Nghe tên và biết chiến công của ông từ lâu nhưng mãi đến gần ngày kỉ niệm 50 năm đánh thắng trận đầu (5/8/1964 - 5/8/2014), chúng tôi có dịp đến nhà ông Trần Ngọc Thái ở khối 10 phường Bến Thủy, TP Vinh, tỉnh Nghệ An. Sinh năm 1944, thương binh 2/4 nhưng sức khỏe ông vẫn tốt, giọng nói sang sảng, dù phải đi lại bằng nạng tác phong của ông vẫn nhanh nhẹn. Ông kể lại câu chuyện bắt tên Trung tá phi công Mỹ 46 năm trước…
Đầu thập kỉ sáu mươi thế kỉ trước, thấy bạn bè cùng trang lứa lần lượt trở thành Bộ đội Cụ Hồ, ông đứng ngồi không yên, mấy lần viết đơn xin nhập ngũ và thấp thỏm chờ đến lượt. Dò hỏi mới biết vì là con trai duy nhất nên ông chưa được nhập ngũ, mà ở nhà tham gia Đội thủy lợi. Khi đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, Đội thủy lợi của ông được trực đón lõng máy bay Mỹ sau khi đánh phá các mục tiêu trên địa bàn thành phố Vinh, hạ độ cao bay ra biển. Trận địa ở đoạn đê La Bích (nay là đường ven Sông Lam) cách nhà ông một cánh đồng nhỏ.
Chiều tối ngày 6/9/1968 khi ông đang cùng ông Phùng và ông Vinh trực chiến thì máy bay Mỹ đánh phá ác liệt nhiều điểm trên địa bàn thành phố Vinh. Tiếng bom nổ, tiếng các loại đạn pháo phòng không của bộ đội chủ lực, dân quân du kích đánh trả chát chúa, làm sáng cả một vùng trời. Đến 21 giờ, qua ánh sáng của bom đạn, tiếng gầm của động cơ, các ông phát hiện một chiếc máy bay lao ra hướng biển với làn khói đen đặc phía sau. Vừa chợt nghĩ máy bay đã trúng đạn cũng là lúc các ông phát hiện hai chiếc dù trắng bung ra, một bay về hướng Bắc, một bay về hướng Nam. Dự đoán tên giặc lái vừa nhảy dù sẽ rơi xuống bãi bồi giữa hai nhánh của Sông Lam, ông khoác khẩu tiểu liên K50 (hiện được trưng bày tại Nhà truyền thống), dặn đồng đội ở lại trực chiến rồi ôm cây mét lao xuống Sông Lam, không ngần ngại đang mùa mưa nước dâng cao, chảy xiết. Đặt chân lên mép phía Tây Bãi Soi của xã Xuân Giang (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) ông lợi dụng địa hình, địa vật nhanh chóng tiếp cận tên giặc. Trên đầu, nhiều chiếc máy bay phản lực quần đảo, vãi đạn một vòng tạo “bức tường lửa” bảo vệ. Pháo sáng chúng thả sáng rực một vùng. Chiếc trực thăng bay đến làm cỏ cây rạp đổ. Bọn trên máy bay tung thang dây xuống cứu phi công. Quyết không để nó chạy thoát, ông vụt áp sát tên phi công. Thoáng thấy ông, nó bắn liền hai phát nhưng không trúng. Tình huống chỉ tính bằng giây, ông bình tĩnh chuyển chế độ khẩu tiểu liên về bắn phát một và bắn luôn. Viên đạn trúng tay tên giặc làm khẩu súng ngắn văng xa. Nó rống lên một tiếng. Ông hô to “Giơ tay lên!”. Tên phi công cố bám vào thang dây leo lên máy bay. Ông xông lại dùng báng súng đánh mạnh vào cánh tay làm tên phi công chới với ngã, vừa trúng cái máy phát tín hiệu đang kêu tít, tít đeo ở gần vai của nó. Mất tín hiệu liên lạc, máy bay trực thăng và phản lực của giặc Mỹ lượn thêm mấy vòng rồi bay ra biển. Lúc này, tên phi công mới ngoan ngoãn làm theo lệnh của ông. Ông bắn hai phát lên trời báo hiệu, những người đang trực chiến ở bến 33 phà Bến Thủy và các lực lượng khác có mặt cùng ông áp giải tên giặc lái giao cho các cơ quan chức năng. Nó có tên Cốt Cây, Trung tá phi công.
Dừng lại một chút, ông Thái kể tiếp. Không biết các cơ quan chức năng có khai thác được thông tin gì quan trọng từ giặc lái Cốt Cây hay không nhưng sau đó ông được viết bản thành tích đi báo cáo điển hình. Năm 1970, ông làm đơn xin nhập ngũ. Lúc đầu biên chế vào Tiểu đoàn 40 của Bộ Chỉ huy Quân sự Nghệ An. Sau là Đoàn 270 vận tải, phục vụ ở chiến trường Quảng Trị. Năm 1973, khi đang làm nhiệm vụ ông bị thương cụt một chân. Vết thương tạm ổn, ông rời quân ngũ theo chế độ phục viên về quê xây dựng gia đình. Hiện tại, 4 con của ông đều đã trưởng thành, có việc làm ổn định. Vợ chồng ông vui tuổi già bên con cháu.
Nhiều người dân phường Bến Thủy ở độ tuổi “xưa nay hiếm” đều có cùng ý kiến: “Sau hành động dũng cảm ấy của Trần Ngọc Thái, nhân dân suy tôn ông là anh hùng. Ông đã noi theo các anh hùng Lê Mao, Lê Viết Thuật… viết tiếp trang sử vẻ vang của Yên Dũng Hạ trước đây, phường Bến Thủy ngày nay, nơi từng vang lên tiếng trống Đồng Mô những năm 1930 – 1931″.