Thiếu tinh thần trách nhiệm!
Nam Đàn là huyện đồng bằng bán sơn địa có diện tích rừng và đất lâm nghiệp 7.448 ha, trong đó chủ rừng là BQL rừng đặc dụng quản lý 5.633 ha, diện tích còn lại là do UBND xã quản lý. Chưa kể là Nam Đàn còn có hơn 7.000 ha rừng trồng thông, keo. Trong những năm qua Nam Đàn là địa phương xảy ra nhiều vụ cháy rừng. Năm 2013, để xảy ra cháy rừng 7 vụ ở 4 xã, trong đó xã Nam Xuân 3 vụ, Khánh Sơn 2 vụ, Nam Thượng 1 vụ, Nam Thanh 1 vụ. Trong 7 vụ cháy thì có 4 vụ cháy do người dân các xã cố ý gây ra. Từ đầu vụ nắng nóng năm 2014 đến nay, Nam Đàn đã để xảy ra 6 vụ ở 7 địa điểm bao gồm các xã Nam Lĩnh, Nam Thanh, Nam Nghĩa, Nam Lộc, Nam Tân, Khánh Sơn…Trong đó có 3 vụ cháy lan, còn lại 4 vụ cháy được ngành chức năng nghi ngờ có kẻ cố tình đốt.
Điển hình như vụ cháy ngày 1/6 tại xã Nam Lộc, 3 đám cháy rừng thông xảy ra cùng một thời điểm. Ông Đinh Xuân Quế -Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn cho biết: Các vụ cháy đều nghi ngờ có đối tượng đốt, vì xảy ra cháy rừng ở các vị trí và vào thời điểm nhạy cảm. Cụ thể là hầu như xảy ra cháy ở các vị trí cao như vụ cháy ngày 4/6 ở Nam Lĩnh xuất phát đám cháy ở lưng chừng núi, tại Nam Nghĩa bị đốt gần đỉnh núi. Thời điểm nhạy cảm là tại Nam Thanh bị đốt trong giai đoạn xã đang huy động lực lượng bà con nhân dân đi chữa cháy ở Nghi Công (Nghi Lộc), cháy ở Nam Nghĩa khi bà con xã Nam Nghĩa đang lo chữa cháy cho xã Nam Thanh, cháy tại xã Nam Lĩnh trong thời điểm UBND huyện Nam Đàn đang triệu tập các cán bộ xã có rừng về để triển khai bổ cứu công tác PCCCR …
Qua các vụ cháy ở Nam Đàn, bộc lộ sự yếu kém trong công tác PCCCR của chủ rừng và chính quyền địa phương, đặc biệt là khâu huy động lực lượng tại chỗ để chữa cháy rừng. Vẫn còn đó tình trạng một số người đi dập lửa theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, “xem cháy rừng là chính”, còn lực lượng chủ công chữa cháy vẫn là bộ đội, kiểm lâm và dân quân tự vệ …
Chúng tôi về tại đập Ba Khe ở xóm 4, xã Nam Lộc, cả một vùng rừng bị cháy rụi đen ngòm vẫn còn hăng mùi khét. Được biết ngọn lửa bùng phát đầu tiên tại đập Ba Khe, xóm 4 vào khoảng 11giờ 30 phút chỉ cách Trạm Quản lý bảo vệ rừng Ban Quản lý rừng phòng hộ chừng 700m, nhưng do huy động lực lượng tại chỗ quá chậm và ít người tham gia dập lửa nên ngọn lửa bùng phát lây lan thành đám cháy lớn. Ông Nguyễn Ngọc Lễ - Trưởng xóm 4 chia sẻ: Xóm 4 có 177 hộ dân nhưng tham gia chữa cháy chưa đầy 60 người, các đợt chữa cháy khác bà con tham gia trên 140 người. Nguyên nhân ít người tham gia chữa cháy là do bà con đang bận gieo cấy, thu hoạch lạc và dưa hấu, chưa kể về cơ chế đãi ngộ người dập lửa rừng còn thấp, từ năm 2012-2013 mỗi người tham gia dập lửa chỉ được 20.000 đồng. Chị Đậu Thị Khánh ở xóm 4 phân trần: Chúng tôi do bận làm mùa nên cũng không thể tham gia được, hơn nữa đám cháy quá lớn không thể tiếp cận được.
Còn nguyên nhân dễ xảy ra cháy rừng là do cơ chế giao khoán rừng giữa người dân với Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Đàn từ những năm 2006 đến nay chưa phù hợp nên người dân chưa tham gia bảo vệ rừng, trong khi lực lượng của Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Đàn còn quá ít. Trong phương án PCCCR của xã Nam Lộc năm 2014 “phải quan tâm công tác phòng là chính, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”. Mỗi khi ở xóm nào có cháy rừng xảy ra thì huy động lực lượng tại chỗ để dập lửa rừng…”. Tuy nhiên, khi phát hiện thấy cột khói đầu tiên ở đập Ba Khe thì xã vẫn chậm trong huy động lực lượng để lửa cháy lan rộng. Nhiều người dân đi dập lửa không có dụng cụ, một số chỉ đứng xem rừng cháy.
Xã Nam Lộc có 7 xóm thì UBND xã chỉ mới huy động được 4 xóm lân cận khu vực cháy, mỗi xóm khoảng chừng trên 60 người cộng với lực lượng dân quân xã nên không thể dập nổi lửa. Để tình trạng lửa bén cháy rộng khắp từ 11 giờ 30 phút đến 18 giờ 30 phút mới khống chế được, lực lượng khống chế chủ yếu là bộ đội đóng trên địa bàn và lực lượng kiểm lâm huyện, tỉnh. Không thể phủ nhận công sức của một số bà con tích cực tham gia dập lửa, tuy nhiên, do chỉ đạo chưa sát sao, khoa học nên người dân tham gia chữa cháy không hiệu quả. Chị Nguyễn Thị Tâm ở xóm 3 thừa nhận: “Chúng tôi có đi chữa cháy rừng nhưng do chưa được tuyên truyền, tập huấn PCCCR nên khi xảy ra cháy rừng thật sự rất lúng túng, chưa biết cách chữa cháy ra sao…”.
Trao đổi về vấn đề chữa cháy rừng ở Nam Lộc chưa hiệu quả, ông Hoàng Nghĩa Hùng - Chủ tịch UBND xã Nam Lộc lấp lửng: Khó khăn trong việc kiểm soát lửa rừng do địa bàn quá rộng với gần 600 ha rừng, trong đó 315 ha rừng do Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Đàn quản lý, còn lại là do xã quản lý. Chúng tôi đang phối hợp với Trạm Quản lý bảo vệ rừng Nam Lộc để quản lý chặt chẽ người vào rừng và phát hiện lửa rừng. Tuy nhiên, khi chúng tôi vào Trạm Quản lý bảo vệ rừng Nam Lộc thì chỉ thấy có mỗi một cán bộ của Ban là ông Ngũ Thanh Chương đang túc trực, hoàn toàn không thấy cán bộ xã phối hợp kiểm soát lửa rừng.
Sang xã Nam Tân trời đã xế chiều, rừng thông bị cháy loang lổ nằm sát ở khu vực dân cư. Tại Nam Tân chỉ trong 2 ngày xảy ra 2 vụ cháy, vụ thứ nhất ngày 3/6 bị cháy lan từ xã Nam Lộc sang, khoảng 16 giờ 30 phút ngày 4/6 lại bị cháy từ Thanh Lâm - Thanh Chương sang khu vực xóm 1, xã Nam Lộc. Sau khi xảy ra cháy lan sang tại khu vực xóm 1 này thì UBND xã và huyện chỉ huy động được lực lượng tại chỗ của xóm 7, còn hầu hết lực lượng các xóm khác đi rất ít. Ông Nguyễn Hữu Luận ở 7 xóm nói: Do ban đêm tối, địa thế hiểm trở, nên chúng tôi không đi dập lửa được. Ông Nguyễn Đình Dung, xóm trưởng xóm 7 cho biết: “Xóm có 156 hộ dân nhưng chúng tôi chỉ huy động được chưa đầy 30 người đi”. Vấn đề là UBND xã Nam Tân cũng chưa thật sự đốc thúc nhiệt tình để người dân tham gia chữa cháy, lực lượng dập lửa chỉ lèo tèo nên không thể khống chế được lửa, lửa cháy từ 4 giờ 3 phút chiều ngày 4/6 đến gần 1 giờ sáng ngày 5/6 mới dập được. Ông Chu Văn Thịnh - cán bộ chuyên trách nông nghiệp xã Nam Tân thừa nhận chỉ huy động được trên 100 người, trong đó lực lượng nòng cốt của xã là 32 người do đêm tối nên công việc dập lửa khó khăn, địa hình hiểm trở.
Cần nghiêm túc rút kinh nghiệm
Quan sát tại hiện trường các vụ cháy ở Nam Lộc, Nam Tân, Nam Nghĩa… chúng tôi thấy diện tích rừng không quá xa khu dân cư. Nhưng trong quá trình chữa cháy thể hiện sự thiếu trách nhiệm, qua loa đại khái không triệt để của lực lượng tham gia dẫn đến tình trạng lửa cháy kéo dài thời gian. Chưa kể là các diện tích khoán bảo vệ khai thác nhựa cho dân cần phải có sự điều chỉnh. Riêng tại Nam Lộc thảm thực bì vẫn còn dày đặc, thậm chí nhiều cỏ khô, công tác thu gom vật liệu cháy dưới tán rừng chưa tốt. Mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư chưa được giải quyết triệt để, chứa đựng nhiều tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng. Điều đặc biệt là tại các cửa rừng chưa được canh gác nghiêm ngặt người vào ra.
Ông Lê Đình Minh - Trưởng ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Đàn cho biết: Đối với rừng thông ở Nam Lộc từ năm 2006 đã có tổ chức giao khoán cho trên 22 hộ dân, tuy nhiên, do người nhận khoán không làm đúng quy trình nên năm 2010, ban đã đình chỉ, chưa kịp xây dựng kế hoạch mới thì bị cháy. Hiện ban đã giao khoán bảo vệ rừng được 2.800 ha theo cơ chế người dân bảo vệ được hưởng 200.000 đồng/ha/năm. Do khó khăn về kinh phí nên xử lý thực bì chỉ được trên 400 ha. Còn ông Đinh Xuân Quế - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn thì lý giải việc huy động lực lượng chữa cháy rừng ít là do đúng vào thời điểm bà con bận làm mùa màng, sản xuất hè thu, nhiệt độ quá cao khó tiếp cận. Ngay sau các đợt cháy, UBND huyện Nam Đàn đã họp bổ cứu để rút kinh nghiệm về công tác chữa cháy rừng, đồng thời trích kinh phí 140 triệu đồng cho 14 xã có rừng để hỗ trợ các lực lượng canh gác lửa rừng.
Thiết nghĩ, để PCCCR hiệu quả cần phải tăng cường công tác tuyên truyền ý thức của mỗi người dân bảo vệ rừng, bởi họ là mới hiểu rừng, nắm bắt được các đối tượng đưa vật liệu cháy vào rừng để ngăn chặn kịp thời. Các xã có rừng phải liên tục kiểm tra, giám sát tại các cửa rừng, tuyệt đối không cho người mang lửa vào rừng bắt ong và các mục đích khác. Tăng cường quản lý nhà nước, tiến hành khoán và phân định trách nhiệm cụ thể để bảo vệ rừng hiệu quả hơn. BQL rừng cần phối hợp để xử lý thực bì, cải tạo đường băng cản lửa, làm tốt công tác này sẽ rất dễ dập lửa, mở các lớp tập huấn nghiệp vụ đến tận thôn xóm, để người dân được tiếp cận nâng cao kỹ năng PCCCR.
Cùng với đó, cần đẩy nhanh công tác điều tra, đưa ra ánh sáng kẻ đốt rừng xử lý nghiêm minh trước pháp luật để làm gương cho kẻ khác. Cần rút kinh nghiệm trong công tác chữa cháy rừng, phân định trách nhiệm để xử lý đối với những cán bộ, đảng viên, từng thành viên của Ban Chỉ huy PCCCR các cấp chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm. Hạt Kiểm lâm huyện Nam Đàn là lực lượng chủ chốt cần tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát tại các cửa rừng, tuyệt đối không cho người đưa vật liệu cháy vào rừng. Đối với diện tích rừng thông xã Nam Lộc, Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Đàn phải khẩn trương có kế hoạch giao khoán cho người dân theo cơ chế phù hợp, nếu không có sự bảo vệ rừng từ chính người dân địa phương thì nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Văn Trường(Baonghean)