Tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan trong dịp hè diễn ra ở hầu hết các cấp học từ mầm non đến THPT và đang dần trở nên phổ biến, nhất là ở các vùng đồng bằng, thành phố. Ở một số trường, sau khi kết thúc năm học chỉ một vài tuần, các lớp học thêm đã được “khai giảng”. Không chỉ diễn ra bên trong nhà trường, hoạt động dạy thêm, học thêm còn diễn ra sôi nổi ở ngoài trường học, chủ yếu là ở các lò luyện và ngay tại nhà của các giáo viên. Điều đáng nói là những lớp học kiểu này đang bị “thả nổi”, buông lỏng trong khâu quản lý nên rất khó kiểm định về chất lượng, trong khi mức thu học phí thường cao hơn nhiều so với mức “trần” quy định chung.
Không chỉ quá tải do áp lực từ việc học văn hoá, nhiều học sinh nhất là ở các vùng đồng bằng, thành phố, những nơi có điều kiện hơn về kinh tế cũng đang phải chịu sự áp đặt từ phía phụ huynh học sinh trong việc phải theo học các môn năng khiếu trong dịp hè ở các nhà thiếu nhi. Việc học các môn năng khiếu như: Võ, vẽ, nhạc, hát, múa… chỉ có thể phát huy hiệu quả khi bản thân người học có niềm đam mê, sự hứng thú và đặc biệt là phải thực sự có năng khiếu. Thế nhưng đang tồn tại một thực tế là, có một số bậc phụ huynh ngộ nhận về “tài năng” của con mình, ép buộc các em phải theo học những môn năng khiếu mà bản thân các em không hứng thú và không có năng khiếu. Sự áp đặt của các bậc phụ huynh trong trường hợp này không những không làm phát triển “tài năng” như kỳ vọng mà còn có thể phản tác dụng khi gây ức chế cho người học. Bản thân các em nếu có tham gia học cũng chỉ học hình thức, đối phó, chủ yếu là để là “vui lòng” người lớn.
Học sinh đang “quá tải” với việc học
|
Không có thời gian để nghỉ ngơi, vui chơi, thư giãn, tình trạng quá tải trước một lịch học thêm dày đặc (bao gồm cả học các môn văn hoá và các môn năng khiếu) sẽ khiến các em không có được điều kiện tốt nhất để phát triển thể chất và tinh thần. Sự căng thẳng được tạo ra từ việc “bội thực” học thêm trong hè có thể gây tâm lý chán học, sợ đến trường ở một số học sinh, nhất là đối với những học sinh có học lực trung bình hay yếu, kém. Nghiêm trọng hơn, áp lực từ việc học tập quá tải có thể gây ra những hệ luỵ không mong muốn về mặt tâm lý như: Lo âu, trầm cảm, suy nhược, rối nhiễu tâm lý.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng học sinh phải vất vả bước vào một “học kỳ 3” ngay trong kỳ nghỉ hè của chính mình. Trước hết là do áp lực tạo ra từ sự kỳ vọng thái quá của các bậc phụ huynh. Tâm lý muốn con mình phải luôn giỏi giang hơn người, phải có được kết quả cao nhất trong các kỳ thi bất luận khả năng, năng lực học tập của con đã khiến các em phải gồng mình “chịu đựng” một lịch học thêm dày đặc trong dịp hè. Bên cạnh đó, việc thiếu những sân chơi lành mạnh, bổ ích mỗi dịp hè về cũng khiến nhiều phụ huynh cứ đến hè là lại… lo. Lo vì sợ con sa đà vào những trò chơi vô bổ, thiếu lành mạnh dễ dẫn đến nguy cơ hư hỏng, sa ngã. Cách tốt nhất theo họ là “gửi” con đến các lớp học thêm trong hè càng sớm, càng tốt cho “an toàn”, nếu không “thành tài” thì cũng “thành nhân”. Một lý do tế nhị khác là một số nhà trường vì muốn tạo điều kiện cho cán bộ giáo viên có thêm thu nhập để cải thiện đời sống nên đã sớm tổ chức hoạt động dạy thêm ngay sau khi kỳ nghỉ hè bắt đầu chưa được bao lâu. Đó là chưa kể đến “chiêu thức” dạy trước chương trình do các lò luyện hay các giáo viên mở lớp dạy thêm ở nhà đưa ra cũng góp phần “kéo” một lượng lớn học sinh đến với các lớp học thêm.
Học thêm trong dịp hè là nhu cầu, nguyện vọng có thực của học sinh và không phải là không cần thiết. Nếu được tổ chức tốt, bố trí thời gian biểu hợp lý, học thêm trong hè là dịp để học sinh ôn tập, củng cố những kiến thức đã học trong năm học trước, tạo tâm thế tự tin để bước vào năm học mới. Nhất là đối với những học sinh có học lực yếu, kém, các buổi phụ đạo trong hè sẽ giúp bù đắp đáng kể lượng kiến thức bị hổng. Đối với những học sinh có năng khiếu trên các lĩnh vực văn - thể - mỹ, việc tham gia các lớp học năng khiếu ở nhà văn hoá cũng giúp các em phát triển tố chất của mình. Vấn đề là cần cân bằng hợp lý giữa khoảng thời gian học thêm và thời gian dành cho các hoạt động vui chơi. Các trường học cần có trách nhiệm hơn trong việc quản lý, tổ chức các hoạt động dạy thêm, học thêm của đơn vị mình theo đúng quy định. Theo đó, việc tổ chức ôn tập văn hoá cho học sinh cần được triển khai trên cơ sở tự nguyện. Có thể dành nhiều thời gian hơn để phụ đạo thêm cho các học sinh có học lực yếu, kém và tuyệt đối không dạy trước chương trình của năm học 2014 - 2015.
Trong dịp hè, các bậc phụ huynh cũng cần tạo điều kiện cho con được vui chơi, thư giãn hợp lý. Một chuyến du lịch, dã ngoại, về quê… chắc chắn sẽ tạo nên những hiệu ứng tốt về mặt tâm lý và làm cho kỳ nghỉ hè thêm phần ý nghĩa. Các nhà nghiên cứu tâm lý đã khẳng định: “Qua vui chơi, sự tương tác giữa trẻ này và trẻ khác, sự giao lưu về ngôn ngữ, thông tin, kiến thức sẽ làm cho trẻ phát triển cả về thể chất và tinh thần góp phần quan trọng cho sự hình thành nhân cách của trẻ. Thực tế cho thấy, những đứa trẻ được vui chơi hợp lý sẽ có khả năng giao tiếp tốt và tự tin hơn để có sự phát triển lành mạnh về mặt tâm lý. Sau 9 tháng học tập căng thẳng, tham gia những sân chơi lành mạnh, bổ ích chính là một liệu pháp tinh thần hữu hiệu cho trẻ”.
.