Trung Quốc tập trận hải quân chung với Mỹ: Ai được lợi ?
6/28/2014 3:19:50 PM
Trung Quốc chính thức tham gia tập trận hải quân chung với Mỹ và 20 nước khác ở Thái Bình Dương (RIMPAC 2014), bắt đầu từ 26.6 đến 1.8. Nhiều câu hỏi đặt ra là Trung Quốc hay Mỹ có lợi từ việc Trung Quốc lần đầu tham gia tập trận chung này.


RIMPAC 2014 có 22 nước tham gia, với 55 tàu chiến, 6 tàu ngầm, hơn 200 máy bay và 25.000 binh lính - Ảnh: Hải quân Mỹ

Theo Reuters, nhiều chuyên gia nghi ngờ việc Trung Quốc tham gia tập trận chung RIMPAC chưa hẳn đã giúp làm giảm căng thẳng về các tranh chấp trên biển do Trung Quốc gây ra, và một số còn cho rằng Trung Quốc nhân tiện sẽ khoe khoang sức mạnh hải quân của mình thông qua cuộc tập trận.

Cuộc tập trận hải quân chung châu Á - Thái Bình Dương (RIMPAC) do Mỹ dẫn đầu, tổ chức 2 năm một lần. Năm nay có 22 nước tham gia, từ Mỹ đên Mexico, Úc, Anh cho đến cả Brunei ở Đông Nam Á. Tổng cộng có 55 tàu chiến, 6 tàu ngầm, hơn 200 máy bay và 25.000 binh lính tham gia.

Mỹ và các đồng minh hy vọng việc mời Trung Quốc tham gia tập trận chung lần đầu sẽ giúp xây dựng lòng tin và tránh các hiểu lầm khi hải quân các nước di chuyển trên các vùng biển xa, qua đó làm giảm leo thang căng thẳng.

Tuy nhiên cũng có ý kiến cho là việc tham dự RIMPAC 2014 sẽ khiến Bắc Kinh có dịp củng cố năng lực hải quân của họ khi quan sát các lực lượng hải quân Mỹ và đồng minh.

Trung Quốc cử tàu khu trục Hải Khẩu, tàu hộ vệ tên lửa Yueyang (Nhạc Dương), tàu hậu cần Qiandaohu (Thiên Đảo Hồ) và tàu bệnh viện Peace Ark (Phương Châu Hòa Bình) cùng 2 trực thăng và 1.100 lính.

Tàu Hải Khẩu được cho là có hệ thống điều khiển hỏa lực tương tự hệ thống Aegis của các tàu khu trục Mỹ, là dùng radar kết hợp máy tính để khóa và tiêu diệt mục tiêu.

Năm nay sẽ có sĩ quan một nước lên tàu của nước khác trong khi diễn ra các cuộc thao dượt, nhằm giúp xây dựng tương tác cho hai bên.


Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Hải Khẩu (171) của Trung Quốc đậu ở quân cảng Hickam, trân Châu Cảng (Hawaii), tham dự RIMPAC 2014 - Ảnh: Reuters

Tuy nói là "xây dựng lòng tin", nhưng nhiều ý kiến cho rằng Trung Quốc được lợi hơn Mỹ và các đồng minh khi tham gia RIMPAC.

Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng giữa Trung Quốc với các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản và Philippines về các tranh chấp trên biển Đông và biển Hoa Đông, cũng như căng thẳng do Trung Quốc gây ra với Việt Nam từ vụ hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển Việt Nam.

Ông Austin Strange, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu hàng hải Trung Quốc (thuộc trường Chiến tranh Hải quân Mỹ) nói rằng việc tham gia RIMPAC với các cuộc tập trận đã giúp hải quân Trung Quốc hoàn thiện hơn khả năng tác chiến của họ và tiếp cận gần hơn hải quân các nước.

Ngay cả việc Lầu Năm Góc nhấn mạnh về việc xây dựng lòng tin và cố gắng thúc đẩy quan điểm chung về an ninh khu vực với Trung Quốc đã được "đặt không đúng chỗ", theo nhận xét của trợ lý giáo sư Oriana Mastro, chuyên ngành an ninh thuộc đại học Georgetown, bang Washington.

"Theo quan điểm của tôi, đối thoại sẽ không thành công trong việc thuyết phục Trung Quốc phải suy nghĩ lại những gì họ cho là lợi ích quốc gia của họ", bà Mastro nói.

Tuy vậy, bà cho biết thêm rằng việc mời Trung Quốc tham dự RIMPAC là cách để phản bác lại suy nghĩ của Bắc Kinh rằng Mỹ đang cố "thâu tóm" Trung Quốc và phù hợp với khẳng định của Washington khi hoan nghênh vai trò toàn cầu lớn hơn của Trung Quốc.


Tàu tiếp tế Qiandaohu (Thiên Đảo Hồ, 886) và tàu bệnh viện Peace Ark (Phương Châu Hòa Bình) của hải quân Trung Quốc tại cảng Hickam, Hawaii, tham dự tập trận chung RIMPAC 2014 ở Honolulu, Hawaii ngày 24.6 - Ảnh: Reuters

Còn ông Roger Cliff, nhà phân tích tại cơ quan nghiên cứu độc lập Hội đồng Đại Tây Dương (tại thủ đô Washington, Mỹ) thì nhận xét rằng Washington cũng có thể hy vọng Trung Quốc sẽ đáp lại bằng cách mời Hải quân Mỹ tham gia một cuộc tập trận của hải quân Trung Quốc. Nhưng ông cũng công nhận rằng Trung Quốc được lợi nhiều hơn từ RIMPAC hơn là đứng ngoài.

"Họ sẽ học được nhiều từ việc quan sát hoạt động của hải quân Mỹ và đồng minh, và họ sẽ không chỉ tìm hiểu khả năng của chúng ta mà còn học cách triển khai thực hiện tác chiến hiệu quả hơn, trong khi họ không có gì nhiều hơn để dạy lại cho chúng ta. Do vậy chắc chắn họ sẽ học hỏi được nhiều hơn chúng ta", ông Cliff nói.

Tin Nóng

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh