Xử phạt người đội mũ bảo hiểm dỏm; siết chặt quản lý kinh doanh đa cấp; cấm nghệ sĩ hút thuốc trên sân khấu… là những quy định mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7.
ảnh minh họa
Điều chỉnh bảng giá đất theo giá thị trường
Từ ngày 1.7, cùng với Luật Đất đai 2013, sẽ có năm nghị định hướng dẫn luật này cùng có hiệu lực.
Trong đó, Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định chung về các vấn đề liên quan đến cấp giấy chủ quyền, quyền sử dụng đất, các vấn đề về sử dụng đất như hạn mức đất, các điều kiện để chuyển nhượng quyền sử dụng đất, các thủ tục hành chính liên quan đến việc sử dụng đất (cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi, trưng dụng đất, giải quyết tranh chấp về đất đai…).
Nghị định 44/2014/NĐ-CP quy định về giá đất: phương pháp định giá đất; xây dựng, điều chỉnh khung giá đất, bảng giá đất; định giá đất cụ thể và hoạt động tư vấn xác định giá đất. Theo đó, khi giá đất phổ biến trên thị trường tăng từ 20% trở lên so với giá đất tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá đất tối thiểu trong bảng giá đất trong khoảng thời gian từ 180 ngày trở lên thì UBND cấp tỉnh sẽ phải điều chỉnh bảng giá đất.
Nghị định 45/2014/NĐ-CP về thu tiền sử dụng: thời hạn nộp tiền sử dụng đất lần đầu tiên (nếu được kéo dài và chia ra 2 đợt) sẽ là 30 ngày từ ngày ký thông báo của cơ quan thuế.
Nghị định 46/2014/NĐ-CP về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước: tỷ lệ tính đơn giá thuê đất là 1%, trong một số trường hợp đặc biệt, UBND có thể quyết định đơn giá cao hơn (không quá 3%) hoặc thấp hơn (không quá 0,5%).
Nghị định 47/2014/NĐ-CP về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất: khi Nhà nước thu hồi đất mà người sử dụng không có các giấy tờ về quyền sử dụng đất (quy định tại Khoản 1, 2, 3 Điều 100 Luật đất đai và Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP) nhưng đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì vẫn được bồi thường về đất.
Xử phạt người đội MHB dỏm
Theo thông tin của Ban An toàn giao thông (ATGT) TP.HCM, từ ngày 1.7, cảnh sát giao thông sẽ dừng xe xử phạt đối với người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm (MBH) không đúng chất lượng, sai quy cách.
Người tham gia giao thông sẽ bị xử phạt nếu đội các loại MBH dỏm
Theo quy định, những người tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy không đội MBH hoặc đội các loại mũ có kiểu dáng giống MBH nhưng không đủ các thành phần, đúng tiêu chuẩn đều sẽ bị phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng.
MBH phải có cấu tạo đủ 3 bộ phận: vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ (đệm bảo vệ) và quai đeo. MBH phải được gắn dấu hợp quy CR, có ghi nhãn hàng hóa, tên và địa chỉ cơ sở sản xuất, cỡ mũ; tháng, năm sản xuất.
Khi đội MBH phải cài quai đúng quy cách: kéo quai MBH sang hai bên rồi đội mũ và đóng khóa mũ lại; không được để quai mũ lỏng lẻo mà phải đóng khít với cằm.
Đây là hoạt động theo kế hoạch của Ủy ban ATGT Quốc gia về việc triển khai đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm về sản xuất, kinh doanh và sử dụng MBH không đảm bảo chất lượng.
Cán bộ công chức được gộp phép 3 năm nghỉ một lần
Cán bộ, công chức có thể thỏa thuận với thủ trưởng cơ quan, đơn vị để nghỉ phép gộp tối đa 3 năm một lần - quy định này theo thông tư số 57/2014/TT-BTC ngày 6.5.2014 do Bộ Tài chính ban hành. Bên cạnh đó, đối với những ngày phép chưa nghỉ, cán bộ công chức được thanh toán tiền lương theo quy định.
Siết chặt quản lý hoạt động bán hàng đa cấp
Từ ngày 1/7, theo quy định, người tham gia các buổi hội thảo của công ty bán hàng đa cấp không phải cam kết mua hàng
Các quy định mới trong Nghị định 42/2014/NĐ-CP (có hiệu lực từ 1.7) siết chặt khá nhiều nội dung trong vấn đề quản lý loại hình kinh doanh. Trong đó, cấm kinh doanh đa cấp theo mô hình kim tự tháp. Đây là mô hình mà thu nhập chủ yếu của người tham gia có từ việc tuyển dụng người tham gia mới; gia hạn hợp đồng của người đã tham gia; phí, tiền đặt cọc hoặc khoản đầu tư của người tham gia trong mạng lưới). Đồng thời, Nghị định yêu cầu người tham gia hội nghị, hội thảo, khóa đào tạo kiến thức cơ bản phải trả tiền hoặc phí, không cam kết mua hàng hóa.
Doanh nghiệp kinh doanh hàng đa cấp phải có vốn pháp định 10 tỉ đồng.
Cấm nghệ sĩ hút thuốc trên sân khấu
Theo Thông tư 02/2014/TT-BVHTTDL quy định hạn chế sử dụng thuốc lá trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh, từ ngày 1.7, diễn viên sẽ không được hút thuốc thật trên sân khấu trong các tác phẩm có sử dụng đến thuốc lá.
Các tác phẩm điện ảnh cũng chỉ được sử dụng thuốc lá trong ba trường hợp: khắc họa hình tượng nhân vật lịch sử có thật; tái hiện một giai đoạn lịch sử nhất định và phê phán, lên án hành vi sử dụng thuốc lá.
Những tác phẩm đã được cấp phép phê duyệt mà nội dung có hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá không phù hợp với quy định trên thì trong thời hạn một năm kể từ ngày 1.7.2014 phải bổ sung cảnh báo sức khỏe về tác hại của thuốc lá bằng chữ hoặc hình ảnh.
Áp dụng quy chế đào tạo thạc sĩ mới
Bắt đầu áp dụng Quy chế Đào tạo trình độ thạc sĩ mới theo quy định tại Thông tư 15/2014/TT-BGDĐT. Trong đó, bổ sung thêm một chương về quản lý hoạt động đào tạo thạc sĩ, gồm: địa điểm đào tạo, tổ chức đào tạo; thi, kiểm tra, đánh giá; hướng dẫn luận văn và điều kiện bảo vệ luận văn; hội đồng đánh giá, thẩm định luận văn.
Theo quy định mới, thời gian đào tạo thạc sĩ từ 1 - 2 năm. Trong đó, thời gian tối thiểu 1 năm học được áp dụng đối với những ngành, chuyên ngành mà ở trình độ đại học có thời gian đào tạo từ 5 năm học trở lên và khối lượng kiến thức tích lũy được từ 150 tín chỉ trở lên. Thời gian đào tạo thạc sĩ từ 1,5 - 2 năm áp dụng đối với những ngành, chuyên ngành còn lại.
Thực hiện báo cáo hoạt động kiểm dịch y tế
Từ ngày 1.7 sẽ bắt đầu áp dụng chế độ báo cáo hoạt động kiểm dịch y tế theo quy định của Thông tư 15/2014/TT-BYT. Theo quy định thì việc báo cáo sẽ thực hiện theo định kỳ (tuần, tháng, 6 tháng, 9 tháng, năm), báo cáo đột xuất và báo cáo theo yêu cầu của cơ quan cấp trên.
Các đơn vị sẽ thực hiện báo cáo là Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TP.HCM, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cùng các Trung tâm Kiểm dịch y tế Quốc tế và Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh có thực hiện kiểm dịch y tế.
Hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với hàng hóa của người nước ngoài
Thông tư 72/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang theo khi xuất cảnh, có hiệu lực từ ngày 1.7.
Theo đó, hàng hóa của người nước ngoài mang theo khi xuất cảnh sẽ được hoàn thuế GTGT nếu: không thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu; không thuộc đối tượng cấm đưa lên máy bay; không thuộc các mặt hàng được hoàn thuế GTGT của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam; thuộc đối tượng chịu thuế GTGT; được mua tại Việt Nam, có hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế được lập trong 60 ngày tính đến ngày người nước ngoài xuất cảnh; trị giá hàng hóa ghi trên hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế mua tại một cửa hàng trong một ngày tối thiểu là hai triệu đồng trở lên.
Số tiền thuế GTGT mà người nước ngoài được hoàn là 85%/tổng số tiền thuế của số hàng hóa đủ điều kiện được hoàn thuế; 15% còn lại là phí dịch vụ hoàn thuế mà ngân hàng thương mại được hưởng. Người nước ngoài được hoàn thuế ngay trước giờ lên máy bay của chuyến bay người nước ngoài xuất cảnh