Ông Lê Hùng Dũng mới ngồi ghế Chủ tịch VFF, và mang khát vọng lớn trong việc cải tổ VFF, cải tổ bóng đá Việt Nam. Nhưng cả một cơn giông bão đang đổ lên đầu ông, khiến khát vọng của ông gặp phải những thách thức nghiêm trọng.
1. Một trong những nguyên tắc vàng của ông Dũng là "bóng đá Việt Nam phải hợp tác chiến lược với bóng đá Nhật Bản", nhưng "sứ giả người Nhật" ở bóng đá Việt Nam hiện nay là ông Trưởng BTC V.League Tanaka Koji lại đang sốc nặng với những... vấn đề V.League mà mình chứng kiến. Ông sốc với việc Ninh Bình bỏ giải, rồi sốc với việc An Giang dọa bỏ giải. Một giải đấu tiếng là "chuyên nghiệp" mà hết người nọ tới người kia bỏ giải (hoặc dọa bỏ giải) chắc chắn không phải một giải đấu chuyên nghiệp đúng nghĩa rồi. Nhưng lạ nhất là VFF, VPF lại không có những chế tài đủ mạnh trước hành vi thiếu chuyên nghiệp ấy.
Nên nhớ, ông Koji đến từ một trong những nền bóng đá mà sự bài bản, kỷ luật luôn ở nhóm hàng đầu thế giới, nên ông rất dễ rơi vào cảm giác chán nản khi chứng kiến những sự dễ dãi, luộm thuộm của bóng đá Việt Nam. Cũng nên nhớ, ông Koji và VPF chỉ ký hợp đồng làm việc 1 năm với lý do "vừa làm việc, vừa tìm hiểu, trước khi đi tới một quyết định lâu dài". Và với những gì đã tìm hiểu về V.League, chỉ sợ là ông Koji sẽ khó làm việc lâu dài như những gì người ta mong đợi.
Nếu đúng vậy thì những gì diễn ra với "sứ giả người Nhật" ở V.League có thể sẽ ảnh hưởng ít nhiều tới kế hoạch hợp tác giữa bóng đá Việt với bóng đá Nhật mà ông Chủ tịch Liên đoàn mong muốn.
Trưởng giải Tanaka Koji có chán nản với những gì mình nhìn thấy? |
2. Bên cạnh chuyện hợp tác với bóng đá Nhật, một trong những mục tiêu mà ông Dũng hướng đến ở nhiệm kỳ VII là mong muốn việc cá cược bóng đá hợp pháp được thông qua. Thế nhưng, đùng một cái lại xảy ra vụ hơn 10 cầu thủ Ninh Bình cá độ ở sân chơi AFC Cup, và bây giờ thì nhiều người đang đặt dấu hỏi tình trạng tương tự có diễn ra ở V.League, với những đội bóng có tính chất na ná như Ninh Bình hay không?
Năm ngoái, đã có không dưới 5 trận đấu V.League rơi vào tầm ngắm, khiến Ban Tư vấn Đạo đức phải lên tiếng. Tiếc là cái mà Ban Tư vấn Đạo đức thấy lại là cái mà VPF không thấy, hoặc không chịu thấy. Thế nên nói như chuyên gia bóng đá Lê Thế Thọ thì năm nay, khi Ban Tư vấn Đạo đức phải tuyên bố "tạm dừng" với lý do "những góp ý của chúng tôi không được lắng nghe" thì bóng đá Việt Nam đã mất đi một công cụ trong việc đấu tranh chống tiêu cực.
Đã có những thống kê cho thấy, năm nay V.League bội thực bàn thắng, đặc biệt là những bàn thắng ở những phút cuối trận, nhưng đấy chưa chắc đã là bằng chứng cho thấy chất lượng giải đấu đi lên, mà trái lại, khiến người ta phải đặt ra câu hỏi: có phải các cầu thủ thích nổ "tài"? Cái "tài" mà khi đá AFC Cup với một đại diện của Malaysia, cầu thủ Ninh Bình đã thiết lập một trận đấu với tổng bàn thắng lên đến 5 bàn (trận này các cầu thủ đánh tài 3 hoà, nghĩa là cứ có 3 bàn trở lên thì họ ăn, và thực tế là đã ăn).
Rõ ràng là từ AFC Cup đến V.League, từ Ninh Bình đến những đội bóng kiểu Ninh Bình, và từ chuyện "nổ tài" đến chuyện "V.League đang có quá nhiều bàn thắng", bóng đá Việt Nam đang tồn tại quá nhiều dấu hiệu khả nghi. Và khi sự khả nghi càng bị đẩy cao thì cái đề án cá cược bóng đá mà ông Chủ tịch Liên đoàn theo đuổi càng khó được thông qua.
3. Có một chuyện mà dân anh chị trong làng bóng vẫn hay nhắc lại, đó là ở nhiệm kỳ V VFF, khi vừa trúng ghế Phó Chủ tịch Tài chính Liên đoàn, và vừa tuyên bố sẽ thưởng 6 tỷ đồng cho chức vô địch SEA Games của ĐT U.23 Việt Nam thì ông Lê Hùng Dũng đã chứng kiến cảnh 7 "tội đồ" U.23 Việt Nam bán độ. Còn bây giờ, khi vừa ngồi ghế Chủ tịch VFF thì ông Dũng lại phải đối diện với chuyện hơn 10 cầu thủ Ninh Bình "dính án", từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến những chiến lược phát triển, xây dựng nền bóng đá của ông.
Có phải cái vía của ông Chủ tịch Liên đoàn... đen đủi?
Hôm nay, đại diện FIFA sẽ làm việc với Công an Ninh Bình
Theo PCT VFF Trần Quốc Tuấn thì sau buổi làm việc với VFF vào sáng qua, đại diện FIFA, AFC đã đánh giá cao việc chống tiêu cực bóng đá của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Cụ thể, Ủy viên Ban An ninh và Bảo vệ sự liêm chính trong thi đấu của FIFA, ông Hyder Khan cho biết: "Trong nhiều năm qua, ở nhiều quốc gia châu Á đã diễn ra những dấu hiệu tiêu cực, khiến chúng tôi thấy cực kỳ nhức nhối. Vụ tiêu cực ở Ninh Bình mới đây đã được chúng tôi tiếp nhận thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, và mới đây là những văn bản được báo cáo từ VFF".
Là một cựu thành viên của Liên đoàn Bóng đá Malaysia - nền bóng đá đã phải hứng chịu cơn bão tiêu cực trong những năm 90 của thế kỷ 20, ông Hyder Khan cho biết, Malaysia đã rất mạnh tay trong việc đấu tranh chống tiêu cực, và hy vọng bóng đá Việt Nam cũng sẽ làm như vậy. Hôm nay, phái đoàn của FIFA sẽ làm việc với cơ quan Công an Ninh Bình để tìm hiểu thêm về việc tiêu cực bóng đá ở Ninh Bình, trước khi có những chỉ đạo mới với VFF. |
.