Từ lâu, Khu di tích Kim Liên đã đi vào tâm thức, trái tim của bao người dân Việt Nam như một điều gì đó bình dị, thân quen mà rất đỗi thiêng liêng, tự hào. Nơi đây gắn liền với những năm tháng tuổi thơ không thể nào quên của Người cùng các địa danh như: Quê ngoại Hoàng Trù, quê nội Làng Sen, khu mộ bà Hoàng Thị Loan, núi Chung, giếng Cốc, lò rèn… Những ngày tháng 5 lịch sử, trong cuộc hành trình tìm về với cội nguồn dân tộc, hẳn ai trong mỗi chúng ta cũng mong ước được một lần về với mảnh đất Nam Đàn để cảm nhận suối nguồn yêu thương đang dâng tràn trong lồng ngực. Về để cảm nhận những ân tình nơi quê nhà đã bồi đắp nên một nhân cách vĩ đại mang tên Hồ Chí Minh. Dù trải qua bao biến động của thời gian và những tác động của các nhân tố bên ngoài thì cảnh vật nơi đây vẫn luôn giữ được nét đặc sắc của văn hóa đồng quê xứ Nghệ với những con đường làng quanh co và bờ giậu thanh bình xanh mướt. Ngôi nhà tranh đơn sơ, bình dị dường như càng đẹp hơn khi được khoác lên mình màu của hương hoa, cây cỏ.
Trong dòng người về thăm quê Bác hôm nay, có những cụ già râu tóc bạc phơ bước đi không còn vững, những cựu chiến binh trên ngực lấp lánh huy chương, những thanh niên khoác lên mình màu áo xanh tình nguyện, những em nhỏ với màu khăn quàng đỏ thắm trên vai… Họ đến từ mọi vùng miền của Tổ quốc nhưng đều mang một trái tim yêu thương với niềm xúc động, bồi hồi. Không ít người trong đoàn du khách đó đã bật khóc nức nở khi thuyết minh viên của khu di tích kể về những năm tháng tuổi thơ của Bác Hồ bằng giọng Nghệ chân chất, thấm đẫm tình người. Và cũng không thiếu hình ảnh của những vị khách nước ngoài khi đến viếng nơi đây bày tỏ sự ngỡ ngàng và khâm phục một nhân tài kiệt xuất được sinh ra và lớn lên tại làng quê rất đỗi bình dị và mộc mạc như thế. Ngoài giá trị văn hóa lịch sử, tâm linh, trong cuộc hành trình tìm về mảnh đất xứ Nghệ yêu dấu còn đọng lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách thập phương bởi lòng nhiệt tình, nồng hậu của những người dân địa phương. Sự mộc mạc, bình dị đó cũng chính là nét đặc trưng không thể lẫn vào bất cứ nơi đâu.
Du khách hành hương về thăm quê Bác |
Theo thống kê của Ban quản lý Khu di tích Kim Liên, tính từ thời điểm giữa tháng 4 đến nay, khu di tích đã đón 5.217 đoàn khách thập phương về thăm với 156.812 lượt người, trong đó có 52 đoàn khách quốc tế đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Để chuẩn bị cho du khách thập phương hành hương về quê Bác trong dịp hè, đặc biệt là vào dịp 19/5, ngay từ những ngày cuối tháng 4 và đầu tháng 5, Ban quản lý khu di tích đã tiến hành bảo tồn, tôn tạo như lợp lại tranh tre của các ngôi nhà bị hư hại và xuống cấp do ảnh hưởng của thời gian và khí hậu miền Trung khắc nghiệt. Đồng thời làm tốt công tác vệ sinh ở các cụm di tích Hoàng Trù, Làng Sen và một số di tích khác.
Xác định được số lượng du khách về với Nam Đàn sẽ tăng đột biến trong dịp sinh nhật Bác nên lãnh đạo Ban quản lý khu di tích đã xây dựng kế hoạch rất cụ thể, chi tiết phân công và huy động tất cả các phòng ban đều thực hiện việc phục vụ đón khách về tham quan dự Lễ hội Làng Sen. Ban quản lý khu di tích đã chủ động phối hợp với Công an tỉnh Nghệ An, Công an huyện Nam Đàn và Trạm Công an Kim Liên để thực hiện tốt công tác đảm bảo ANTT trên địa bàn, đặc biệt là yêu cầu các xã phải quán triệt đến mức tối đa tình hình trật tự trị an trong dịp lễ. Thời tiết mùa hè của xứ Nghệ với nắng nóng và gió Lào đặc trưng nên Ban quản lý khu di tích xác định PCCC là vấn đề luôn phải được đặt lên hàng đầu. Vì thế thời gian qua, ban lãnh đạo đã có kế hoạch tập huấn công tác PCCC cho cán bộ, nhân viên và bà con các vùng lân cận. Tập trung phòng chống cháy rừng ở khu vực khu mộ bà Hoàng Thị Loan và núi Chung…
Năm nay, kỷ niệm 124 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh được diễn ra với nhiều hoạt động ý nghĩa. Ban quản lý khu di tích đã có sự phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa thể thao và Du lịch, Trung tâm Văn hóa huyện Nam Đàn và các đơn vị khác để chuẩn bị dịp sinh nhật Bác và Lễ hội văn hóa Làng Sen. Theo đó, lễ hội sẽ được khai mạc vào đêm 17/5 tại địa điểm quen thuộc là sân vận động Làng Sen - địa điểm hai lần Bác Hồ về thăm quê nhà. Trước khi lễ hội diễn ra thì nhiều hoạt động thiết thực và ý nghĩa như văn nghệ, cụ thể là cuộc thi Tiếng hát Làng Sen đã diễn ra sôi nổi tại các huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh và sẽ tổng kết trao giải vào đêm 19/5 khi lễ hội kết thúc. Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh Nghệ An và huyện Nam Đàn sẽ phối hợp với các cơ quan, ban nghành, đoàn thể làm lễ dâng hoa dâng hương, rước ảnh Bác từ quảng trường Hồ Chí Minh và về báo công với Bác tại nhà tưởng niệm ở khu di tích Kim Liên.
“Từ khoảng thời gian giữa tháng 4 đến nay, lượng khách tham quan về với quê hương Bác Hồ càng tăng đột biến do trùng với dịp nghỉ lễ dài ngày. Mặc dù vậy nhưng cán bộ, nhân viên của khu di tích Kim Liên đã nâng cao tinh thần trách nhiệm hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao và phục vụ chu đáo lễ giỗ của những người thân trong gia đình Bác Hồ, các đoàn khách đến tham quan, dâng hoa, dâng hương tưởng niệm. Chúng tôi muốn bày tỏ sự tri ân, tình cảm tôn kính đối với Chủ tich Hồ Chí Minh bằng những hành động, việc làm cụ thể và thiết thực nhất” - Ông Nguyễn Bá Hòe, Giám đốc Khu di tích Kim Liên chia sẻ.
Tháng 5 về, bầu trời cao và trong vắt, không một gơn mây. Ánh nắng đầu hè hòa vào màu phượng đỏ như làm bừng tỉnh làng quê xứ Nghệ. Con đường vào quê nội Bác Hồ đang trong giai đoạn gấp rút hoàn thành để hướng đến kỷ niệm 124 năm ngày sinh của Người. Trên gương mặt sạm đen vì nắng gió và những giọt mồ hôi lăn dài chưa kịp lau của những người công nhân trẻ tuổi, chúng tôi vẫn thấy rất rõ sự nồng hậu, rạng ngời như níu kéo không muốn rời xa. Tháng 5 về thăm quê Bác để lắng nghe, cảm nhận và khắc ghi những tình cảm rất đời!
.