công ty. Quy phạm này không được trái với các Tiêu chuẩn, Quy chuẩn và văn bản pháp luật. Nó không chỉ quy định nội dung, phạm vi kiến thức mà còn cả cách trình bày, như quy tắc chính tả nào, biểu thức, con số và đơn vị đo viết ra sao, quy trình đánh giá và kiểm định thế nào, chia thành mấy giai đoạn, vv.
Các nhà xuất bản có quyền chọn công ti kiểm định phù hợp cùng với quy phạm của nó cho cuốn sách sắp xuất bản của mình.
Công ty kiểm định hợp tác với nhà xuất bản trong quá trình đánh giá và kiểm định. Nếu cuốn sách là phù hợp với các quy định thì chứng nhận sự phù hợp bằng một câu hoặc một dấu hiệu in ở bìa sách, để người mua biết rằng cuốn sách đó đã được công ty nào kiểm định và nó phù hợp với Tiêu chuẩn, Quy chuẩn hay Quy phạm nào.
Lợi ích không chỉ trong phạm vi sách vở, cách làm như trên còn tạo ra tâm trạng yên bình trong xã hội./.
Hoàng Vũ: Giaoduc.net.vn