Trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri và nhân dân tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội thứ 7 sáng nay, 20/5, Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Nguyễn Thiện Nhân khái quát về tâm tư, nguyện vọng của cử tri, người dân gửi đến Quốc hội.
Ông Nhân đặc biệt nhấn mạnh về việc nhân dân cả nước rất bất bình vì Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trung Quốc còn huy động một lượng lớn tàu, thuyền, kể cả tàu quân sự và máy bay để bảo vệ cho việc làm trái luật pháp quốc tế này, đe dọa và làm tổn hại tàu, thuyền của Việt Nam hoạt động hợp pháp tại vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Tàu chiến 2 vạn tấn của Trung Quốc kè kè áp sát, bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển Việt Nam.
Ông Nhân khẳng định, nhân dân trong nước, kiều bào sinh sống ở nước ngoài cực lực phản đối hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, gây tổn hại nghiêm trọng cho quan hệ hợp tác hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Cử tri, người dân cũng đồng thời bày tỏ sự đồng tình với lập trường, quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta về vấn đề này qua phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24 và phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI vừa qua.
UB Trung ương MTTQ ghi nhận dư luận tin tưởng và mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục có biện pháp phát huy truyền thống đoàn kết, anh dũng, kiên cường, nhân nghĩa của dân tộc Việt Nam, kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, phù hợp với luật pháp quốc tế. Những việc làm cụ thể nhằm làm cho Chính phủ và nhân dân các nước trên thế giới hiểu rõ và ủng hộ chính nghĩa của Việt Nam, phản đối việc công khai vi phạm luật pháp quốc tế và các thỏa thuận giữa các nước ASEAN và Trung Quốc để Trung Quốc đưa giàn khoan nước sâu ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Dư luận ủng hộ chủ trương giữ ổn định ở khu vực, đảm bảo tự do hàng hải quốc tế, giữ gìn quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc, vì lợi ích của nhân dân hai nước, các nước trong khu vực và trên thế giới.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng nhắc việc dư luận chung kiên quyết phản đối, lên án một số kẻ xấu đã tổ chức các hoạt động xâm phạm quyền, lợi ích của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, ủng hộ chủ trương của Chính phủ xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, làm tổn hại đến các nhà đầu tư và uy tín của đất nước.
Một kiến nghị được đưa ra là Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan nghiên cứu, điều chỉnh việc vay vốn theo hướng tăng định mức và kỳ hạn vay vốn, đồng thời giảm lãi suất cho vay nhằm tạo điều kiện cho ngư dân vay vốn để mua sắm, cải tạo, hoán đổi tàu thuyền đánh bắt xa bờ, cải thiện đời sống ngư dân, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Làm rõ trách nhiệm việc dịch sởi làm chết nhiều trẻ
Những vấn đề dân sinh khác về y tế, giáo dục là điểm nhấn trong báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri của Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam.
Theo đó, cử tri lo lắng vì thời gian qua, nhiều dịch, bệnh diễn ra liên quan đến công tác y tế dự phòng, như: bệnh sởi, bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết… Người dân cho rằng, đây là những bệnh có thể phòng ngừa được nếu như làm tốt công tác y tế dự phòng, chủ động các nguồn lực phòng bệnh. Công tác truyền thông trong phòng, chống dịch bệnh hiệu quả chưa cao, việc kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng ngừa lây nhiễm chéo trong bệnh viện chưa tốt dẫn đến số tử vong do sởi và liên quan tới sởi cao.
Cử tri đề nghị Bộ Y tế khẩn trương tổ chức kiểm tra và tăng cường hơn nữa công tác y tế dự phòng để phòng ngừa bệnh tật và đảm bảo sức khỏe cho nhân dân; đồng thời làm rõ trách nhiệm quản lý, chỉ đạo, điều hành của Bộ Y tế trong việc tiêm vắc xin gây tử vong trẻ sơ sinh, dịch sởi làm chết nhiều trẻ em khiến dư luận bức xúc.
Câu chuyện bệnh viện quá tải và yêu cầu bức thiết giải quyết tình trạng này cũng là một vấn đề MTTQ ghi nhận từ ý kiến các cử tri.
Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Nguyễn Thiện Nhân khái quát về tâm tư, nguyện vọng của cử tri, nhân dân
Lĩnh vực khác, cử tri kiến nghị Quốc hội giám sát chặt chẽ việc thực hiện chủ trương đổi mới sách giáo khoa. Theo đó, việc đổi mới cần tiếp tục được chuẩn bị kỹ để có sự thống nhất, đồng bộ, đảm bảo chất lượng; không lãng phí nguồn lực của Nhà nước và xã hội.
“Cử tri và nhân dân băn khoăn về thông tin 72.000 người tốt nghiệp cao đẳng, đại học, sau đại học chưa có việc làm và đề nghị Chính phủ chỉ đạo làm rõ nguyên nhân và thực hiện các giải pháp đồng bộ để tránh lãng phí nguồn lực của gia đình và xã hội” – Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết.
Tham nhũng vặt nhức nhối, tham nhũng lớn nghiêm trọng
Vấn đề phòng, chống tham nhũng, lãng phí, MTTQ khẳng định, dư luận người dân cả nước bày tỏ vào quyết tâm và các giải pháp phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước thời gian qua. Một số vụ án tham nhũng lớn được đưa ra xét xử kịp thời, được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ, đánh giá cao.
Tuy nhiên, cử tri cho rằng công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế so với yêu cầu và kỳ vọng. Công tác hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng vẫn còn chậm. Nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng thực hiện còn hình thức, nhất là trong vấn đề kê khai tài sản.
Việc phát hiện tham nhũng cũng còn yếu. Số vụ việc tham nhũng được phát hiện và xử lý qua hoạt động của cơ quan thanh tra, điều tra, kiểm toán còn ít. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn rất thấp.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi thêm với Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Đại tướng - Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang bên hành lang Quốc hội (ảnh: Việt Hưng).
“Tình hình tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, nhất là trong quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản và đầu tư công. Tình trạng “tham nhũng vặt”, hối lộ trong lĩnh vực hành chính, dịch vụ công, nạn lót tay, chạy chọt để được việc khi giao dịch với các cơ quan công quyền vẫn còn nhức nhối” – ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Ngoài ra, việc xử lý hành vi tham nhũng ở một số vụ việc cũng bị “phê” là có biểu hiện nương nhẹ; vẫn còn tình trạng lạm dụng quyền hạn để xử lý kỷ luật, xử lý hành chính thay cho việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo quy định của pháp luật.
Cử tri đề nghị chú trọng hơn nữa các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là những người ở những vị trí và lĩnh vực công tác có nguy cơ tham nhũng cao. Các văn bản luật cần quy định các giao dịch có giá trị lớn của cán bộ, công chức, viên chức, người có chức vụ, quyền hạn phải được thực hiện qua ngân hàng để kiểm soát, ngăn ngừa giao dịch bất hợp pháp, rửa tiền, tham nhũng.
P.Thảo (Dân trí)