Ngày ngày qua lại trên con đường này, mỗi góc phố, mỗi cây xanh trên vỉa hè vẫn còn đấy thân thuộc, dù diện mạo mặt phố dường như đổi thay mỗi ngày bởi các dịch vụ liên tục mở ra và sự chỉnh trang mới của các công sở hai bên. Đường Lê Hồng Phong được coi là một trong những con phố trung tâm làm nên nhịp đô thị đặc trưng của thành phố Vinh...
Một góc phố Lê Hồng Phong. |
Ai đó đã nói dường như có lý, rằng phố Lê Hồng Phong là một trong những phố đã phản ánh rõ nét trình tự thời gian và những biến đổi không gian của quá trình phát triển Vinh. Tuyến phố Lê Hồng Phong dài hơn một cây số, được coi là lưu giữ nhiều dấu ấn phố cũ bởi phố chưa có những công trình cao ốc và dù nay đã rực rỡ san sát những biển hiệu, trang trí mặt tiền của các dịch vụ thì phía sau nó vẫn là những dãy nhà, ki-ốt của hàng thập niên về trước.
Điều tự hào đầu tiên của phố Lê Hồng Phong có lẽ ở đây tập trung các trường học, cơ sở đào tạo lớn, như Trường Chính trị tỉnh, các trường THPT dày truyền thống như Huỳnh Thúc Kháng, Phan Bội Châu, Trường Mầm non Hoa Sen... Trong đó Trường Huỳnh Thúc Kháng mà tiền thân là Trường Quốc học Vinh là 1 trong 3 trường Quốc học được chính quyền Pháp mở ra ở Trung kỳ từ năm 1920, ở đây có nhiều nhân vật nổi tiếng như Đặng Thai Mai, Nguyễn Cảnh Toàn, Hoàng Xuân Hãn, Hoài Thanh, Nguyễn Xiển... Và, ở một lớp trí thức cao tuổi quê 3 tỉnh Thanh – Nghệ - Tĩnh đang bằng trải nghiệm đời người nâng niu, dõi theo những nhịp phát triển của quê hương, đất nước, hẳn đã luôn lắng ký ức một Collège de Vinh và THPT Huỳnh Thúc Kháng sau này để vinh dự tự hào về sở học.
Người yêu phố từng cho là các nhà chức trách đã hữu ý chăng khi thành lập Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu trên phố này, như muốn nhân lên sở học truyền thống của Trường Huỳnh Thúc Kháng?! thế nên có thể cũng là một hữu ý nữa cho trọn vẹn một niềm tự hào phố là gắn biển tên đường mang tên người Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng cho con đường có sự giao nhau, nối với những con đường được gắn tên của các địa danh cách mạng (Phong Định Cảng), tên các nhà yêu nước ở các thế hệ đã hy sinh oanh liệt cho khát vọng độc lập, tự do của dân tộc (Nguyễn Thái Học, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Thị Minh Khai). Phố còn cho người một niềm lưu luyến về một thời tái thiết vươn lên của thành phố sau chiến tranh bằng sự cũ càng của các nhà C7, C8 thuộc khu chung cư Quang Trung mà theo quy hoạch nay mai sẽ được thay thế bằng những tòa cao ốc đô thị mới; hay ở khối cầu lớn duyên dáng trên nóc trụ sở Đài Khí tượng Thủy văn Bắc Trung bộ...
Phố Lê Hồng Phong cũng từng nên danh với những địa chỉ ẩm thực như “phố cơm bình dân” kéo dài từ công sở Công an tỉnh lên Đài Khí tượng Thủy văn mà nay đã được giải tỏa; hàng bia hơi đồ nướng tự nhiên cứ hẻo khách dần nhường chỗ cho các loại hình kinh doanh mới hơn; hay quán “đuôi bò – rượu nóng” mà sau những giám sát của vệ sinh an toàn thực phẩm đã thu gọn lại, nhưng vẫn là địa chỉ hút khách xa khi đến Vinh muốn thưởng thức món nhắm dân dã trong một không gian phố phảng phất chiều sâu của ký ức một đô thị xứ Nghệ. Nhưng, nói đến phố Lê Hồng Phong là phải nói đến “trải nghiệm cà phê” với những thương hiệu một thời vang bóng như Mehico hay đang bền bỉ phát triển như Cà phê Điện ảnh 2 và một loạt các hiệu cà phê mới mà nhà kinh doanh không chú mục thuần vào chất lượng cà phê, mà còn ở không gian phục vụ “thời @” nhắm vào khách hàng giới trẻ. Phố cũng xuất hiện ngày một nhiều các trung tâm, siêu thị gạch lát, thiết bị nội thất mà nếu có thời gian thong thả rảo vào xem ngắm cũng có thể tạo được một niềm thú vị riêng có ở đây.
Sôi động những Shop thời trang. |
Hóa ra cái hiện đại mặt phố ở Việt Nam ta không phải ở tiêu chí là cái gì cũng đồ sộ, to lớn. Phố Lê Hồng Phong của Thành phố Vinh hẳn đã minh chứng điều ấy bằng sự năng động, nhạy cảm của cơ man các dịch vụ nhỏ lập ra liên tục, thay thế nhau với bảng hiệu, cách bài trí mặt tiền đầy ý tưởng tiên tiến, phong cách trẻ trung, hiện đại khiến cho người ở xa lần đầu đến phố có được cảm giác của những quãng phố đông Hà Nội, Sài Gòn; đó là các hàng ăn nhẹ, các hàng quần áo hàng hiệu đắt tiền có, hàng thời trang giá rẻ có; kế đến là những dịch cụ công, dịch vụ tư dạng văn phòng khác lúc nào cũng nườm nượp khách tạo nên cái tấp nập phố ẩn sau mỗi góc phố, mỗi tán cây xanh thân thuộc. Chỉ là một tuyến phố thôi, nhưng đường Lê Hồng Phong cũng nói lên sức lan tỏa đô thị từ trung tâm ra đến vành đai phát triển và hướng bốn phía ngoại ô, đó là cái nhộn nhịp tấp nập bán mua cứ dồn nén rồi loãng dần theo chiều từ đầu phố phía bùng binh Vườn hoa Vòi phun xuống hướng cuối đường phía bùng binh Hải quan.
Theo quy hoạch, thì điểm nhấn đô thị cho tương lai của phố sẽ là ở hai đầu với khu đô thị mới thay thế nhà chung cư Quang Trung ở phía đầu đường và khu hành chính ở phía cuối đường. Nhưng ngay cả khi đến ngày đó, chắc phố vẫn giữ nét riêng của một con phố điềm tĩnh, tự tin phát triển với những dấu mốc lịch sử đậm nét ngót hàng trăm năm ví như Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng hay ngã tư Tam Phúc nơi cắt đường Nguyễn Văn Cừ là một địa danh gợi người ta nhớ đến một thời sầm uất khu phố Ấn kiều hơn thế kỷ trước...
Đồng chí Lê Hồng Phong (tên thật là Lê Huy Doãn) sinh năm 1902 ở làng Đông Thôn, tổng Thông Lạng, huyện Hưng Nguyên (nay là xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên); đồng chí là người sớm có chí khí yêu nước và đã trở thành một trong những cán bộ đầu tiên của cách mạng Việt được trang bị lý luận của Chủ nghĩa Mác - Lênin (do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức huấn luyện tại Trung Quốc). Sau đó, đồng chí Lê Hồng Phong liên tục được giới thiệu đi đào tạo tại các trường quân sự hàng đầu của Trung Quốc và Liên Xô (cũ) và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản của các nước này...
Tháng 11/1931, khi đang học dở chương trình nghiên cứu sinh của Trường Đại học Phương Đông, thì Lê Hồng Phong được phân công trở về nước hoạt động, chỉ đạo việc tổ chức khôi phục và phát triển các cơ sở đảng. Tháng 3/1934, Ban lãnh đạo của Đảng ở nước ngoài được chính thức thành lập tại Ma Cao (Trung Quốc) do đồng chí Lê Hồng Phong làm Bí thư. Đầu năm 1935, Lê Hồng Phong dẫn đầu đoàn đại biểu của Đảng đi Mát-xcơ-va dự Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản và được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản; cùng thời gian này đồng chí được Đại hội toàn quốc lần thứ I của Đảng bầu làm Tổng Bí thư và từ đó đồng chí đã tích cực lãnh đạo các cao trào cánh mạng trong nước.
Tháng 1/1940, Lê Hồng Phong bị giặc Pháp bắt và đưa vào giam ở Khám Lớn - Sài Gòn; bị kết án 5 năm tù giam và 10 năm quản thúc, đày ra Côn Đảo. Những trận đòn thù tàn ác, dã man của kẻ thù đã làm đồng chí kiệt sức dần, rồi mãi mãi ra đi vào ngày 6/9/1942. Tên đồng chí được đặt cho nhiều con đường ở các đô thị lớn trong cả nước. |
Đình Sâm (Baonghean)