Tạt ngang qua chợ Bến Thủy (phường Bến Thủy - TP.Vinh) mua thức ăn cho buổi tối sau giờ làm, chị Trần Thị Ánh - cán bộ Viễn thông Nghệ An nhanh chóng đến quầy cân đối chứng tại cổng chợ kiểm tra lại lượng hàng hóa vừa mới mua. Sau khi nhìn thấy con số hiện lên trên màn hình đúng như số lượng người bán thông báo chị mới yên tâm. Qua trao đổi, chị Ánh cho biết: “Trước đây, thỉnh thoảng tôi vẫn bị người bán cân thiếu. Dù không nhiều nhưng tôi cảm thấy bức xúc vì bị lừa gạt. Từ ngày trạm cân đặt ở đây, tôi thường xuyên kiểm tra lại hàng hóa nếu có nghi ngờ. Nếu trọng lượng có sai số nhiều, tôi sẽ nói ngay với người bán, yêu cầu cân lại cho đủ. Chính nhờ trạm cân ở đây nên tình trạng “cân điêu” tại chợ những năm vừa qua giảm rõ rệt. Bây giờ thỉnh thoảng mới gặp một vài trường hợp cân thiếu, nhưng trong sai số cho phép nên cảm thấy rất an tâm”. Một tiểu thương bán cá tại chợ này cũng cho hay: “Trạm cân để ở chỗ đông người qua lại nhất chợ để người mua tiện kiểm tra, nếu cân thiếu một vài lạng khách hàng kiểm tra lại sẽ đem đến trả hàng ngay nên chúng tôi không dám làm bừa. Thời buổi buôn bán khó khăn, người bán phải giữ uy tín để còn có khách hàng, chứ buôn gian, bán lận dễ mất khách lắm”.
|
Cán bộ Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng kiểm tra cân định kỳ tại chợ Hải sản - Thị xã Cửa Lò. |
Đối với lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, tháng 6/2014 vừa qua, đoàn Thanh tra Sở Khoa học - Công nghệ đã tiến hành kiểm tra 83 cơ sở kinh doanh, bán lẻ xăng dầu trên địa bàn toàn tỉnh. Nội dung chính tập trung vào kiểm tra giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý đo lường, chất lượng; phép đo trong thương mại bán lẻ; kiểm tra việc thực hiện Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và việc ghi nhãn hàng hóa… Qua kiểm tra cho thấy, hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Hầu hết các cơ sở được kiểm tra đều xuất trình đầy đủ các hồ sơ giấy tờ liên quan như: Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu; đủ điều kiện về an ninh trật tự để làm ngành nghề kinh doanh; đủ điều kiện về phòng cháy và chữa cháy; giấy chứng nhận đào tạo, huấn luyện cho nhân viên của cửa hàng. Các cơ sở đều có ý thức chấp hành các quy định của Nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; chấp hành tốt việc ghi đúng, đủ các thông tin cảnh báo an toàn, thông tin cụ thể trên cột đo theo quy định của quy chuẩn quốc gia về xăng, nhiên liệu diezel và nhiên liệu sinh học... Thông qua công tác kiểm tra, đoàn đã lập biên bản xử phạt hành chính 4 cửa hàng kinh doanh vi phạm các lỗi bứt niêm phong kẹp chì, quá hạn chu kỳ kiểm định, chưa thực hiện nghiêm việc lưu hồ sơ chất lượng hàng hóa… với số tiền xử phạt vi phạm hành chính 26.700.000 đồng. Theo lãnh đạo Sở Khoa học Công nghệ: Kiểm tra, giám sát là việc làm rất quan trọng, nhằm góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của các cơ sở trong việc chấp hành các quy định của pháp luật tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu. Ngoài việc thực hiện kiểm tra, giám sát theo đúng yêu cầu nhiệm vụ được giao, Sở còn cử cán bộ tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành do tỉnh thành lập để kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh kịp thời các sai phạm về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu.
Ông Nguyễn Viết Hùng - Chi cục Trưởng Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng Nghệ An cho biết: Trong năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014, Chi cục đã tổ chức kiểm định được 42.680 phương tiện đo các loại, bao gồm: Công tơ điện 1 pha, 3 pha, Cân các loại, Đồng hồ xe Taximet, Cột đo xăng dầu, Áp kế, Huyết áp kế, Xi téc ô tô, Máy X-quang chuẩn đoán trong y tế,... đồng thời hiệu chuẩn đo lường các thiết bị trong nhà máy, phòng thử nghiệm. Chi cục cũng tổ chức đi kiểm định cho các hộ kinh doanh tại 60 chợ trên địa bàn tỉnh, đồng thời tổ chức kiểm tra hệ thống trạm cân đối chứng ở các huyện. Ngoài ra, Chi cục còn phối hợp với UBND các huyện tổ chức các đợt tập huấn về các văn bản và quy định của Nhà nước trong lĩnh vực Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng. Các văn bản mới của Nhà nước ban hành về lĩnh vực đo lường đã được phổ biến kịp thời đến các ngành, doanh nghiệp, các huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2004 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An đã trang bị 51 trạm cân đối chứng cho những chợ lớn trên địa bàn 21 huyện, thành, thị trong tỉnh. Hiện các trạm cân này đều đang hoạt động tốt và được kiểm định hàng năm. Những trạm cân đối chứng này như những vị “trọng tài” trung gian giúp người tiêu dùng phát hiện hành vi gian lận của người bán, đồng thời buộc những hộ kinh doanh ở các chợ phải dần thay đổi thói quen và phương thức kinh doanh của mình. “Công tác kiểm tra, kiểm định định kỳ và đột xuất về đo lường giúp phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi gian lận về đo lường; đồng thời hiệu chỉnh các phương tiện đo, đảm bảo đo lường chính xác nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tạo sự công bằng và cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh. Nhận thức của các ngành, các doanh nghiệp và người dân về vai trò của đo lường ngày càng được nâng lên. Trong thời gian gần đây, hầu hết các cơ sở được kiểm tra chấp hành tương đối đầy đủ các quy định của pháp luật về đo lường, các hành vi vi phạm pháp luật về đo lường như không thực hiện kiểm định phương tiện đo hoặc cố tình điều chỉnh phương tiện đo để thu lợi bất chính đã giảm rõ rệt” - ông Hùng cho biết thêm.
Có thể nói, hoạt động Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh ta đã không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực để hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần đảm bảo công bằng xã hội, bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người tiêu dùng, góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Để phát huy hơn nữa công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng phải có biện pháp răn đe hữu hiệu, giúp các doanh nghiệp nhận thức đầy đủ, không để xảy ra hiện tượng vi phạm trong kinh doanh. Tăng cường công tác đào tạo kiểm định viên nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu công tác quản lý và nhu cầu kiểm định phương tiện đo của khách hàng.
Bài, ảnh: NA-Baonghean.vn