Chính phủ: Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính
5/20/2014 11:07:05 AM

Những tháng còn lại năm 2014, tập trung chống thất thu, nợ đọng thuế và kiểm soát chặt chẽ chi ngân sách nhà nước.

Thay mặt Chính phủ, báo cáo trước kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII về việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2014, sáng nay (20/5), Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành và tập trung chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014, trong đó tập trung bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân… Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, kinh tế - xã hội những tháng đầu năm đạt kết quả tích cực.

 

 

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, 4 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô ổn định hơn, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. Giá tiêu dùng tháng 4 so với tháng 12/2013 tăng 0,88%, thấp nhất trong 4 năm qua (Giá tiêu dùng tháng 4 so với cuối tháng 12 năm trước của năm 2013 tăng 2,41%; năm 2012 tăng 2,6%; năm 2011 tăng 9,64%; năm 2010 tăng 4,27%)... Tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Giá cả, thị trường cơ bản ổn định.

Mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm. Tỷ giá, thị trường ngoại hối được duy trì ổn định. Kim ngạch xuất khẩu 4 tháng tăng 16,9%; nhập khẩu tăng 13,7%; xuất siêu khoảng 684 triệu USD. Thu ngân sách nhà nước đạt 36,9% dự toán, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2013; chi ngân sách nhà nước đạt 32,9% dự toán, tăng 7,5%. Vốn đầu t­­ư trực tiếp nư­­ớc ngoài thực hiện tăng 6,7%. Vốn ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân tăng 6%.

Về thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, báo cáo của Chính phủ khẳng định: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2014 tăng 4,96%, cao hơn cùng kỳ 2 năm trước. Cả 3 khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản, công nghiệp và xây dựng, dịch vụ đều có tốc độ tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 4 tháng tăng 5,4%. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản duy trì ổn định. Dịch vụ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khá.

Trong 4 tháng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 8,1% về số doanh nghiệp và 16,2% về vốn; đã có hơn 5,8 nghìn doanh nghiệp trở lại hoạt động.

Về tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Các Bộ, cơ quan, địa phương tích cực chỉ đạo thực hiện Đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế và các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt các trọng tâm tái cơ cấu. Xác định nhiệm vụ, giải pháp tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2014-2015. Trong 4 tháng có 27 doanh nghiệp đã được cổ phần hóa, 238 doanh nghiệp đã thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa, 50 doanh nghiệp công bố giá trị doanh nghiệp, 12 doanh nghiệp phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), 11 doanh nghiệp thực hiện các hình thức sắp xếp khác. Tái cơ cấu ngân hàng, nhất là các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém và xử lý nợ xấu đạt kết quả tích cực. Đã triển khai việc phân bổ vốn đầu tư công năm 2014 theo kế hoạch trung hạn; tập trung vốn và đẩy nhanh giải ngân cho các công trình, dự án quan trọng, cấp bách về giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục... Cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng các dự án mở rộng quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên. Khung pháp lý về đầu tư công tiếp tục được hoàn thiện.

Triển khai tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, đã có nhiều mô hình tốt, phát huy hiệu quả. Ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn. Cơ cấu công nghiệp chuyển dịch tích cực; tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 7,4%, cao hơn so với toàn ngành. Ban hành và triển khai thực hiện lộ trình phát triển các cấp độ thị trường điện lực để phát triển thị trường điện cạnh tranh. Một số ngành dịch vụ có lợi thế, có giá trị gia tăng cao như du lịch, hàng không, viễn thông, công nghệ thông tin... được chú trọng phát triển.

Tiếp tục rà soát, sửa đổi bổ sung, phê duyệt các quy hoạch ngành, lĩnh vực, vùng, vùng kinh tế trọng điểm, địa phương gắn với tăng cường trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện quy hoạch.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng nghiêm túc nhìn nhận, nhiều cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh chậm đi vào cuộc sống (như gói hỗ trợ tín dụng nhà ở cho người có thu nhập thấp, hỗ trợ lãi suất đối với tôm, cá tra, tái canh cây cà phê, việc đơn giản hóa thủ tục thuế, hải quan…). Tổng cầu thấp, sức mua vẫn còn yếu; tiêu thụ sản phẩm, nhất là gạo và một số nông sản còn nhiều khó khăn. Nhập khẩu vẫn chủ yếu phụ thuộc vào thị trường châu Á. Sức cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp vẫn thấp. Sản xuất kinh doanh còn khó khăn; số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn lớn. Thị trường bất động sản phục hồi chậm. Môi trường đầu tư còn nhiều bất cập. Cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn đầu tư ngoài ngành còn nhiều trở ngại, chưa đạt yêu cầu.

Nhiệm vụ những tháng cuối năm

Những tháng còn lại của năm 2014, Chính phủ nhận định: Kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi tích cực, nhất là các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản và châu Âu nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ tăng trưởng chậm lại và gặp nhiều khó khăn. Khu vực châu Á Thái Bình Dương tiếp tục phát triển năng động nhưng vẫn còn các điểm nóng. Tình hình biển Đông đang diễn biến căng thẳng, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến hòa bình, ổn định và phát triển chung của khu vực và thế giới.

Kinh tế nước ta đang phục hồi tăng trưởng nhưng còn chậm và có nhiều khó khăn, thách thức. Nhu cầu đầu tư phát triển, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, quốc phòng an ninh, phòng tránh thiên tai, dịch bệnh... rất lớn nhưng nguồn lực còn hạn hẹp. Việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do, cam kết quốc tế mở ra không gian phát triển rộng lớn nhưng cạnh tranh ngày càng gay gắt, ngay cả tại thị trường trong nước. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ đang là khó khăn, thách thức lớn.

Căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 và xuất phát từ thực tiễn tình hình những tháng đầu năm, Chính phủ xác định nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới:

Một là, tiếp tục thực hiện nhất quán nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách khác để ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm tăng trưởng hợp lý. Thực hiện các giải pháp phù hợp phát triển ổn định thị trường chứng khoán, nâng cao hiệu quả huy động vốn cho doanh nghiệp.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, tập trung chống thất thu, nợ đọng thuế và kiểm soát chặt chẽ chi ngân sách nhà nước. Kiên quyết cắt giảm hoặc lùi thời gian thực hiện các khoản chi chưa thực sự cấp bách. Từng bước xử lý các khoản mà ngân sách còn nợ. Bảo đảm bội chi ngân sách nhà nước trong phạm vi Quốc hội quyết định. Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, quản lý chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia, bảo đảm trong giới hạn an toàn.

Đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản; tập trung vốn để thực hiện đúng tiến độ các công trình hạ tầng quan trọng, cấp bách, hoàn thành trong năm 2014.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu đối với các mặt hàng không khuyến khích. Tăng cường quản lý thị trường, giá cả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, xử lý nghiêm các vi phạm. Tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ thiết yếu theo cơ chế thị trường, bảo đảm tính đúng, tính đủ và công khai minh bạch các yếu tố hình thành giá; đồng thời có chính sách hỗ trợ phù hợp cho các hộ nghèo, đối tượng chính sách xã hội.

Hai là, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Thực hiện có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần củng cố niềm tin của xã hội, người dân và doanh nghiệp. Tập trung xử lý nợ xấu, tăng khả năng tiếp cận vốn; rà soát, loại bỏ các rào cản, vướng mắc; cải cách chính sách thuế, phí, lệ phí; đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là về đăng ký kinh doanh, tín dụng, thuế, hải quan, bất động sản... và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.

Thực hiện các giải pháp thúc đẩy và hỗ trợ phát triển theo đặc thù từng ngành nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và bảo đảm chất lượng đầu tư các dự án công nghiệp trọng điểm. Phát triển mạnh du lịch, kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo; có chính sách tín dụng ưu đãi và bảo hiểm phù hợp đối với ngư dân. Chủ động triển khai các biện pháp phòng tránh và khắc phục kịp thời hậu quả thiên tai, dịch bệnh.

Ba là, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực. Rà soát, hoàn thiện các chính sách thuế, đất đai, xã hội hóa... để khuyến khích doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế thực hiện tái cơ cấu sản phẩm, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, trình Quốc hội sửa Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư và ban hành Luật Đầu tư công, Luật Sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh huy động nguồn lực đầu tư, kể cả đầu tư nước ngoài để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng. Tăng cường kiểm tra, giám sát trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn giám sát trong việc bảo đảm chất lượng, tiến độ công trình và trách nhiệm của các địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng. Tiếp tục xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản.

Chỉ đạo quyết liệt cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo nguyên tắc thị trường và kế hoạch đã được phê duyệt cho từng bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế trong năm 2014 - 2015. Công khai minh bạch kết quả hoạt động theo quy định của pháp luật. Tăng cường quản lý, kiểm tra, thanh tra việc tuân thủ pháp luật, kiện toàn công tác cán bộ, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, nhất là tại các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, tăng cường thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án lớn, công nghệ cao.

Tiếp tục tái cơ cấu các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém, tập trung xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng. Thực hiện quyết liệt Đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Thực hiện tái cơ cấu công nghiệp, tập trung phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ, tăng cường liên kết giữa các tập đoàn đa quốc gia và doanh nghiệp Việt Nam.../.

Vũ Hạnh/VOV online

 
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh