Mạnh tay chấn chỉnh chất lượng giáo dục
Trong danh sách 207 ngành đào tạo đại học bị dừng tuyển sinh mà Bộ GD&ĐT vừa công bố, Nghệ An có 2 trường nằm trong danh sách là Đại học Vinh và Đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh. Hiện nay, các trường đều đang làm giải trình. 
 
 
Những ngày qua, dư luận cả nước bất ngờ khi Bộ GD&ĐT công bố dừng tuyển sinh đối với 207 ngành trình độ đại học của 71 cơ sở đào tạo trên cả nước. Trong danh sách mà Bộ GD&ĐT công bố, trường ít thì bị dừng 1 mã ngành tuyển sinh, trường nhiều nhất là Đại học Sân khấu Điện ảnh bị dừng tuyển đến 15 mã ngành, gần với Nghệ An là Trường Đại học Hà Tĩnh bị dừng 14 mã ngành. Lý do của Bộ GD&ĐT là các trường không đáp ứng điều kiện quy định tại Khoản 1, Điều 2 của Thông tư 08/2011 về Quy định điều kiện, hồ sơ, quy trình mở ngành đào tạo. Trong đó, một trong những điều kiện bắt buộc đầu tiên để các trường đại học, học viện được xem xét để mở ngành đào tạo trình độ đại học là “Có đội ngũ giảng viên cơ hữu đảm nhận giảng dạy tối thiểu 70% khối lượng của chương trình đào tạo, trong đó có ít nhất 1 giảng viên có trình độ tiến sỹ và 3 giảng viên có trình độ thạc sỹ đúng ngành đăng ký”. Trước đó, vào ngày 29/3/2013, Bộ GD&ĐT tiến hành khảo sát, thống kê các cơ sở đào tạo trình độ đại học trên địa bàn cả nước. Những trường bị đình chỉ tuyển sinh là trường không đủ các điều kiện quy định. Ở Nghệ An, có 2 trường đại học nằm trong danh sách của Bộ công bố là Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh (ĐHSPKT Vinh) với 2 mã ngành bị dừng tuyển sinh là Kế toán, Sư phạm kỹ thuật công nghiệp và Trường Đại học Vinh với mã ngành Kinh tế đầu tư.
 
Tiến sỹ Nguyễn Hồng Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh cho biết: Khoa kinh tế được thành lập năm 2011, hiện đào tạo hai mã ngành là Quản trị kinh doanh và Kế toán. Trước khi thành lập, trường có 2 tiến sỹ kinh tế đúng chuyên ngành. Tuy nhiên, sau một thời gian làm việc, cả hai tiến sỹ đều chuyển đi. Tháng 10/2012, Tiến sỹ kinh tế Nguyễn Hồng Minh về làm Hiệu trưởng và giảng dạy trực tiếp tại khoa. Vào thời điểm Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, khoa kinh tế chỉ có 2 thạc sỹ chuyên ngành kế toán, trong khi theo quy định của Thông tư 08 là phải có 3 thạc sỹ... Nhưng việc thiếu giáo viên của khoa chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn. Hiện tại, trường đang làm thủ tục tiếp nhận 1 tiến sỹ kinh tế về giảng dạy, một người đang làm nghiên cứu sinh và 4 thạc sỹ kinh tế. Đối với ngành Sư phạm kỹ thuật công nghiệp, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Minh cho rằng, đây là một ngành đào tạo nằm trong truyền thống của trường từ nhiều năm nay. “Hiện nay, trường đang có nhiều tiến sỹ thuộc các chuyên ngành sư phạm, quản lý giáo dục, kỹ thuật điện, cơ khí, điện tử tham gia giảng dạy các bộ môn của ngành Sư phạm kỹ thuật công nghiệp và đáp ứng được yêu cầu theo Thông tư 08 của Bộ GD&ĐT. Trường sẽ làm giải trình với Bộ GD&ĐT”. Tiến sỹ Nguyễn Hồng Minh cho biết. 
 
Giờ thực hành ở Khoa cơ khí chế tạo máy, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh.
Giờ thực hành ở Khoa cơ khí chế tạo máy, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh.
 
Trong khi đó, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Bình, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Vinh cho rằng, sở dĩ ngành Kinh tế đầu tư của trường có tên trong danh sách dừng tuyển là có sự nhầm lẫn trong báo cáo rà soát. Trường Đại học Vinh được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo trình độ đại học hệ chính quy ngành Kinh tế vào năm 2012. Khi đó, nhà trường đã xây dựng đề án đào tạo, chuẩn bị cơ sở vật chất, chương trình đào tạo và đội ngũ giáo viên. Đề án này đã được Sở GD&ĐT Nghệ An, Bộ GD&ĐT, Hội đồng thẩm định Trường Đại học kinh tế Quốc dân thẩm định, đảm bảo đủ các điều kiện theo quy định. Thời điểm đó, chuyên ngành Kinh tế có 1 tiến sỹ và 5 thạc sỹ là giảng viên. Trong quá trình tổ chức đào tạo, nhà trường đã bổ sung, nâng cao chuyên môn đội ngũ.
 
Hiện nay, Khoa Kinh tế có đội ngũ giảng viên gồm 7 tiến sỹ, 9 giảng viên đang làm Nghiên cứu sinh trong nước và nước ngoài. Khoa đang đào tạo 4 mã ngành là Kế toán, Quản trị kinh doanh, Tài chính ngân hàng và Kiểm toán. Riêng bộ môn Kinh tế đầu tư có 3 tiến sỹ và nhiều thạc sỹ giảng dạy. “Trong lúc báo cáo với Bộ GD&ĐT, chúng tôi đã không phân chia các giảng viên là tiến sỹ thành các chuyên ngành cụ thể mà chỉ thống kê chung là số tiến sỹ đang tham gia đào tạo, giảng dạy ở Khoa Kinh tế. Trường Đại học Vinh đã làm giải trình đầy đủ, cam kết với Bộ GD&ĐT về đội ngũ giảng viên cơ hữu, số tiến sỹ, thạc sỹ theo yêu cầu và mong Bộ xem xét để trường tiếp tục tuyển sinh theo kế hoạch trong năm 2014”, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Bình khẳng định.
 
Như vậy, cũng như một số trường đại học trong cả nước, Trường Đại học Vinh và Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh đã có phản hồi trước quyết định của Bộ. Mỗi trường có một lý do khác nhau, kết luận đúng sai như thế nào đang phải chờ ý kiến từ Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, qua sự việc này cũng đã có nhiều ý kiến khác nhau. Đưa ra quan điểm của mình, Tiến sỹ, Nhà giáo Nhân dân Lê Văn Phớt – Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Nghệ An nói rằng: Đây là một dịp để Bộ Giáo dục - Đào tạo rà soát lại điều kiện giảng dạy của các trường đại học, để từ đó mỗi trường củng cố lại đội ngũ giáo viên nhằm đảm bảo theo các quy định của ngành và nâng cao chất lượng giáo dục. Nhưng việc đồng loạt ngừng tuyển sinh ở 207 mã ngành trong thời điểm chỉ hơn một tháng nữa là các thí sinh bắt đầu nộp hồ sơ thi đại học là bất hợp lý. Điều đó gây tâm lý hoang mang cho học sinh, nhất là những em đang ôn thi và có ý định thi tuyển vào những ngành hiện ngừng tuyển sinh. Về phía các nhà trường, khi quyết định thành lập một mã ngành thì trường đã chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, giáo viên... nay không cho ngành tiếp tục tuyển sinh thì sẽ gây thiệt hại cho nhà trường. Dư luận xã hội thì thực sự “sốc” và nghi ngại về chất lượng đào tạo lâu nay ở các nhà trường và sẽ hoang mang khi muốn định hướng ngành học cho con em mình.
 
Một số ý kiến khác thì cho rằng, việc ngừng tuyển sinh đối với những ngành không đảm bảo các giáo viên cơ hữu là cần thiết. Nhưng đó chưa phải là điều quan trọng nhất mà cần nhất bây giờ là Bộ Giáo dục và Đào tạo phải rà soát tất cả các trường đại học, sắp xếp các mã ngành hợp lý giữa các trường, giữa các vùng. Tránh tình trạng, trường kỹ thuật, trường đào tạo cơ bản lại cấp phép đào tạo ngành kinh tế, tài chính. Hay cùng ngành sư phạm nhưng có quá nhiều trường cùng đào tạo dẫn đến tình trạng sinh viên sư phạm ra trường không có việc làm, chất lượng đào tạo thấp. Trách nhiệm này, một phần thuộc về Bộ Giáo dục và Đào tạo khi không sâu sát thực tế ở các địa phương, không thanh tra, kiểm tra việc tuyển sinh thường xuyên ở các trường. Một số trường đại học thì lo chạy theo số lượng, chạy theo thị hiếu, không chú trọng chất lượng, “mỗi trường một phách”, không có định hướng, không sát với thực tế, nhu cầu  tuyển dụng lao động.
 
Ông Thái Huy Vinh – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết:  Theo Thông tư 08, tất cả các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp khi mở mã ngành đều phải thông qua Sở Giáo dục và Đào tạo xét duyệt và phải đủ điều kiện mới được cấp. Thế nên tại thời điểm cấp mã ngành, chắc chắn không có tình trạng thiếu giáo viên cơ hữu. Tuy nhiên, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ “quản lý” phần ngọn, còn sau đó quá trình xét chỉ tiêu tuyển sinh các trường lại chỉ làm việc trực tiếp với Bộ Giáo dục và Đào tạo. Do đó, ngành không thể theo dõi việc giáo viên đi đến, ngành nào đủ, ngành nào không. “Lỗ hổng” là ở chỗ đó. Các trường cũng không có ý thức báo cáo lại với Sở khi có sự biến động về nhân sự. 
 
Không những mạnh tay với những cơ sở đào tạo đại học không đảm bảo chuẩn theo quy định mà ngay trước mùa tuyển sinh 2014, Bộ GD&ĐT đã “tuýt còi” 296 ngành cao đẳng thuộc 74 cơ sở đào tạo trình độ đại học trong cả nước chưa đạt chuẩn theo Điểm a, Khoản 1, Điều 3 của Thông tư 08. Một trong những điều kiện được xem xét để mở ngành đào tạo trình độ cao đẳng là: “Có đội ngũ giảng viên cơ hữu đảm nhận giảng dạy tối thiểu 70% khối lượng của chương trình đào tạo, trong đó có ít nhất 4 giảng viên có trình độ thạc sỹ đúng ngành đăng ký”. Đối với trường hợp này, Bộ GD&ĐT cho phép các cơ sở đào tạo được tạm thời tiếp tục tuyển sinh, tổ chức đào tạo theo thẩm quyền quy định tại Quy chế đào tạo. Đồng thời cơ sở đào tạo có trách nhiệm lập kế hoạch củng cố, bổ sung đội ngũ giảng viên cơ hữu. Chậm nhất trước ngày 31/12/2014, các cơ sở đào tạo lập báo cáo theo quy định gửi về Bộ GD&ĐT. Sau ngày 31/12/2014, những ngành không có báo cáo hoặc không bổ sung được đội ngũ giảng viên cơ hữu theo quy định sẽ bị xử lý. Trong danh sách các ngành đào tạo cao đẳng này, Nghệ An có 3 trường bị tuýt còi gồm: Đại học Công nghệ Vạn Xuân với các ngành Quản trị kinh doanh, Tài chính – Ngân hàng và Ngôn ngữ Anh; Đại học sư phạm kỹ thuật Vinh có 4 ngành gồm Kế toán, Sư phạm kỹ thuật công nghiệp; Công nghệ kỹ thuật điện tử và Công nghệ thông tin; Trường Đại học Y khoa Vinh có ngành Điều dưỡng.
 
Có thể khẳng định rằng, việc Bộ GD&ĐT “thẳng tay” dừng tuyển sinh 207 mã ngành đào tạo đại học của 71 cơ sở đào tạo và tuýt còi 296 ngành cao đẳng của 71 cơ sở đào tạo trong cả nước là một quyết định đúng đắn, thể hiện sự quyết tâm của ngành trong việc chấn chỉnh lại chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng. Việc Bộ GD&ĐT công bố danh sách đã “đánh động” rất nhiều cơ sở đào tạo đại học trong bối cảnh ngày càng có nhiều cơ sở mở ra nhưng không đạt chuẩn, không đảm bảo yêu cầu về đội ngũ giáo viên cũng như chất lượng giảng dạy.
 
 
 
Nghệ An là trung tâm giáo dục – đào tạo của khu vực Bắc Trung bộ, nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Hiện nay, ngoài Trường Đại học Vinh nằm trong hệ thống trường đại học trọng điểm quốc gia còn có 5 trường đại học khác đào tạo các hệ đại học và cao đẳng trên địa bàn cùng hệ thống nhiều trường cao đẳng, cao đẳng nghề, trung cấp chuyên nghiệp khác với số lượng hơn 80 ngàn sinh viên theo học. Trong thời gian vừa qua, Nghệ An đã rất nỗ lực “nói không” với các cơ sở đào tạo không đạt chuẩn, không đồng ý với các đề án nâng cấp lên đại học của một số trường cao đẳng khi chưa đáp ứng được yêu cầu về nguồn nhân lực, đội ngũ giảng viên, hệ thống cơ sở vật chất... Với sự vào cuộc một cách mạnh mẽ của Bộ GD&ĐT trong việc chấn chỉnh, nâng cao chất lượng đào tạo, kiên quyết loại trừ những cơ sở không đạt chuẩn, hy vọng rằng, trong thời gian tới, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp nói chung, các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh Nghệ An nói riêng sẽ tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, chuẩn hóa trình độ cho các giáo viên, giảng viên để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng ngày càng cao hơn nhu cầu phát triển của xã hội.
 
Mỹ Hà - Nguyên Khoa-Baonghean.vn
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh