“Các doanh nghiệp được tự do kinh doanh trong tất cả các ngành nghề pháp luật không cấm. Nội dung này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận rất kỹ sáng nay, và hầu như đã đạt đồng thuận”, ông Cung nói tại Hội thảo khởi động dự án Hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam chiều 11/8, tại Hà Nội.
Ông Cung, một trong những người chắp bút cho Luật Doanh nghiệp sửa đổi và dự cuộc họp sáng nay của Ủy ban Thường vụ của Quốc hội, cho biết, hiện tại có tới 400 văn bản về kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh đang gây nhiều rào cản cho giới kinh doanh.
Các doanh nghiệp tư nhân sẽ được quyền công bằng khi tiếp cận nguồn lực? |
Ông nói tại hội thảo chiều nay rằng, Ủy ban thường vụ Quốc hội đang yêu cầu làm rõ danh sách này nếu (Chính phủ) muốn dự Luật Doanh nghiệp sửa đổi được thông qua trong kỳ họp tới đây.
Ông Cung giải thích: “(làm rõ danh sách này) là để đảm bảo quyền tự do kinh doanh của người dân, giảm rủi ro pháp lý, chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Nếu Luật Doanh nghiệp được thông qua, thì kinh doanh trái phép – tức kinh doanh những ngành nghề không đăng ký - sẽ không còn là tội. Điều này giúp doanh nhân đầu tư nhiều vốn hơn, dài hạn hơn”.
Phần trình bày như trên của ông Cung là một trong các nội dung mà dự án trên sẽ hướng tới nhằm hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam từ nay đến cuối năm 2016. Dự án này trị giá 3,1 triệu đô la Úc do Chính phủ Australia tài trợ.
Bên cạnh đó, theo ông Cung, dự án sẽ giúp “vạch mặt, chỉ tên” các đặc quyền, ưu đãi của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). “Đây là những yếu tố làm môi trường kinh doanh lệch lạc, và cần được loại bỏ”, ông nói.
Ông cho biết, dự án sẽ giúp xác định việc phân bố lại nguồn lực trong phạm vi toàn quốc, và trong từng khu vực để nâng cao sử dụng nguồn lực.
Ông Raymond Mallon, cố vấn cao cấp dự án bổ sung thêm, các nhóm lợi ích, nhất là các DNNN, có thể sử dụng các quyền lực kinh tế ngày càng tăng để kiềm chế cạnh tranh bằng cách hạn chế sự gia nhập thị trường của các doanh nghiệp khác.
Đại sứ Australia tại Việt Nam, ông Hugh Borrowman nhận xét, Việt Nam đang tham gia vào các hiệp định kinh tế quốc tế và khu vực phức tạp, hàm chứa yêu cầu thế thệ mới cải cách.
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông thừa nhận, Việt Nam đang đối mặt với tình trạng tốc độ tăng trưởng giảm sút và lạm phát luôn ở mức cao. Bên cạnh đó, các cân đối vĩ mô chưa vững chắc, nợ nước ngoài và nợ công ở mức cao, và nợ xấu ngân hàng có xu hướng gia tăng. Những yếu tố này cho thấy, bất ổn vĩ mô luôn là vấn đề của Việt Nam trong mấy năm gần đây.
.