Chưa kịp “thở phào” sau khi vượt qua thách thức đầu tiên một cách khá yên bình, nữ Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra lại liên tiếp phải đối mặt với những bước đi dồn ép từ phe đối lập và người biểu tình. Những đòn giáng liên tiếp của lực lượng này khiến bà Yingluck choáng váng và lao đao.
|
Nữ Thủ tướng Yingluck | Trái với dự đoán của hầu hết giới chuyên gia và phân tích, cuộc tổng tuyển cử ngày 2/2 ở Thái Lan đã diễn ra khá êm ả và yên bình với hầu hết các điểm bỏ phiếu hoạt động bình thường và không có bạo lực xảy ra. Chỉ có vài chục điểm bỏ phiếu là phải đóng cửa do sự cản trở và gây rối của những người biểu tình. Mặc dù còn đến 12 triệu cử tri chưa thực hiện được quyền bỏ phiếu của mình nhưng cuộc bầu cử vừa qua đã diễn ra ngoài mong đợi. Trước đó, người ta tin rằng, cuộc bầu cử đó sẽ là nơi chứng kiến cuộc đối đầu quyết liệt giữa thành phần chống chính phủ (áo vàng) và những người ủng hộ chính phủ (áo đỏ). Phần lớn giới quan sát đều dự đoán, bạo lực và rối loạn sẽ là hai đặc điểm chính trong cuộc bầu cử ở quốc gia Đông Nam Á. Tuy nhiên, trên thực tế, cuộc bầu cử diễn ra khá êm xuôi và điều này được cho là một thành công ban đầu của nữ Thủ tướng Yingluck. Ít nhất là bà đã vượt qua được thách thức đầu tiên khi thúc đẩy kế hoạch tổ chức cuộc bầu cử bất chấp sự phản đối quyết liệt và dữ dội từ những người biểu tình. Lực lượng này đã tìm mọi cách để ngăn cản, để phá hoại cuộc bầu cử. Mặc dù tuyên bố không ngăn cản những cử tri muốn đi bỏ phiếu nhưng trên thực tế, phe biểu tình đã tiến hành bao vây các điểm bầu cử, bắt những thùng phiếu làm con tin, khiến hàng triệu cử tri không được đi thực hiện quyền của mình. Rõ ràng, đó là hành động xâm phạm quyền của người dân Thái Lan và điều này không nhận được sự ủng hộ của nhiều người dân trong nước cũng như bên ngoài. Vừa vượt qua được thách thức, khó khăn đầu tiên, nữ Thủ tướng Yingluck đã ngay lập tức phải đối mặt với một loạt thách thức mới. Đây là điều đã được dự đoán từ trước. Ngay sau cuộc bầu cử, khó khăn lại đang dồn lên đôi vai bé nhỏ của bà Yingluck khi phe đối lập và biểu tình liên tiếp “tung đòn”, quyết liệt dồn ép để buộc chính phủ Thái Lan phải đầu hàng. Khó khăn dồn lên vai nữ Thủ tướng Thái Lan Theo các nguồn tin từ báo chí địa phương, phe đối lập chính của Thái Lan – Đảng Dân chủ hôm (4/2) đã chính thức đệ đơn lên tòa án đòi hủy bỏ kết quả cuộc bầu cử diễn ra hồi cuối tuần trước. Đây rõ ràng là một đòn tấn công pháp lý mới mà phe đối lập vừa tung ra nhằm vào chính phủ của bà Yingluck. Đòn pháp lý này sẽ khiến cuộc khủng hoảng ở Thái Lan thêm nghiêm trọng, kéo dài tình trạng tê liệt về chính trị ở đất nước vốn bị chia rẽ sâu sắc này. Trong đơn gửi lên Tòa án Hiến pháp Thái Lan, Đảng Dân chủ không chỉ đòi hủy bỏ cuộc bầu cử vừa diễn ra mà còn kêu gọi giải tán đảng Pheu Thai của Thủ tướng Yingluck. Theo lập luận của những người biểu tình, họ muốn Tòa án Hiến pháp ra phán quyết hủy bỏ cuộc bầu cử diễn ra hôm 2/2 là vì cuộc bầu cử này đã vi phạm hiến pháp khi không được thực hiện trong một ngày. Hiến pháp Thái Lan quy định, để đảm bảo tính công bằng, một cuộc bầu cử chỉ được tổ chức trong vòng một ngày, không được vượt quá khung thời gian này. Lập luật trên không hợp lý khi mà chính những người biểu tình và phe đối lập tìm mọi cách ngăn cản, chống phá, khiến cuộc bầu cử không được thực hiện được trong một ngày. Nếu những người biểu tình không ngăn cản thì hàng triệu cử tri đã được đi bỏ phiếu và giới chức Thái Lan sẽ không phải tiến hành thêm một cuộc bầu cử phụ nữa. Suthep thề đóng cửa toàn bộ các văn phòng chính phủ Ngoài đòn tấn công pháp lý nói trên, thủ lĩnh của lực lượng biểu tình chống chính phủ - Suthep Thaugsuban còn tuyên bố sẽ đóng cửa toàn bộ các văn phòng chính phủ trong một bước leo thang hơn nữa nhằm dồn ép nữ Thủ tướng Yingluck. Phát biểu tại khu vực sân khấu Lumpini hôm 4/2, ông Suthep đã thề sẽ tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch chống chính phủ bằng cách huy động người biểu tình đóng cửa toàn bộ các văn phòng chính phủ và nhà riêng của các bộ trưởng trong nội các của Thái Lan. Theo lời ông Suthep – cũng là Tổng thư ký của Ủy ban Cải cách Dân chủ của Nhân dân, giới thủ lĩnh của lực lượng biểu tình sẽ kiểm tra xem còn bao nhiêu văn phòng chính phủ còn mở cửa và sẽ đưa người của họ đến để bao vây, phong tỏa những nơi này. "Chúng ta phải bảo đảm chắc chắn rằng, chiến dịch đóng cửa thủ đô Bangkok của chúng ta không vô ích”, ông Suthep nhấn mạnh. Lực lượng biểu tình đã phát động chiến dịch đóng cửa thủ đô Bangkok từ hôm 13/1 nhằm mục đích gây sức ép cao nhất khiến chính phủ của Thủ tướng Yingluck phải ra đi. Rất nhiều các tòa nhà, văn phòng chính phủ bị ảnh hưởng bởi hoạt động bao vây, phong tỏa của những người biểu tình. Sau một thời gian dài thể hiện sự kiên nhẫn và dịu nhẹ, chính quyền của nữ Thủ tướng Yingluck hôm 4/2 cũng đã ra “tối hậu thư” với lực lượng biểu tình. Theo đó, người đứng đầu Trung tâm Duy trì Hòa bình và Trật tự Thái Lan tuyên bố sẽ áp dụng các biện pháp mạnh tay nhưng hợp pháp mà không cảnh báo trước với những người biểu tình tìm cách làm tê liệt các văn phòng chính phủ và phong tỏa nhà riêng của các thành viên nội các. Đúng như dự đoán của các nhà phân tích, cuộc bầu cử hôm 2/2 không giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị ở đất nước Thái Lan. Cuộc khủng hoảng này rõ ràng đang rơi vào thế bế tắc khi phe đối lập tiếp tục dấn tới, nhất quyết không chịu ngồi lại bàn đàm phán cùng với chính phủ để tìm hướng giải quyết.
Kiệt Linh-VN Media |