Thành phố Vinh với phong trào đền ơn đáp nghĩa
7/20/2014 8:21:43 AM

 Cùng với nhân dân cả nước  thi đua lập thành tích hướng đến ngày thương binh liệt sỹ 27/7, những năm qua, cấp ủy chính quyền các cấp ở thành phố Vinh luôn phát huy truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” đẩy mạnh phong trào đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công, gia đình chính sách nhằm tỏ lòng tri ân đối với các thế hệ cha anh đi trước đã anh dũng hy sinh tuổi thanh xuân cho nền độc lập tự do của dân tộc.

Trong 2 cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, hàng ngàn người con ưu tú của thành phố Đỏ đã hăng hái lên đường chiến đấu xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Trong số đó có hàng ngàn người con của thành phố đã anh dũng hy sinh, bỏ lại một phần xương máu vì nền độc lập tự do của dân tộc. Hiện nay trên địa bàn thành phố Vinh có 10.220 thương bệnh binh và thân nhân liệt sỹ, người có công với cách mạng. Và  30.000 người là bộ đội, thanh niên xung phong, cán bộ và nhân dân có công trực tiếp tham gia các cuộc kháng chiến. Trong đó có 1000 người và con đẻ của họ mang trong mình di chứng nặng nề do bị nhiễm và phơi nhiễm chất độc da cam – Dioxin. Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Ban chấp hành Đảng bộ, chính quyền với trách nhiệm và tình cảm sâu sắc, thành phố Vinh đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền để mọi người nhận thức sâu sắc về sự hy sinh cống hiến to lớn của các thế hệ cha anh trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc. Những năm qua, cùng với sự chăm lo của Đảng, nhà nước, thành phố Vinh tổ chức phong trào đền ơn đáp nghĩa sâu rộng trong quần chúng nhân dân như: “áo lụa tặng bà” “tặng sổ tiết kiệm” “ nhận phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng, nhận đỡ đầu con thương binh, liệt sỹ, tặng nhà tình nghĩa. Thực hiện các chế độ chính sách cho người có công đầy đủ, kịp thời. Tích cực vận động xã hội hóa công tác đền ơn đáp nghĩa được triển khai sâu rộng. Từ đó xác định nhiệm vụ chính trị của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể trong việc hướng dẫn chỉ đạo, nâng cao nhận thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân tích cực tham gia đóng góp bằng những việc làm thiết thực.

 Ông Lê Văn Ngọc, Bí thư Đảng ủy phường Hà Huy Tập, TP Vinh, Nghệ An:

 Phường Hà Huy Tập là đơn vị có nhiều đối tượng thương bệnh binh, gia đình chính sách. Vì vậy trong những năm qua, Đảng ủy, UBND phường đã tập trung chỉ đạo các đoàn thể tổ chức tuyên truyền để xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa. Dịp 27/7 năm nay, phường đã vận động được trên 50 triệu vào quỹ đền ơn đáp nghĩa, từ đó sẽ tổ chức thăm hỏi tặng quà, sửa chữa nhà tình nghĩa cho người có công.

Những năm qua, thành phố tập trung chỉ đạo, hướng dẫn Ban quản lý các phường, xã xây dựng kế hoạch vận động đóng góp xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa.  Từ đó quỹ đền ơn đáp nghĩa được triển khai sâu rộng trong nhân dân bằng nhiều hình thức thiết thực và đã nhận được sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân. Trong năm 2013, toàn thành phố đã vận động được 1,3 tỷ đồng , đạt 98% kế hoạch tỉnh giao. Thành phố đã trích từ nguồn quỹ đền ơn đáp nghĩa và vận động các tổ chức xã hội, doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức xây mới 15 nhà, sửa chữa 23 nhà cho các gia đình thương binh, thân nhân liệt sỹ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng số tiền 847 triệu đồng. Thành phố tập trung chỉ đạo chi trả trợ cấp thường xuyên cho các đối tượng, người có công, đối tượng bảo trợ xã hội đảm bảo kịp thời, đầy đủ. Bên cạnh đó, thành phố còn tổ chức các hoạt động thiết thực như: tặng 104 sổ tiết kiệm trị giá 54 triệu đồng, hỗ trợ phương tiện sản xuất, chăn nuôi, khám chữa bệnh. Các phường, xã trích ngân sách địa phương đầu tư hàng tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp, tu bổ tôn tạo nghĩa trang liệt sỹ, thể hiện trách nhiệm, tình cảm, nghĩa cử cao đẹp, tấm lòng tri ân sự hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trong dịp tết Nguyên Đán Giáp Ngọ 2014, thành phố trích ngân sách trên 386 triệu đồng thăm hỏi các thương binh, gia đình chính sách. Năm 2014, thành phố tiếp tục tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức trách nhiệm đóng góp quỹ đền ơn đáp nghĩa. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2014, thành phố Vinh đã vận động được gần 600 triệu đồng quỹ tình nghĩa. Ban quản lý quỹ đền ơn đáp nghĩa thành phố phối hợp với UBND các phường, xã tiến hành khảo sát nắm chắc đời sống vật chất, tinh thần của các gia đình chính sách để có biện pháp giúp đỡ như xây dựng mới nhà tình nghĩa, tu sửa nhà dột nát, hư hỏng…Trong dịp 27/7 năm nay, Thành phố tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: tổng dọn vệ sinh, dâng hoa, dâng hương, thắp nến tri ân tưởng niệm tại các nghĩa trang liệt sỹ, các nhà bia, đài tưởng niệm liệt sỹ các phường, xã trên địa bàn. Phối hợp với các đoàn thể, các đơn vị doanh nghiệp tổ chức đoàn thăm hỏi tặng quà cho những gia đình chính sách và người có công tiêu biểu với tổng kinh phí hàng trăm triệu đồng. Đặc biệt, trích 320 triệu đồng từ quỹ đền ơn đáp nghĩa để xây mới, sửa chữa 8 ngôi nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Từ đó đã góp phần tạo điều kiện cho người có công có nhiều cơ hội tham gia phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc.

PV2: Thương binh 3/4 Trần Văn Sửu, xóm Phong Thuận, xã Hưng Hòa, TP Vinh-Tỉnh Nghệ An:

TB: Tôi là thương binh, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, được Thành ủy, quỹ đền ơn đáp nghĩa hỗ trợ xây dựng mới nhà ở, cho gia đình tôi có một ngôi nhà trên kín dưới lành, tôi rất cảm ơn.

Băng: Với sự quan tâm của cấp ủy chính quyền các cấp, nhiều gia đình chính sách, thương bệnh binh đã vượt qua khó khăn, tích cực thi đua phát triển kinh tế, lập nhiều thành tích trên trận tuyến mới. Tiêu biểu như thương binh 4/4 Lê Ngọc Vinh ở khối 12, phường Bến Thủy. Sau nhiều năm lăn lộn chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị. Trở về địa phương ông Vinh đã chọn nghề sản xuất đồ thờ. Với đội ngũ lao động có tay nghề cao đã sản xuất ra nhiều sản phẩm mẫu mã đẹp, chất lượng. Ngoài ra, ông còn kinh doanh nhiều đồ thờ cao cấp. Doanh thu từ sản xuất, kinh doanh đạt khoảng 6 tỷ đồng/năm. Hiện nay, ông Vinh đã giải quyết việc làm cho trên 20 lao động là con em cựu chiến binh, không nơi nương tựa, bị nhiễm chất độc da cam với mức lương từ 3 đến 9 triệu đồng. Năng động trong làm ăn, ông Vinh còn tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương như nhiều năm liền làm khối trưởng khối 12, chi hội trưởng hội CCB và hiện là ủy viên MTTQ phường Bến Thủy. Ông Vinh tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo từ thiện như: hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Với những đóng góp trên, thương binh Lê Ngọc Vinh được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen. Đặc biệt vào ngày 16/7/2014, ông là một trong 2 người có công tiêu biểu của tỉnh Nghệ An tham dự Đại hội thi đua toàn quốc.

Thương binh Lê Ngọc Vinh- Khối 12, Phường Bến Thủy-TP Vinh-Nghệ An:

TB: Sau khi rời quân ngũ, trở về đời thường, tôi suy nghĩ làm cái gì để giữ phẩm giá bản chất anh bộ đội cụ Hồ. Trong thời gian đầu tôi  toàn gia tài chỉ có 20 triệu đồng, tôi đã cùng với vợ tôi buôn bán xây dựng cơ sở từ thấp đến cao. Và tôi đã thực hiện được mục tiêu đề ra là: Việc nước việc làng chung sức chung lòng lo vẹn đủ, việc nhà việc nghĩa chia sẻ bốn mùa vui.

Băng: Hay như thương binh 1/4 Trần Văn Bình ở khối 6, phường Đội Cung. Trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ, ông Trần Văn Bình đã tình nguyện lên đường tham gia chiến đấu tại chiến trường Bình Định, Quãng Ngãi, mặt trận biên giới phía Bắc. Trong các trận đánh ác liệt, ông Bình hai lần bị thương với mức thương tật 81%. Nhận thấy nghề kinh doanh gốm sứ đem lại thu nhập cao. Ông và vợ cùng buôn lẻ hàng gốm sứ. Đến nay, ông Bình đã thành lập công ty gốm sứ thủy tinh Việt Bình, phân phối độc quyền sản phẩm gốm sứ thủy tinh cho các tỉnh Thanh Hóa, Hà  Tĩnh, Quảng Bình. Tạo việc làm ổn định cho 30 lao động là con em gia đình chính sách và con cháu đồng đội. Với mức lương bình quân từ 4 đến 5 triệu đồng/ tháng.

PV1: Thương binh Trần Văn Bình-khối 6, phường Đội Cung, TP Vinh.

TB: Bản thân rời trại thương binh nặng về địa phương đối mặt rất nhiều khó khăn, sức khỏe yếu, vết thương sọ não thường xuyên tái phát nhưng với bản chất anh bộ đội cụ Hồ, thương binh tàn nhưng không phế tôi đã cố gắng phấn đấu. Quá trình từng bước kinh doanh phát triển doanh số năm sau cao hơn năm trước. Bản thân dành một chút ít làm từ thiện, thường xuyên chia sẻ hỗ trợ các thương binh, bệnh binh.

Băng: Còn thương binh 3/4 Nguyễn Sơn Quý ở khối 14, phường Hà Huy Tập lại chọn hướng làm giàu bằng việc phát triển kinh tế trang trại. Thời gian đầu, ông đã đầu tư phát triển trang trại trồng cây gió ở tỉnh Bình Phước và ở nước Lào. Đến năm 2010, ông Quý còn đấu thầu mua 44 ha rừng tại xã Nam Hưng. Những ngày đầu vùng đất ấy cằn cỗi, chỉ toàn lau lách và cỏ dại. Được sự hỗ trợ của bạn bè và sự nỗ lực của gia đình, anh đầu tư hàng tỷ đồng thuê nhân công và máy ủi cải tạo lại vùng đồi  hoang sơ ấy. Phía trên đồi, ông trồng cây hàng ngàn cây keo lai, cây thông, hàng trăm cây xà cừ, lát hoa và cây trầm. Phía dưới đồi anh trồng 1000 gốc chanh, trên 500 cây lộc vừng và trên 1000 cây cảnh các loại. Anh còn tập trung phát triển chăn nuôi như nuôi ong, gia cầm. Hiện nay, ông tạo việc làm thường xuyên cho trên 10 lao động với mức lương từ 2 đến 8 triệu đồng và tạo việc làm thời vụ cho khoảng 20 lao động địa phương. Hàng năm, anh trích hàng chục triệu đồng đóng góp cho phong trào khuyến học của địa phương và giúp đỡ các hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Thương binh Nguyễn Sơn Quý, khối 14, phường Hà Huy Tập, TP Vinh, tỉnh Nghệ An.

TB: Trong những năm tham gia chiến đấu bảo vệ tổ quốc, nhìn những cánh rừng trơ trụi, tôi nghĩ sau khi trở về tôi sẽ trả lại màu xanh cho rừng. và tôi đã đầu tư phát triển mô hình trồng rừng. Hiện nay, tôi đã đem lại được màu xanh cho rừng…

Băng: Những năm qua, hoạt động đền ơn đáp nghĩa ở thành phố Vinh đã có sức lan tỏa sâu rộng. Những việc làm thiết thực có ý nghĩa sâu sắc từ hoạt động đền ơn đáp nghĩa đã giúp các gia đình thương binh liệt sỹ, gia đình chính sách yên ấm về vật chất, vui vẻ về tinh thần. Tạo động lực cho nhiều gia đình thương binh liệt sỹ tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình và bản thân vươn lên với tinh thần tự lực, tự cường năng động, sáng tạo, sống có ích cho gia đình và xã hội.

Ông Nguyễn Trung Châu, phó chủ tịch UBND thành phố Vinh-Tỉnh Nghệ An:

Những năm gần đây, thành phố đã quan tâm chỉ đạo làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa. có nhiều nội dung, kết quả  đạt được rất tốt. Điển hình như xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa. Vài ba năm trở lại đây, năm nào cũng đạt 110% đến 127% chỉ tiêu kế hoạch, gắn với đó là huy động các nguồn xã hội cùng quan tâm chăm lo sửa chữa, xây mới nhà cho người có công. Có thể nói mỗi năm như vây cũng đã huy động cho chăm sóc, tri ân người có công hàng tỷ đồng.

Để tiếp tục phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, với trách nhiệm và tình cảm thiêng liêng, các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân ở thành phố Vinh cần quán triệt sâu sắc việc thực hiện phong trào đền ơn đáp nghĩa, gắn với công tác hậu phương quân đội. Cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, làm cho mọi người dân nhận thức sâu sắc hơn mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện tốt công tác chính sách nói chung, công tác thương binh, liệt sĩ, hậu phương quân đội nói riêng. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để thương binh, bệnh binh, người có công, gia đình có công tiếp tục phát huy ý chí tự lực tự cường, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống và tham gia các hoạt động xã hội, tiếp tục thi đua lập nhiều thành tích xuất sắc trên mọi lĩnh vực góp phần xây dựng thành phố Vinh ngày càng phát triển bền vững giàu đẹp văn minh.

Lam Hà-Đài TT-TH TP Vinh

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh