“Mô hình trường học mới” (VNEN) là kiểu dạy học áp dụng việc đổi mới sư phạm, trong đó nổi bật là quá trình cùng nhau tự học, tự quản, tự đánh giá của học sinh dưới sự tổ chức linh hoạt của giáo viên, từ đó dần hình thành và phát triển các tính cách phù hợp các mục tiêu giáo dục hiện đại, nhân văn.
Trao đổi với VietNamNet, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, sau 2 năm thực hiện, Bộ GD-ĐT chủ trương nhân rộng mô hình này tại Việt Nam.
Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, trực tiếp chỉ đạo triển khai thực hiện mô hình VNEN, ông có đánh giá gì về kết quả thí điểm thời gian qua?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Tuy mới triển khai trong một thời gian ngắn nhưng mô hình VNEN đang từng bước khắc phục những hạn chế như dạy theo lối truyền đạt kiến thức một chiều, nặng về dạy chữ, nhẹ về dạy người,v.v. Theo mô hình này, học sinh chủ động học tập và thường xuyên rèn luyện phương pháp tự học. Đây là tiền đề cho việc xây dựng xã hội học tập.
Thêm nữa, học sinh được tự quản, được rèn luyện kỹ năng sống trong tập thể, kỹ năng giao tiếp, đặc biệt là kỹ năng hợp tác, chia sẻ với nhau. Việc học không chỉ mang đến kiến thức, rèn kỹ năng sống, mà còn hình thành đạo đức, nhân cách cho các em thông qua các hoạt động trải nghiệm trong lớp học và ngoài xã hội.
Mô hình này đáp ứng được nhiều yêu cầu của công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, bước đầu đã được ứng dụng có hiệu quả ở các địa phương.
Nhiều Sở GD-ĐT đã thấy mô hình này có tác dụng tốt và đã chủ động nhân rộng ra các trường không phải là đối tượng được thụ hưởng dự án.
|
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển. (Ảnh:V.Chung)
|
Khi đi vào thực tế, với cách dạy, cách học, cách đánh giá mới của Mô hình VNEN đang vấp phải không ít khó khăn từ đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất trường lớp. Điều này sẽ được tháo gỡ ra sao?
Qua tham dự hội thảo của các khu vực và trực tiếp tới nhiều trường học thực hiện mô hình VNEN, lắng nghe tâm tư của anh chị em cán bộ giáo viên, chúng tôi thấy khó khăn còn nhiều.
Không chỉ là các điều kiện như: trường lớp còn hạn hẹp, số lớp tổ chức học 2 buổi/ngày còn ít hay sĩ số học sinh trên một lớp còn cao khó tổ chức học sinh học tập theo nhóm, mà cái khó lớn nhất chính là năng lực của đội ngũ, và sâu xa hơn còn là nhận thức chưa đầy đủ, chưa đồng đều. Bởi tư duy cũ về cách dạy theo lối truyền thụ một chiều đã ăn sâu, không dễ từ bỏ trong ngày một ngày hai, phải có thời gian.
Chưa kể cha mẹ học sinh, cộng đồng, lâu nay vẫn có tâm lý “trăm sự nhờ thầy”, nên sự hỗ trợ nhà trường chỉ dừng ở việc đóng góp hỗ trợ về kinh phí, chứ chưa có thói quen “làm bạn cùng con” trong việc học, nhất là việc hỗ trợ các con giải quyết các bài tập ứng dụng trong cuộc sống.
Hay như, hoạt động đánh giá , trước đây giáo viên chỉ cho điểm là xong, thậm chí chẳng có lời phê, chẳng sửa sai, hoặc nếu có thì cũng rất ít, bây giờ thì khác.
Tôi cho rằng việc thay đổi nhận thức, thay đổi cách làm cũ là khó khăn nhất. Khó khăn còn nhiều, nhưng chúng tôi rất mừng là ngay cả những nơi khó khăn nhất như miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Tây Nguyên đều đã và đang áp dụng mô hình mới hiệu quả.
Với khả năng tự học không đồng đều của học sinh, lại học theo nhóm và để học sinh tự quản, rất dễ “bỏ quên” học sinh yếu và như thế khó tránh khỏi tình trạng “HS ngồi nhầm lớp”. Ông chia sẻ những lo ngại này ra sao?
Điều đầu tiên phải khẳng định, mô hình VNEN là để thích ứng với từng em học sinh, có người gọi là giáo dục "cá thể hóa".
Nếu học sinh nào đang khó khăn, giáo viên dành thêm thời gian để giúp. Nếu em học sinh đó vẫn khó khăn mà không theo được, thì thậm chí giáo viên cho học sinh này học chậm hơn các bạn cũng được. Các bạn có thể học sang bài 2, em này vẫn học bài 1 cũng không sao, kể cả cuối năm học, tất cả các bạn trong lớp hoàn thành hết rồi, mà có một vài em chưa hoàn thành, vẫn được, bởi vì khả năng của em chỉ có vậy.
Nhưng, trong quá trình này, giáo viên phải tìm cách phụ đạo, dạy bù, tìm mọi cách giúp từng em tiến bộ mỗi ngày, từng bước tiếp cận được với các bạn đã “đi trước”.
Phải như thế mới không bỏ sót những học sinh yếu kém và như thế mới không để xảy ra chuyện học sinh lên lớp trên rồi vẫn chưa biết đọc, biết viết mà xã hội vẫn gọi là ngồi nhầm lớp.
Tương tự, những học sinh giỏi, có tốc độ học tập nhanh hơn, thì đồng thời với việc em này giúp đỡ, hướng dẫn các bạn trong nhóm làm việc, còn được cô giáo cho thêm bài nâng cao.
Mặc dù đạt được những kết quả khả quan, nhưng hiện tại mới có chưa đầy 10% tổng số trường tiểu học trong cả nước được thụ hưởng dự án VNEN. Vậy Bộ GD-ĐT có chủ trương nhân rộng mô hình này không?
Thực tế, 257 trường trong cả nước tự nguyện áp dụng toàn phần và hàng trăm trường khác áp dụng từng phần mô hình VNEN mà không được hỗ trợ kinh phí của dự án, đã minh chứng cho sức sống và tính bền vững của nó.
Vì vậy, các Sở GD-ĐT phải suy nghĩ nghiên cứu để có kế hoạch, giải pháp nhân rộng cách làm của dự án này.
Hiện nay, những trường trong diện nhân rộng là những nơi tự nguyện rồi, nhưng còn 1.447 trường đang được thụ hưởng dự án, thì phải có giải pháp ngay để sau khi dự án kết thúc vẫn duy trì tốt hoạt động.
Cần xác định rõ nhà trường phải làm gì, giáo viên làm gì, việc gì phải huy động sự tham gia của gia đình, cộng đồng, xã hội hóa giáo dục.
Bộ GD-ĐT rất khuyến khích tiếp tục nhân rộng, cùng với quá trình rút kinh nghiệm. Điều cần lưu ý là không nhân rộng một cách máy móc, mà tùy theo điều kiện, hoàn cảnh, có thể nhân rộng toàn bộ hay nhân rộng từng phần theo mô hình trường học mới.
Vừa qua, nhiều phụ huynh học sinh đã kiến nghị sớm nghiên cứu nhân rộng mô hình này ra không chỉ ở tiểu học mà cả THCS. Trước đòi hỏi đó, Bộ GD&ĐT đã chuẩn bị triển khai mô hình này ở cấp THCS và bắt đầu từ năm học 2014-2015 thực hiện thí điểm ở lớp 6 tại 24 trường thuộc 6 tỉnh: Lào Cai, Hà Giang, Hòa Bình, Kon Tum, Đắc Lắc, Khánh Hòa.
Trong nhiều giải pháp đưa ra để triển khai thực hiện mô hình VNEN, đâu là giải pháp ưu tiên?
Trong nhiều giải pháp thì vai trò quản lý, công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên phải được coi trọng, ưu tiên và phương pháp quản lý, phương pháp tập huấn giáo viên phải khác trước.
Tinh thần chung là tăng quyền chủ động cho nhà trường, cho giáo viên, khuyến khích sáng kiến cải tiến sinh hoạt chuyên môn theo tổ nhóm, chủ động điều chỉnh nội dung dạy học khi thấy có những điều chưa ổn, chưa hợp lý trong tài liệu dạy học, quan điểm là vì lợi ích học trò, thấy làm thế nào tốt hơn thì mình làm. Cho nhà trường, giáo viên được tự chủ cao hơn, miễn sao đạt được chất lượng tốt, chứ không quản lý theo kiểu “trên nói thế nào là dưới phải làm y như thế” hoặc ở cấp dưới cái gì cũng phải xin phép cấp trên.
Từng cấp, từng người phải biết mình có quyền gì để làm cho tốt hơn, thì mình cứ chủ động với "tinh thần VNEN", nghĩa là tăng cường hoạt động tự học, tự nghiên cứu và chia sẻ kinh nghiệm, đi sâu vào những vấn đề thiết thực, căn cốt của mô hình mới. Đó là những thay đổi về cách dạy, cách học,cách thức tổ chức lớp học, cách kiểm tra đánh giá và cách phối hợp tham gia của phụ huynh học sinh, cộng đồng vào các hoạt động giaó dục.
Năm học 2014-2015, số trường tự nguyện nhân rộng toàn phần mô hình VNEN lên tới hơn 800 trường. Đây là tín hiệu vui về sức sống của mô hình, nhưng cũng phải đề phòng tình trạng “làm theo phong trào”?!.
Đây thực sự là điều trăn trở của những người làm giáo dục. Mô hình trường học mới mặc dù đã đạt được kết quả bước đầu rất khả quan, nhưng bước đi phải chắc chắn, phải đúng hướng thì mới đạt hiệu quả tốt được.
Quan điểm của Bộ GD&ĐT là điều kiện đến đâu, thực hiện chắc chắn đến đó, không nóng vội. Việc nhân rộng mô hình, có thể toàn phần hay từng phần là do các địa phương,nhà trường tự quyết định, miễn là phát huy tốt nhất năng lực sẵn có của học sinh, giáo viên, nhà trường và các lực lượng xã hội trong hoạt động giáo dục, góp phần hình thành phẩm chất, năng lực cho thế hệ trẻ.
Một điều quan trọng là học cách làm của dự án để duy trì và nhân rộng. Nghĩa là làm thế nào để khi kết thúc, cách làm này vẫn được tiếp tục ở những chỗ đã làm, đồng thời phải nhân rộng sang những nơi chưa được thụ hưởng dự án.
Muốn vậy, phải tiếp tục thông tin để nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận cao trong trong ngành và toàn xã hội, đặc biệt làm cho phụ huynh học sinh và cộng đồng hiểu đúng về mô hình để họ đồng hành cùng con em, cùng nhà trường thực hiện sứ mạng dạy chữ - dạy người trong giáo dục.
Tôi tin rằng, với sự vào cuộc chủ động và tích cực của các nhà trường, từng gia đình và toàn xã hội, Mô hình trường học mới sẽ là một trong những cách thức được lựa chọn khi triển khai chương trình giáo dục mới.
Trân trọng cảm ơn thứ trưởng!