Năm nay, dòng vốn FDI chảy mạnh vào ngành chế tạo, chế biến thay vì bất động sản như trước đây.
Báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến ngày 20/11/2013 cả nước có 1.175 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 13,8 tỷ USD, tăng 73,3% so với cùng kỳ năm 2012 và 446 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 7 tỷ USD, tăng 26,9% so với cùng kỳ năm 2012.
Tính chung trong 11 tháng đầu năm 2013 tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt 20,8 tỷ USD, tăng 54,2% so với cùng kỳ năm 2012. Trong khi đó, đã giải ngân trong 11 tháng vừa qua ước tính được 10,55 tỷ USD, tăng 5,5% với cùng kỳ năm 2012.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
|
Trong số 18 lĩnh vực nhận được vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thì lĩnh vực hấp dẫn vốn ngoại nhiều nhất vẫn là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 557 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm lên tới 16 tỷ USD, chiếm 77,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Kế đến là lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, khi, nước, điều hòa với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt trên 2 tỷ, chiếm 9,8% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản chỉ xếp thứ 3 với 20 dự án đầu tư mới, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt 884 triệu USD.
Thái Nguyên trở thành quán quân thu hút FDI
Nhật Bản vẫn là quốc gia dẫn đầu trong 54 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư ở Việt Nam. Tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm từ Nhật trong 11 tháng vừa qua là 5,68 tỷ USD, chiếm 27,3% tổng vốn đầu tư đăng ký tại Việt Nam. Singapore đứng thứ hai với 4,3 tỷ USD, chiếm 20,6%; kế đến là Hàn Quốc với 4,1 tỷ USD, chiếm 19,8%.
Trên cả nước, Thái Nguyên là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt 3,36 tỷ USD, chiếm 16,1% vốn đăng ký.
Tại Thái Nguyên hiện có hai dự án lớn quan trọng là Dự án Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên của nhà đầu tư Singapore với tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD để sản xuất và lắp ráp các sản phẩm điện tử; và Dự án Công ty TNHH Samsung Electro-mechanics Việt Nam của nhà đầu tư Hàn Quốc với tổng vốn đầu tư 1,23 tỷ USD nhằm sản xuất và lắp ráp bảng mạch in kết nối mật độ cao HDI.
Với sự điều chỉnh tăng 2,8 tỷ USD vốn đầu tư của dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn, Thanh Hóa đứng thứ hai với 2,9 tỷ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm chiếm 14% tổng vốn đầu tư.
Hải Phòng đứng thứ 3 với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 2,6 tỷ USD, chiếm 12,5% vốn đăng ký. Trên địa bàn này có Dự án Công ty TNHH LG Electronics Việt Nam Hải Phòng của nhà đầu tư Hàn Quốc với tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ USD để sản xuất và lắp ráp các sản phẩm điện, điện tử.
Ngoài những dự án quan trọng trên, một số dự án khác có vốn đầu tư lớn trong 11 tháng là Dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện đốt than BOT Vĩnh Tân 1 của nhà đầu tư Trung Quốc với tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD để thiết kế, xây dựng, vận hành và chuyển giao một nhà máy nhiệt điện đốt than tại Vĩnh Tân; Dự án Công ty TNHH Bus Industrial Center của nhà đầu tư Liên bang Nga với tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD để xây dựng nhà máy lắp ráp và sản xuất phụ tùng xe ôtô buýt và các dịch vụ hỗ trợ khác tại Bình Định. Ngoài ra còn có Dự án Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam tại Bắc Ninh điều chỉnh tăng vốn 1 tỷ USD.
Cả nước nhập siêu, doanh nghiệp FDI xuất siêu 12,2 tỷ USD
Khối doanh nghiệp FDI vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng và chủ đạo trong cán cân thương mại của Việt Nam. Cụ thể, xuất khẩu của khu vực này (bao gồm cả dầu thô) trong 11 tháng dự kiến đạt 81,2 tỷ USD, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2012 và chiếm tới 67% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Còn nếu không kể dầu thô thì xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI đạt 74,56 tỷ USD, tăng 28,5% so với cùng kỳ 2012 và chiếm 61,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Nhập khẩu đạt 68,9 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2012 và chiếm gần 57% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Tính chung trong 11 tháng, khu vực FDI xuất siêu 12,2 tỷ USD, trong khi cả nước nhập siêu 96 triệu USD.
Bích Diệp (Dân trí)