Ông Nguyễn Đức Thắng - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá: Xăng dầu vẫn giảm ít, tăng nhiều (Ảnh: BD).
Báo cáo số liệu thống kê kinh tế - xã hội năm 2013 tại cuộc họp báo sáng nay (23/12/2013), bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, Vụ trưởng Vụ Thống kê Tổng hợp thuộc Tổng cục Thống kê cho biết, trong tháng 12, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 0,51% so với tháng trước và tăng 6,04% so với cùng kỳ tháng 12/2012.
Đây là năm có chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Trong vòng 1 thập kỷ, có 4 năm chỉ số giá tiêu dùng tăng rất cao là năm 2008 tăng 19,89%, năm 2007 tăng 12,63%, năm 2010 tăng 11,75% và năm 2011 tăng 18,13%. Đến năm 2012 và 2013, với các biện pháp kiềm chế của Chính phủ đưa ra, tốc độ lạm phát đã được “hãm phanh” đáng kể, năm 2012 tăng 6,81% và đến 2013 thì lùi về 6%.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2013 tăng 6,6% so với bình quân năm 2012 và cũng đã thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,21% của năm 2012.
Riêng tính trong tháng 12 này, với 11 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc rổ tính CPI, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng có chỉ số giá so với tháng trước tăng cao nhất, tăng 2,31%, nguyên nhân do việc điều chỉnh giá gas hồi đầu tháng. Một số nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm bao gồm nhóm giao thông giảm 0,23%; bưu chính viễn thông giảm 0,01%.
Lý giải về mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng năm nay, bà Vân cho biết, lạm phát chủ yếu do giá một số mặt hàng và dịch vụ Nhà nước quản lý được điều chỉnh theo kế hoạch và theo cơ chế thị trường.
Theo đó, trong năm có 17 tỉnh, thành phố điều chỉnh giá dịch vụ y tế làm cho CPI của nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 18,97% so với tháng 12 năm trước, đóng góp vào chỉ số chung cả nước gần 1,1%.
Ngoài ra, việc các địa phương tiếp tục thực hiện lộ trình tăng học phí cũng đã làm CPI nhóm giáo dục tăng 11,71%, đóng góp vào chỉ số chung cả nước tăng khoảng gần 0,7%.
Lạm phát 6% là không hề thấp!
Giá xăng dầu sau nhiều đợt điều chỉnh tăng/giảm nhưng cả năm vẫn tăng mạnh 2,18%, góp vào CPI chung cả nước mức tăng 0,08%; giá điện điều chỉnh tăng 10%, đóng góp vào CPI chung khoảng 0,25%.
Nói cụ thể hơn về nhóm nay, ông Nguyễn Đức Thắng, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá thuộc Tổng cục Thống kê cho biết, cả năm 2013, giá xăng dầu được điều chỉnh 4 đợt tăng và 6 đợt giảm, nhưng nhìn chung vẫn theo điệp khúc “giảm ít, tăng nhiều”.
Tổng hợp cả năm, giá xăng tăng 120 đồng/lít, giá dầu hỏa tăng 120 đồng/lít, giá dầu diesel tăng 340 đồng/lít. Với việc giá xăng dầu tăng 2,18% đã góp vào CPI chung 0,08%.
Ngoài ra, giá điện được điều chỉnh 2 đợt vào tháng 1 và tháng 8/2013 với mức tăng tổng cộng 10% đã đóng góp vào chỉ số chung cả nước khoảng 0,25%.
Ông Thắng cũng cho biết thêm, vừa qua, việc tăng giá xăng dầu ở mức trung bình 580 đồng/lít, Tổng cục Thống kê tính toán sơ bộ sẽ ảnh hưởng đến CPI tháng 1/2013 là 0,1%.
Bên cạnh đó, năm vừa qua, giá gas cả năm tăng gần 5% cũng đã đóng góp vào CPI cả nước 0,08%. Một số nguyên nhân khác còn có do nhu cầu hàng hóa tiêu dùng của dân cư và tiêu dùng cho sản xuất tăng vào dịp cuối năm; ảnh hưởng của thiên tai, mưa bão và do mức cầu trong dân yếu.
Mặc dù đánh giá, đây là năm có lạm phát thấp nhất 1 thập kỷ trở lại, nhưng ông Nguyễn Đức Thắng vẫn nhận xét: “Nói là thấp nhưng theo quan điểm của chúng tôi, 6,4% không phải là thấp. Thấp vì chúng ta đã quen với việc CPI các năm tăng rất cao mà thôi”.
Theo ông Thắng, sự ổn định lạm phát ở Việt Nam rất yếu và không bền vững. Dự báo trong năm tới, có thể CPI sẽ tiếp tục tăng và chịu tác động của một số yếu tố như hoạt động phát hành Trái phiếu Chính phủ sẽ làm tăng lượng tiền trong lưu thông, lộ trình tăng giá các mặt hàng dịch vụ công theo thị trường, tỷ lệ nới thâm hụt ngân sách lên 5,3% GDP cũng ảnh hưởng đến giá cả.
Do vậy, điều quan trọng là Chính phủ cần phải có cam kết sẽ tiếp tục đặt ưu tiên cho kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, giữ tăng trưởng ở mức hợp lý, chứ không nên chủ quan với chỉ số lạm phát hiện tại.
Bích Diệp (Dân trí)