Trong số hàng trăm doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quý I/2014, 6 đơn vị báo lãi nghìn tỷ sớm nhất năm nay. Hầu hết những công ty này đều có vốn chủ sở hữu ít nhất 15.000 tỷ đồng. Dẫn đầu phải kể đến Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGas, Mã CK: GAS) với lợi nhuận sau thuế 3.195 tỷ đồng.
So với kế hoạch lợi nhuận từng đặt ra hồi đầu năm, PVGas vừa hoàn thành 37%. Tuy vậy, lợi nhuận quý I công ty giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Từng phát biểu tại đại hội cổ đông, Tổng giám đốc PVGas – ông Đỗ Khang Ninh chia sẻ một số khó khăn và cho biết năm nay công ty không có thêm khách hàng mới, giá khí lại cao và không có mỏ khí bổ sung vào hệ thống.
Đây cũng là lý do năm nay mục tiêu lãi của PVGas giảm trên 30%. Dù vậy, sau 3 tháng đầu năm, tổng doanh thu của công ty đạt 16.087 tỷ đồng, vẫn thuộc hàng cao nhất trong số những doanh nghiệp báo lãi nghìn tỷ năm nay.
Ngoài PVGas, khối doanh nghiệp sản xuất còn có Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, Mã CK: VNM) công bố lợi nhuận 1.394 tỷ đồng. Nhưng so với cùng kỳ năm trước, kết quả này cũng giảm gần 9%. Riêng công ty mẹ Vinamilk hạ lãi sau thuế xấp xỉ 10,7%.
Những doanh nghiệp lãi sau thuế trên 1.000 tỷ đồng trong quý I
(đơn vị: tỷ đồng)
Tên doanh nghiệp |
Lợi nhuận sau thuế |
Vốn chủ sở hữu |
PVGas |
3.195 |
35.492 |
BIDV |
1.545 |
33.450 |
Vinamilk |
1.394 |
18.796 |
Vietcombank |
1.169 |
43.958 |
Vietinbank |
1.139 |
55.192 |
Vingroup |
1.068 |
15.549 |
Trong văn bản giải trình gửi Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM, bà Mai Kiều Liên – Chủ tịch HĐQT Vinamilk cho rằng chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao là yếu tố chính khiến công ty giảm lãi. Ngoài ra, theo lãnh đạo này, một phần nguyên nhân nữa là Vinamilk cũng phải chịu thuế cao hơn trước do vừa điều chỉnh lại thuế suất đối với các nhà máy.
Không chỉ vậy, gần đây Vinamilk cũng tăng cường triển khai nhiều hoạt động bán hàng, thực hiện các chương trình khuyến mãi, tiếp thị đến người tiêu dùng nhằm cải thiện sức mua và giữ thị phần.
Tương tự PVGas, Vinamilk cũng là một trong những doanh nghiệp lớn vừa xin cổ đông cho giảm mục tiêu lợi nhuận năm nay trên 8%. Không nêu lý do cụ thể về chuyện hạ chỉ tiêu lãi, Hội đồng quản trị công ty chỉ đưa kế hoạch đầu tư mới cho một số dự án, nhà máy. Dù vậy, xét về doanh thu, Vinamilk vẫn được đánh giá khả quan khi tăng 15% so với cùng kỳ, đạt 7.843 tỷ đồng sau hợp nhất.
So với quý I năm ngoái, danh sách có thêm gương mặt mới là Tập đoàn Vingroup (Mã CK: VIC). Lợi nhuận sau thuế ba tháng đầu năm của đơn vị này tăng gấp 4 lần và trở thành một trong những doanh nghiệp niêm yết báo lãi nghìn tỷ sớm nhất năm nay với 1.068 tỷ đồng. Tổng doanh thu tập đoàn cũng cao gấp 6 lần, đạt 6.175 tỷ đồng.
|
Nhờ nguồn thu từ hai dự án Royal City và Times City, Vingroup vừa trở thành một trong những doanh nghiệp báo lãi nghìn tỷ sớm nhất năm nay. |
Vingroup cho hay, nguồn thu trong kỳ tăng mạnh chủ yếu nhờ chuyển nhượng bất động sản tại hai dự án Royal City và Times City. Ngoài ra, tập đoàn cũng tăng thu hàng chục cho đến cả trăm phần trăm từ hoạt động cho thuê trung tâm thương mại, kinh doanh khách sạn, du lịch.
Dù lãi nghìn tỷ đồng, kết quả kinh doanh của Vingroup chỉ vừa hoàn thành 23% kế hoạch lợi nhuận năm. Hiện doanh nghiệp này có quy mô vốn chủ sở hữu 15.549 tỷ đồng, thấp nhất trong số những công ty báo lãi nghìn tỷ sớm trong năm nay.
Về khối ngân hàng, nhiều nhà băng đã công bố kết quả kinh doanh nhưng chỉ 3 đơn vị báo lãi nghìn tỷ trong quý I. Những nhà băng này đều có vốn chủ sở hữu đến ngày 31/3 ít nhất 33.000 tỷ đồng. Dẫn đầu là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với 1.544 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng xấp xỉ 35%.
Theo báo cáo hợp nhất, ngoại trừ chứng khoán đầu tư lỗ, các mảng khác của BIDV đều báo lãi. Dù tín dụng chỉ tăng 1,8% so với cuối năm 2013, nhưng khoản mục thu nhập lãi thuần vẫn tăng trưởng tốt 12% khi đạt gần 3.500 tỷ đồng.
Trong văn bản giải trình biến động lợi nhuận, Phó tổng giám đốc nhà băng – ông Trần Xuân Hoàng cho biết thêm yếu tố khiến nhà băng lãi lớn còn do thu ròng từ góp vốn mua cổ phần hợp nhất tăng 145% so với cùng kỳ năm trước.
Hai ngân hàng còn lại thuộc top lãi nghìn tỷ sớm nhất năm nay là Công thương Việt Nam (Vietinbank) và Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Đây cũng là những gương mặt từng báo lãi khủng sớm nhất năm ngoái.
Trao đổi với VnExpress, chuyên gia phân tích tại một công ty chứng khoán top 10 thị phần cho rằng do quy mô vốn lớn nên đa số các doanh nghiệp trên đều thu lợi nhuận nghìn tỷ từ rất sớm. Với đặc thù hoạt động trong lĩnh vực tài chính, các ngân hàng cũng phải có lợi nhuận cao để bảo đảm các chỉ tiêu an toàn vốn.
Dù vậy, chuyên gia này đánh giá mức sinh lời trên vốn chủ sở hữu của các ngân hàng trong bối cảnh hiện tại chưa thực sự khả quan, nhất là khi tăng trưởng tín dụng không cao. Còn đối với những doanh nghiệp còn lại, là đơn vị đầu ngành, cộng thêm quy mô vốn lớn, chuyện lãi cao cũng là điều dễ hiểu. Nhưng những công ty này cũng chưa đủ để có thể khẳng định về sự khởi sắc của nền kinh tế trong năm nay, ông chia sẻ.
Ngoài những yếu tố tác động từ doanh thu, vị chuyên gia phân tích thêm việc chi phí tài chính giảm cũng góp phần giúp doanh nghiệp tăng lãi trong quý I. Hơn nữa, trường hợp doanh nghiệp đầu ngành hầu như không có đối thủ tiếp tục là lợi thế để những đơn vị như vậy duy trì lợi nhuận cao.