Thành phố Vinh: Hướng tới tầm vóc trung tâm vùng
7/22/2014 8:04:53 AM
“Có thành phố nào như thành phố này không/ Chưa thấy nhà cao đã chói lọi sắc hồng/ Đã thấy sắc hồng cười trong gạch vụn…”. Những người yêu “Vinh - Thành phố bình minh” hẳn sẽ không lạ lẫm với những câu thơ mở đầu bài thơ “Gạch vụn Thành Vinh” của nhà thơ Thạch Quỳ. Nhưng thực tế hiện nay, để xứng tầm trung tâm vùng, thành phố vẫn còn “ngổn ngang trăm mối”…
 
Thi công Dự án nâng cấp, cải tạo Kênh Bắc.
Thi công Dự án nâng cấp, cải tạo Kênh Bắc.
 
Thành phố “đa cực vệ tinh”
 
Trong giai đoạn từ 1964 - 1972, TP. Vinh trở thành địa điểm đánh phá khốc liệt của không lực Hoa Kỳ, hầu hết cơ sở hạ tầng đô thị và các công trình kinh tế, xã hội đều bị phá hủy hoàn toàn. Năm 1973, Hiệp định Paris ký kết, quân đội Hoa Kỳ rút khỏi miền Nam Việt Nam, chấm dứt can thiệp vào Việt Nam, mở ra thời kỳ hồi sinh cho Thành phố Đỏ anh hùng. Được xác định là một trong những trung tâm đô thị lớn của miền Bắc lúc bấy giờ nên Trung ương đã dành nhiều sự quan tâm cho Thành phố Vinh. Ngày 22/10/1973, tại Berlin, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Thủ tướng CHDC Đức ký kết “Hiệp định tái thiết Thành phố Vinh sau chiến tranh”. Hàng loạt chuyên gia của CHDC Đức đã có mặt ở Thành Vinh cùng chung tay với người dân thành phố bắt tay kiến thiết, xây dựng lại thành phố. 
 
Bước vào thời kỳ xây dựng đất nước, với vai trò, vị trí của mình, TP. Vinh tiếp tục nhận được sự quan tâm và kỳ vọng rất lớn từ Trung ương đến tỉnh Nghệ An. Thực hiện Kết luận số 20 – KL/TƯ của Bộ Chính trị khóa IX về Nghệ An, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt: Đề án phát triển Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung bộ theo Quyết định số 239/2005/QĐ –TTg ngày 30/9/2005. Đây thực sự là nền tảng, động lực quan trọng để Vinh tạo được bước bứt phá ngoạn mục, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển chung của đất nước trong thời kỳ CNH – HĐH. Năm 2013, nhìn lại chặng đường 10 năm thực hiện Kết luận 20 của Bộ Chính trị về Nghệ An và 7 năm thực hiện Quyết định 239, TP. Vinh thực sự phát triển vượt bậc về mọi mặt: Vinh đã đạt đô thị loại I trực thuộc tỉnh từ năm 2008; bộ mặt đô thị thay đổi nhanh chóng, cơ sở hạ tầng được nâng cấp. Theo số liệu của Công ty CP Quản lý và Phát triển hạ tầng đô thị Vinh, hiện nay toàn thành phố có gần 390 km đường có chiều rộng trên 5m, kèm theo đó là hệ thống biển báo hiệu an toàn giao thông khá hoàn chỉnh với 2.500 biển các loại và đèn tín hiệu giao thông đã có ở 32 giao lộ. Bên cạnh đó, thành phố hiện có 317 km kênh, mương, công thoát nước. Vinh cũng là một trong những đô thị đầu tiên trên cả nước có hệ thống thu gom và xử lý nước thải được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ODA của Ngân hàng tái thiết Đức. Ông Bùi Đức Lộc – Giám đốc Công ty CP Quản lý và Phát triển hạ tầng đô thị Vinh cho biết: “Nếu so sánh với các đô thị trong khu vực Bắc Trung bộ và các đô thị loại I, loại II trên cả nước, Vinh được đánh giá là đô thị khá hoàn chỉnh về mặt quy hoạch. Hiện nay, TP. Vinh đặt ra hai tiêu chí, thứ nhất là chỉnh trang đô thị với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đã được đầu tư để đưa vào khai thác, vận hành tốt nhất, hiệu quả nhất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Thứ hai là, quy hoạch để mở rộng phát triển đô thị xứng tầm với đô thị loại I”.
 
Bên cạnh đó, cơ cấu kinh tế của TP. Vinh chuyển dịch đúng hướng. Giá trị gia tăng chiếm 1/3 toàn tỉnh; Tổng thu ngân sách trên địa bàn đóng góp xấp xỉ 1/2 của tỉnh; Giá trị gia tăng bình quân đầu người đạt 50,6 triệu đồng/năm; Hộ nghèo giảm còn dưới 1,3%, từng bước thực hiện nhiệm vụ đầu tàu tăng trưởng của tỉnh, góp phần tăng trưởng vùng Bắc Trung bộ. Đồng thời, TP. Vinh cũng đã thể hiện yếu tố trung tâm vùng trên một số lĩnh vực: Giáo dục - Đào tạo phát triển mạnh, trên địa bàn có 6 trường đại học và nhiều trường cao đẳng và trung cấp nghề, với tổng quy mô đào tạo trên 60.000 học sinh, sinh viên. Lĩnh vực y tế cũng có bước phát triển nhanh, trên địa bàn hiện có 19 bệnh viện, một số trung tâm chăm sóc sức khoẻ cả công lẫn tư. TP. Vinh còn có 54 đơn vị, chi nhánh bảo hiểm, ngân hàng, cung cấp đa dạng các loại hình dịch vụ trong tỉnh và vùng. Lĩnh vực bưu chính – viễn thông xếp thứ 4 toàn quốc. Bên cạnh đó, TP. Vinh còn được biết đến là một trong những trung tâm báo chí lớn của cả nước với hàng chục cơ quan báo chí Trung ương có văn phòng, phóng viên đại diện... 
 
Nghị quyết số 26 – NQ/TƯ, ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị chỉ rõ: “Xây dựng Thành phố Vinh thành trung tâm vùng Bắc Trung bộ về tài chính, thương mại, du lịch, khoa học - công nghệ, công nghệ - thông tin, công nghiệp công nghệ cao, y tế, văn hóa, thể thao, giáo dục - đào tạo; cùng với Cửa Lò phát triển thành cực tăng trưởng kinh tế và mũi nhọn tăng trưởng của tỉnh”.
 
Thực tế đó đặt ra cho TP. Vinh nhiều cơ hội và cả thách thức, đòi hỏi TP. Vinh phải có những điều chỉnh, trong đó có quy hoạch chung. Đặc biệt, mới đây, TP. Vinh được Thủ tướng cho phép, điều chỉnh quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Đề án này được HĐND tỉnh thông qua trong kỳ họp thứ 11, (khóa XVI) vào giữa tháng 7/2014. Theo đó, TP. Vinh được định hướng không gian đô thị theo cấu trúc tổng thể dạng: “Đô thị đa cực sinh thái phi tập trung, nhất thể hóa giữa đô thị với nông thôn và tự nhiên”. Phát triển độc lập nhưng kết nối đồng bộ 3 khu vực đô thị: Vinh – Hưng Nguyên, Cửa Lò, Quán Hành – Khu kinh tế Đông Nam. Tổng diện tích quy hoạch của TP. Vinh 250 km2. Dự báo quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 900.000 người. Tính chất của đô thị Vinh cũng được xác định trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, dịch vụ, giáo dục, thể dục thể thao, y tế, khoa học kỹ thuật, công nghiệp và đầu mối giao lưu của tỉnh Nghệ An. Đồng thời, Vinh là đô thị loại I, trung tâm của vùng Bắc Trung bộ về: du lịch, thương mại, công nghiệp công nghệ cao, đào tạo và khoa học - công nghệ, y tế và văn hóa – thể thao; và cũng là đô thị có vị trí quan trọng về quốc phòng an ninh, đầu mối giao thông quốc gia, quốc tế. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Võ Viết Thanh - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Vinh đánh giá: Việc HĐND tỉnh thông qua điều chỉnh quy hoạch chung TP. Vinh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là hết sức quan trọng. Khi được Chính phủ duyệt, nó là nền tảng để thành phố quản lý và thực hiện quy hoạch ổn định trong thời gian dài. Chặng đường trước mắt mở ra cả nhiều cơ hội và thách thức cho thành phố….
 
Ngổn ngang trăm mối…
 
Sự phát triển nhanh của đô thị trên địa bàn thành phố đã làm giảm đi các ao hồ, đầm, bàu và thay vào đó là nhiều khu dân cư, khu đô thị, trung tâm thương mại. Điều này dẫn đến trên địa bàn ít dần đi những “túi chứa nước”. Những năm gần đây, hễ cứ mưa là nhiều tuyến đường của TP Vinh lại ngập lụt. Điển hình như đường Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Văn Cừ, Lê Hồng Phong, Đặng Thái Thân, Đinh Công Tráng, Nguyễn Đức Đạt, Quốc lộ 1A qua Quang Trung, Quán Bàu… và cả nhiều đoạn trên Đại lộ Lê Nin cũng bị ngập úng nhiều giờ mỗi khi mưa to.
 
Điều đáng lo ngại là nhiều trận mưa vừa từ 80 đến 120 mm, các tuyến đường đã bị ngập úng. Còn nếu mưa lớn trên 200 mm liên tục trong khoảng 1 đến 2 giờ thì nhiều tuyến đường ở Vinh “thành sông”. Hệ quả của ngập úng gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống sinh hoạt, lao động của cán bộ, người dân trên địa bàn. Đem hiện tượng này phản ảnh với Công ty Quản lý và Phát triển hạ tầng đô thị Vinh, được ông Bùi Đức Lộc - Giám đốc công ty cho biết: “Nguyên nhân cơ bản là hệ thống thoát nước của thành phố kế thừa từ nhiều năm trước nên quá hẹp so với thực tế hiện nay. Trong số 166 tuyến kênh, mương, với hơn 317 km thì có 2/3 mương có chiều rộng từ 0,6 đến 0,8 m; độ sâu cũng chỉ chừng đó (thuộc mương thoát cấp 2), cho nên mưa to, nước thoát không kịp. Việc nâng cấp hệ thống này gặp nhiều khó khăn do phía dưới có hệ thống cáp ngầm và cấp nước đi dọc theo…”.
 
Trước thực trạng đó, cuối năm 2013, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án phòng, chống ngập úng ở những vùng trọng điểm cho thành phố với nguồn kinh phí 85 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án này cũng chỉ xây dựng một số tuyến kênh mương thoát nước mới ở Nam đường Nguyễn Sỹ Sách; Bắc xã Nghi Phú, phường Hà Huy Tập; Đông phường Đội Cung và đấu nối từ các khu chung cư ra kênh thoát chính; Đồng thời tổ chức nạo vét hệ thống kênh, mương thoát nước hiện có, chứ chưa thể nâng cấp. Khối lượng công việc này cho đến tháng 7/2014 mới chỉ ở giai đoạn khởi động. Trong khi đó, việc nâng cấp, cải tạo kênh Bắc, con kênh thoát nước chính của thành phố lại đang đào bới dở dang. Chính vì thế, mùa mưa tới đây, và có thể cả những năm tới, người dân Thành phố Vinh vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn khi các tuyến đường và khu dân cư bị ngập úng.
 
Những năm qua, Vinh đang hướng phát triển trở thành đô thị hạt nhân cả về kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, du lịch - dịch vụ… Trong các mục tiêu đó, việc xây dựng các cụm công nghiệp là một trong những hướng ưu tiên trong cơ cấu kinh tế của thành phố. Thế nhưng, do quá trình xây dựng, các cụm công nghiệp lại quá gần với các khu dân cư, thậm chí nằm trong khu vực dân cư nên hàng ngày, nhân dân xung quanh các khu công nghiệp luôn kêu ca, phàn nàn về sự ô nhiễm môi trường do các nhà máy gây ra. Trong vòng 3 năm nay, hàng trăm hộ dân ở xóm Mỹ Hạ và địa bàn lân cận của xã Hưng Lộc luôn có đơn, thư kiến nghị các cấp về việc ô nhiễm không khí, nguồn nước thải từ các nhà máy trong cụm công nghiệp Hưng Lộc gây nên. Mặc dù các nhà máy cam kết nâng cấp hệ thống lọc khí thải và nước thải nhưng tình hình chưa được cải thiện. Ông Nguyễn Duy Thân - Xóm trưởng xóm Mỹ Hạ rất bức xúc khi dẫn chúng tôi đi xem thực tế cụm công nghiệp Hưng Lộc - ông cho biết: “Người dân vẫn phải gánh chịu những mùi hôi thối từ các nhà máy chế biến. Ô nhiễm gây gây khó khăn cho cả sinh hoạt và sản xuất. Đã có mấy lần các đoàn đến kiểm tra nhưng đâu rồi lại vào đấy. Chúng tôi hiểu rằng phát triển sản xuất công nghiệp là hướng đi đúng nhưng phải làm sao đảm bảo môi trường cho người dân chứ!?”  
 
Cùng nỗi bức xúc đó, rất nhiều hộ dân quanh Khu công nghiệp Bắc Vinh đã có hành động đưa xi măng lấp cống thoát nước của một số nhà máy. Sự việc buộc các sở, ngành, HĐND thành phố phải vào cuộc tích cực, vừa động viên người dân, vừa yêu cầu các nhà máy, doanh nghiệp có giải pháp giảm mức ô nhiễm. Song cho đến nay, các phương án đưa ra chưa giải quyết triệt để, nên người dân gần khu công nghiệp vẫn kiến nghị các cấp, ngành giải quyết. Quá trình thực hiện chức năng giám sát, HĐND Thành phố Vinh cũng đề nghị các ngành chức năng, các doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm ngặt công tác đảm bảo vệ sinh môi trường. Nhưng theo ông Nguyễn Hồng Minh - Chủ tịch HĐND thành phố: “Do quá trình xây dựng, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp thiếu nhà máy xử lý nước thải, cùng đó, các doanh nghiệp chưa đầu tư các dây chuyền lọc khí thải nên dẫn đến ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, việc xử lý hậu quả không thể tiến hành trong ngày một, ngày hai, vì vậy, nhân dân quanh các khu công nghiệp của thành phố vẫn phản đối. HĐND thành phố đang hối thúc UBND thành phố tăng cường phối hợp với các ngành chức năng và các doanh nghiệp tích cực xử lý, góp phần đảm bảo môi trường sinh thái, ổn định cuộc sống người dân”. 
 
Nếu như ô nhiễm môi trường quanh các cụm công nghiệp, các nhà máy đang làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người dân thì một vấn nạn khác lại đang “âm ỉ” ngay trong gia đình, khu dân cư. Đó là vấn đề rác thải. Trung bình mỗi ngày, TP. Vinh có trên 250 tấn rác thải. Trong giai đoạn hiện nay, rác được tập kết ra Khu Liên hợp xử lý rác thải tại xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc. Công việc này được xem là “tạm yên”, bởi bãi rác này mới đi vào hoạt động từ cuối năm 2011. Thế nhưng, “quan chức” thành phố không khỏi lo lắng khi nhà máy chế biến rác ở Nghi Yên chỉ tiêu thụ được khoảng 10% lượng rác tập kết. Trong khi đó, hiện bãi rác này còn gánh thêm rác từ Thị xã Cửa Lò và huyện Diễn Châu - Điều mà trước khi xây dựng bãi rác, thành phố chưa tính đến.
 
Một khía cạnh khác đáng lo ngại, đó là những công dân thành phố loại I chưa xây dựng ý thức bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, thành phố chưa có quy hoạch tổng thể và chi tiết về các điểm thu gom rác ở các khu dân cư; nhiều khối phố, ngõ xóm, người dân chưa tuân thủ giờ đổ rác. Tệ hại hơn, nhiều người ý thức kém còn đổ trộm rác thải xây dựng hoặc các rác thải khác ra các tuyến đường, bãi đất trống dẫn đến mất mỹ quan đô thị, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân.
 
Vĩ thanh
 
Những điều nêu trên đây tưởng chừng như nhỏ nhặt, vụn vặt. Thế nhưng, đó là cái thiết yếu nhất cần giải quyết của một đô thị văn minh. Ở bất kỳ một đô thị nào, nếu giải quyết ổn thỏa được những vấn đề trên chính là cái gốc của sự phát triển bền vững. Cùng đó, để xứng với đô thị loại I, TP. Vinh còn phải giải quyết tốt những vấn đề đang ngổn ngang trong công tác quản lý, thực hiện quy hoạch, kiến trúc đô thị... Bên cạnh hoàn thành những chỉ tiêu kinh tế, dân số, giáo dục, y tế… thì đích hướng tới của một đô thị văn minh, hiện đại còn phải đáp ứng được các tiêu chí: “Sáng - xanh - sạch - đẹp”. Tất cả đòi hỏi nhiều hơn ở tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo thành phố cũng như sự nỗ lực của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân... 
 
Chúng ta không phủ nhận những thành tích đạt được của TP. Vinh sau hơn 50 năm phát triển. Bộ mặt đô thị từng bước khởi sắc, mở rộng cả về không gian, địa giới hành chính. Hạ tầng cơ sở về giao thông, bến cảng, sân bay, ga tàu và các phương tiện vận tải phát triển, đáp ứng được yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới. Nhưng để đạt được những mục tiêu lớn, hãy bắt đầu từ việc thực hiện tốt những việc nhỏ nêu trên.
 
 
Nguyên Sơn - Thành Duy
Báo Nghệ an
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh