| | | | |
Vietnamese
English
DANH MỤC MENU
LIÊN KẾT
THÔNG TIN CẦN BIẾT
BỘ ĐẾM TRUY CẬP
 
Hôm nay: 11,084
Tất cả: 99,773,218
 
 
Bản in
Giải pháp phát huy tiềm năng du lịch Nghệ An
Tin đăng ngày: 23/5/2014 - Xem: 1473
 

Nghệ An được biết đến là địa phương có diện tích lớn nhất của cả nước, dân số trên 3,1 triệu người. Xét về phương diện du lịch, Nghệ An đang sở hữu rất nhiều tiềm năng và lợi thế để phát huy thế mạnh của nền công nghiệp không khói. Tuy nhiên, cho đến nay hiệu quả thu được từ du lịch vẫn chưa tương xứng. Để góp phần làm rõ thêm những nguyên nhân và giải pháp thúc đẩy hoạt động du lịch dịch vụ của Nghệ An, phóng viên Báo Nghệ An đã có cuộc trao đổi với  ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Giám đốc Sở VH -TT&DL Nghệ An và ông Nguyễn Nam Đình - Bí thư Thị ủy Cửa Lò. 

 
Phóng viên (P.V): Trước tiên, xin hỏi ông Nguyễn Mạnh Cường. Nghệ An luôn được biết đến là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Vậy thời gian qua ngành Du lịch tỉnh đã khai thác tiềm năng này như thế nào thưa ông?

 

Bãi tắm Cửa Lò.	Ảnh: sỹ minh
Bãi tắm Cửa Lò.  Ảnh: sỹ minh
 
Ông Nguyễn Mạnh Cường: Để khai thác có hiệu quả tiềm năng và nguồn tài nguyên du lịch, Sở VH - TT&DL đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về du lịch cho đến năm 2020 có tính đến năm 2030. Sau đó đã ban hành chương trình hành động theo nhiệm kỳ đại hội của UBND tỉnh. Đặc biệt đã được UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 gắn với quy hoạch phát triển du lịch biển đảo. 
 
Song song với công tác quy hoạch, Sở VH - TT&DL còn chủ động tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh kịp thời có các chủ trương, chính sách để chỉ đạo ngành Du lịch có những liên kết, phối hợp cùng với các sở, ngành, các tỉnh trong cả nước cũng như các quốc gia liên quan đến hệ thống phát triển du lịch cho Nghệ An. Nhất là xây dựng các tour, tuyến theo mối liên kết trong nước cũng như quốc tế. Một vấn đề nữa đó là Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm chỉ đạo UBND tỉnh xây dựng một hệ thống hạ tầng kỹ thuật khá đồng bộ cho ngành Du lịch. Chính sách đầu tư du lịch cũng có những bước thay đổi đáng kể, góp phần thu hút các nhà đầu tư về du lịch đến với Nghệ An trong thời gian vừa qua.  Nhờ vậy, trong những năm qua du lịch Nghệ An đã có bước phát triển hiệu quả và bền vững, lượng khách du lịch giai đoạn 2010-2013 tăng bình quân 6,4%/năm, doanh thu dịch vụ du lịch tăng 22%/năm. Chỉ tính riêng năm 2013, tổng lượt khách du lịch đạt trên 3,2 triệu lượt, doanh thu dịch vụ du lịch đạt xấp xỉ 2.100 tỷ đồng. Du lịch đang từng bước trở thành một ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.
 
P.V: Trong những địa danh và điểm đến của du lịch Nghệ An, Cửa Lò được đánh giá có bãi biển đẹp và cơ sở hạ tầng tốt nhất. Thị xã đã có những biện pháp như thế nào để khai thác tiềm năng, lợi thế đó?
 
Ông Nguyễn Nam Đình: Với mục đích đa dạng hóa sản phẩm, kéo dài thời gian du lịch trong năm, bên cạnh những nỗ lực cao nhất để tiếp tục duy trì, phát triển thương hiệu du lịch đã có chúng tôi đang tập trung vào 2 nhóm giải pháp để có thể khai thác nhiều hơn nữa tiềm năng của du lịch Cửa Lò. 
 
Nhóm giải pháp thứ nhất: Tập trung khai thác vào các hoạt động du lịch tâm linh, du lịch lễ hội, du lịch làng nghề và du lịch hội nghị. Về du lịch tâm linh, chúng tôi tập trung tôn tạo các di tích lịch sử tâm linh, khôi phục các lễ hội truyền thống, phục dựng các nghi lễ, phong tục độc đáo của người dân miền biển, trong đó có các lễ hội nổi bật qua nhiều năm như Lễ hội Đền Vạn Lộc, Lễ hội Chùa Song Ngư, Lễ hội cầu ngư, Lễ hội đua thuyền... Đối với du lịch văn hóa thì tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao mang tính chất cộng đồng và du lịch Cửa Lò hàng năm sẽ gắn với chương trình nghệ thuật "Nối vòng tay biển", "Tình ca Song Ngư", Tuần văn hóa biển bên chợ biển, Lễ hội ẩm thực, các giải thể thao như giải golf, tennis... để thu hút thêm du khách. Về du lịch làng nghề sẽ khôi phục, duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống như đánh bắt, nuôi trồng và chế biến hải sản ở các phường Nghi Tân, Nghi Thủy, Nghi Hải... đồng thời xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất mới để tạo nguồn cung ứng hậu cần cho hoạt động du lịch, đặc biệt tập trung vào trồng rau xanh, hoa tươi ở các phường Nghi Thu, Nghi Hòa. 
 
Chúng tôi cũng sẽ chú trọng du lịch hội nghị. Để làm tốt việc này thì Cửa Lò cần tăng cường xúc tiến và thu hút đầu tư các dự án hạ tầng về du lịch lớn để khai thác lợi thế, trong đó tập trung vào khai thác lợi thế du lịch đảo như bán đảo Lan Châu, đảo Mắt và đặc biệt tập trung vào đảo Ngư. Trong năm 2014, chúng tôi đã rất thành công trong hoạt động này, thứ nhất là thu hút được Dự án quần thể du lịch sinh thái, thể thao, biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp ở đảo Song Ngư, Lan Châu và đã được đưa vào khai thác trong năm nay với việc hình thành tuyến du lịch bằng đường biển từ bán đảo Lan Châu ra đảo Song Ngư và triển khai các dịch vụ ăn uống trên đảo Song Ngư. Dự án thứ hai mà chúng tôi đang triển khai nhanh là xây dựng khách sạn Mường Thanh - Cửa Lò với quy mô 27 tầng và 420 phòng. Theo đúng tiến độ thì dự án này sẽ được đưa vào khai thác giữa năm 2015 để phục vụ du khách và đặc biệt là phục vụ các sự kiện, hội nghị có quy mô lớn.
 
Nhóm giải pháp thứ hai: Chúng tôi tập trung tăng cường liên kết với các địa bàn du lịch trọng điểm trong tỉnh như TP. Vinh, Kim Liên (Nam Đàn), Truông Bồn (Đô Lương); các địa bàn du lịch ngoại tỉnh như Khu di tích Nguyễn Du (Nghi Xuân, Hà Tĩnh), Vũng Chùa - Đảo Yến, Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình); các địa bàn trọng điểm ở nước ngoài, tập trung vào các tỉnh nước Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan. Chúng tôi cho rằng, việc quảng bá du lịch trong nước và các nước trong khu vực cũng như tỉnh làm vừa rồi, mở thêm các tuyến bay nội địa và quốc tế đi Đà Lạt, Buôn Mê Thuột, Đà Nẵng, Viêng Chăn; ký kết liên kết giữa Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch với 3 địa bàn trọng điểm du lịch là Cửa Lò - TP. Vinh - Nam Đàn. Đặc biệt là việc tăng đột biến lượng du khách đến Vũng Chùa - Đảo Yến, Phong Nha - Kẻ Bàng trong năm nay sẽ là cơ hội để Cửa Lò khai thác tốt hơn nữa tiềm năng du lịch của mình với việc hình thành các tua, tuyến mới, từ đó chúng ta sẽ đa dạng hóa các sản phẩm  và kéo dài thời gian khai thác du lịch cũng như thời gian lưu trú của khách.
 
P.V: Thời gian qua lãnh đạo tỉnh cũng như ngành Văn hóa  - Thể thao và Du lịch cùng nhiều địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền xúc tiến quảng bá du lịch của Nghệ An trong nước cũng như ở nước ngoài. Vậy ông Nguyễn Mạnh Cường có thể cho biết hiệu quả bước đầu của công tác này như thế nào?
 
Ông Nguyễn Mạnh Cường: Sở VH - TT&DL đã tham mưu cho UBND tỉnh chủ trì ký kết với Thị xã Cửa Lò, Thành phố Vinh, Nam Đàn, 3 trọng điểm du lịch lớn của tỉnh trở thành đầu mối đưa, đón khách và từ đó quảng bá hình ảnh của 3 điểm đến này đến bạn bè trong nước và quốc tế bằng nhiều hình thức. Ví dụ, chúng tôi đã tổ chức Road Show tại Thái Lan để quảng bá về du lịch Nghệ An với 20 tỉnh vùng Đông Bắc Thái Lan và mời cả ông Phó Tỉnh trưởng của tỉnh Udonthani chủ trì để quảng bá hình ảnh du lịch của chúng ta đến với các tỉnh của Thái Lan. Đây là 20 tỉnh không có biển, họ đi sang nước ta bằng tour 1 ngày ăn cơm 3 nước. Cũng từ Road Show đã tăng lượng khách du lịch Thái Lan  đến tỉnh ta bằng các hãng lữ hành của ta và của bạn. Hiệu quả của hoạt động này có tác động rõ ràng.
 
Tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh liên kết xúc tiến du lịch ở Lâm Đồng, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, để quảng bá qua các kênh truyền thông, thông tin đại chúng, các cơ quan thông tấn báo chí của các tỉnh bạn để quảng bá du lịch của Nghệ An, để mọi người biết đến Nghệ An nhiều hơn.
 
P.V: Đó là ở tầm vĩ mô của tỉnh, còn đối với Thị xã Cửa Lò, thưa ông Nguyễn Nam Đình, Cửa Lò đã có những nét mới nào trong việc đẩy mạnh quảng bá du lịch để thu hút du khách?
 
Ông Nguyễn Nam Đình: Thứ nhất, trong hoạt động chung quảng bá du lịch của tỉnh thì Cửa Lò cũng đã tích cực tham gia. Chúng tôi tổ chức các cuộc họp báo tại Hà Nội, các cuộc giao ban báo chí toàn quốc, tham gia các hoạt động du lịch ở Lào, Thái Lan, Đà Lạt, Lâm Đồng, TP. Hồ Chí Minh... Cửa Lò đã được biết đến nhiều hơn, đặc biệt đối với các tỉnh phía Nam vốn không biết nhiều về Cửa Lò những năm trước. Thứ hai, cách quảng bá tốt nhất là chúng ta phải làm tốt hoạt động quản lý du lịch và thương hiệu đã được xây dựng phải tiếp tục duy trì, phát triển để lên một tầm cao mới.
 
Sau 20 năm thành lập và phát triển, chú trọng vào du lịch, đến thời điểm này Cửa Lò cần phải có những đột phá mới về phát triển du lịch. Trước hết là vươn ra biển đảo bên cạnh du lịch tắm biển. Liên kết với các địa bàn khác trong tỉnh, ngoài tỉnh và nước ngoài. Điều mà chúng tôi cũng rất quan tâm đó là tiếp tục tuyên truyền, nâng cao thay đổi nhận thức của chính quyền, của nhân dân và đặc biệt là các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch ở địa bàn thị xã. Chỉ bằng việc phục vụ tốt nhất các du khách đã đến Cửa Lò thì chúng ta đã quảng bá rất hiệu quả du lịch Cửa Lò thông qua sự lan tỏa của các du khách.
P.V: Nghệ An đang có một hệ thống di tích lịch sử có nhiều khả năng để khai thác các hoạt động du lịch. Ông Nguyễn Mạnh Cường có thể cho biết thêm những giải pháp để phát huy những giá trị lịch sử gắn với du lịch?
 
Ông Nguyễn Mạnh Cường: Chúng ta là tỉnh lớn nên cũng có lượng di tích khá lớn. Theo số liệu thống kê năm 2012, toàn tỉnh có 1.395 di tích lịch sử. Trong đó 132 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 152 di tích lịch sử xếp hạng cấp tỉnh. Để phát huy những giá trị lịch sử thông qua hệ thống di tích lịch sử, văn hóa này thì thời gian vừa qua UBND tỉnh có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích cộng đồng vào việc bảo tồn tôn tạo, phục dựng các di tích, danh thắng trên địa bàn bằng phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Bởi vậy, hệ thống di tích ở Nghệ An ngày càng khang trang, sạch, đẹp hơn và thu hút hoạt động của du khách đến với các di tích cũng lớn hơn. Ví dụ như: đền Cờn, đền Quả Sơn, đền Cuông, đền thờ Nguyễn Xí, đền Quang Trung, đền Ông Hoàng Mười, đặc biệt là Khu di tích Kim Liên - Nam Đàn trở thành điểm đến không thể thiếu đối với mỗi người dân và du khách khi đến với Nghệ An.
 
Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng vi phạm di tích ở một số nơi, hay việc tu bổ, trùng tu, tôn tạo di tích chưa tuân theo quy định của Luật Di sản nên không phát huy được giá trị nguyên gốc của nó. Hệ thống tư vấn phục hồi, tôn tạo các di tích lịch sử trên địa bàn Nghệ An cũng còn rất hiếm. Đây cũng là những khó khăn trong quá trình phục vụ khách du lịch đến với Nghệ An thông qua việc tìm hiểu hệ thống các công trình lịch sử, di tích văn hóa trên địa bàn, thiết kế, chỉ đạo chuyên môn, dẫn đến không ít công trình bị biến dạng, thiếu không gian để quy hoạch các dịch vụ phục vụ khách du lịch. Trong thời gian tới, ngành sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ các di tích lịch sử, văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong cộng đồng. Tăng cường công tác xã hội hóa trong bảo tồn, phát huy giá trị của di tích lịch sử, văn hóa, gắn việc bảo tồn, phát huy di tích với phát triển du lịch. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc trùng tu, tôn tạo và đảm bảo an ninh, an toàn và vệ sinh môi trường tại các di tích.
 
P.V: Một vấn đề khác, đó là sản phẩm du lịch. Nhiều du khách cho rằng, Nghệ An chưa có sản phẩm lưu niệm du lịch gì đặc sắc để họ mua làm quà, hoặc có thì mẫu mã, đóng gói còn sơ sài, ông Nguyễn Mạnh Cường có suy nghĩ gì về vấn đề này?
 
Ông Nguyễn Mạnh Cường: Sản phẩm du lịch là một điều trăn trở rất lớn không chỉ của  ngành Du lịch Nghệ An mà còn của các địa phương khác. Một sản phẩm du lịch phải nói lên được nền văn hóa của tỉnh nào đó, hoặc một đất nước nào đó. Gần đây, Sở VH - TT&DL Nghệ An đã tham mưu cho UBND tỉnh Nghệ An tổ chức cuộc thi  "Sáng tạo sản phẩm lưu niệm đặc trưng Nghệ An" qua đó nhằm quảng bá về hình ảnh và du lịch Nghệ An đến với du khách trong nước và quốc tế. Nhưng rồi cuộc thi đã không thành công, mặc dù có rất nhiều nhà điêu khắc, họa sỹ, nghệ nhân và doanh nghiệp tham gia. Chúng ta vẫn chưa tìm được một sản phẩm đặc trưng cho du lịch Nghệ An. 
 
Trong thời gian tới đây, tôi nghĩ rằng câu hỏi này của bạn vẫn là nỗi trăn trở lớn của ngành Du lịch Nghệ An. Chúng tôi sẽ tiếp tục phát động và tổ chức cuộc thi để tìm ra sản phẩm du lịch và thông qua sản phẩm này chúng ta sẽ hiểu được du lịch Nghệ An đang nẳm ở mức độ nào.
 
P.V: Liên quan đến vấn đề sản phẩm du lịch của Cửa Lò, thưa ông Nguyễn Nam Đình, ông có thể chia sẻ thêm điều gì? 
 
Ông Nguyễn Nam Đình: Đối với du khách, ngoài các tour, tuyến, thì các sản phẩm du lịch, quà tặng cũng là một yếu tố quan trọng mà họ quan tâm trong các chuyến đi nghỉ. Quà tặng phải mang tính chất riêng của Nghệ An nói chung, Cửa Lò nói riêng và còn phải rất tiện dụng trong việc vận chuyển, bảo quản. Nếu chúng ta làm được điều đó thì ngoài là kỷ niệm của du khách đến Nghệ An để họ quay lại những lần sau, đồng thời nếu là quà tặng cho những người chưa đến Nghệ An thì cũng là một thông điệp để giới thiệu về Nghệ An và Cửa Lò. Đối với Cửa Lò hiện nay mới chỉ tập trung vào vài mặt hàng như cá thu nướng, nước mắm đã được Sở Khoa học & Công nghệ công nhận là thương hiệu. Những món quà này về mặt ẩm thực có hiệu quả nhưng về việc di chuyển hay lưu giữ lâu dài và làm quà cho người khác thì còn hạn chế. Tuy Cửa Lò vẫn có mặt hàng quà lưu niệm nhưng có thể do vấn đề lợi nhuận nên các hộ kinh doanh ở Cửa Lò chưa tự làm ra các sản phẩm của chính mình mà chủ yếu nhập ở các nơi khác về bán. Đó cũng là trăn trở của Cửa Lò, và chúng ta cần phải có một cái gì đó như logo, sản vật tinh xảo, nhỏ gọn, độc đáo, dễ vận chuyển và lưu giữ lâu dài.
 
P.V: Một vấn đề không kém phần quan trọng, đó là làm thế nào để Nghệ An tăng lượng khách lưu trú, từ đó khai thác dịch vụ và tăng nguồn thu. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng trên địa bàn tỉnh ta chưa làm tốt vấn đề này. Thưa ông Nguyễn Mạnh Cường, ông có đánh giá như thế nào?
 
Ông Nguyễn Mạnh Cường: Phải nói rằng trong thời gian vừa qua chúng tôi đánh giá lượng khách lưu trú ở Nghệ An còn thấp. Chúng ta mới chỉ điểm dừng nhiều hơn là điểm đến. Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, nó gắn với nhiều ngành, nhiều vùng và tính liên kết rất cao, rất chặt chẽ. Khi đến Nghệ An, khách đến Cửa Lò và một số điểm như Vinh, Nam Đàn thì nghỉ xong rồi đi, ở đâu nữa là một bài toán. Tôi nghĩ rằng việc này không chỉ có ngành Du lịch mà cả Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đều trăn trở. Làm thế nào để thay đổi nhận thực của người dân, để rồi thu hút các nhà đầu tư không chỉ trong nước mà còn quốc tế đến với Nghệ An để đầu tư các sản phẩm du lịch một cách hoàn chỉnh. Ví dụ như chúng ta rất thiếu các khu vui chơi giải trí, các khu mua sắm ở Cửa Lò.
 
Tôi cũng đồng ý với ý kiến của ông Bí thư Thị ủy Cửa Lò vừa nêu. Đó là du khách đến Cửa Lò chủ yếu là nghỉ dưỡng, tắm biển rồi tham quan một vài di tích, danh thắng. Cửa Lò hiện chưa có các điểm vui chơi, giải trí, mua sắm để giữ chân du khách. Điều này không chỉ xảy ra ở Cửa Lò mà ngay cả ở Vinh và phụ cận đều thiếu. Trong đề án thu hút đầu tư dịch vụ du lịch của Sở VH - TT&DL, chúng tôi đã tham mưu cho UBND tỉnh từ nay cho đến năm 2020 phải làm thế nào thu hút cho được các doanh nghiệp đầu tư một đến hai khu vui chơi giải trí, khu mua sắm lớn để phục vụ cho du khách, nhằm kéo du khách đến Nghệ An và lưu trú thời gian dài hơn.
 
P.V: Còn đối với Thị xã Cửa Lò, vấn đề này cần có các giải pháp như thế nào thưa ông Nguyễn Nam Đình?
 
Ông Nguyễn Nam Đình: Trong việc phát triển du lịch, liên kết là một trong những điều kiện then chốt quyết định sự thành công của nó. Với Cửa Lò nếu chỉ có biển và hải sản sẽ không giữ chân được du khách. Do đó, ngoài việc đa dạng hóa các sản phẩm du lịch ngay tại Cửa Lò thì chúng ta cần phải có sự liên kết, vì có những cái Cửa Lò không thể có. Chúng tôi đang quan tâm việc hình thành các tua, tuyến mới, trong đó lấy Cửa Lò - TP. Vinh làm trung tâm, rồi sẽ đi thăm Khu di tích Kim Liên (Nam Đàn), sắp tới Khu di tích lịch sử Truông Bồn cũng chuẩn bị được đưa vào khai thác sử dụng và các di tích khác như đền thờ Vua Quang Trung, đền Ông Hoàng Mười, Khu di tích Nguyễn Du... nó sẽ tạo ra sự liên kết giữa các địa phương, khai thác các lợi thế của các địa phương với nhau.
 
Ngoài ra, năm nay có nhiều điểm mới như Vũng Chùa - đảo Yến, đa số du khách ở miền Bắc vào thắp hương viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì đều chọn Vinh và Cửa Lò làm điểm dừng chân, đó là một điểm chúng ta cần phải lưu ý khai thác. Theo tôi, Sở VH-TT&DL, TP. Vinh, Nam Đàn và Cửa Lò nên tổ chức một cuộc làm việc với tỉnh Quảng Bình và địa danh Phong Nha - Kẻ Bàng, Vũng Chùa - đảo Yến để bàn về chuyện này. Thực tế du lịch của chúng ta là du lịch biển, du lịch trong Quảng Bình là du lịch hang động và du lịch tâm linh, nó sẽ là chuyến đi phong phú cho du khách vì mỗi lần đi xa chắc chắn du khách, muốn dừng nhiều nơi, vấn đề là chúng ta chưa có cái gì để họ dừng chân. Vì vậy việc liên kết sẽ có hiệu quả rất là tốt.
 
P.V: Qua đây, ông có gửi thông điệp gì của Cửa Lò đến du khách cả nước?
 
Ông Nguyễn Nam Đình: Trong năm 2014 này Cửa Lò tròn 20 tuổi. Cùng với các hoạt động chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập Thị xã Cửa Lò, các hoạt động du lịch Cửa Lò cũng có nhiều. Tôi có thể khẳng định rằng, Cửa Lò sẽ xanh - sạch - đẹp hơn, thân thiện và mến khách hơn. Và điều này cũng đã được nhiều người ghi nhận và đánh giá như vậy. Cửa Lò sẽ có nhiều sản phẩm hơn, nhiều sự kiện du lịch hơn và chắc chắn sẽ thu hút được nhiều du khách hơn. Trong dịp 30/4 và 1/5, với điểm nhấn là chương trình nghệ thuật "Bình minh Cửa Lò" và chương trình văn nghệ "Tình ca Song Ngư", Cửa Lò đã thu hút được hơn 150.000 lượt khách, trong đó có hơn 60.000 lượt khách lưu trú. Trong năm nay thời tiết cũng rất thuận lợi, lượng du khách ngày càng tăng so với thời điểm ngày 1/5. Tôi cho rằng với điều kiện thời tiết này, với những cái mà Cửa Lò đã làm được, trong tháng cao điểm về du lịch (tháng 6, tháng 7 và tháng 8), chắc chắn du khách sẽ đến với Cửa Lò nhiều hơn nữa. Xin gửi đến tất cả các du khách là Cửa Lò rất hân hạnh chào đón quý khách về với Cửa Lò.
 
P.V: Trân trọng cảm ơn ông Nguyễn Mạnh Cường và ông Nguyễn Nam Đình!
 
PV - Báo Nghệ An (Thực hiện)
 
,
  Các bài mới:
Nghệ An tổ chức Đại hội Liên đoàn Quần vợt nhiệm kỳ 2023 - 2028(15/4/2023)
BHXH Việt Nam bổ sung tính năng hiển thị thời gian chưa đóng BHXH, BHTN trên ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số”(16/3/2023)
Tham gia BHYT trước 01/7/2023: Người dân không phải đóng bù phần chênh lệch do tăng lương cơ sở(24/2/2023)
PHAN BỘI CHÂU - TẦM NHÌN VƯỢT THỜI ĐẠI(27/1/2023)
Diễn biến “nóng” vụ Xuân Bắc viết status "Cái tát của mẹ"(27/1/2023)
Lập xuân 2023 là ngày nào?(27/1/2023)
Lễ kỷ niệm 234 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa tại Nghệ An(27/1/2023)
Nghệ An: 129 lái xe vi phạm nồng độ cồn bị xử lý dịp Tết(27/1/2023)
  Tin kinh tế:
Phường Cửa Nam (TP. Vinh): Huy động sức dân làm đẹp cho những tuyến đường (20/1/2023)
Nghệ An: Lao động tự do gồng mình kiếm thu nhập ngày cận tết (15/1/2023)
Giá xăng hôm nay có thể giảm (11/1/2023)
Nghệ An: Đào dáng rồng được chào giá cho thuê hàng trăm triệu đồng (10/1/2023)
Nghệ An: Mở đợt cao điểm chống buôn lậu và hàng giả dịp Tết Nguyên đán Quý Mão (2/1/2023)
Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh năm 2022 đạt 21.152 tỷ đồng (26/12/2022)
Nghệ An kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT cho phép tổ chức một số chuyến bay charter đến Cảng hàng không quốc tế Vinh (21/12/2022)
Thủ tướng chỉ đạo các biện pháp bảo đảm thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh, an toàn, hiệu quả (14/12/2022)
Đề xuất xây mới nhà ga T2 công suất 8 triệu khách/năm tại sân bay Vinh (12/12/2022)
Thành phố Vinh mở rộng gấp đôi, lộ diện trung tâm kinh tế đắt giá mới (6/12/2022)
THÔNG TIN CẦN BIẾT
Lịch công tác UBND
Văn bản pháp quy
Văn phòng điện tử
Dịch vụ công trực tuyến
Album ảnh Nghệ An
Truyền hình TP Vinh
Liên hệ - Góp ý
Phiên bản Mobile
TRUYỀN HÌNH TP VINH
Loading the player...
LIÊN KẾT WEBSITE
 
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh


Thiết kế Website